Cuộc đời là những chuyến đi
Gần nhau rồi lại chia ly, lẻ thường
Tôi không bao giờ nghĩ cái ngày chia tay hai mẹ con Bé Liên đến nhanh như thế. Mấy ngày nay hai mẹ
con quấn quýt bên tôi, môi cười mà ánh mắt rưng rưng. Tình cảm chứa chan trong lòng, tôi nhận ra, thật
khó mà lấy nụ cười để lấp đầy nỗi buồn chia tay.
Tên cô bé là Phạm thị Kim Liên, cháu gọi tôi bằng cô ruột. Ngày bé Liên về trong vòng tay ấm của tôi và
ba Hiệp bé chỉ mới 17 tháng. Thương đứa cháu gái chào đời trong cảnh cha mẹ không được ấm êm,
đường ai nấy đi, vợ chồng tôi đã cưu mang cháu giữa những khó khăn ngày chúng tôi mới tập làm cha
mẹ. Thuở ấy cu Hoà con trai đầu của chúng tôi cũng mới 18 tháng. Coi như tôi một lần thai nghén, một
lần sanh mà có được hai đứa con cùng tuổi.
Lúc nhỏ bé Liên dễ thương, da dẻ hồng hào, hai má lúm đồng tiền rất duyên, bé và Hoà cùng tuổi, cùng
lớn lên chung một mái nhà. Khi cu Hòa bập bẹ tiếng "Ba, ... ba" thì bé Liên cũng ngọng nghịu gọi: "Mẹ,
... mẹ". Vợ chồng tôi nhìn nhau hạnh phúc. Đến tuổi đi nhà trẻ, tôi xin cho hai đứa cùng đi chung một
nhà trẻ, sáng đưa đi, chiều đón về. Mọi người xung quanh cứ ngở rằng tôi có một cặp sinh đôi hoàn hảo
nên lúc nào gặp mấy mẹ con tôi đều trầm trồ ngưỡng mộ, tôi rất vui và tự hào trong lòng. Mặc dù hằng
ngày phải lo công việc buôn bán kiêm luôn nội trợ, nhưng tối nào tôi cũng tranh thủ dạy con học bài, cầm
tay tập cho Liên cũng như cho cu Hòa viết những nét chữ ngoằn ngoèo đầu tiên trong đời. Trong lòng tôi
chưa bao giờ xem Liên là cháu, lúc nào tôi cũng nghĩ nó là con gái của mình, tận tâm, tận lực lo lắng cho
con với tình thương bao la của người mẹ. Đồng hành với tôi, người trực tiếp dạy dỗ, uốn nắn bé Liên nên
người là Hiệp, người bạn đời của tôi. Anh luôn hết lòng yêu thương chăm sóc Liên như con gái ruột của
mình, đôi khi trẻ con có tranh cải nhau, anh bênh vực Liên nhiều hơn Hoà, anh nghĩ bé Liên đã thiếu tình
thương của cha mẹ nó nên anh cố gắng bù đắp một phần mất mát đó cho con để bé khỏi tủi thân. Bé
Liên lớn dần và trưởng thành, ngoan ngoãn trong tình yêu thương của tôi và Hiệp, hòa thuận với anh chị
em trong nhà. Giữa Liên và các con tôi chưa bao giờ gây gổ vì ganh tỵ hay hờn giận nào to tát. Tất cả
sống vui vẻ trong một gia đình đầm ấm, thật hạnh phúc. Bé đã không phụ lòng của tôi và Hiệp, Liên rất
chăm và học khá giỏi. Càng lớn thì càng xinh và tánh tình tỏ ra rất cứng cỏi, có bản lãnh. Bé ít khi nào
khiến vợ chồng tôi phải rầy rà hay la mắng. Chỉ có một lần duy nhất, bé Liên thích cắt tóc ngắn, ba Hiệp
là người đàn ông cổ, trong mắt anh, con gái, phụ nữ là phải có mái tóc dài. Thế nên khi bé Liên rụt rè xin
Ba cho đi cắt tóc ngắn, Hiệp không đồng ý. Thậm thụt tới lui, nói thế nào ba Hiệp cũng không chịu, thế là
bé Liên lén lút ra tiệm cắt đi mái tóc dài tha thướt mà ba Hiệp rất ưng ý, thay vào đó bằng mái tóc ngắn
hợp thời trang. Về đến nhà, quá sợ sự nghiêm khắc của ba Hiệp nên bé Liên đã lấy mũ lưởi trai đội lên, ba
Hiệp nhận ra, thế là đùng đùng nổi giận phạt đứa con gái không biết nghe lời bằng một trận đòn. Anh nói
với tôi rằng bé Liên là đứa con gái lớn trong nhà, không nghe lời ba mẹ thì làm sao cho các em noi gương.
