Hoàng Đình Hiếu

Ngày xưa tại kinh thành Huế, bên trong cửa Thượng Tứ, có một toà nhà lớn mà dân chúng quen gọi là Tam Toà. Trước năm 1975, Tam Toà là pháp đình Thượng
thẩm của Miền Trung Việt Nam. Sau năm 1975, Tam Toà được sử dụng như một cơ quan hành chánh của tỉnh uỷ Thừa Thiên-Huế. Kiến trúc Tam Toà vẫn như
cũ, chỉ tu sửa lại chút ít qua những lần hư hại vì chiến tranh. Tựu trung Tam Toà là dấu tích một cơ quan pháp đình ngày xưa, mà có lần tiếng trống từ toà nhà này
đã cứu mạng được một nhân vật lịch sử. Đặc biệt, tiếng trống dõng dạc nổi lên giữa sự yên lắng của kinh thành Phú Xuân lại do một người phụ nữ chất phác Miền
Nam lướt ghe bầu từ Trà Vinh ra kêu cứu, giải oan cho chồng.
Bà Bùi Hữu Nghĩa, qúi danh là Nguyễn Thị Tôn (có sách viết là Võ Thị Tôn), quê ở Trà Vang, huyện Long Hồ, tỉnh Trà Vinh, xưa thuộc tỉnh Vĩnh Long. Chồng
bà, ông Bùi Hữu Nghĩa, còn có tên là Bùi Quang Nghĩa (1807-1872), người làng Long Tuyền, quận Bình Thuỷ, thuộc tỉnh Cần Thơ (trước 1975 là tỉnh Phong
Dinh). Ông có biệt hiệu là Hy Chu, người đương thời thường gọi ông là Thủ khoa Nghĩa, vì ông đã đỗ thủ khoa năm 28 tuổi, khoa thi Hương năm Ất mùi, 1835 tại
Gia Định, dưới triều Minh Mạng năm thứ 15.

Bước đầu ra làm quan, ông Bùi Hữu Nghĩa nhờ đậu thủ khoa nên được đặc cách nhận chức tri huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa, đời vua Tự
Đức (1848-1883). Ít lâu sau, ông được đổi về làm tri huyện Trà Vang (Long Hồ), phủ Lạc Hoá, tỉnh Vĩnh Long. Nhưng trên hoạn lộ, Thủ Khoa Nghĩa đã gặp gian
truân nhiều hơn may mắn. Oái oăm thay, tai ương đến với ông lại do tính cương trực và thanh liêm của chính mình. 
Số là sau khi thất trận ở Cần Giờ trong tháng 2 năm quí mão, 1783 trước lực lượng hùng hậu của Tây Sơn Nguyễn Huệ, Chúa Nguyễn Phúc Ánh, cũng gọi là
Nguyễn Ánh (1780-1802) cùng với các tướng tá của mình, trong số đó có Lê Văn Duyệt, đã chạy thoát thân về đất Ba Giồng, huyện Càn Long, tỉnh Trà Vinh.
Con sông Láng Thé gần các làng Đại Phước, Long Thạnh, Long Thuận ngày nay, xưa là một thuỷ lộ bị che khuất bởi rừng rậm và cây cối um tùm, ít ai biết đến,
không ngờ đã trở thành nơi che chở cho cuộc bôn đào của Nguyễn Ánh. Nhưng quan trọng hơn là dân địa phương hai bên bờ sông, đa phần là người Việt, gốc
Miên (Kampuchia), đã đón tiếp và bảo vệ Nguyễn Ánh và đoàn tuỳ tùng một thời gian dài trước khi hướng dẫn họ ra đảo Thổ Châu gần Phú Quốc để thoát vòng
vây của Tây Sơn. Nhớ ơn cứu nạn này, Nguyễn Ánh đã hứa là khi nào khôi phục được giang sơn và ngôi báu, sẽ cho người địa phương sinh sống dọc theo sông
Láng Thé được hưởng trọn lợi tức thu hoạch được trên dòng sông mà không phải nộp thuế.

