Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Tổ chim
Từ cửa sổ phòng ngủ của con trai nhìn ra giàn hoa leo trên bờ rào giữa nhà tôi & nhà hàng xóm có một tổ chim mourning dove nằm chông chênh trên đó. Tổ chim thật mong manh, được đan bằng những “que” cây khô ngang dọc chồng lên nhau. Mỗi khi nhìn ra cửa sổ tôi đều bắt gặp chim mẹ nằm ấp trứng, mắt luôn mở lớn, lo âu canh chừng mối nguy hiểm đang rình rập đâu đó. Lạ một điều, tôi chưa một lần nhìn thấy chim bố nằm cạnh chim mẹ. Cảnh chim mẹ một mình nằm ấp trứng, thấy thương quá! Tôi nghĩ bâng quơ - lẽ nào chim bố vô tình thế! Tôi thường bắt gặp cặp chim mourning dove đậu trên hàng rào hun hít tình tứ, nựng nhau, … hay chiều đến bay xuống kiếm ăn, uống nước, … bên nhau trong vườn nhà cơ mà. Tò mò tôi vào google tìm hiểu về loài chim này. À thì ra con mourning dove trống và mái giống nhau, rất khó phân biệt. Và cả hai đều thay phiên nhau ấp trứng.
Mourning dove trống không vô tình như tôi nghĩ. Đáng yêu hơn khi biết chim trống thường ấp trứng vào khoảng giữa buổi sáng để chim mái bay đi kiếm ăn. Đến khoảng trưa chim mái lai bay về thay chim trống nằm ấp trứng. Tôi cũng biết thêm, chim trống sẽ dẫn dắt chim mái tìm những nơi lý tưởng để làm tổ nhưng quyết định chọn lựa cuối cùng là của chim cái. Sau khi đôi chim tìm được nơi vừa ý, chim trống sẽ bay đi tìm và ngậm về những “que” cây, cọng cỏ, hay lá thông khô cho chim mái tự đan tổ. Không đậu trên cành cây để chuyền những vật liệu tìm được, chim trống sẽ đậu trên lưng chim mái để chuyền chúng cho chim mái.
Một buổi sáng bước ra hông nhà tưới cây, tim tôi đánh thót khi nhìn thấy một mảnh vỏ trứng rơi trên nền sân. Nghĩ đến cảnh chim mẹ khi không còn thấy trứng trong tổ nữa, tôi thương nó quá! Buồn buồn tôi ngước nhìn lên giàn cây leo, nơi có tổ chim thì bắt gặp ngay ánh mắt lo âu của chim mẹ đang nhìn tôi. Ah! Thì ra chim mẹ vẫn còn nằm đó ấp trứng. Tôi lấy lại bình tĩnh, nhẹ nhàng vội lui ra, tránh làm chim mẹ hoảng sợ.
Cũng từ hôm đó từ bên trong cửa sổ, tôi thường lén nhìn tổ chim. Rồi một ngày hai chú chim non cứng cáp hơn, không còn núp dưới bụng bố/mẹ. Thật thích thú khi thấy hai chú chim non thò đầu ra dưới đôi cánh bố/mẹ. Chim bố/mẹ ngày ngày bắt sâu, giun, … về mớm cho chúng. Hai chú chim non lớn nhanh như thổi, nằm hai bên chim bố/mẹ thật đáng yêu!
Dần dần hai chú chim non thích nghi với môi trường sống, chim bố/mẹ không phải luôn nằm ấp hai chú dưới đôi cánh mà chỉ bay về để mớm thức ăn.
Rồi ngày rời tổ cũng đến với hai chú chim non (sau 11 - 12 ngày) để tập bay, tập kiếm ăn và cũng là lúc phải đối diện với những mối nguy hiểm chung quanh. Nếu không chịu rời tổ sau 12 ngày, chim bố/mẹ sẽ cứng rắn không đút thức ăn nữa. Không có nghĩa từ đây chim bố/ mẹ bỏ mặc chim con nhưng chim bố/mẹ muốn dạy cho chúng tự sinh tồn. Chim bố/mẹ sẽ kiên nhẫn đậu ở một cành cây gần đó, đợi cho chim con thật đói để phải tự kiếm lấy thức ăn cho mình.
Tâm trạng của chim bố/mẹ sao giống của tôi lúc này quá - một lúc nào đó tôi cũng phải mạnh dạn buông hai con ra để chúng tự lập thôi.
8/24/2019
Aug 24, 2019
Aug 24, 2019
Aug 21, 2019
Aug 22, 2019
Aug 24, 2019
Aug 22, 2019
Aug 24, 2019