Mấy ngày sau … sứ giả Tô Tần là nhỏ Kim, bạn của Trầm trở về, con nhỏ đưa cho Trầm mấy gói kẹo cau xứ Huế, một gói mè xửng Song Hỷ:
- Nè … ăn đi cho ngọt lòng, ngọt dạ, con khỉ!
Trầm nhìn Kim như người mới từ sao Hỏa rơi xuống, con Kim lên giọng:
- Của ta với anh Tịnh mua cho mi đó, không phải của ông Sơn đâu nhà nhìn!
Thiệt tình, con nhỏ làm như Trầm thèm ngọt ghê lắm, hay là con nhỏ làm bộ, nó thừa biết Trầm đang chờ chuyện gì mà! Cô đành lên tiếng:
- Gặp anh Sơn không?
- Rồi, ... thất bại!
Trầm không hiểu nổi, cô nôn nóng:
- Thất bại là răng? đừng nói mi cất luôn, không đưa cho ảnh nghe!
Nhỏ Kim nhìn Trầm, ánh mắt đầy vẻ tội nghiệp:
- Tau đưa rồi, ảnh lặng lẽ lấy nhưng …
Trầm thảng thốt:
- Chuyện gì?
- Tau nói y như mi biểu mà … ảnh nói “Trầm không thích giữ thư anh nữa, trả thì anh nhận, còn … thư Trầm gởi cho anh là … của anh, đừng bắt anh phải trả”.
Nhỏ Kim nói xong thấy Trầm sững sờ, nó nghiêng đầu nhìn Trầm:
- Ta thấy anh Sơn tội quá, mà ổng nói có lý, ta không biết nói gì hơn nên … đi về.
Không nghe Trầm lên tiếng, Kim nói thêm như an ủi:
- Mà thôi, nói thiệt nghe, anh Sơn tội thiệt, ngó ổng lo cho mi là biết, nhưng mà nghĩ tới chuyện mi về làm dâu mạ ổng, nội cái chuyện hầu hạ bà mẹ chồng, thêm con nhỏ Cúc, em ổng cũng khó đăm đăm như bà già, mi không đứt mạch máu nảo thì … cũng có ngày tự tử.
Con bạn nhiều ý kiến nhưng rất chân tình của Trầm đã tuyên bố một câu hùng hồn, nó làm Trầm chột dạ.
Vậy đó mà không biết Trầm đã khóc sướt mướt bao nhiêu ngày, cô ốm đến xanh xao, ánh mắt ngơ ngẩn đến dại khờ. Khi có thư của nhỏ Tuyết, một nhỏ bạn thân khác của Trầm đang học đại học, ở Huế, con nhỏ viết … “T ơi, anh Sơn mấy hôm nay bị bịnh, không thấy xuất hiện ở nhà may, ta có ghé vô thăm, ảnh ốm và xanh xao dễ sợ. Ta không biết rỏ chuyện gì xảy đã ra ở ĐN với hai người, nhưng anh Sơn rất buồn vì cái tính bướng bỉnh của mi, ảnh nói dường như mi tỏ ra bất cần trong chuyện tình cảm giữa hai người. Thôi, mi nên sắp xếp đi thăm ổng một lần. Ta thấy ổng thương mi, rất chín chắn và rõ ràng là đã có quyết định hẳn hoi cho tương lai hai người. Mi suy nghĩ lại đi nghe T, đừng có vì tự ái mà đánh mất hạnh phúc trong tầm tay …”. Những dòng thư của Tuyết như một liều thuốc, làm Trầm tỉnh táo. Cô ra ga đi Huế trên chuyến tàu lửa tốc hành ngay buổi trưa hôm sau, với cái cớ ra chợ Đông Ba để lấy tiền nợ hàng hóa.
