Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Tình đầu, tình cuối
Ba
Thời gian trôi thấy lâu mà sao nhanh quá. Khi nuôi con nhỏ, vợ chồng Kim muốn các con nhanh lớn lên, để thấy con trưởng thành. Khi lần đầu tiên làm mẹ, chỉ cần trán cu Sol nóng là Kim hoảng hốt, chỉ cần con lơ ăn một bữa là cô lo âu. Mọi chú ý của cô chỉ hướng vào con trai. Ngày Kim dẫn cu Sol lần đầu tiên đến trường mẫu giáo, bà mẹ trẻ rớt nước mắt cùng con khi cu Sol theo cô giáo vào lớp học, đầu vẫn ngoái nhìn mẹ và miệng mếu máo khóc.
Rồi bé Fa ra đời. Ăn, ngủ, học hành, tâm sinh lý các con thay đổi theo số tuổi dần nhiều lên. Không xấu hổ để nhìn nhận rằng, nếu không có chồng cùng gánh vác, Kim không tin rằng mình có thể là một người mẹ tốt của hai con. Và cũng thấy đôi lúc sao mà mệt mỏi. Chỉ ước sao thời gian có thể trôi nhanh hơn nữa, để nỗi nhọc nhằn nuôi con sẽ thôi không còn là gánh nặng cuộc đời.
Rồi cả hai thở phào khi thấy chúng đã có thể sống tự lập không cần vợ chồng cô. Thậm chí chúng đủ khôn ngoan để độc lập cả trong suy nghĩ. Chúng tự quyết định mọi thứ mà chẳng cần hỏi ý kiến ba mẹ nữa. Đến nỗi có lúc Kim cảm thấy như mình đã ra khỏi-hẳn-cuộc đời của con.
Một ngày, căn nhà nhỏ của Kim xuất hiện một anh chàng trắng trẻo, to cao, và biết nói vài câu xã giao bằng tiếng Việt.
- Mẹ, tụi con cưới mẹ nhé.
Chao ơi, không biết tụi trẻ bây giờ yêu đương ra sao, hẹn hò ở đâu để đùng một cái dẫn nhau về nhà tuyên bố là muốn cưới. Kim ngạc nhiên và chợt nhận ra không biết từ bao giờ, cô đã không còn dính dáng gì đến vui buồn của con gái. Nó đã yêu mà cô cũng không hay biết. Mỗi ngày vẫn chuyện trò, vẫn gặp nhau, nhưng con gái đã dấu riêng những cảm xúc yêu đương của nó. Khác xa với cô ngày xưa, tất thảy mọi thứ đều hỏi ý của mẹ. Hình như đã có một khoảng cách vô hình nào đó giữa Kim và con gái. Chỉ vì năng động và thông minh nên Fa không thích những lời khuyên răn của mẹ. Cô thấy chúng có vẻ lạc hậu, mà phản ứng thì sợ mẹ buồn, nên cách tốt nhất là giữ riêng cho mình một vài thứ, như tình yêu chẳng hạn, vì Fa biết, mẹ sẽ chẳng bao giờ đồng ý để cô yêu một người ngoại quốc.
Người thanh niên con gái mang về giới thiệu với vợ chồng Kim là một người Úc đến Việt Nam theo một dự án của công ty nơi con gái đang làm việc. Sau khi dự án kết thúc, trước khi trở về nước, anh ta quyết định cầu hôn Fa. Vậy là con gái chị theo chồng về nơi xứ Úc xa xôi. Nhìn gương mặt rạng ngời hạnh phúc của con, Kim không biết nỗi lo lắng của mình có phải là điều viễn vông. Đối với cô, một người chồng không cùng chung ngôn ngữ, văn hoá, làm sao có thể hiểu nhau để vượt qua bao khó khăn mà một cuộc hôn nhân phải trải qua. Cứ mỗi lần nhìn vẻ xa lạ và chịu đựng của con rể khi phải tiếp xúc với gia đình vợ, cô hoài nghi, không biết khi tình đã hết nồng, con gái có vẫn còn được yêu thương.
Hai năm sau ngày cưới, Fa cùng chồng về thăm nhà, cùng theo về là cậu con trai đã gần một tuổi. Kim ngạc nhiên khi thấy con rể chăm sóc con vô cùng chu đáo. Cho bé ăn, dỗ bé ngủ, thậm chí địu con khi đi dạo phố, đi mua sắm, tất thảy chồng Fa đều làm tự nguyện, vui vẻ.