Khi Bùi Hữu Nghĩa về nhậm chức tri phủ Trà Vang thì quan Tổng đốc Vĩnh Long là Trương Văn Uyển, tức bố vợ vua Tự Đức, bên cạnh có quan Bố chánh tên
là Truyện (không rõ họ) phụ tá. Do quá tham nhũng nên Tổng đốc Trương Văn Uyển đã bất chấp lời hứa của Gia Long (1802-1819), mà bán độc quyền khai thác
thuỷ sản trên sông Láng Thé cho một nhóm Hoa kiều ở Trà Vinh lúc bấy giờ.
Vốn tính khảng khái và rất mực thanh liêm, tri phủ Búi Hữu Nghĩa đã không ngần ngại đứng về phía dân chài địa phương. Hành động cương trực của ông đã bị
đồng liêu ganh ghét và tìm cách hãm hại, khi cuộc tranh chấp quyền lợi trên sông Láng Thé giữa người địa phương và nhóm Hoa kiều đi đến chỗ quyết liệt, làm
chết mấy mạng người. Sẵn có ác cảm với quan tri phủ Trà Vang, Tổng đốc Uyển và Bố chánh Truyện đã cách chức tri phủ Bùi Hữu Nghĩa, làm tờ trình gởi về
kinh, buộc tội xúi dân làm loạn, gây án mạng, bắt giải về Huế chờ ngày thọ án tử hình.
Đứng trước tình cảnh cô thế, chồng bị hàm oan do bọn tham nhũng ghen ghét, bà Nguyễn Thị Tôn đã âm thầm bán hết tư trang, vòng vàng, lấy tiền thuê một
chiếc ghe buồm, thẳng đường ra kinh đô Huế để được phủ đầu trước Tam Toà trước khi gióng lên ba hồi trống Đăng Văn, quyết minh oan, giải cứu chồng khỏi
bản án tử hình.

Nhiều người nghĩ rằng, luật pháp thời quân chủ, phong kiến thường có nhiều bất công, nghiệt ngã dành cho những ai bị lâm vào cảnh ”vô phúc đáo tụng đình”.
Thật ra, trong tổ chức tư pháp, chế độ quân chủ đã để lại những điểm son đáng ca ngợi, mà tiếng trống Đăng Văn là một nét điển hình mang tính nhân bản, có giá
trị như một xác minh lịch sử đối với hậu thế.

Tam Toà hay Ba Toà quan lớn như người xưa thường gọi là một chỗ hệ trọng. Đối người dân, bước vào cửa quan đã là một chuyện khó. Cầm tờ đơn kêu oan và
vào được Tam Toà trong đại nội thành Phú Xuân không phải là chuyện ai cũng làm được. Nhưng cần ghi nhận rằng, các vua nhà Nguyễn đã nghĩ đến dân, đã mở
ra một cánh cửa, nên dù khó khăn cách mấy thì người dân thấp cổ bé miệng vẫn có lúc được nhờ. Là một nước chuyên về nông, ngư nghiệp, việc thưa kiện
thường xảy ra tại những nơi canh tác hoặc khai thác lợi tức trong một diện tích giới hạn. Và ở đâu có tranh chấp, có thưa kiện là ở đó tất có đút lót, có hối lộ, có
tham nhũng. Nhà nước quân chủ lập ra Tam Toà một mặt có dụng ý hạn chế việc kiện cáo, nhưng mặt khác cũng muốn răn đe lớp quan lại, đừng quá lạm dụng
quyền thế mà lộng hành, vì người dân mỗi khi quá oan ức thì cũng đã có chỗ để kêu cứu.

Cũng nên biết rằng, trước khi có một vụ kiện lên tới Tam Toà thì toà sơ thẩm ở các phủ huyện phải tìm cách giải quyết hai bên nguyên bị, hoặc chiếu luật định mà
xét xử nghiêm minh. Nếu phủ huyện không giải quyết được thì phải đệ lên tỉnh để mở toà phúc thẩm. Ở mỗi tỉnh, quan án sát coi về việc hình, quan bố chánh coi
về việc hộ. Trường hợp bị can liệt vào một trọng tội, từ tội đồ (đi đày) trở lên, phải cấp báo về bộ Hình và tâu trình lên nhà vua.

Do ý niệm thượng tôn pháp luật mà Tam Pháp ty đã được thành lập. Triều Nguyễn đã phối hợp ba cơ quan tư pháp tối cao là Bộ Hình (Tư Pháp), Đô Sát viện
(Viện giám sát) và Đại Lý tự (toà Phá án) để giải quyết thỏa đáng những điều khiếu nại của nhân dân. Chính vua Minh Mạng đã ra quyết định hàng tháng, cứ đến
ngày 6, 16, 26 thì Tam Pháp ty phải mở hội đồng để nhận đơn thưa kiện của bá tánh trong nước. Đàng khác, tại Tam Pháp ty, tức Tam Toà, thường ngày phải có
một trống đại đặt trước cửa, phòng có ai muốn kêu oan điều gì thì tự thân đến gióng lên ba hồi trống cho triều đình biết mà phân xử. Để nhà vua và triều đình khỏi
lầm lẩn tiếng trống đăng văn, sắc dụ cấm ngặt trong hoàng thành không được sử dụng bất cứ một loại trống nào khác. Đó là một nghiêm lệnh tuyệt đối.

