Tình Muộn

Đang … “để tang cho một cuộc tình”, tôi nhiều đêm mất ngủ.
Đời sống thường ngày vốn đã quá bận rộn và căng thẳng, từ công việc làm ở công ty cho đến chuyện nhà. Đó là những tháng ngày sau biến cố 911 năm 2001. Đi làm, thỉnh thoảng thấy có một vài người bị sa thải, vừa buồn dùm cho người ta và lại lo lo, không biết mình có thể đứng vững trong công việc làm này bao lâu đây. Nếu bị mất việc làm thì sẽ kéo theo bao nhiêu rắc rối. Hồ sơ bảo lãnh anh chị em đã hoàn tất từ lâu nhưng cứ phải “xếp hàng”, chờ và theo dõi giấy tờ từ Sở di trú, trong khi ba càng ngày càng già. Má thì mới sang đây, chưa quen với đời sống bên này nên cứ hờn lẫy, đòi bỏ về Việt Nam hoài.
Ngay lúc này, chuyện hôn nhân của tôi bắt đầu rạng nứt, cố gắng bao nhiêu cũng chỉ mất công và mất thời gian thôi. Không có thứ keo sơn nào có thể hàn gắng mối quan hệ vừa lạnh, vừa nhạt giữa hai chúng tôi. Cuối cùng thì người ta cũng đi ra một cách lặng lẽ, dễ dàng như bước ra một cái chợ, một khu shopping. Tôi buồn nhưng không có lý do gì để khóc và… thật tình, không biết khóc với ai, không biết sẽ kể lể những gì. Tôi cam lòng đóng vai một con người đầy tự tin bản lảnh. Nhưng … tôi là một diễn viên kém cỏi, dung nhan tôi ngày càng nhợt nhạt. Tôi cười nhiều nhưng nụ cười đầy gượng gạo. Tôi không thể nào che dấu nỗi cô đơn khi đi dự các buổi tiệc cưới một mình. Thường, tôi ngồi đến khi tàn tiệc mới ra về. Lòng trống không, lạnh lẽo.
Đêm đó, tôi ngồi một mình trong tiệc cưới con gái của một người đồng hương. Một người đàn ông trung niên đến chào tôi và hỏi:

- Anh, khỏe không em? Em đi đám cưới với ai vậy, ông xã đâu?

Tôi nhìn khuôn mặt rất quen, rất thân thiện, nhưng mãi vẫn không nhớ người này mình đã gặp ở đâu. Tôi trả lời:

- Cám ơn anh, em đi một mình. Ủa, anh ngồi bàn nào vậy?

- Anh ngồi bàn kia, chỗ mấy ông mục sư đó.

Tôi nhìn theo hướng anh chỉ, không thấy ai là người quen cả. Người đàn ông nói chuyện vu vơ vài câu rồi trở về bàn. Tôi cứ thắc mắc hoài, lạ quá, người này quen biết với mình trong trường hợp nào mà biết tên mình, còn biết chỗ làm của mình rõ ràng nữa.
Một lát sau, tôi hỏi một người trong gia đình họ nhà gái mà tôi quen biết:

- Em, có biết chú kia tên gì không?

Cô bé trả lời:

- Dạ không, chắc khách bên nhà trai. Mà sao chị?

- À, chị nói chuyện một hồi mà không biết ổng tên chi.

- Sao chị không hỏi?

- Thôi, mình không nhớ họ là ai là đã quá tệ rồi, hỏi … kỳ quá!

Suốt buổi tiệc cưới, người đàn ông lui tới vài ba bận. Khi thì rót cho tôi miếng nước, châm vài viên nước đá; thấy ghế bên cạnh còn trống, anh buộc miệng:

- Xin lỗi, anh ngồi đây được không?

- Dạ…được, anh cứ tự nhiên

Bên cạnh tôi, anh ta hỏi han đủ thứ từ công việc làm đến lý do tại sao phải đi đám cưới một mình. Ánh mắt anh ta có vẻ ái ngại, hoài nghi khi tôi trả lời sơ sài về lý do … “một mình” của mình. Tôi thì vẫn hoang mang, chưa dám hỏi anh ta là ai mà sao biết về mình rỏ quá. Chỉ có những người quen ở sở làm mới gọi tên tôi bằng một chử Anh, đơn giản, mất đi cái tên chính, vì khi làm giấy tờ, sở di trú đã ghi tên tôi hai chữ “Anhtrinh” dính vào nhau.
Người đàn ông này nói chuyện khá điềm đạm. Tuy nhiên, tôi không chú tâm lắm, tự nhủ, chắc là một người quen, lâu ngày không gặp. Đi qua đi lại bàn của tôi đôi lần, sau cùng anh ta hỏi:

- Em đi một mình, có ai chở không?