- Fa à, sao để thằng Michael làm mấy việc đó con.
- Mấy việc đó là sao? Ảnh vẫn làm bình thường mà. Vậy đó mẹ, ở bên đó cái gì cũng riêng, nhưng con cái là chung, và có trách nhiệm như nhau. Ảnh bồng con thì con cũng phải chọn đồ, phải nấu ăn ... con đâu có ngồi không.
Nhìn gương mặt ngạc nhiên của mẹ, Fa phì cười.
- Hồi con sinh Albert đau quá con khóc ảnh dổ không được cũng khóc theo đó mẹ à.
- Đàn ông Tây thương vợ dữ ha?
- Vậy đó, mà bỏ nhau hà rầm mẹ ơi. Bạn con nè, hồi nó bị tai nạn giao thông phải nằm bệnh viện cả tháng trời, chồng nó đi theo vật vã, khóc lóc, vậy mà chưa được một năm sau là chia tay rồi. Đâu biết được...
Fa nói bình thản, mà Kim nghe đầy thảng thốt. Ồ, yêu nhau đến vậy mà chia tay dễ vậy sao? Còn ràng buộc con cái và hạnh phúc của chúng?
- Nghe con nói mẹ đâm lo.
- Không có gì đâu mẹ, bọn Tây nó thích phụ nữ Châu Á vì mình biết chiều chồng. Mẹ biết rồi mà, chồng làm cho mình một là mình cảm động, trả lại ít nhất gấp đôi. Tụi nó khoái lắm ...
Kim cũng biết có người lấy chồng Tây và vẫn hạnh phúc cho đến tuổi già. Một nền văn hoá xuất giá tòng phu đã thấm sâu vô thức trong mỗi người phụ nữ, và một chút số phận đẩy đưa đã giúp những người đàn bà châu Á vẫn được chồng yêu thương dù khi đã nhạt phai hương phấn.
Một đứa lấy chồng xa, chỉ thỉnh thoàng mới điện thoại về thăm hỏi sức khoẻ ba mẹ. Mấy năm rồi nó bận rộn công việc đâu có thu xếp về thăm nhà được lần nào. Kim sang thăm thì cũng chỉ mươi bữa nửa tháng là lo ở nhà không biết chồng ăn uống, sinh hoạt ra sao nên cũng vội vàng về. Đứa kia tuy ở gần nhưng mãi mê với cuộc sống tươi mới đầy cám dổ bên ngoài ngôi nhà nó đã ở, quen thuộc đến nhàm chán. Ở đó chỉ còn lời càu nhàu của mẹ, lời răn đe của cha.
- Sao mà bừa bải quá vậy con...
- Không được về khuya quá mười giờ nghe cậu.
Không biết có phải vì vậy, con trai đã xin một công việc mới ở trong Nam, và cuối cùng lấy vợ và lập nghiệp ở đó luôn. Một năm về thăm cha mẹ được đôi lần vào những dịp lễ Tết.
Vậy là chỉ còn vợ chồng Kim ở lại. Như những ngày mới cưới, chỉ khác lúc này tóc cả hai đều đã nhuốm bạc rồi.
Kim buồn bả nói với chồng khi hai người ngồi ăn cơm trong cái vắng lặng của ngôi nhà:
- Cuối cùng thì chỉ còn anh và em...
Nước mắt không rơi nhưng Kim nghe lòng mình như đoá hoa tàn úa, chỉ chờ lúc rụng rơi. Chao ơi, không biết các con cô giờ này ở nơi ấy đang làm gì. Có lúc nào nhớ đến ngôi nhà chúng đã được sinh ra và lớn lên không?
Trung không mủi lòng như Kim, anh cho rằng các con đã lớn, chúng nên tự quyết định cuộc đời chúng. Nếu con có thể làm việc ấy, thì đó là niềm vui hơn là nổi buồn. Không thể giữ con ở lại bên mình mãi. Chim đủ lông cánh thì sẽ bay đi, đó là quy luật tự nhiên phải chấp nhận. Anh không buồn vì phải cách xa các con, chỉ xót vì có khi thấy vợ một mình lủi thủi trong căn nhà trước kia luôn ồn ào tiếng cười, tiếng khóc, nay thì quá đổi yên bình. Trung khuyến khích Kim đi thăm con cháu, dù những lúc ấy anh thấy mình đơn độc khi ở nhà một mình. Căn nhà vắng lặng và anh thấy nhớ vợ kinh khủng.