Vì quá gấp nên cô không kịp báo cho Tuyết biết. Con nhỏ có giờ học, đã lên trường, không có ai trong căn phòng trọ nằm trên con hẻm nhỏ đường Lê Lợi. Trầm lang thang đi ra đường, thả bộ dưới những tàn cây phượng đang rực hoa vào ngày đầu tháng sáu với tiếng ve nghe não ruột trên cành. Con đường rợp bóng mát đưa bước chân Trầm sang cầu Trường Tiền, qua bên kia sông Hương, rẻ phải ở đường Trần Hưng Đạo, con đường huyết mạch của cố đô Huế. Chợ Đông Ba vẫn tấp nập với những hàng quán dọn lấn ra ngoài đường. Bên kia đường là tiệm may Tân Việt của bà dì anh, nơi anh đang là thợ cắt may Âu phục. Trầm đi qua, đi lại nhiều lần, cô không nhìn thấy bóng dáng anh đứng ở cửa tiệm, cũng chẳng dám ghé lại hỏi thăm. Nghĩ đến khuôn mặt khắc khổ, ánh mắt lạnh lùng của mẹ anh, nghĩ đến lời nhỏ Kim và mấy đứa em Trầm cứ nói tới nói lui hoài về bao nhiêu lời đồn đại trong xóm. Cô hiểu rằng sự chịu đựng của con người có giới hạn nhưng búa rìu dư luận thì không cùng. Cứ như thế, Trầm bước những bước chân trĩu nặng ưu tư bên bờ sông êm đềm của đất thần kinh. Nước vẫn chảy dưới chân cầu, vài chiếc thuyền con đang lờ lửng trôi, mây vẫn bay trắng trên bầu trời xứ Huế mà lòng Trầm không biết tại sao, bổng nguội lạnh, dửng dưng.
Tuyết đã về đến nhà, con nhỏ vui mừng ra mặt khi thấy Trầm:
- Đi chuyến tàu nào mà ra đây giờ này Trầm? Gặp anh Sơn chưa?
Trầm lắc đầu, cô nói dối bạn, và cũng dối lòng mình:
- Không, ta ra chợ Đông Ba lấy tiền nợ mà!
Tuyết nhìn Trầm hoài nghi:
- Phải không? Chưa gặp thì để ta nhờ mấy đứa bạn nhắn cho anh Sơn hay nghe. Mi đã ra tới đây thì cũng nên gặp ảnh một chút, rồi nói chi thì nói.
Trầm không trả lời, lấy cớ đi công chuyện, cô hối hả kêu xe thồ ra ga. Trầm lên chuyến tàu Thống Nhất từ ngoài bắc vào ngừng đón khách ở ga An Cựu và cô đã về đến Đà Nẵng ngay tối hôm đó trong một trạng thái rả rời, mỏi mệt.
Trầm không hiểu mình đã và đang làm gì, đầu óc trống rổng. Cô cảm thấy đuối sức, kiệt lực. Cuối tuần đó, nhỏ Tuyết về thăm mẹ, mới thấy mặt Trầm nó đã cằn nhằn:
- Con khỉ, có điên không? Tối đó ta nhắn ông Sơn qua, tưởng mi còn ở lại để gặp ổng, chờ hoài không thấy mi trở lại, ổng buồn hiu, làm ta cũng xót xa dùm. Có chuyện gì thì nói, sao lẳng lặng bỏ về, làm người ta hụt hẩng rứa?
Trầm vẫn chối leo lẻo:
- Ta ra Huế có công chuyện, xong thì về chứ ở lại làm gì!
- Nói hay chưa, ta còn lạ gì tính mi. Thôi đi mợ, thương nhau mà cứ hành hạ nhau hoài, phiền mi quá!
Câu nói của Tuyết đã làm Trầm đau nhói trong tim, cô quay mặt đi để Tuyết không thấy khuôn mặt nhòe nước mắt của mình.
Tình yêu, ôi! “cái trái phá con tim mù lòa” đã quật Trầm ngã lông lốc, đã khiến Trầm trở nên mâu thuẩn, dối lòng và mất hết can đảm. Nhìn bên ngoài tưởng như cô rất lì lợm, thật sự bên trong là một cõi lòng tan nát. Trầm vẫn ngày hai buổi ra chợ buôn bán, công việc ngày càng phát đạt cũng không làm Trầm nguôi ngoai. Cứ những ngày đầu tháng Trầm cũng không bỏ được cái thói ngóng ra ngoài đường, chờ một bóng hình quen thuộc. Dù rằng thư từ, kỷ vật Trầm đã trả lại hết nhưng hình ảnh của anh sao cứ lẩn quẩn trong đầu Trầm, đôi khi Trầm ân hận cho cái tính nóng nảy của mình, rồi cô lại tự nhủ “thà phụ người ta chứ không để người ta phụ mình” ý nghĩ này đã vuốt ve tự ái của Trầm, giúp cô cố quên khi lòng cứ thấy vương vấn.