Bấy giờ Phan Thanh Giản (1796-1867) đang làm thượng thư bộ Lại. Bà Bùi Hữu Nghĩa đã tìm đến tư dinh quan thượng thư họ Phan, trình bày mọi điều oan ức và
thỉnh ý trước khi đến Tam tòa đánh ba hồi “kích cổ đăng văn”. Nghe tiếng trống, nhà vua (đương tại vị là Tự Đức) cử một trực thần (viên quan trực phiên hằng
ngày) ra Tam Toà nhận đơn. Nhưng trước khi mang tờ đơn của người đánh trống vào nội cho nhà vua duyệt xét, thì viên quan ấy phải trói người đánh trống lại,
giao cho lính canh giữ, để phòng khi có sự lợi dụng việc kích cổ đăng văn mà làm chuyện trái quấy nào khác, thì chính người ấy sẽ bị nghiêm trị đích đáng. Rõ
ràng, qua việc kêu oan, bà Bùi Hữu Nghĩa đã bị triều đình nhà Nguyễn trói lại bằng pháp luật, cũng như chồng của bà đang bị pháp luật của chế độ quân chủ trói
vào bản án tử hình.

Nhưng tiếng trống Đăng Văn của bà Nguyễn Thị Tôn đã mở ra một trang sử đẹp. Bà vừa gióng lên ba hồi kích cổ đăng văn thì tờ đơn của bà đã được một viên
quan chạy ra thâu nhận và dâng lên nhà vua duyệt lãm. Chính vua Tự Đức đã xét lại bản án Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, giao cho Tam Pháp ty nghị án, sau cùng
nhà vua phê lời chung thẩm: Tha tội tử hình, song phải quân tiền hiệu lực, lập công chuộc tội. Bà Từ Dũ (hoàng Thái hậu vua Tự Đức từ năm 1847), lúc bấy giờ
đang ở trong hoàng thành, nghe tin sự cố, lấy làm thương cảm một liệt phụ đồng hương Miền Nam, bèn sai mời bà Bùi Hữu Nghĩa vào cung, hỏi thăm, an ủi và
ban tặng một tấm biển chạm nổi bốn chữ vàng”Liệt Phụ Khả Gia”. Nhờ vợ biết tìm đường kêu oan nên tri phủ Bùi Hữu Nghĩa thoát khỏi án tử hình, chỉ bị sung
vào quân đội để có dịp đái tội lập công.

Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ vào tay thực dân Pháp, nhà vua Việt Nam không còn thực quyền để giải oan cho dân nữa, nên tiếng trống Đăng Văn không
còn và cả Tam Pháp ty cũng bị giải thể. Về sau khi Đồng Khánh lên ngôi vua (tháng 9 năm 1885) muốn phục hồi một truyền thống tốt đẹp của các tiên đế, nên đã
vận động để Tam Pháp ty và tiếng trống Đăng Văn tái hoạt động. Nhưng mãi đến năm 1901 dưới triều Thành Thái (1889-1907) mới có kết quả, nhưng chỉ kéo dài
đến năm 1906 thì hết hiệu lực.

Cứu được chồng khỏi án tử hình, bà Nguyễn Thị Tôn từ giã kinh đô Phú Xuân xuôi ghe về Miền Nam. Có lẽ vì quá lao tâm và vất vả thân xác một thời gian dài,
nên chẳng bao lâu sau ngày hồi hương, bà thọ bệnh và mất tại nhà thân mẫu của mình ở Biên Hòa khi chưa gặp lại chồng đang đóng quân ở một tiền đồn vùng
Châu Đốc.

Khi hay tin vợ qua đời, Ông Bùi Hữu Nghĩa vội vàng xin phép về nhà thì mọi việc tống táng đã hoàn tất. Ông chỉ còn biết sụt sùi đọc một bài văn tế trước mộ
chí, với những lời thống thiết, mô tả nỗi truân chiên của người vợ đảm đang của mình:

                                     Nơi kinh quốc, mấy hồi trống gióng, biện bạch này oan, nọ ức,
                                     Đấng hiền lương mắt thấy thẳy đau lòng!
                                     Chốn tỉnh đường, một tiếng thét vang, hẳn hòi lẽ chánh, lời nghiêm,
                                     Lũ băng đảng tai nghe đều mất vía!

