Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Tình Thân Chín Bốn Nguyễn Diệu Anh Trinh
Trang web riêng của lớp chín bốn mới hình thành có mấy tuần mà cũng hấp dẫn ghê.
Ngọc Anh nhà mình nhờ vậy mà mới có cơ hội thấm thía thêm tình yêu của Mr. Klein. Anh rể người Mỹ này không đọc được tiếng Việt nhưng cũng hăng hái giúp vợ. Dù cha con nó bị ăn McDonalds dài dài mà vẫn vui.
Bạch Nhạn nhờ có trang web la làng í ới mà mới trổ tài văn chương cho bà con thưởng thức.
Tuyết Hằng hăng hái tham gia đầu tiên, sau mấy bài viết mình mới khám phá ra là nàng Bạch Tuyết ngoài tài văn nghệ còn theo đức lang quân ham mê bóng đá, có vẻ là một cổ đông viên đầy máu me đó quí vị. Nghe đâu cô nàng đang chuẩn bị viết một bài dài về mấy cái đuôi đi theo thời học trò.
Lân thì nhờ có trang web mà trái tim được sưởi ấm trong những ngày đi tour, cô nàng này đáng khen nhất vì tinh thần chia vui sẻ buồn mau mắn. Cổ nhân có câu "Cục muối cũng cắn làm đôi", với Lân thì muối, đường, rác rưới chi cô nàng cũng chia sẻ cho bạn bè.
Chú Lùn Thu Sương sau mấy lời cáo lỗi, nay đã chính thức có mặt trong trang Văn Chương 9/4 và luôn giữ liên lạc gởi email, hình ảnh liên tục. Trang web bước đầu được xem như là một khu vườn đơn sơ nay có phần tấp nập phải không các bạn!
Riêng Anh Trinh đã được chị em Chín bốn chia sẻ sau bài viết "Bạn Thân và Nỗi Nhớ" được chọn đăng trong đặc san "Thoáng Hương Xưa". Có bạn đã nói "Đọc bài viết của mi, tau như thấy lại cả một trời thơ mộng và nghịch ngợm hồi đi học vì trong đó tên người thật, kể lể những kỷ niệm thật mà bất cứ đứa mô trong lớp chín bốn đọc qua cũng cảm thấy gần gũi, thân thương".
Mười mấy năm sống xa quê hương, hơn ba mươi năm rời xa mái trường. Kỷ niệm thời đi học tưởng đâu đã ngủ yên trong ngăn kéo ký ức. Từ một lần đi sinh hoạt với các anh chị Liên trường Quảng Đà tổ chức tại Dallas, Texas năm 2005, tuy không được gặp một người bạn nào đồng trang lứa nhưng cùng sống trong hồi ức với các chị chung trường thuở xưa, mình cảm thấy như tuổi học sinh sống lại. Lòng bồi hồi muốn chia sẻ cảm giác ấy với bạn bè mà đa số đang còn ở quê nhà. Mình đã viết cho Kim Cúc (lớp 9/5 ngày xưa) mấy dòng và Cúc đã post lên trang web Nữ Trung Học Đà Nẵng. Từ đó đến nay mình siêng năng tâm sự, kể lể với bạn bè nhiều hơn qua điện thoại, qua email, qua những dòng tùy bút hay những câu chuyện thật về đời mình.
Nói sao hết sự ngạc nhiên và xúc động khi mình có phone của Nguyễn Đăng Ngọc Anh từ San Diego, miền nam California. Vẫn giọng Huế nhỏ nhẹ như xưa, điều làm mình thích thú vì Ngọc Anh nói nhiều và vui tánh hơn lúc là "cô bé 9/4 mắt xếch" ngày xưa. Hai đứa nói chuyện thật lâu, kể chuyện chồng con. Té ra cô nàng lập gia đình khá muộn, giờ này bà con 9/4 đã làm bà nội bà ngoại, tệ nhất cũng lên chức chị sui rồi, vậy mà cô nàng Ngọc Anh vẫn còn phải đưa đón con đi học mỗi ngày, chưa kể những bận rộn ở nơi làm việc, những căng thẳng của đời sống nơi quê hương thứ hai này. Thỉnh thoảng hai đứa gọi nhau, chuyện ngày xưa bao giờ cũng là đề tài hấp dẫn. Hai đứa thường ước ao tập trung bạn cũ 9/4 lại để hâm nóng lại tình thân thuở trước, cùng sớt chia vui buồn trong những tháng ngày còn lại trước khi ‘’nhìn lại đời … mình đã xanh rêu …”
Gọi về VN lúc nào cũng nghe đám U50 tập trung café, tán dóc, rủ nhau đi hát hò. Thật tội nghiệp cho mình, Ngọc Anh, Huyền TN Thu Dung, Nguyệt Nga A, Bạch Huệ … nói chung những đứa 9/4 đang ở cách xa trường xưa, bạn cũ hơn nửa vòng trái đất. Mình thích trang trải nỗi lòng, sự nhớ nhung bằng cách viết xuống. Với sự thông cảm, động viên của nhiều bạn, bài viết của mình nay đã bay xa đến các bạn trong và ngoài nước.
Thật lòng mà nói, lứa tuổi chúng ta không may mắn khi mộng mơ chưa kịp chắp cánh, đường đời chỉ vừa chập chững thì vận nước đổi thay. Không nhiều thì ít mỗi chúng ta đều có ảnh hưởng. Đó là cái chung, về thân phận riêng của mỗi thành viên 9/4. Rời mái trường Hồng Đức có bạn tiếp tục vào mái trường mới, lên Đại Học. Công danh sự nghiệp suông sẻ, tình duyên tốt đẹp. Có bạn phải theo gia đình bỏ nước ra đi mà chưa biết sẽ đi về đâu, tại sao phải đi. Theo sự chuyển biến của một đất nước mới thống nhất với bao khó khăn chồng chất, các bạn còn ở lại trong nước phải chịu chung một hoàn cảnh mà mình cũng không ngoại lệ.
