Hôm nay sắp cuối đông, trời có nắng, gió nhẹ, se lạnh, tôi rời Huế xuôi về bãi biển Thuận An (TT -
Huế) để dự đám cưới con trai của người anh em kết nghĩa trong mối tình thầy thuốc và bệnh nhân đã mấy
chục năm nay. Trong buổi tiệc thật vui, đầm ấm, tràn đầy hạnh phúc của đôi bạn trẻ và gia đình làm tôi nhớ
lại câu chuyện của những ngày xưa.
TÌNH BẠN
Hôm ấy vào dịp cuối xuân năm 1980, tôi vào nhận trực ở khoa ngoại BV TW Huế, là một BS mới tập
tễnh vào nghề mổ xẻ chưa đầy hai năm, cho nên những tua trực đối với tôi khi đó thật là căng thẳng về mọi
mặt. Tôi vừa mới rời phòng giao ban thì từ phòng cấp cứu vọng vào báo là có bệnh nhân tai nạn tàu thuyền
đánh cá từ Thuận An vừa mới chuyển lên. Tôi hướng ra phòng cấp cứu để hội chẩn, nạn nhân là một thanh
niên, da đen sạm có lẽ do dầm sương dãi nắng, đang rên la do chống chọi với những cơn đau. Sau khi khám
kỹ bệnh nhân, tôi nghĩ sơ bộ là bệnh nhân bị đứt niệu đạo gây bí tiểu sau tai nạn, cần phải chụp phim khung
chậu, thời ấy chụp được một tấm phim rất khó khăn phải đi ký xin nhiều cấp.

Sau khi có đủ hồ sơ bệnh án, tôi khám lại thật cẩn thận, bệnh nhân vẫn rên la do bí tiểu, bàng quang
căng lên tận rốn, thử đặt thông tiểu đều thất bại, trên phim X quang khung chậu vỡ, chẩn đoán sau cùng của
tôi là đứt niệu đạo sau, vỡ xương chậu do tai nạn tàu thuyền đồng thời tôi xin ý kiến cấp trên để mổ cấp cứu
cho bệnh nhân.

Hồi ấy, các thầy của tôi chẳng còn ai, người xuôi vào nam, kẻ đi xa ra biển, phương tiện rất thiếu thốn,
gây mê hồi sức còn sơ khai. Chỉ còn lại những cuốn sách mà tôi có được từ trước năm 1975 là thầy của tôi
mà thôi. Thế là tôi đem sách ra đọc những cuốn sách gối đầu giường là hành trang lên đường của tôi: Sách cơ
thể học của Netter, bệnh học ngoại của Christopher, kỹ thuật mổ của Madden (những cuốn sách này đều của
BS Dương Đình Công, đàn anh của tôi, đã cho tôi mượn từ nhiều năm trước 1975).

Sau khi nắm vững kỹ thuật mổ xẻ qua sách vở, tôi triển khai phẫu thuật cả đường bụng và đường tầng
sinh môn để nối niệu đạo cho bệnh nhân theo kiểu khâu nối hai đầu đứt lại với nhau bằng chỉ plain 4.0 của
Mỹ còn để lại, đây là ca mổ đầu tiên của tôi trong lãnh vực này, tôi không còn nhớ ai gây mê, ai phụ mổ và ai
là người lật những trang sách đang bày ra trước mặt, xung quanh bàn mổ, sau những giờ thực hiện phẫu thuật
căng thẳng với toàn tâm, toàn trí và toàn lực, tôi đã hoàn thành ca mổ tốt đẹp. Trong thời gian hậu phẫu,
ngày nào tôi cũng đến thăm bệnh, kiểm tra tình trạng bệnh nhân và xem thử những giọt nước tiểu của họ như
thế nào? Giờ ngồi nhớ lại mới thấy đó đúng là những ngày thật dài đối với cả tôi và bệnh nhân. Rồi ngày rút
thông tiểu cũng đến, thời gian chờ đợi bệnh nhân đi tiểu bằng đường tự nhiên thật hồi hộp và căng thẳng biết
bao, nhưng thật may mắn giây phút đó cuối cùng cũng đến, cả bệnh nhân và tôi đều vui mừng, cũng không
biết khi đó ai mừng hơn ai. Thật sự khoảnh khắc đó tôi vui sướng đến chảy cả nước mắt dành cho một BS trẻ
vừa mới ra trường chưa hết thời gian tập sự mà đã tự tin vào khả năng của mình để triển khai một ca phẫu
thuật lớn vừa mổ trên bụng vừa mổ ở tầng sinh môn. Bệnh nhận này tên là Hùng được xuất viện một thời gian
ngắn sau nhiều lần đi tiểu gần như bình thường. Qua tìm hiểu tôi biết Hùng ở thôn một, xã Thuận An, có vợ
và đã 5 con, nên tôi cũng không bận tâm về vấn đề vô sinh sau mổ nối niệu đạo bị đứt rời. Buổi chia tay giữa
thầy thuốc và bệnh nhân thật đượm tình, đượm nghĩa có đầy đủ cả vợ, con và bà mẹ, phút chia ly, Hùng nắm
lấy tay tôi rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào nói với tôi hai tiếng cám ơn và hẹn ngày gặp lại.