Đó là lần duy nhất mà Liên bị đòn. Học xong trung học, Liên cố gắng rèn luyện, sau đó được tuyển vào
đại học ngoại ngữ Đà Nẵng. Vừa đi học ban ngày Liên vừa học thêm ngành kế toán ban đêm vì thời đó
kinh tế thị trường mở cửa, ngành kế toán đang lên.
Sau khi ra trường và có công việc ổn định, Liên gặp người bạn trai vừa ý và lập gia đình sau đó không
lâu. Một bé trai chào đời rất kháu khỉnh, tôi và Hiệp thầm mừng trong lòng, cám ơn Trời Phật đã cho con
tôi niềm hạnh phúc, niềm vui trong cuộc sống bù đắp những mất mát về tình cảm gia đình mà hai đấng
sinh thành gây ra khiến bé phải gánh chịu. Liên chịu khó làm ăn, vun xén cho tổ ấm nhỏ của mình nhưng
bất hạnh lại gặp người chồng ham vui chơi, không có bản lảnh, trăm sự đều dựa vào vợ. Một người phụ
nữ dù cứng cỏi, xốc vác cở nào cũng khó mà chấp nhận, chia tay là điều khó tránh. Niềm vui của tôi và
Hiệp chưa bao lâu thì vụt tắt, khi nghe Liên tuyên bố muốn ly hôn. Tôi và Hiệp ngăn cản, khuyên giải thế
nào cũng không được. Thế là định mệnh đã sắp đặt, Liên lại vô tình đi theo vết xe đổ của ba mẹ nó. Chia
tay người chồng vô trách nhiệm, nhà cửa tài sản Liên giao hết lại cho nhà chồng, ra đi vỏn vẹn chỉ có
cuốn sổ tiết kiêm trị giá năm chục triệu, là món quà Ba Hiệp đã cho con gái làm của hồi môn, ngày đám
cưới. Một thân một mình, lăn lộn giữa đời để kiếm sống, đứa con trai nhỏ giao cho ông bà nội nuôi
dưỡng. Liên chu cấp và viếng thăm đều đặn. Tôi và Hiệp nhìn con mà xót xa trong lòng. Tuy biết tánh
Liên nguyên tắc và cứng cỏi nhưng làm mẹ, tôi vui sao được khi đứa con giỏi giang lanh lẹ, ngoan ngoãn
của mình lại không có được chút hạnh phúc đời thường mà bao nhiêu người phụ nữ mơ ước? Câu hồng
nhan bạc mệnh trong trường hợp này quả không sai.
Với bản lãnh sẵn có, với trình độ học vấn, giao tiếp lanh lẹ và nhiệt huyết, sự nhạy bén của tuổi trẻ, Liên
đã nhanh chóng thành công trong cuộc sống. Từ một gian hàng áo quần thời trang Liên dần dà kiếm
những mối quan hệ khác, làm kế toán cho một cơ sở nhập rượu từ Pháp về, những loại rượu nổi tiếng.