Những ngày cuối năm, chợ búa khá bận rộn, một buổi sáng khi cho tiền đứa em gái út ăn quà sáng trước khi ra chợ như thường lệ, con bé khoe với Trầm:
- Hôm qua trong xóm mình có cái đám hỏi lớn như đám cưới, đốt pháo quá trời.
Trầm thờ ơ, hỏi cho có lệ:
- Đám hỏi ai trong xóm trong hả?
Con em tỉnh bơ kể lể:
- Đám hỏi anh Sơn chứ ai, mười cái quả lận nè, đốt dây pháo dài lắm nghe.
Trầm bàng hoàng, nghe bủn rủn hết tay chân. Con em út đã chạy đi mất tiêu không biết chị mình đang đứng như trời trồng, như người á khẩu. Trầm đã khóc sướt mướt suốt mấy ngày, khóc thầm lặng, khóc ấm ức, điều mà chính bản thân cô cũng không ngờ được. Cô buồn rả rượi, cứ nghĩ đến là nước mắt chảy ra. Nghe câu hát trong bản nhạc về mối tình phụ … Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người? … Anh đi qua đời em, không nhớ gì sao anh ... Chuyện của người ta mà sao cũng khiến Trầm động lòng, làm như đó là những câu chỉ viết riêng cho Trầm. Buồn cười hơn là cả khi nghe những người hành khất hát dạo ở bến xe, bến tàu những câu tương tự như là “Đã lở duyên rồi, thương nhau mà chi, nỗi buồn chua cay, khi lòng đổi thay, thôi hết sum vầy ..." hay "... Thôi, tiếc thương mà chi, đau thương này, em xin dành mai, anh đi về … đi cho vui lòng … người ta …”, cứ nghe đến là xốn xang, nước mắt Trầm ràn rụa. Chỉ mường tượng đến hình ảnh người đi bên cạnh cuộc đời anh sau này là cô A cô B nào đó, không phải là mình, thì Trầm đã nghe đau tim. Dường như anh đã bước ra khỏi cuộc đời Trầm lẹ làng như người ta đi ra khỏi cái chợ, không bận tâm vương vấn. Vậy đó cũng làm Trầm cảm thấy lòng xót như xát muối, trái tim nhức nhối không nguôi. Trầm dấu nổi buồn của mình qua những đêm dài mất ngũ, cô trốn bạn bè, tháng ngày miệt mài sau những dãy hàng hóa chất chồng ngoài chợ.
Nỗi đau thất tình này kéo dài lâu lắm, làm Trầm xanh mướt, ốm o. Cô ủ rủ và tiều tụy cơ hồ ngã gục. Cô sống thờ ơ đến nổi không hề biết đám cưới anh diễn ra tự bao giờ. Bạn bè chung của anh và Trầm đều không hay biết hoặc mọi người thấy Trầm tội nghiệp mà không nở nhắc đến. Chị Ly hàng xóm không biết để an ủi Trầm hay để mua vui, lâu lâu lại thủ thỉ, thầm thì:
- Đám cưới mà … bạn chú rể đâu có mời ai đâu, toàn là bạn ông bà già thôi.
Trầm nghe mà vẫn thờ ơ, có lần chị lại hỏiTrầm:
- Thằng Sơn cưới vợ là con một nhà giàu nên phải ở rể, chưa bao giờ em thấy nó đi ngang nhà phải không?
- Dạ chưa.
- Làm răng mà thấy được, hắn không bao giờ đi ngang qua ngõ nhà em đâu, khi mô chở vợ về xóm chơi là hắn đi đường tắt phía sau không à. Con vợ hắn có bầu rồi.
