Tóc em bay…
Thỉnh thoảng đâu đó có người chết thiệt vì một mái tóc, đàng này chỉ vì một…sợi tóc mà thôi, cũng đã làm một số người khác ngất ngư, thê thảm…Nhưng chuyện tơ tằm này sẽ nói lại ở phần cuối trang ký sự.
Gió mát, hành lang trường nữ Trung Học Hồng Đức, giờ đổi lớp, thầy trò chen nhau ngược chiều, xuôi dòng theo dấu từng cánh cửa mở rộng chờ đón. Có gì bâng khuâng hơn cho cảnh xôn xao trước cửa trường, cửa lớp ngày xưa?
“Xin lỗi Thầy”… “Không sao, Em cứ tự nhiên”…Cái ngây thơ vô tội (innocence) bao giờ cũng đẹp. Nó trong sáng từ ánh mắt, nụ cười, cái nhường bước, cái e ấp hồn nhiên diễn ra trong khung cảnh của một ngôi trường, nơi tôi đã tham gia sinh hoạt với tập thể nữ sinh đông đảo nhất của một thành phố văn minh và có văn hoá cao, được xếp hạng thứ nhì sau thủ đô Sài Gòn của Miền Nam Việt Nam.
Có thể tôi chủ quan với suy nghĩ của mình rằng: Đà Nẵng đẹp muôn thuở nhờ có dòng sông Hàn. Nhưng đã có một thời (1967-1975) Đà Nẵng bỗng đẹp hẳn lên nhờ tập thể Nữ Sinh Trung Học Hồng Đức. Cũng như hôm nay Hồng Đức vẫn còn sống động nhờ có 9/4 năng nổ tụ tập những golden bee về chung xây một tổ kén vàng, golden web, để tiếp tục nhả tơ tằm làm rung động nhiều con tim xa gần ở quốc nội cũng như hải ngoại.
Cho tôi trở về với mùa hè năm 1975 một chút để thấy nét tuyệt vời của Hồng Đức do người khác lên tiếng thán phục. Chắc các em còn nhớ ngày 29 tháng 3 năm 1975, ngày Đà Nẵng tan tác! Người ta chưa ra tay liền, nên các em còn có những ngày ôm cặp không đến trường, cũng như mấy ông thầy của các em vẫn phải nộp giáo án, rồi đến đứng lớp cho xong những ngày quá độ trong bao cấp và tuyệt nhiên không biết ngày mai rồi sẽ ra sao đối với chính mình và xã hội mình đang góp từng hơi thở phập phồng, lo lắng!
Thế rồi chuyện gì phải đến đã đến. Ngày 14 tháng 6 năm 1975, ông Bộ trưởng Văn Hoá Miền Bắc lúc bấy giờ là Thi Sĩ Cù Huy Cận (thân sinh của Ls Cù Huy Hà Vũ) cùng một đoàn cán bộ văn hoá hùng hậu từ Hà Nội vào tiếp thu Ty Văn Hoá Giáo Dục Quảng Nam Đà Nẵng. Trường Nữ Trung Học Hồng Đức Đà Nẵng là mục tiêu hàng đầu và là điểm hẹn để Bộ Văn Hoá Hà Nội đọc lệnh kết thúc nền Văn Hoá Giáo Dục ở Quảng Nam Đà Nẵng nói riêng và cả Miền Nam Việt Nam nói chung.
Chúng tôi là nhà giáo nên một số đã trực tiếp tham dự biến cố lịch sử này. Dĩ nhiên chúng tôi không thể quên một vài sự kiện đặc biệt đã xảy ra trên sân trường Nữ Trung Học Hồng Đức hôm 14 tháng 6 năm 1975.