Ở trong nhà, trên đôi câu liễn cạnh bàn thờ vợ, ông viết:

                                     Ngã bần khanh năng trợ,
                                     Ngã oan, khanh năng minh,
                                     Triều dã giai xưng khanh thị phụ!
                                     Khanh bệnh ngã bất dược.
                                     Khanh tử, ngã bất táng,
                                     Giang sơn ưng tiếu ngã phi phu!

Nghĩa là:

                                     Ta nghèo mình hay giúp đỡ,
                                     Ta tội, mình biết kêu oan,
                                     Trong triều ngoài quận đều khen mình mới thật là đáng vợ.
                                     Mình bệnh ta không thuốc thang,
                                     Mình chết ta không mai táng,
                                     Non sông cùng cười ta chẳng xứng gọi là chồng! 

Chúng tôi có dịp về thăm lại Trà Vinh giữa mùa phượng nở, rực rỡ một màu tươi thắm. Dòng sông Hậu, nước mênh mông, điểm từng mảng lục bình lửng thửng
trôi xa. Nhiều con đò với mái chèo nhịp nhàng lướt nhanh trên sóng nước bập bềnh, như đang đi vào một thế giới hoa trái phong phú của Miền Nam phồn vinh
muôn thuở. Trên từng thửa ruộng xinh xắn, mạ non đang vươn lên để mau chóng trở thành lúa xanh thời cô gái dậy thì, hứa hẹn một mùa nặng trĩu hạt vàng khi
ngày mùa đến với từng xóm làng thân yêu. Không xa từng nếp nhà là luồng lạch, kênh dòng và nhánh rẻ từng con sông, chứa nhiều cá tôm, bốn mùa bồi dưỡng
sinh chất tươi mát cho người nông dân. Chợt nghe có tiếng hát cất lên từ một chiếc thuyền câu nho nhỏ:

                                     Con cá Trà Vinh xanh kỳ đỏ dạ,
                                     Con gái xứ này không lang chạ đâu anh…

Người em gái Miền Nam, quê ở Long Xuyên cùng đi trong chuyến về Trà Vinh hôm đó, nhìn chúng tôi, mĩm cười như một đồng tình đắc ý. Và chẳng hiểu bằng
cách nào, trong bữa cơm chiều hôm đó, trên chiếc dĩa tráng men màu hoa văn ngọc bích, một con cá chiên vàng rộm dọn bày thật khéo, như một phần trang
trọng của lòng người Miền Nam thật tình đãi khách đường xa ghé về.
Thì ra cũng con cá đó, sống ở khúc Ba Trường, Sông Hậu, nó mang tên quê hương của cô Ba hoa khôi Trà Vinh thời Nam kỳ Lục Tỉnh (cá Trà Vinh). Lên Cần
Thơ, nó cải danh là cá Mè Dảnh nổi tiếng thật ngon. Nhưng nó sa lưới ở sông Tiền, miệt Long Xuyên, Hồng Ngự thì người ta lại gọi là cá Mè Dinh, rất được các
bà nội trợ ưa thích.

Câu ca dao vô tình làm chúng tôi nhớ về một người phụ nữ Miền Nam, quê ở Trà Vinh, đã thể hiện một đức tính can trường hiếm có, khi phải đương đầu với bọn
tham nhũng địa phương, rồi lặn lội ra tận kinh đô Phú Xuân, gióng lên ba hồi kích cổ đăng văn để giải oan cho chồng là quan tri phủ Bùi Hữu Nghĩa. Ba hồi trống
Đăng Văn của bà Nguyễn Thị Tôn đã vang động kinh đô Phú Xuân, đồng thời cũng dệt nên thiên tình sử nặng nghĩa phu thê. 
Từ con người hồn hậu, chất phác, đến ý chí bất khuất thuỷ chung, Bà Nguyễn Thị Tôn đã để lại tiếng trống ngậm ngùi trong lịch sử. Và đích thực, tiếng trống
Đăng Văn ngày xưa ấy, chính là tiếng nói của dân oan. Một tiếng nói hùng tráng vọng lại từ quá khứ, rất đằm thắm và cũng rất đỗi tự hào.

                                     Chim sa vườn thị,
                                     Thỏ luỵ vườn trâm,
                                     Nhớ thương tiếng nói trăm năm vẫn còn.


Hoàng Đình Hiếu
Tiếng Trống Đăng Văn