Nói cho cùng, nhờ những lần vợ vắng nhà ấy, Trung mới có thời gian sống buông thả một chút mà không ngại vợ lo lắng, buồn lòng vì mình. Đám bạn cùng công ty, đám bạn thời đi học..., cứ thỉnh thoảng réo phone rủ Trung đi nhậu. Những cuộc nhậu quắt cần câu đến mức có khi quên cả đường về. Bình thường thì Trung ít khi tham dự, một phần anh không thích cảm giác mệt mỏi, đau đầu của sáng hôm sau, nhưng phần lớn vì những hôm ấy Kim không bao giờ chịu ăn cơm trước. Mâm cơm nguội lạnh còn nguyên si khi anh về khiến Trung thấy ân hận. Nếu anh không dỗ dành, Kim nhịn đói luôn đến ngày hôm sau, bỏ luôn bữa cơm tối.
Đó là lý do Trung sống nề nếp hơn so với đám bạn của anh, trong một xã hội mà những cuộc nhậu đã trở thành một ... hội chứng không dễ gì thay đổi. Đàn ông ưa nhậu vì chỉ lúc ấy họ mới có thể sống tự do theo bản năng. Cười cợt với mấy cô phục vụ trẻ trung ăn mặc sexy tiếp thị bia, xưng anh anh em em với những cô đáng tuổi con gái mình mà không ngượng miệng, ăn nói nổ bung như pháo để chứng tỏ cái tôi không giống ai của mình, thậm chí có thể chê bai thằng bạn mà không sợ bị nó giận. Chỉ thỉnh thoảng lắm hoặc khi vợ vắng nhà, anh mới cho phép cái tôi của thằng đàn ông được tung hê chút chút.
Trung tự nguyện tách mình ra khỏi đám đông ấy, vì tình yêu anh dành cho vợ vẫn vẹn nguyên như ngày đầu. Anh muốn cô hạnh phúc.
Bốn
Chỉ khi người vợ yêu thương của anh phải đầu hàng số phận, sẽ rời xa anh vĩnh viễn vì căn bệnh ung thư gan đã vào giai đoạn cuối, Trung mới cảm thấy mọi niềm tin sụp đổ. Anh chưa bao giờ tuyệt vọng như lúc được bác sĩ gọi vào văn phòng thông báo bệnh tình của Kim. Ôi, Kim của anh, người mà anh đã phải chờ đợi bảy năm mới có thể cùng nhau sống dưới một mái nhà, người mà anh yêu thương nhiều hơn cả cô cảm nhận, người đã cùng anh chia xẻ ngọt bùi hơn ba mươi năm. Lúc nào cô cũng hiện diện trong anh, là một phần của anh, dù khi hạnh phúc hay lúc giận hờn. Anh chưa từng nghĩ, có ngày rồi cô sẽ là người ra đi trước, một cuộc chia tay không có ngày tái ngộ. Nước mắt ứa tràn,Trung đưa tay chùi nhanh, cố dấu cơn nức nở đang vò xé tâm can. Phải chi lúc này anh được khóc thành tiếng, nỗi đau sẽ vơi bớt đi chăng? Không thể kềm chế lòng mình được nữa, Trung chạy vội ra sân sau bệnh viện. Ở đó anh mặc cho tiếng khóc của mình vỡ oà. Thổn thức.
Khi Trung quay trở lại phòng bệnh, anh không thể dấu Kim vẻ mặt thất thần của mình.
- Bác sĩ nói bệnh em sao hả anh?
Trung tránh cái nhìn của vợ:
- Bác sĩ nói không sao, em chỉ bị viêm gan thôi.
- Thật không? Sao anh buồn dữ vậy?
Đột nhiên Trung nắm chặt tay Kim:
- Anh đưa em qua Singapore chửa bệnh nghe.
Nhìn gương mặt xanh tái của chồng, Kim đoán ra vậy là mình không chỉ là bị viêm gan. Vợ chồng sống với nhau mấy mươi năm trời, Kim chưa bao giờ thấy vẽ mất bình tỉnh của chồng như lần này.
