Tình gìa
Chuông điện thoại reo khi chị còn đang ngon giấc ngủ. Hình như chỉ mới bốn giờ sáng thì phải. Tiếng chuông bất ngờ, reo to trong sự tĩnh lặng của đêm khiến chị giật mình, thót tim. Đã từ rất lâu, cứ hể nghe tiếng chuông reo trong đêm là chị nghĩ ngay đến chuyện chẳng lành, mặc dù đã nhiều lần chị bắt máy chỉ để nghe một câu xin lỗi bị nhầm số. Vậy rồi là trăn trở không sao ngủ lại được. Đêm nay tiếng chuông đổ hồi chắc là khá lâu chị mới thực sự tỉnh ngủ. Giọng cậu em hoảng hốt bên kia đầu dây:
- Chị Thanh ơi, sao ông ba ngủ ngáy kỳ lạ quá. Lay mãi vẫn không chịu dậy…
- Không thức dậy đuợc hả? Nghe ngáy hả? Vậy không sao đâu, chị về liền đây.
Chị trấn an cậu em rồi tắt máy, vội vàng thay áo quần, đánh thức chồng dậy nhờ dắt xe ra cổng dùm.
- Để anh đi với em.
- Thôi khỏi, em đi một mình được, cũng gần sáng rồi. Có chi sẽ gọi anh sau.
Đêm tháng tư trời trong veo, không khí ngoài trời thoáng đảng. Chị hít một hơi thật dài. Đây không phải là lần đầu tiên ba chị trở bệnh. Ông bà đều đã già rồi. Năm nay bà tám mươi hai, còn ông tám mươi bảy. Tuổi già đi kèm với ốm đau, bệnh tật. Thỉnh thoảng ông, rồi bà trở bệnh, nhập viện mấy ngày. Có khi bà mới vào viện, đám con tất tả nuôi mẹ ốm, mới đưa bà về nhà đuợc ít hôm, thì đến phiên ông thay chỗ. Dần rồi con cái đã bình tĩnh hơn khi nghe ông bà bị này nọ. Như chị ít ra lúc này còn đủ tỉnh táo lục tìm trong tủ giày dép đôi giày bệt. Đôi giày sẽ giúp chị đi lại dễ dàng hơn. Nhớ lần đầu tiên đưa mẹ đi cấp cứu, chị xỏ đại chân vào đôi giày cao gót, rồi cứ vậy tất tả tới lui ở bệnh viện. Khi đưa bà về phòng đàng hoàng rồi, lúc ấy chị mới cảm thấy chân nhói buốt vì đau. Lần ấy mất mấy ngày phải mang dép lê.
Khi chị về tới nhà mẹ, đèn nhà bật sáng từ trong ra ngoài. Bà lặng lẽ đón chị từ ngoài cổng. Cái dáng nhỏ nhoi lại càng nhỏ hơn trong ánh sáng nhạt nhòa của bóng đèn vàng úa:
- Không biết răng ba mi ngáy dữ rứa. Lay hoài mà có chịu dậy mô.
Nhìn đôi mắt thất thần của mẹ, chị vội vàng trấn an bà:
- Ngáy là đang ngủ đó. Không chi đâu mà mạ lo.
Nhưng đúng là ông đang ngáy kỳ lạ thật. Tiếng ngáy to, kéo dài, rồi ngưng đột ngột, im lặng lâu lắm, rồi nhịp thở lại kéo dài … Chị ấn nhân trung vẫn không thấy ông cựa quậy. Vậy là hôn mê sâu rồi. Chị quay qua cậu em:
- Gọi xe cấp cứu đi Trung.