Viết về những ngày xưa mình chỉ muốn nói lên những gì đã xảy ra cho đời mình sau ngày rời mái trường, điều gì khiến mình có đủ nghị lực vượt qua bao cay đắng trong cuộc đời. Từ những không may về tình duyên, những vất vả khi có đứa con đầu lòng trong một hoàn cảnh không mấy khả quan. Những ngày còn ở trong nước cho đến những ngày đầu chưa hòa nhập nơi xứ người với bao khó khăn, thiếu thốn từ tình cảm đến vật chất, ngôn ngữ lại bất đồng…Và cứ thế, bao nhiêu mùa xuân cô đơn lặng lẽ đi qua. Khi công việc làm ăn tương đối ổn định, mình lại một lần nữa nếm vị đắng của tình cảm khi tuổi đời đã vào thu. Càng lớn, suy nghĩ càng già dặn thì mình càng có cảm giác tháng ngày trôi qua quá nhanh. Dường như đây là khoảng thời gian để nhớ những chuyện xưa chứ chẳng phải để xây mộng ước nữa. Có bạn hỏi mình sao cứ nhớ và nhắc hoài những ngày tháng khổ đau trong khi mình đang có một cuộc sống ổn định về vật chất. Có bao giờ bạn thầm hỏi chúng ta và gia đình đã phải đánh đổi điều gì để có được hiện tại? Tại sao chúng ta phải cố quên, cố tránh né trong khi ai cũng hiểu rằng thời gian không bao giờ quay trở lại, không bao giờ ta thay đổi được quá khứ, ta có ao ước trở lại một phút của ngày xưa hay muốn vùi chôn những gì đã qua cũng không bao giờ được. Nhắc lại chuyện xưa để chia sẻ, thông cảm nhau bởi chúng ta đã sinh ra và cùng lớn lên một thời, bạn bôn ba thì mình cũng lận đận. Bạn thiếu thốn, tranh thủ từng cái tem phiếu thời sinh viên thì mình cũng chật vật mỗi ngày vì miếng cơm manh áo. Bạn khó khăn biết bao trong những ngày đầu tự lập thì mình cũng từng rơi nước mắt khóc thầm cho thân phận bẻ bàng. Kẻ ở lại có nỗi niềm riêng thì người ra đi cũng long đong với bao mối âu lo đang chờ ở phía trước.
Từ tổ ấm Chín bốn giờ đây mỗi người có một hướng đi riêng và ổn định cuộc sống. Dù bạn đang sống trong một căn nhà có đầy đủ tiện nghi, hay chỉ là một mái tranh nơi vùng cao kinh tế mới, bạn đang co ro vì cái lạnh của xứ Bắc Âu hay đang mệt mỏi căng thẳng cho đời sống văn minh, máy móc như nước Mỹ. Dù nơi nào, hoàn cảnh nào chúng ta cũng đã bước ra từ tình thân 9/4. Giờ đây suy nghĩ của mỗi người có thể thay đổi theo thời gian tùy hướng đi và tuỳ nhu cầu. Người ở nước ngoài thì mong muốn trở về ăn một cái Tết nơi quê hương, ngồi đấu láo với bạn bè mà không cần nhìn đồng hồ. Kẻ trong nước lại mong được một lần nhìn ngắm bao tiện nghi của xứ sở phương Tây. Thôi thì có bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, cách trọn vẹn nhất là hãy sớt chia cái mình đang có, chắc chắn ta sẽ nhận lại gấp đôi.
Mong rằng chúng ta sẽ trở về với tình thân Chín bốn - vô tư, không phân biệt, không phê phán - trở về với lớp học có 3 dãy bàn nhỏ, với hơn sáu mươi nữ sinh áo trắng cùng chung một niềm vui giải nhất văn nghệ qua hoạt cảnh “Bạch Tuyết Bảy Chú Lùn”, 9/4 nổi tiếng với Chế Thu Hương vô địch bóng bàn, với Liên Hương học giỏi nhất khối, có Nguyệt Thu chưa bao giờ nấu cơm ở nhà nhưng đã phụ trách mục thi gia chánh đoạt giải nhất hội chợ Hai Bà Trưng. Đồng thời 9/4 cũng nổi tiếng nghịch ngợm với nhiều lần bị phạt chép Nội Qui trưòng hoặc đi cấm túc quét lá bạc hà. Mỗi người nhớ một ít, chúng ta sẽ gặp lại nhau tại khu vườn Chín bốn, tuổi năm mốt hay tuổi mười lăm cũng vậy thôi. Tình thân Chín bốn sẽ kéo chúng ta mãi mãi gần nhau. Vườn nhà Chín bốn sẽ có thêm nhiều đóa hoa đẹp, nhiều loại cây cỏ tỏa hương thơm ngát vì đã được chúng ta chăm bón bằng những tinh chất của một tình bạn đích thực.
Mong rằng dù xa cách về không gian nhưng nghĩ về Chín bốn ta luôn có cảm giác gần gủi, ở đó có những người bạn luôn ở bên ta khi ta gặp thử thách, những người bạn dám nói lên sự thực với bạn dù họ biết làm bạn đau lòng. Bởi vì tình bạn không phải là người vợ, người chồng nhưng là thêm một bờ vai để chúng ta tựa vào tâm sự những điều thầm kín. Hãy sớt chia chúng ta sẽ nhận lại được gấp đôi.
Ngày Đầu Năm 2009
Chin Bon
Chin Bon