Thấy Trầm vẫn lặng thinh, chị tiếp:
- Chắc hắn không muốn em thấy, sợ em buồn …
Tưởng đâu chỉ là câu nói bâng quơ, người ta đã nên duyên chồng vợ thì có bầu, sanh con, có gì đâu mà sợ Trầm buồn. Vậy mà Trầm lại buồn, lại nhớ mới lạ! Buồn đến nhức nhối tim gan, buồn mãi đến những tháng ngày đói khổ eo xèo. Bởi vài năm sau đó, Trầm cũng đã sang sông. Cô chọn nhầm một con đò chòng chành, tấp vào nơi bến đục. Bến sông nào cũng có bên lở bên bồi. Bến đời của Trầm sao chỉ có lở làng đau thương. Khi gừng hết cay, muối hết mặn thì chia tay là điều tất yếu. Cô nuốt nước mắt, âm thầm chịu đựng một mình để nuôi đứa con trong những ngày cùng quẩn.
Từ dạo đó, với Trầm, cái hạnh phúc đời thường bỗng trở nên xa xỉ, chỉ cái việc cơm no áo ấm thôi cũng đã là một giấc mơ không bao giờ có thật, đừng nói gì đến chuyện “người tình trăm năm”. Cô chẳng còn tâm trí đâu mà bâng khuâng cho một tình yêu đã mất, một giấc mộng đã tàn hay giận hờn, oán trách người chồng bạc nghĩa đừng nói gì đến việc nhắc nhớ đến một cố nhân như anh. Cô và anh dẩu vẫn sống cùng một thành phố, vẫn hít thở chung một bầu không khí nhưng đường đời thì dường như đã rẻ qua hai lối khác biệt. Thế giới của cô không có tiếng cười, không có những hình ảnh nên thơ “bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ …” hay được cùng ai đó “se sợi chỉ hồng, hát câu ân ái …” Thế giới của Trầm là những đêm một mình thức trắng với con trong bệnh viện, nhìn đứa con dại thoi thóp trong cơn sốt ở phòng cấp cứu, trước ánh mắt vô cảm của những người y tá trực đêm thời bao cấp. Người mẹ trẻ bất lực là Trầm, chỉ biết nhịn ăn, nhịn mặc để dành tiền lo cho con; ước mơ đơn sơ chỉ là cái bình thủy Trung Quốc để chứa nước nóng, dùng pha sửa cho con ban đêm cũng trở thành vời vợi như chuyện đào non lấp biển, đội đá vá trời. Chợ tết hằng năm không còn là dịp tung tăng, nhởn nhơ dạo phố ngắm hoa. Những dịp lễ tết, mãi đến nửa khuya cô vẫn còn bôn ba nơi hàng quán, chỉ biết than vắn thở dài cho một buổi chợ ế, cho nợ nần chồng chất, còn tâm trí đâu mà ngắm mai vàng với thược dược đỏ mỗi độ xuân sang?
Một lần chở đứa con gái nhỏ bằng chiếc xe đạp cũ mèm, trên đoạn đường Đống Đa, hai mẹ con đã phải dừng lại nhiều lần vì chiếc xe cứ bị trật sên, Trầm nhớ rõ ràng, hôm đó là ngày mồng bốn tết, thời chưa cấm đốt pháo, ra đường hương vị tết hảy còn với xác pháo khắp nơi, hoa mai thắm vàng rực rỡ, dọc lề đường hãy còn những đám trẻ con tụ tập chơi trò bầu cua, tôm cá. Đang loay hoay, bỗng:
- Đứng lên đi Trầm, để anh sửa cho!
Trầm nổi gai ốc khắp người khi nghe giọng nói quen thuộc, ấm áp của anh từ sau lưng. Tay chân Trầm lạnh ngắt, cô đứng lên, vịn phía yên sau xe, mồ hôi cô toát ra như người bị sốt rét. Rất thân tình, rất tự nhiên, anh dựng xe mình vào lề rồi ngồi xuống, chăm chú sửa sợi sên xe cho mẹ con cô. Sợi sên xe đã được anh cẩn thận mắc vào nhưng Trầm vẫn chưa mở miệng nói với anh được một lời cám ơn. Quá bất ngờ lại thêm chút tự ti mặc cảm, cô lúng túng đưa cho anh mảnh giấy lau tay và tránh tia nhìn của anh. Anh buột miệng khen:
- Con gái Trầm xinh xắn quá, học lớp mấy rồi bé?