- Dạ, em tự lái xe đi, có gì không anh?

Người đàn ông hơi lưởng lự:

- À, tưởng … em có cần thì anh đưa em về.

Tôi hơi ngạc nhiên nhưng cũng lịch sự:

- Dạ cám ơn anh, em lái xe đi mà.

Người đàn ông tiu nghỉu trở về bàn. Tôi vẫn ngồi đó, chăm chú ngắm các cặp đôi đang nhảy đầm, lắng tai thưởng thức những bản nhạc vui đang được ca sĩ biểu diễn trên sân khấu. Đây là thói quen của tôi khi đi đám cưới, thế nào tôi cũng ngồi cho đến khi tàn tiệc mới ra về, dù chỉ ngồi một mình như hôm nay. Tôi ra về khi sân đậu xe đã bắt đầu vắng, đêm mùa đông gió lạnh se thắt, tôi co ro trong chiếc áo lạnh dài, bước chân gỏ những tiếng rời rạc cô đơn trong đêm khuya. Trên đường về, có nhỏ bạn gọi:

- Ê, ngủ chưa, đang làm chi đó mi?

- Đi đám cưới về.

- Đi vơí ai, vui không?

- Đám cưới thì dỉ nhiên vui rồi, ta đi một mình…

- Bộ không gặp ai quen để tán dóc à?

- Có … nhưng không biết quen ở đâu.

Tiếng con bạn cười qua điện thoại, không cần con nhỏ điều tra, tôi khai liền:

- Lạ nghe, ta gặp ông ni, không biết lão ở đâu ra … mà biết tên ta, rồi … nói chuyện anh em … ngọt xớt!

- Nói giọng chi?

- Quảng Nam!

- Rứa thì trong hội đồng hương Quảng Nam chớ đâu.

- Không, hội đồng hương toàn mấy ông già khụ, ông ni chưa già lắm, ổng kêu ta tên Anh, nghĩa là quen biết đâu trong sở ta làm …

- À, rứa chắc là đồng nghiệp, không đồng hương thì đồng nghiệp thôi!

Nghe con bạn lải nhải, tôi cười:

- Ừ, từ đồng hương đồng nghiệp, nếu có duyên trở thành đồng giường mấy hồi.

...
Câu chuyện đi vào quên lãng cho đến mấy tháng sau, một hôm, giờ nghĩ trưa nơi chỗ làm, tôi đi ngang qua xưởng, khu vực đóng gói, nơi tôi đã làm những năm mới bắt đầu sự nghiệp ở công ty này, trước khi tôi đi học lại để lấy chứng chỉ trở thành chuyên viên đọc bản vẽ cho công ty in vé số này.
- Hello chị Anh, khỏe không chị?
Một cậu thanh niên đang lái xe cẩu hàng, dừng xe lại chào tôi, vui vẻ.
- Lâu ngày quá, cám ơn em, có chi lạ không?
- Ba em gởi lời thăm chị …

Tôi giật mình.
Phong là người bạn nhỏ của tôi ngày trước, khi tôi còn làm ở xưởng và hay đi chơi chung với nhóm thanh niên trẻ trung, vui tính, những người hay giúp tôi trong các thao tác nặng, thời tôi còn làm lao động tay chân.
Phong cười cười nhắc lại khi thấy tôi tròn mắt nhìn:

- Nói thiệt mà, ba em nhắc chị hoài …

- Ba mi là ai?

- Hôm đi đám cưới … gặp chị đó.

Lúc này tôi mới sực nhớ ra:

- Ủa, ông đó là ba em hả, thiệt hông? Sau đám tang bà già chẳng bao giờ gặp ổng nữa, hèn chi … nhìn không ra!
- Má em mất cũng lâu rồi chị, mấy năm rồi. Hì hì … Ông già hỏi thăm chị hoài, em đưa số phone, nói ổng gọi hỏi thăm chị, mà … chắc ổng mắc cở …

- Hôm trước gặp ở đám cưới, ổng không tự giới thiệu nên chị cũng không biết ổng là ai …

Thằng nhỏ cười, ngập ngừng:

- … Ba em còn trẻ, ngon lành mà … chị có đi đâu chơi, rủ ổng đi với. Chị hay đi xuyên bang hông?

- Có, tuần tới chị đi Florida

- Chị lái xe hả?

