Thằng Thừa lên ba thì mồ côi mẹ. Bố là công chức phải đổi đi làm việc ở miền cao nguyên xa xôi. Một mình, không thể trông coi cả ba anh em nên bố đã cho nó cùng anh và em gái vừa hơn một tháng tuổi, về sống với bà nội và chú bác ở quê nhà. Năm lên bốn bà nội xin cho nó đi học trường làng cùng với anh. Thầy giáo Phái từ làng trên xuống, thấy nó mũm mĩm, dễ thương và lớp học còn chỗ trống nên nhận nó vào học lớp Vỡ lòng dù nó chưa đến tuổi. Thầy thương yêu nó như con như cháu. Có lần thầy Phái phải làm nghiêm la rầy để ngăn tiếng cười của cả lớp vì chẳng biết nó nghĩ thế nào mà đã mang quyển vở trắng tinh với cục cứt thằn lằn bên trên lên bàn thầy, kiện con thằn lằn nào đó trên mái nhà đã chơi xấu nó. Không có tiếng rẩy của Thầy thì chắc nó đã khóc oà ra trong lớp.
Trường tiểu học Dưỡng Mong có hai gian: một gian dùng cho lớp Vỡ lòng và lớp Năm và một gian là lớp Tư chung với lớp Ba. Trường xây bằng gạch, mái lợp tranh, trường dựng trên một khoảnh đất hình chữ nhật không mấy rộng rãi. Phía trước trường có sông Bình Lục chảy ngang qua, sau lưng trường có giếng nước trong của làng và bên phải là chùa Phật Bà. Con sông, giếng nước, chùa làng là những nơi bọn học trò thường tụ tập chơi đùa, phá phách trong giờ chơi và nhất là trong các buổi thầy giáo nghỉ bất ngờ. Trường tuy dành cho cả ba làng: Dưỡng Mong, Vinh Vệ, và Chiếc Bi nhưng số học sinh cọng lại chỉ trên dưới một trăm và toàn là con trai. Trường không có nhiều học sinh vì cha mẹ phần đông đều nghèo và không có ý định cho con học lên cao. Biết đọc, biết viết là được. Năm ba chữ cũng được. Học nhiều làm chi vì rồi cũng cày cũng cuốc mà thôi. Vả lại đi học lên cũng khó. Muốn học lên, học sinh tuy mới trên dưới mười tuổi, phải thức dậy thật sớm để đi bộ bốn năm cây số đến trường Thế Dạ hay băng qua đồng lúa đến trường huyện Phú Vang. Hai trường này mới có lớp Nhì và lớp Nhất. Chẳng mấy đứa trẻ trong làng học xong lớp Ba. Đậu được bằng sơ lược (xong lớp Ba) cũng coi như đã giỏi rồi.
Thằng Thừa học sinh nhỏ nhất trong trường và cũng ít nói nên chẳng có mấy đứa thích chơi với nó. Anh nó và mấy học sinh lớn có họ hàng thỉnh thoảng cũng trông chừng đến nhưng cốt để nhắc nhở nó đứng yên một chỗ hay tránh xa bọn học sinh lớn đang đánh cù, đánh căng, đấm đá, vật lộn, đá banh hay u mọi, ... tránh khỏi đụng chạm.
Giờ tan học thằng Thừa cố gắng đuổi theo mấy đứa lớn tuổi ở chung xóm để cùng về, nhưng cặp giò ngắn ngủi và yếu đuối của nó đuổi mãi cũng không kịp. Anh nó ham vui đã nhập bọn với những thằng lớn tuổi để lại thằng em nhỏ một mình lẽo đẽo. Trời về chiều mát mẻ, chẳng có du côn, du đảng đe dọa, chẳng có mẹ mìn bắt cóc nên nó cũng không sợ sệt, cứ chậm rãi đi về nhà. Nó men theo con đường đất nhỏ chạy theo dòng sông. Một con chim bói cá, cánh xanh, mỏ đỏ, lắt lẻo đầu một ngọn cây sà trên mặt nước. Nó dừng lại nhìn con bói cá cùng con chim yên lặng chờ đợi. Chợt con bói cá lao mình xuống mặt nước rồi bay vút lên, trong mỏ ngậm một con cá nhỏ trắng phau. Nó lại tiếp tục đi, chăm chú nhìn những con đò dọc từ Truồi, Thanh Lam hay Cầu Ngói ngược về An Cựu, Đập Đá, ... Những tấm bòng che nắng làm bằng đệm lác trắng làm cho những chiều thuyền trông có vẻ dịu dàng, thân mật. Nó mê say nhìn bóng chiếc đò dao động dưới mặt nước. Chiếc đò và người trên đò như bị lật ngược lại bóng chiếc đò và cái bóng huyền ảo trôi đi. Mái chèo trên và dưới nước nhịp nhàng khua động cùng một lượt. Tiếng hò khoan thai của người chèo đò gợi lên một thế giới mênh mang giữa khung cảnh yên lành và bình dị.