Trầm không nhớ con bé đã trả lời thế nào, anh tế nhị chẳng hỏi Trầm câu nào về chồng con, hay việc làm ăn. Trầm thì lúng túng không hỏi được một câu xả giao, đại loại như là “Lâu quá, không gặp?”. Anh vuốt tóc con bé bằng những ngón tay thuôn dài, cái động tác dịu dàng, thân thuộc làm Trầm sắp rơi nước mắt. Tất cả hành động, cư xử của anh như đã vượt thời gian, vượt không gian trở về với những ngày hai người còn gắn bó, nó tự nhiên như hai người vẫn gặp nhau mỗi ngày, như mối liên hệ giữa anh và cô mười năm nay không hề có một chia lìa. Không biết vì tủi thân hay cuộc gặp gở bất ngờ đã làm Trầm xúc động. Cô chợt nhớ rằng giữa hai người còn quá nhiều điều cần nói, cần làm sáng tỏ dẫu thời gian và trái ngang cuộc đời đã khiến Trầm cằn cỗi từ hình hài đến trái tim. Trước khi nổ máy xe, anh đã lì xì con bé một khoảng tiền khá nhiều, hình như là hết tất cả số tiền mà anh có trong túi. Rồi Trầm nghe anh buông một câu, không ăn nhập gì đến giây phút giã từ, như là “Anh đi nghe” … hay …”Mai mốt gặp lại …”
Ánh mắt anh thật đằm thắm, trìu mến khi nói:
- Chợ hoa dạo này … không còn vui phải không Trầm?
Kèm theo là tiếng thở dài rất nhẹ làm ruột gan Trầm thắt lại. Câu từ giã, câu hỏi và cũng là câu xác nhận. Cô đạp xe đi, lòng rưng rưng buồn … Tiếng con bé đưa Trầm về hiện tại:
- Má ơi, mình xuống khu triển lãm chụp hình màu nghe má, con có tiền nè!
Trầm nghe thêm xót xa, lại một lần nữa cô biết rằng đường đời của cô và anh đã chia hai hướng, như định lý về hai đường thẳng song song.
Hai đường thẳng song song thì dẫu kéo dài đến vô tận cũng chẳng bao giờ gặp nhau. Mối liên hệ giữa anh và Trầm cũng thế, bởi sau đó vài năm, Trầm cùng gia đình và đứa con gái rời Đà Nẵng, một cuộc sống mới đang đón chờ mẹ con cô.
Trầm rời quê hương, lòng mang nặng những ưu phiền chưa được giải tỏa. Đêm trước ngày rời thị xã, Trầm và Kim đi lang thang từ Ngã Ba Cai Lang xuống phố, dọc theo con đường Hùng Vương, người và xe cộ vẫn tấp nập. Đi ngang qua một tiệm bán TV, đèn điện còn sáng trưng, nhấp nha nhấp nháy, Kim cười:
- Tới tiệm của anh Sơn rồi nè, ghé vô thăm người xưa không?
Trầm hối hả kéo tay Kim lẹ làng bước qua bên kia đường. Không dưng cô muốn chạy trốn. Đêm cuối cùng ở Đà Nẵng Trầm trở lại là một con bé bối rối, ngại ngùng mỗi khi gặp anh, làm như mình là người có lỗi trong chuyện hai đứa chia tay. Dù đã nhiều lần thấy Trầm khóc rấm rức, thương Trầm, con nhỏ Tuyết đã không tiếc lời “ Hứ, lão Sơn đã cưới vợ nhà giàu rồi còn bày đặt giữ hết kỷ vật, cho ra vẻ tình nghĩa, ta nói rồi, mi chừa hết mấy ông Huế ra nghe, khi mô cũng … mạ tui … mạ tui … quên đi!” Nghe con bạn vì xót xa cho mình mà đay nghiến người ta một cách chủ quan, Trầm chợt bật cười, nhớ câu hát “Khi cố quên là … khi lòng nhớ thêm”.
Nơi Trầm đến là một xứ sở xa tít bên kia bờ đại dương, mới đó mà đã mười sáu năm. Khoảng thời gian không biết có đủ để Trầm “quên” như lời Tuyết căn dặn? Nhỏ Kim sau đó cũng trùng phùng với gia đình nó ở đây, hai đứa bạn gặp nhau khi mùa thu cuộc đời đã cận kề. Chuyện xưa được kể lể nhiều hơn là bàn chuyện ngày mai. Thỉnh thoảng Kim cũng nhắc với Trầm về anh và những mối thâm tình với ông bạn già này.
