Tình Cha

Có một bài hát đã ví von "Tình cha ấm áp như vầng thái dương, ngọt ngào như dòng nước trôi đầu nguồn..."

Cha tôi là người đàn ông sớm góa vợ ở độ tuổi năm mươi, cái tuổi sung mãn nhất của thời trung niên. Dáng người cao lớn, đẹp trai nên lúc mẹ còn sống cha cũng thuộc loại bay bướm, năm thê bảy thiếp khiến mẹ tôi nhiều phen rơi lệ. Tuy vậy tình yêu của cha dành cho mẹ vẫn đặc biệt và vĩnh cửu. Do đó, sự ra đi vĩnh viễn của người vợ đấu ấp tay gối đã để lại trong lòng cha một nỗi trống vắng tột cùng.

Tôi còn nhớ những tháng ngày sau tháng 3 năm 1975 hoàn cảnh gia đình tôi vô cùng bi đát. Cha tôi trước kia là sĩ quan cảnh sát thuộc chế độ cũ nên ông vô cùng lo lắng cho gia đình với đàn con mười đứa chưa trưởng thành. Cha mẹ tôi quyết định dọn về quê để sống bám vào ruộng nương. Lúc đó tôi đã là cô học trò lớp mười nhưng còn ngây ngô lắm. Vừa về đến quê nhà cha tôi có giấy triệu tập của chính quyền địa phương phải đi cải tạo tại An Điềm. Tôi thật ngạc nhiên nhìn vẻ mặt buồn rầu như thất vọng của cha tôi ngày đó. Cha đi rồi chúng tôi mới cảm thấy trống vắng, những buổi sáng ở thôn quê, thức dậy khi trời còn lành lạnh, cả nhà xúm xít bên mâm cơm, tôi buồn vô cùng khi không có cha bên cạnh. Cũng từ đó tôi nhận ra cha đã chiếm một vị trí quan trọng không kém gì mẹ trong trái tim tôi.

Những kỷ niệm về cha vẫn còn hằn sâu trong tâm trí tôi, ngày tôi thi đậu vào lớp sáu trường Nữ Trung Học Hồng Đức ĐN, cha là người vui nhất nhà, cha mua sắm cho tôi đủ thứ dụng cụ học đường và đưa đón tôi đi học thường xuyên. Thời gian sau cha chuyển công tác đi xa nên tôi phải đi bộ cùng với Kim Mai, Bảy, Nga ... Có một lần vì ham vui, tôi tách khỏi đám bạn đi bộ để leo lên xe đạp cho cô bạn tên Vân chở về. Khi đổ xe xuống con dốc Cầu Vồng, hai đứa mất thăng bằng và xe đâm vô lề. Tôi bất tỉnh ngay tại chỗ ... Khi mở mắt ra, tôi thấy mình đang nằm trong bệnh viện, bên cạnh là cha tôi đang ngồi xoa bàn tay cho tôi, ánh mắt tràn đây lo lắng. Tai nạn đó đã để lại một vết sẹo ở sát môi dưới của tôi, bây giờ mỗi khi nhìn thấy tôi vẫn còn cảm nhận được ánh mắt âu yếm của cha dành cho tôi, thương cha vô cùng.

Từ ngày cha đi cải tạo, tháng nào tôi cũng lặn lội cả trăm cây số đường núi để thăm cha hay nói đúng hơn là để mang lên cho cha chút ít thức ăn. Hình ảnh cha xuất hiện trước mắt tôi là một ông già tiều tụy, hốc hác khiến tôi đau lòng, lại thêm cây gậy chống, từng bước đi khập khiểng. Nước mắt tôi rơi lả chả trên đường về. Tháng ngày cứ tiếp nối qua đi, rồi cũng đến ngày cha mãn hạn để trở về với gia đình. Tôi sung sướng cảm thấy mình vẫn còn may mắn có cha trên đời. Từ đó, không khí gia đình tôi như ấm lên vối những bữa ăn tuy đạm bạc, có khi không đủ no nhưng rộn rã tiếng cười. Sau đó cha lặn lội lên rừng đốn cây đẻo thành gổ kéo về. Chính bàn tay của cha đã biến căn nhà tranh xiêu vẹo trong quê thành ngôi nhà khang trang mới mẻ. Mấy mẹ con tôi tự hào, hạnh phúc có cha bên cạnh, thế mới thắm thía câu ca dào "Còn cha gót đỏ như son, mai sau cha chết gót con đen sì"