Khi đến được phòng cấp cứu thì đường huyết của ông chỉ còn 2. 9, huyết áp tụt 90/50. Đường huyết tụt trong đêm nên bà nằm giường bên lắng nghe tiếng ngáy của ông mỗi lúc mỗi to, ngạc nhiên nhưng không biết ông đã chìm vào hôn mê. Mãi đến khi nghe tiếng Trung lục đục trên lầu bà mới gọi với lên báo cho con trai biết. Phải mất một ngày một đêm cấp cứu ông mới thật sự tỉnh lại. Miệng ú ớ không nói thành lời. Mói ngày trước ông còn đi lại, nay thì đến nhấc cánh tay lên cũng không thể. Bao nhiêu sức lực đã trôi tuột đi đâu rồi, thật dễ dàng. Nhưng hình như, ông cũng chẳng cố để giữ lại chút sinh lực của tuổi già mòn mỏi…
Buổi chiều, khi được đưa lên Khoa Lão, ông vẫn còn nửa tỉnh nửa mê. Phòng bệnh nặng không còn giường trống, đành phải để ông nằm trên chiếc băng ca. Máy đo nhịp tim, máy đo huyết áp, máy đo nhịp thở cứ chạy tít tít. Chị căng mắt nhìn vào màn ảnh, và nghe tiếng thở của ông có lúc hình như trả về số 0. Chị Ba, chị Tư, bé Út và Trung đã về cả rồi. Chị quyết định sẽ ở lại một mình, để mọi người về nhà nghỉ ngơi. Vì có đứng đây cũng chẳng thể làm gì hơn cho ông.
- Thôi, mọi nguời về đi. Tối nay Trung vào trực nhé. Còn chị Ba, Tư và bé Út sẽ chia phiên vào ngày mai. Nếu có chi thì sẽ gọi.
Biết cũng sẽ không thể làm gì khác hơn là chờ đợi, cuối cùng tất cả cũng ra về.
Bác bệnh nhân nằm giường bên, bước những bước chân run rẩy qua sờ chân “chiến hữu”:
- Ổng đẹp lão ghê hen. Mấy mươi rồi cháu?
- Dạ, tám mươi bảy.
- Tui tám chín rồi. Còn ông ni tám sáu đó.
Bác quay qua giới thiệu người nằm bên cạnh. Khi vào đây, là bước vào một nơi đau đớn, bất hạnh, một nơi mà sự sống và cái chết hình như chỉ như một bước chân qua, người ta cư xử với nhau thân thiết như người quen lâu lắm. Người đàn ông chẳng mấy nữa sẽ buớc vào tuổi chín mươi đang theo dõi để biết có phải mình bị ung thư bao tử? Vậy mà nụ cười của ông vẫn trọn vẹn vẻ hiền lành, cho dù đôi khi ông nhăn mặt vì đau đớn. Ông vui vẻ nhường cho ba chị chiếc giường có máy thở oxy khi cô y tá bước vào đề nghị ông chuyển sang một phòng khác. Ông vừa nói vừa tự thu dọn đồ đạc, vì ông chỉ có một mình, nguời thân của ông đâu chẳng thấy:
- Không sao cả. Tui ở đâu cũng được. Để ổng nằm ở đây, có chi còn cấp cứu.
Chị cám ơn ông, nghe một chút nghẹn ngào. Mỗi người mỗi tính cách, và nó chỉ thể hiện lúc gặp những biến cố đặc biệt. Khi ấy cái tôi ích kỷ hay bao dung, nhân hậu mới lộ rõ. Còn bình thường, người ta dễ dãi nói những lời có cánh để vui lòng người khác. Ở chốn này, sự cảm thông chất chứa trong những lời thăm hỏi chớ không chỉ bởi tò mò.
- Ông bị sao vậy cô?
Khi Trung lên trực thay, chị quay về nhà mẹ lấy thêm mấy thứ cần thiết. Mẹ chị đi lại bằng bước chân cà nhắc vì đau khớp gối, miệng không ngừng kể lể:
- Ba mi ngáy chi mà ngáy dữ rứa? Mạ nằm bên ni thức trắng đêm có ngủ được chi mô. Nhà thương nói răng con?