Bên kia sông là làng Công Lương. Có bóng dáng một ngôi nhà nguyện công giáo cũ kỹ. Một vài soeur đội khăn trắng, mặc áo quàng đen vào ra. Đối với thằng Thừa cũng như với bọn học sinh nghịch ngợm trong làng thời bấy giờ, họ là những người xa lạ, từ một thế giới xa xôi nào lạc tới. Và cũng xa lạ không kém làng Công Lương bên kia sông với cánh đồng lúa mênh mông chạy dài đến tận dãy núi Giăng Màn. Tuy chỉ cách Dưỡng Mong một con sông hẹp nhưng bọn học trò nhỏ chúng tôi chưa bao giờ đặt chân đến nên cứ tưởng tượng đó là một miền đầy bí hiểm.
Thằng Thừa đi ngang khóm tre ngà rậm rạp. Chẳng biết ai trồng và trồng từ bao giờ nhưng làng có lệnh rất nghiêm không ai được đốn phá. Thân tre cao vút, to lớn mọc chằng chịt, gai góc rậm rạp trông rất hoang vu. Vỏ tre màu vàng vàng, có lẽ vì đó mà gọi là tre ngà. Tre ngà thường dùng vào việc làm các cây cầu khỉ hay cầu tay vịn như dân làng thường gọi, vắt vẻo ngang những con hói (lạch) nhỏ. Chỉ cần một thân tre ngà to lớn và đủ dài nối liền hai bờ hói với một tay vịn đơn sơ làm bằng những thân tre nhỏ nối lại, buộc vào phần trên các cây cọc đỡ thân là ngà, là đã có một cây cầu cho những người bộ hành, nông phu gánh lúa hay vác những chiếc xe đạp nước nặng nề qua lại.
Nó chợt rùng mình vì chợt nhớ chuyện con Danh. Nơi đoạn sông này, sau bờ tre kín đáo, con Danh, một đứa con gái trong làng, chừng mười một, mười hai tuổi đi vớt rong để nuôi lợn đã chết đuối ở đây. Nó trở thành con ma-rà quanh quẩn quanh khúc sông này và hàng năm kéo xuống theo nó những đứa trẻ dại dột bơi lạc vào đây.
Từ những cây cổ thụ trước đình làng, cách khóm tre ngà không xa, có tiếng chim tu hú buồn buồn vọng lại. Thằng Thừa cất tiếng nhại theo: - Tù hú … Tiếng chim đáp lại như thách thức: tù hú, tù hú … Thằng Thừa lại nhại theo tiếng chim. Tiếng chim và tiếng nhại mỗi lúc một dồn dập. Tiếng nhại càng lớn tiếng chim càng to. Tiếng nhại cành nhiều tiếng đáp lại càng vội vã. Không thấy bóng chim đâu nhưng hình như chim cứ đuổi theo nó mà tranh tiếng mãi cho đến lúc nó về đến nhà và không nhại theo nữa. Vào nhà nó không thấy một ai. Anh nó ham chơi đã mang trái banh rơm xuống dưới Lường đá cùng bạn; Bà nội thì còn bận tỉa mấy hàng rau lang sau vườn. Nó lục nồi cơm nguội, bốc một miếng thật lớn bên hông, nhai vội rồi lăn ra trên chiếc phản gỗ ngủ một giấc ngon lành. Trong giấc ngủ nó mơ thấy tiếng chim tu hú thách thức và nó đã đáp lại dòn dã.
Ngày ấy cách đây đã hơn tám mươi năm. Từ đó nó đã trải qua thật nhiều cảnh ngộ, nghe thật nhiều và thấy cũng thật nhiều bao nhiêu đổi thay, thăng trầm, oan ức và đau thương trong quê hương cũng như trong cuộc đời của nó. Nó cũng đi đó đi đây thật nhiều, từ quê lên Huế, ra Bắc vào Nam, đi Nhật, đi Tàu, đi Mỹ … và giờ đây nó đã trở thành một ông già lụ khụ, ước ao được nghe lại tiếng chim tu hú trên mấy cây cổ thụ ở bãi Đam Đãm (*) trước đình làng. Nhưng chẳng có một tiếng chim nào vọng lại, chỉ nghe vời vợi không gian.
* Đam Đãm là tên gọi bãi đất rộng trước đình làng Dưỡng Mong Thượng, quận Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Tương truyền quân của vua Gia Long đã có lần đóng ở đó và tên Đam Đãm là do vua Gia Long ban đặt
Tiếng chim tu hú
Nguồn: Internet