Năm ngoái Kim về thăm quê nhà, con nhỏ gọi cho Trầm từ Đà Nẵng, Trầm nhìn số điện thoại của Kim mà nghe giọng ai, lạ hoắc:
- Biết ai đây hông?
Trầm ngớ ngẩn:
- Dạ, xin lỗi, ai vậy?
- Nhận không ra hả? Anh đây!
Trầm vẫn im lặng cố moi trong trí nhớ, người bên kia tiếp:
- Anh, Sơn đây mà! Trầm khoẻ không?
Cô hồi hộp:
- Dạ, khỏe.
Trầm vừa nói chuyện với anh, vừa rủa thầm con bạn quỷ quái, đã không chịu làm một màn giới thiệu sơ khởi, để Trầm … quê một cục. Trong khi anh vẫn vậy, anh cho biết lần nào Trầm về Đà Nẵng anh cũng có nghe nói, biết, nhưng lúc đó Trầm đã đi lại rồi. Hai đứa như chơi trò cút bắt. Anh cho Trầm số điện thoại để liên lạc. Câu nói sau cùng của anh làm Trầm nao nao: “ Chừng nào Trầm về Đà Nẵng, nhớ cho anh gặp một lần, hình như cả gần hai mươi năm rồi, anh chưa gặp Trầm, kể từ cái lần ra tết, gặp em chở con đi chỗ đường Đống Đa, sau đó là em đi luôn, nhớ không?”. Giọng nói của anh nhẹ như hơi thở đã nhiều lần làm Trầm xốn xang, giờ đây như đã vượt ngàn trùng, vượt cả khoảng thời gian hơn hai mươi năm, Trầm nghe mà điếng người, buốt tận tim. Trầm nhớ chứ, tất cả như là một cuốn phim từ từ hiện ra làm cô thờ thẩn cả ngày, cuốn phim của một câu chuyện tình buồn, không có đoạn kết.
Năm nay Tết đến hơi muộn vì có tháng nhuần, đã mười sáu lần Trầm đón xuân nơi quê hương mới với tâm hồn hoài niệm. Dường như khi tha phương người ta luôn mang theo những hình ảnh, kỷ niệm về quê hương trong lòng. Những bánh mứt, những mai vàng, những bao lì xì, những câu đối đỏ với bánh chưng xanh được nhắc nhở nhiều. Riêng Trầm thì cứ mơ về một buổi chợ hoa đêm cuối năm. Nhỏ Kim bảo, xem hình mấy đứa bạn bên nhà gởi sang trên web, chợ hoa năm nay không thấy thược dược mi ơi! Giọng con bạn nghe có chút ngậm ngùi. À, thì ra người xưa của nó thích chưng hoa thược dược đầu năm.
Nhắc đến chợ hoa, Trầm cầm điện thoại, định gọi anh để chúc tết. Lòng cô cứ băn khoăn, có phải cô muốn tìm lại chút ấm áp khi đông tàn, hay muốn khơi lại chút dư hương của một cuộc tình đã mất, hay muốn kể với anh những chuyện mà ngày xưa cô chưa nói, hay muốn hẹn đến một kiếp mai tương phùng?
Không, Trầm chỉ muốn tìm lại một mùa xuân, một thời óng ả hạnh phúc đầy kỷ niệm mà tháng năm và những khắc nghiệt của cuộc đời tưởng chừng đã làm người ta lãng quên.
Cô ngần ngừ rồi đặt cái điện thoại xuống. Bên ngoài, tiếng chim ríu rít trên những rặng thông già của khu rừng nhỏ phía sau nhà cô, nghe rộn rã và mây trắng vẩn lãng đãng trên bầu trời.
Trầm biết rằng, mùa xuân trong dĩ vãng bao giờ cũng đẹp, cũng nên thơ nhưng sẽ chẳng bao giờ quay trở lại.
Atlanta tháng 4 năm 2010
Nguyễn Diệu Anh Trinh