Chuyện thứ nhất là cuộc diễn hành của tập thể nữ sinh Quảng Nam Đà Nẵng, mà Trung Học Hồng Đức đóng vai chủ động diễn tập, điều hành và trình diễn. Khi cuộc diễn hành về tới trước Trường Nữ Trung Học Hồng Đức trên đại lộ Thống Nhất, thì từ chỗ cao nhất của khán đài thiết lập trên sân trường chúng tôi nghe ông Bộ Trưởng Văn Hoá Cù Huy Cận đã buột miệng kêu lên: “Quá tuyệt vời”! Vâng, hôm đó các em đã làm vẻ vang cho Đà Nẵng. Các em đã chứng tỏ cho mọi người biết nền giáo dục Quảng Nam Đà Nẵng nói riêng và Miền Nam Việt Nam nói chung, đã đạt những bước tiến bộ lớn về văn hoá, bao gồm trí, đức và thể dục xứng đáng là mẫu mực cho nền văn minh của chế độ Tự Do, Dân Chủ, Phú Cường của Miền Nam Việt Nam. Từ một môi trường văn hoá, giáo dục lành mạnh xuất thân, các em xứng đáng là tinh hoa của vùng miền, của đất nước.
Hôm đó, chỉ qua một buổi diễn hành đơn giản trong trang phục nữ sinh, các em đã làm ông Bộ Trưởng Văn Hoá miền Bắc và đoàn cán bộ tháp tùng, phải ngơ ngẩn thán phục trước vẻ đẹp hồn nhiên, trước sự trang nghiêm trật tự do các em tự chủ, thể hiện qua từng bước diễn hành trên các đại lộ chính của thành phố. Vâng, thật quá tuyệt vời. Cái tuyệt vời do các em thể hiện trong ngày 14 tháng 6 năm 1975 đã làm cho ông Bộ Trưởng Văn Hoá miền Bắc phải xấu hổ khi ông phải tận mắt thấy cái văn hoá Miền Bắc mới được mang vào Đà Nẵng sau ngày 29 tháng 3 năm 1975, đang treo bừa bãi, lơ lửng trên lan can các cao ốc của Thành Phố Đà Nẵng.
Để có chi tiết văn hoá lịch sử này, phải trân trọng ghi lại lời của Bà Nguyễn Khoa Diệu Liễu, cố Hiệu Trưởng Trường Nữ Trung Học Hồng Đức Đà Nẵng, đã trực tiếp nói với tôi sau cuộc diễn hành ngáy 14 tháng 6 năm 1975. “Mấy ông cán bộ muốn đi tham quan thành phố, tôi không có xe, vậy nhờ Anh chở cho mấy ông đi một vòng, lâu mau, dài ngắn tuỳ Anh”. Chiếc Simca 4 máy của tôi, ngoài tài xế, đủ cho 4 người. Trong 4 người lên xe, có ông Bộ Trưởng Bộ Văn Hoá Cù Huy Cận.
Tôi khởi hành từ Ngã tư Thống Nhất - Lê Lợi, hướng về Ngã Năm. Qua khỏi Ngã tư Lê Lợi - Hùng Vương, xe đi vào khu thị tứ, cao ốc ở cả hai bên trái phải. Đã xuất hiện những cái khác thường, nhưng đến bùng binh Ngã Năm mới thấy cái văn hoá đặc trưng của Giải phóng phơi bày ra rõ rệt. Thay thế các chậu bông, cây kiểng, hoa lan, dây leo… các bộ đội gái đã đem nội y ra phơi tràn trên các lan can của cao ốc. Không thể lầm lẫn được, vì nét đặc trưng của màu sắc là áo lính, nón cối, khăn quàng…phảng phất nét núi rừng bỗng dưng tràn về thành phố, với tư thế của người thắng trận, ngang nhiên chiếm lĩnh bằng vũ lực, bất chấp nét văn hoá tiến bộ của một hạ tầng xã hội đã được xây dựng, qua khoa học kiến trúc của thế giới văn minh tiến bộ. Thật đau lòng, bỗng một sớm một chiều sau ngày 29 tháng 3 năm 1975, Đà Nẵng đã bị khoác lên mình một màu sắc lố lăng như vậy. Tôi cố tình lái xe đi rất chậm để Ông Bộ Trưởng Văn Hoá Miền Bắc thấy được cái khác thường của hai nền văn hoá Bắc - Nam. Xe rẻ vào đường Hàm Nghi, ra đại lộ Bạch Đằng, đi về phía toà Thị Chính. Khi vừa đến khu Chợ Hàn, có một ông cán bộ ngồi đàng sau yêu cầu tôi đi chậm lại để có thể thấy cảnh sinh hoạt của một cái chợ ở Miền Nam. Đó là cảnh quen thuộc đối với dân chúng Đà Nẵng, nhưng lại rất đỗi ngạc nhiên đối với một người suốt đời chưa thấy cảnh sầm uất, đô hội từ ngôi chợ của một thành phố ở Miền Nam Việt Nam.