- Ba chưa tỉnh mạ ơi.
Chị nói xong là ân hận ngay. Phải chi đừng cho bà biết. Gì rồi thì đêm nay bà lại sẽ mất ngủ vì lo lắng. Đối với bà, người dàn bà sáu mươi năm hơn, từ ngày lấy chồng, chưa một lần rời khỏi thành phố nơi mình ở. Bước chân đi về chỉ là con đường từ nhà đến chợ, rồi từ đó quay về. Thế giới của bà chỉ là ngôi nhà bà bước vào lúc rước dâu, rồi mãi mãi chưa bao giờ có ước muốn bước ra từ nơi ấy dù có lúc giận hờn hay đau khổ. Nhiều khi nhìn vẻ nhẫn nại của mẹ, chị vừa thương vừa cảm thấy kinh ngạc. Sao bà có thể sống như vậy được? Cuộc sống đơn điệu và buồn tẻ của bà kéo dài đã hơn sáu mươi năm. Vậy mà bà vẫn hạnh phúc, vẫn vui vẻ, và tình yêu dành cho người đầu ấp tay gối thì đáng kinh ngạc.
Từ những ngày còn nhỏ, chị đã quen hằng ngày nhìn thấy cảnh mâm cơm dành riêng cho ông được dọn tinh tươm trên bàn ăn, ông ngồi ăn chậm rãi trên chiếc ghế cao. Còn bà, ngồi thấp hơn một chút, tay không ngừng phe phẩy quạt, dù trời có nóng hay không. Chỉ thỉnh thoảng ông mới trao đổi với bà, còn phần lớn thời gian ông mãi nghĩ ngợi đâu đâu. Vậy mà gương mặt bà vẫn rạng ngời hạnh phúc. Ông vừa buông đũa là bà vội vàng đứng dậy rót ly nước trà đưa tận tay ông. Chị đã quen nhìn thấy cảnh ấy, nhưng với chồng chị, thì đó là một điều kỳ diệu:
- Wow! anh chưa từng thấy cảnh này. Quá tuyệt vời. Uớc chi …
Nhìn vẻ thèm muốn khôi hài của anh, chị phì cười:
- Hẹn kiếp sau nghe anh, kiếp này thì em xin lỗi.
Thật lòng mà nói, chị không thể dành cho chồng thứ tình yêu hiến dâng trọn vẹn như bà dành cho ông. Đối với bà, ông là tất cả thế giới này. Sáng ra mở mắt, bà đã nghĩ về ông, lo cho ông từng miếng ăn. Tối đến cả trong giấc ngủ, bà cũng dành một phần tiềm thức tỉnh táo để biết ông có ngon giấc? Cho đến bây giờ, câu đầu môi của bà khi các con về thăm lần nào cũng chỉ chừng ấy:
- Không biết mua chi cho ba bây ăn đây. Món chi ông cũng chê hết.
- Ba bây hồi hôm không ngủ được, cứ lục đục cả đêm.
Có khi bà quay qua phàn nàn người giúp việc:
- Con Bé chẳng biết mua thịt, cá chi cả. Mua thứ chi cũng dở hết. Phải chi mạ đi chợ được dể chọn mấy thứ ngon ba bây thích ăn…
- Thì ba già rồi, ăn không còn ngon miệng là bình thường. Mạ chỉ lo bữa ăn đủ chất là đựợc.
Nhìn gương mặt bà, chị biết bà không thỏa mãn với câu “không ngon miệng là bình thường” của chị. Có lẽ trong trong thâm tâm bà nghĩ:
- Tụi bây đứa mô cũng bất hiếu. Phải làm răng cho ba bây ăn ngon chớ.
Mỗi lần ông đau nằm viện, bà ở nhà cũng chán ăn. Con cái có nhắc nhở thì bà cũng ừ cũng gật. Nhưng khi ông về nhà,ông sụt ký đã đành, bà cũng chẳng hơn.