Những năm tháng này, tôi còn độc thân ở một mình, sống theo chế độ tem phiếu, để tiết kiệm thời gian
và sức lực, nên tôi thường ở lại trưa tại bệnh viện, ăn cơm tập thể. Một buổi chiều lúc về nhà, tôi thấy trước
nhà mình (nhà của bà cô cho tôi ở trọ số 55 đường Hùng Vương, Huế) có một người phụ nữ đứng tuổi đang
ngồi chờ, tôi thầm nghĩ có lẽ bệnh nhân nào đó đang đợi tôi chăng? Nhưng không phải, bà ấy không ai khác
chính là mẹ của Hùng, bệnh nhân mà tôi mới mổ mấy hôm trước, bà là người túc trực chăm sóc Hùng trong
những ngày qua, nên bà đã tìm hiểu trong bệnh viện biết nhà tôi ở đây. Bà bảo đã chờ tôi từ trưa đến chừ để
gởi biếu tôi một trách cá nục kho khô. Tôi cảm động lắm khi nhận món quà này, nhất là cảm thông sự chờ
đợi từ trưa đến chiều của bà trước cửa nhà tôi. Sau khi trao cho tôi trách cá, bà chào ra về và không quên
dặn cái trách gởi lại đó khi nào ăn hết cá bà sẽ trở lại.

Mặc dầu Hùng đã ra viện, nhưng cứ nửa tháng hoặc một tháng, tôi lại nhận được những món quà quê
hương Thuận An, khi thì trách cá, khi thì chai nước nắm ruốc, đôi khi có cả hủ ruốc nữa chứ… và như thế
tôi có thức ăn để cải thiện đời sống mỗi ngày.

Một hôm, Hùng xuất hiện trước nhà tôi, không có vẻ gì là người đã trải qua chấn thương nặng và qua
một cuộc phẫu thuật lớn. Hùng báo cho tôi biết đã khỏe hẳn rồi, đi tiểu bình thường. Hùng mang quà cám ơn
tôi và đồng thời hỏi sức khỏe như hiện tại của Hùng có lên đường đi biển được chưa? Hùng cùng tôi nấu ăn,
hai anh em hàn huyên tâm sự. Trong bữa cơm đạm bạc, nhưng đầy tình cảm nên chúng tôi kết nghĩa anh em,
tôi vai anh, Hùng vai em mặc dầu Hùng đã có vợ con, nhưng nhỏ tuổi hơn tôi và kể từ đó chúng tôi có quan
hệ gần gũi với nhau hơn.

Thời gian cứ trôi đi, tôi luyến lưu kiếp sống giang hồ nên trôi dạt ra ngoài Hà Nội nhiều năm, rồi sang
Pháp, khi về lại quê nhà, gia đinh tôi thay đổi chỗ ở nên khó mà gặp lại người em kết nghĩa năm xưa.