Và lạ làm sao, cô chấp nhận sự thật nhẹ nhàng hơn chồng nhiều. Cô chấp nhận chuyện cô sẽ phải rời xa thế giới này, vì điều ấy vốn dĩ cũng là quy luật. Có sinh thì phải có tử. Làm con người ai rồi cũng phải có ngày từ giã cuộc đời này, sớm hay muộn hơn thôi. Như cô đã từng đưa ba mẹ cô, ba mẹ anh về nơi an nghỉ. Chỉ có điều, cô không biết khi chỉ còn lại một mình anh, chồng cô sẽ đối diện với sự thiếu vắng cô như thế nào? Có khắc khoải, có đớn đau, hay mọi sự sẽ nhẹ nhàng, yên ả???? Cô thật lòng mong muốn, anh sẽ sống một cuộc sống mới- một cuộc sống không có cô- bình yên, thanh thản.
Kim từ chối gợi ý của chồng và hai con. Cô không nghĩ mình muốn kéo dài cuộc sống trong đau đớn. Hơn nữa, nếu đi Singapore thì phải tốn kém một khoảng tiền lớn, mà khi chất lượng cuộc sống không còn, thì sự sống cũng chẳng còn ý nghĩa. Đó là chưa tính trường hợp tiền mất tật mang. Căn bệnh của cô chưa thấy ai sống vượt qua con số một năm kể từ ngày phát hiện. Thôi thì hãy dành khoản tiền đó cho người ở lại.
Ngày cuối cùng Kim lơ mơ nửa mê nửa tỉnh vì thận đã không còn làm việc được nữa. Như vòng bánh xe đã dừng quay. Cô không nhìn thấy chồng, và con, và dâu nhưng cảm nhận những người thương yêu cô vẫn đang ở quanh đó. Và một bàn tay nắm bàn tay cô day dứt níu kéo Kim đến nỗi trong những giây phút cuối cùng ấy, Kim ước gì mình có thể sống thêm được dù chỉ là trong thoáng chốc, để cô có thể siết chặt bàn tay thân yêu mà chỉ cần sờ lên nó thì cô đã biết đó là bàn tay của anh rồi.
Các con ngạc nhiên thấy cha mình suy sụp đến vậy. Chúng cũng thương, cũng yêu và cũng buồn đau vì mẹ đã mất, nhưng đau đớn đến nỗi như cha thì chúng chẳng ngờ. Anh gầy rộc đi và chỉ muốn một mình. Con trai chuyển về sống cùng anh cho ngôi nhà bớt vắng vẻ như mẹ yêu cầu. Con gái ngày nào cũng gọi điện về nói chuyện cho anh vui như mẹ nhắn nhủ. Các con thưong anh và muốn anh vui sống, nhưng chúng nhận ra cha trầm mặc hẳn từ ngày không còn mẹ. Và dù thời gian có trôi qua, cùng với nổ lực của các con cố gắng kéo anh về cuộc sống bình thường, anh vẫn cứ mãi lang thang một mình trong những giấc mơ có người vợ đầu ấp tay gối có thói quen kê đầu lên cánh tay anh thỏ thẻ, sau khi cả hai đã chia sẻ cùng nhau cảm xúc thăng hoa của tình chồng vợ:
- Anh là mối tình đầu tiên, và là cuối cùng của em ...
Những lúc ấy, anh hay cười và che dấu xúc động bằng cách quay sang nhéo mũi vợ. Kim hay nói câu ấy, vì cô biết chồng rất thích nghe nó.
Sau này, khi cả hai đã lớn tuổi rồi. Tình cảm không còn thể hiện bằng những nụ hồn nồng nàn, hay vòng tay khát khao yêu đương cháy bỏng, nhưng những lúc cùng ôn lại những kỷ niệm thời thanh xuân của cả hai, Kim vẫn lập lại câu nói ấy. Cô nói vì bản thân cũng thích nghe nó, anh là mối tình đầu tiên và là cuối cùng của em, thật tình cảm và đầy hãnh diện.
Các con anh thất vọng vì cha mình yếu đuối hơn chúng nghĩ, và trở nên khó gần gủi, sẻ chia. Chúng đâu có hiểu, khi một nửa trái tim đã thôi không còn đập, nửa kia sao có thể còn đủ sức để yêu, để ghét, để có cảm xúc mạnh mẽ như trước đây nó đã từng. Nó bây giờ yếu ớt và thờ ơ. Lạnh lùng và vô cảm.
Một nửa trái tim còn lại vẫn đập nhịp đập của nhân gian, chẳng qua cũng chỉ do bản năng tồn tại ...
Tuyết Hằng
ĐN 04/2013