Chẳng mấy chốc Liên dành dụm sắm được nhà, xe ... lúc đó Liên mới ngoài ba mươi tuổi. Chúng tôi vẫn
theo dỏi những bước đi của Liên từ ngày rời gia đình. Khi Bé Hảo con gái tôi đi du học, biết tôi hay buồn
nhớ nên Liên thường ghé nhà thăm hỏi, an ủi, rất hiếu thảo với người cô, người mẹ đã chăm sóc mình từ
nhỏ. Mỗi khi tôi cần gì là con có mặt ngay, ân cần chăm sóc mẹ chu đáo. Biết tôi có bịnh hay đau nhức
đôi chân, lúc trái nắng trở trời con đều về bóp chân cho mẹ. Những hành động nho nhỏ đã nói lên được
tình cảm sâu đậm của người con đối với mẹ. Chính vì thế, lòng tôi luôn xem Liên là con gái của mình.
Không những thế, đối với ba Hiệp và các em cũng vậy, lúc nào Liên cũng ân cần chu đáo.
Thấy con gái nửa đường gảy gánh, tơ duyên không tròn, tôi và Hiệp luôn cầu mong cho con gái mình tìm
được người vừa ý để nương tựa, sớm hôm bầu bạn .... Ông Trời đã không phụ lòng người, qua sự giới
thiệu của người ban trong hội tennis, Liên đã gặp một chàng trai đến từ Cali, có hoàn cảnh giống nhau, hai
đứa đã cảm thông, nảy sinh tình cảm và đến với nhau. Hai gia đình sau đó cũng có buổi gặp mặt để Minh
chính thức trở thành người đàn ông trao cho Liên bờ vai để dựa trong đoạn đường đời sau này. Hồ sơ,
thủ tục hoàn tất nhanh chóng, Liên sẽ đưa con trai cùng rời Việt Nam đi Mỹ với sự đồng ý của người
chồng cũ và gia đình. Vợ chồng tôi đón nhận tin này trong buồn vui lẫn lộn. Ba Hiệp nhậu say bí tỉ mấy
ngày liền khi nghe tin hai mẹ con bé Liên đã đậu phỏng vấn và vé may bay cũng sẵn sàng mang hai niềm
yêu thương của chúng tôi rời xa nửa vòng trái đất. Phần thì nhớ những đứa con đã xa, phần thì buồn vì
sắp phải chia tay Liên và cu Bảo, Anh cứ lảm nhảm: "Hết đứa này đi, tới đứa khác đi, mấy đứa con bỏ ba
mẹ đi hết!" Tôi nghe mà đứt ruột.
Đưa Liên và cháu ngoại ra sân bay, cũng như những lần trước tôi tiễn Hòa, Hảo, Qúy ra đi, cảm giác mất
mát khiến tôi thấy buồn nhiều hơn vui. Ba Hiệp tỉ mỉ dặn dò, gởi lời nhắn đến các con, Hòa, Hảo, Liên,
Qúy tiếp tục đùm bọc nhau như những ngày cùng chung tổ ấm, được vậy Ba mẹ mãn nguyện rồi.
Tiễn con đi như tiễn sáo sang sông, chuyến đò tình thứ hai trong đời Liên, tôi cầu mong cho con cập
được bến nước trong. Lời dặn dò, khuyên bảo nào tôi cũng đã nói xong, với nỗi lòng của một người mẹ,
tôi mong cho con sáo nhỏ của tôi sẽ tìm được một tổ ấm. Tôi tin Liên sẽ là một người vợ tốt vì tôi biết
Liên là một người phụ nữ biết người biết ta, có bản lãnh, có một cái tâm trong sáng.
Trong nỗi buồn mất mát, nhớ thương tôi chỉ biết cầu nguyện cho các con tôi gặp nhiều may mắn nơi xứ
xa.
Cầu cho con sáo sang sông sẽ không như câu hát ... sổ lồng bay xa!
Phạm thị Ba
Đà Nẵng 12/5/14