- Ừ, đi với một người bạn gái từ VN qua.

- Rủ ba em đi với cho vui chị. Ông già cứ ở nhà lụi thụi ra vô một mình, tội quá!

Tôi tinh nghịch:

- Về nói ba mi, chị Anh lái xe 8 tiếng đi FL, nếu ổng không làm tài xế cho ta thì … có gì…ổng đừng hối hận!

- OK, để em nói ổng, thôi em đi làm đây.

Lần trò chuyện ngắn với Phong tưởng chỉ là giởn chơi, ai dè tối đó anh gọi tôi:

- Nghe nói …em lái xe đi FL hả?

- Dạ.

- Chừng nào đi?

- Thứ năm tuần tới.

- Để anh chở cho … em tự lái xe đi xa vậy... anh không yên tâm.

Thế là lần hẹn hò đầu tiên của tôi là chuyến đi chơi xa, đến một thành phố cách nhà hơn 700 cây số, có đứa bạn tham gia. Sau đó có thêm gia đình nhỏ bạn ở FL và đứa bạn thân của tôi ở đây góp phần làm giám khảo. Đến nay thì chúng tôi đã trở thành một nhóm bạn già thân thiết. Ai cũng mừng cho tôi có được một bờ vai để dựa, ai cũng nhận xét anh là người quan tâm tôi hết mực, tràn đầy tình cảm.
Tôi không biết tình yêu đến từ lúc nào, bắt đầu từ nhừng chăm sóc lo lắng nho nhỏ đến những gánh vác nặng nề hay duyên trời đã định? Phong và đàn con của anh, sau một buổi tiệc nhỏ giữa hai gia đình đã gọi tôi bằng dì. Cả nhà đều vui khi tôi đến với anh, không có vấn đề gì khiến tôi phiền lòng. Tuy nhiên tình cảm muộn màng này không tránh khỏi những lần giận hờn, trách móc, nghi ngờ, hiểu lầm … vì tánh anh nóng như lửa. Tôi biết mình phải bỏ bớt cái tôi của mình, nói theo thuyết nhà Phật là phải biết rèn luyện tâm vô ngã, trong đó kiềm chế bản ngã là cách mà tôi có thể làm nguội lại những cơn nóng giận bất chừng của anh. Và, dường như sóng gió qua đi thì tình cảm lại thăng hoa hơn trước. Nếu đoạn đường cùng song bước của hai chúng tôi bằng phẳng, trơn tru mưa thuận gió hòa thì làm sao biết được giá trị của tình cảm. Nếu người đồng hành đã cùng chia với tôi những sớm mai yên bình, những chiều vàng nhạt nắng thì cũng phải biết cùng tôi đối phó những sóng gió, biến cố, khó khăn đến với đời tôi, cũng như biết lặng lẽ cùng tôi trong những ưu tư, căng thẳng trong đời sống. Anh là mẩu người xem giá trị tình cảm gia đình cao hơn vật chất, chính điều này đã đem anh đến lại rất gần với con gái và gia đình lớn của tôi.
Tuy nhiên, trên đời không có ai hoàn toàn, cũng chẳng có ai hài lòng với mọi thứ mình đang có. Đời sống vui hay buồn không phải do hoàn cảnh bên ngoài mà tùy thuộc vào suy nghĩ và cách sống của chúng ta. Mọi việc đều có cả mặt tốt lẩn mặt xấu, hành vi và tâm tính của một con người cũng thế, cùng chung sống với một người nếu biết nhìn về mặt tốt, ưu điểm của họ, có lẻ chúng ta sẽ sống vui vẻ, hạnh phúc hơn. Thế gian này chuyện gì cũng có thể xảy ra và cuối cùng cũng sẽ tan biến vào hư không. Cuộc đời là chuyến xe, người ban đồng hành có khi tạo niềm vui cho ta cùng bước để ta thấy đường gập ghềnh trở nên bằng phẳng, cũng có đôi khi những cơn mưa, trận gió, thác lũ bên ngoài cản trở hành trình xuôi ngược của chúng ta, khiến chúng ta mất phương hướng hoặc chán nản, muốn dừng xe lại.
Tôi hiểu rằng mối tình muộn màng của tôi là chọn lựa của chính mình, tôi sẽ gạt bỏ nhưng ưu phiền rơi rớt trên đường đời, buông đi những khắc khoải, học cách tha thứ, bao dung … để cùng anh bước đi, trên đoạn đường đầy nụ cười và hoa tươi … vào nhà dưỡng lão.
Nguyễn Diệu Anh Trinh
Tháng 4 năm 2013