Mỗi lần về tắm biển Thuận An tôi lại nhớ đến người em kết nghĩa ở quê hương Thuận An. Một buổi
sáng đẹp trời mùa hạ, tôi và bà xã quyết đi tìm người em kết nghĩa ấy, lần theo dấu vết tôi về thôn một gần
cửa Thuận An, tìm hiểu tông tích về tai nạn hai gọ đánh cá húc nhau ngoài biển năm xưa, thế là tôi tìm ra nhà
Hùng. Hai anh em gặp nhau mừng chi lạ, Hùng ngày ấy như tôi biết bây giờ là Hồng, bà mẹ năm xưa đã qua
đời nhiều năm rồi. Chúng tôi ở lại ăn cơm và trò chuyện thân mật với gia đình Hùng, người em kết nghĩa lại
cám ơn tôi và còn vừa cười vừa kể: Nhờ anh mổ tốt nên em hoạt động rất tốt cho nên sau lần mổ đó em có
thêm ba đứa con nữa, tổng cọng là tám đứa tất cả đầy đủ trai gái. Tôi khen vợ chồng Hùng giỏi, thời buổi bây
giờ mà nuôi nổi tám đứa con. Trời đã về chiều, vợ chồng tôi từ giã gia đình Hùng trở về Huế với những món
quà mắm ruốc như xưa. Từ đó chúng tôi kết nối tình thân, thỉnh thoảng tôi lại có được món quà của miền
biển muối mặn. Ngược lại, gia đình Hùng hoặc bà con trong thôn xóm có ai đau ốm, Hùng cũng gởi lên nhờ
tôi giúp đỡ.

Cuộc sống cứ trôi theo dòng thời gian, thỉnh thoảng tôi lại được dịp về Thuận An dự đám cưới con
của Hùng và Hùng cũng lên Huế dự đám cưới con tôi.
Ảnh: Hùng (veston màu lam đậm) dự tiệc cưới con trai tôi 15/12/2011
Tôi ra về để chiều nay cùng vợ vào Đà Nẵng dự tiệc cưới con trai của bạn vợ tôi từ thời lớp chín nữ
trung học Hồng Đức Đà Nẵng trước năm 1975, đó là nhóm bạn trung học đệ nhất cấp, thời những cô bé
thích ăn ô mai, cái thời đẹp nhất của tuổi học trò mà bây giờ là nhóm bạn cũ Chín Bốn Hồng Đức
(<http://www.hongduc-chin4.com>) thân quý. Đám cưới con trai của chúng tôi cả nhóm bạn Chín Bốn Hồng
Đức ở Đà Nẵng đều góp mặt trong buổi tiệc, thật đáng trân trọng.
Ảnh: Nhóm Chín Bốn Hồng Đức từ Đà Nẵng ra dự tiệc cưới con trai tôi 15/12/2011

Xe tôi đang băng qua những con sông êm đềm, những cánh đồng lúa xanh rì rào, gió cuốn tóc bay mà
tự nhiên trong lòng tôi rộn lên câu ca “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” mà phút chốc tôi về đến
nhà lúc nào không hay.


Những ngày cuối Đông năm Ất Mùi
Trần Đức Thái


Tôi đang thả hồn theo dòng đời đã trôi qua thì đứa con trai lớn của Hùng đưa tôi về với hiện tại, đến
cụng ly và cám ơn tôi. Tôi hỏi sao cháu cám ơn bác. “Cháu cám ơn bác không chỉ bác về dự tiệc cưới này
mà nhờ bác mổ tốt cho ba cháu nên gia đình cháu mới có bác sĩ không chỉ một mà hai bác sĩ, bác ơi”, hai
bác cháu cười lớn và cùng nhau cạn ly rượu mừng trong niềm vui của gia đình cháu. Tôi sung sướng biết bao
khi người dân tôn vinh nghề thầy thuốc như thế.
Vợ chồng Hùng có tám người con, Hùng làm nghề đi biển, trước và sau năm 1975 gia đình Hùng đều ở
trong hoàn cảnh khó khăn, chỉ sau này kinh tế khá hơn nên mấy đứa con sinh sau năm 1980 mới có điều kiện
học xong đại học. Chú rể hôm nay là bác sĩ cô dâu cũng là bác sĩ, nên gia đình Hùng có hai BS, hiện hai cô
cậu BS đang làm việc tại Biên Hòa.
Tan tiệc, tôi chúc mừng gia đình Hùng, cả nhà Hùng vây quanh tôi chụp ảnh, cám ơn… Tôi thấy gia
đình họ rất sung sướng, tràn đầy hạnh phúc và kiêu hãnh là đã có bác sĩ trong gia đình. Riêng tôi, trong
quảng đời hành nghề thầy thuốc, tôi có khá nhiều mối tình trong sáng giữa thầy thuốc và bệnh nhân đã hàng
chục năm qua đến bây giờ vẫn còn giao lưu thân thiết và tôi xem những tình cảm đó như những món quà tinh
thần của chuỗi ngày vui thú điền viên của tôi. Đây cũng là bài học tình người dành cho các con của tôi trên
bước đường hành nghề y đạo, cứu người giúp đời.
Ảnh: Đám cưới con trai của Hùng 21/1/2016