Lần này ông nằm lâu nhất, và là lần đầu tiên ông không thể xoay trở người vì chẳng còn đủ sức. Khi thật sự tỉnh táo, ông nói bằng giọng ngọng nghịu:
- Tưởng đựoc chết rồi chớ. Tỉnh lại làm chi …
- Ba phải sống với mạ cho vui. Ba mà chết là mạ buồn chết theo đó.
- Thôi, cùng lắm là buồn năm bảy bữa, rồi là mạ con sống khỏe re. Già rồi mà còn phải lo cho ba nữa, cực lắm.
Chị ngạc nhiên vì ông đã nghĩ tới những điều chị ngỡ ông không bao giờ để ý. Người đàn ông diễm phúc là ba chị thật ra không phải vô tâm như chi vẫn nghĩ về những ông chủ trong gia đình. Ông cảm nhận được hết nỗi niềm và những chăm sóc của vợ. Tới ngày thứ bảy, ông nói với Trung:
- Đưa mạ lên cho ba thăm một chút.
Còn mẹ chị ở nhà, bước qua ngày thứ ba là nhấp nhỏm:
- Cho mạ đi thăm ba bây một lần hè.
Vì bà đi lại khó khăn nên các con bàn ra:
- Thôi, ba nằm trên lầu bốn lận, mạ đi không nỗi đâu.
Vậy nhưng rồi cuối cùng, khi cả hai ông bà đều muốn, Trung đành phải đi mượn người quen chiếc xe lăn, đặt bà ngồi lên, đẩy bà đến bệnh viện để bà thăm ông. Mọi khi bà vẫn ghét chiếc xe khiến bà cảm thấy mình già nua, bất lực, vẫn tìm cớ nọ cớ kia để khỏi phải ngồi lên nó. Nhưng lần này bà vui vẻ để cậu con trai đẩy đi ngoài phố.
Chao ơi là tình già. Ông thấy bà đến thì cố nhấc cánh tay mấy ngày rồi xuôi xị, nắm lấy bàn tay bà. Còn bà mếu máo hỏi:
- Khỏe chút mô không anh?
Không trả lời, ông hỏi:
- Bà có nhớ tui không?
Chị vội quay đi tránh nhìn cảnh ấy. Ai dám nói tình già không da diết, không nồng nàn như tình trẻ. Ai dám nói khi già rồi vợ chồng chỉ cư xử với nhau cho trọn nghĩa mà thôi? Lần đầu tiên, chị thót tim nghĩ, nếu chẳng may một người ra đi, có lẽ chị sẽ mất luôn người còn lại. Cả hai đều đã qua tuổi tám mươi rồi, sự sống chỉ như chiếc lá trên cành. Gió lay lá rụng. Lúc ấy sẽ chẳng còn cha, sẽ chẳng còn mẹ để chị lo lắng những khi ông bà trở bệnh. Sẽ chẳng còn nơi chốn để quay về, tìm sự cảm thông khi lòng buồn bã vì những khó khăn trên đường đời vấp phải…
Chị vội quay đi lau vội nước mắt tràn mi. Sinh, lão, bệnh, tử ai rồi cũng phải trải qua, nhưng giá chi mẹ cha chị có thể sống đời với con cháu …, để ông bà cứ mãi cuôn quýt bên nhau, để ông được hưởng sự quan tâm, chăm sóc của bà, để bà chỉ cần nhìn thấy ông mỗi ngày là đủ hạnh phúc, cho dù khi con cái về thăm, thỉnh thoảng bà vẫn càm ràm kể những câu la mắng của ông, ông chủ trong gia đình và là ông chủ của trái tim bà, từ những ngày son trẻ cho đến lúc hơi tàn, sức kiệt …
ĐN 10/5/2012
Bích Hoài
Xuân Hương