Tai họa ấp xuống, mẹ tôi qua đời khi còn quá trẻ sau một cơn bệnh và hậu quả của những tháng ngày vất vả. Cha trở thành gà trống nuôi con. Người đàn ông mạnh khỏe như cha khó lòng sống trong cảnh đơn chiếc nên cha đã bước thêm bước nữa. Ngày ấy, vì quá thương nhớ mẹ nên chúng tôi hay hờn trách cha. Nay chị em tôi ai nấy đều yên bề gia thất, chúng tôi cũng phần nào chững chạc nên thông cảm và thương cho cha hơn, hiểu rằng cha cũng cần có một bờ vai để kề cận, nương tựa khi tuổi đã xế chiều.

Mấy năm gần đây, cứ gần đến Tết thì cha thích trồng hoa. Có thể nói trên phương diện tình cảm cha là người có số đào hoa thì về lãnh vực trồng trọt cha tôi cũng là người có tay trồng hoa. Những chậu cúc vàng cha trồng vào dịp cuối năm lúc nào cũng nhiều nụ, sắc vàng thắm tươi. Vừa hưởng thụ vừa muốn làm "kinh tế", cha có ý định trồng hoa bán vào dịp Tết. Tôi ủng hộ cha bằng cách biếu cha ít tiền mua cây con, mua xi măng đúc chậu. Cha tôi say sưa với công việc này lắm. Mỗi cuối năm, tôi cho xe tải vào tận trong quê chở những chậu cúc, sản phẩm lao động của cha ra Đà Nẵng. Cha bày cả dãy cúc được săn sóc tỉ mỉ trước hiên nhà tôi và tự cha ngồi đó đóng vai "cô hàng hoa", vừa bán hàng cha vừa hãnh diện kể lể về thành quả do chính bàn tay cha làm nên. Nhìn hình ảnh cha bên những khóm cúc vàng đầy hoa, nụ cười tuy móm mém nhưng tươi tắn vô cùng. Anh Hiệp thấy cha vất vả, thương lắm. Có những đêm khuya cha muốn trùm mền nằm bên khu chợ hoa nhỏ của mình để canh gác, anh Hiệp thường khuyên cha vào nhà ngủ, nếu ngày mai có mất mát, hư hao anh sẵn sàng bù đắp cho cha. Tuy thế cha vẫn khăng khăng từ chối, tánh bướng bỉnh của cha thật khó lay chuyển nhưng khiến con cháu kính phục. Sau khi tổng kết chợ hoa của mình, cha giao tiền cho tôi để nhập vào sổ tiết kiệm của cha. Tôi nhìn cha tràn đầy thương cảm, có khi tôi nghĩ giá mẹ tôi không bỏ cha mà ra đi quá sớm thì chắc là đoạn cuối cuộc đời của cha sẽ hoàn hảo hơn.

Năm nay cha tôi đang bước vào tuổi tám mươi, tóc bạc, da nhăn, mắt mờ chân chậm nhưng cha vẫn có thể tự chay xe máy từ trong quê ra Đà Nẵng thăm con gái, thăm cháu bất kể nắng mưa. Lần nào đi cha cũng mang quà trong quê ra, khi thì nải chuối, lúc trái dưa, vài lon đậu phụng ... kết quả từ sức lao động của cha khó nhọc làm ra. Cha đặt trọn lòng thương con, thương cháu rất sâu lắng qua từng hành động nhỏ nhoi nhưng tràn đầy tình cảm.

Nay cha an vui tuổi già bên dì, người phụ nữ thay thế hình ảnh mẹ tôi trong lòng cha, bên cạnh còn có hai đứa em nữa. Chị em tôi vẫn thường bù đắp cho cha và dì. Phận làm con gái, tôi luôn nguyện cầu ơn trên cho cha luôn có được những ngày thư thái. Tôi biết rằng, ngày nào tôi còn có cơ hội gặp cha, đứng bên cạnh cha để gọi lên hai tiếng Cha ơi là đời tôi còn thật nhiều may mắn và hạnh phúc.


Kính tặng Cha

Phạm thị Ba (6/2011)