Hiện tượng ngang nhiên bừa bãi trong tư cách tiềp thu thành phố còn thấy rõ hơn trên các cao ốc, khách sạn ở đại lộ Bạch Đằng, nhất là từ ngã ba Thống Nhất - Bạch Đằng ra tới khu phố Thanh Bồ - Đức Lợi. Đến cuối đại lộ Bạch Đằng, tôi vòng xe lại trên đại lộ Độc Lập để về Trường Nữ Trung Học Hồng Đức sau khi đã cho các ông đi quan chiêm trong gần 2 tiếng đồng hồ. Khi vào tới Văn Phòng Trường Nữ Trung Học Hồng Đức, tôi thấy Bà Hiệu Trưởng cùng một vài giáo sư còn đó để từ giã quan khách. Điều đáng ghi lại là, Ông Bộ Trưởng Văn Hoá Cù Huy Cận hôm đó đã ngỏ ý cho phép tôi muốn hỏi điều gì thì cứ tự nhiên, ông sẽ vui vẻ trả lời trong tư cách là khách văn hoá của Miền Bắc, lần đầu tiên vào thăm Ty Văn Hoá Giáo Dục Quảng Nam Đà Nẵng. Rất tự nhiên, tôi hỏi Ông Bộ Trưởng Văn Hoá Cù Huy Cận, về cảm nghĩ của ông đối với cảnh quan Thành Phố Đà Nẵng và nhân dân của Thành Phố Đà Nẵng mà ông đã có dịp tiếp xúc.
Thú thật cho đến hôm nay, tháng 12 năm 2013, thời gian đã 38 năm qua, tôi vẫn ghi nhận nội dung khác thường do ông Bộ Trưởng Văn Hoá Cù Huy Cận trả lời câu hỏi của tôi. Thay vì trực tiếp vào câu hỏi, Ổng nói một lời như có ý nghĩa phân bua. Nguyên văn: “Như Anh thấy đó, kéo một người từ lầu cao xuống dưới đất thì rất dễ, nhưng đem một người từ dưới đất lên ở được trên lầu cao thì rất khó”. Đã rõ, ai cũng hiểu ông Bộ Trưởng Văn Hoá Miền Bắc lúc ấy muốn nói cái gì.
Bộ Văn Hoá Miền Bắc dùng ngày 14 tháng 6 năm 1975 để tiếp thu toàn bộ ngành Văn Hoá Giáo Dục của Quảng Nam Đà Nẵng, và chỉ một ngày sau đó, 16-6-1975, khối giáo chức Quảng Nam Đà Nẵng đã bị lùa vào các trại cải tạo như Tiên Lãnh, An Điềm, Sườn Giữa…trong tỉnh Quảng Nam, để họ áp đặt một nền giáo dục XHCN cho toàn bộ các trường công lập, tư thục do họ điều khiển!
Về giáo dục, như các em đã thấy, sau ngày 29 tháng 3 năm 1975, hiện tượng hôi của đã xảy ra tràn lan mà Đà Nẵng là điểm xuất phát cho tới toàn bộ Miền Nam Việt Nam. Hiện tượng hôi của đã không dừng lại được bất cứ ở đâu có người Bắc Kỳ 2 nút [75, khác với Bắc Kỳ 9 nút, 54] đến chiếm đoạt. Sự tệ hại hiển nhiên này nằm gọn gàng trong câu nói “Người Nam nhìn họ, người Bắc nhìn hàng”. Hiện tượng hôi của đáng xấu hổ mới xảy ra ngày 4 tháng 12 năm 2013 tại Tam Hiệp, Biên Hoà. Và thử hỏi, đây có phải là một hệ luỵ văn hoá giáo dục sau 38 năm phát triển chế độ XHCN? Cũng may, đã có một nữ sinh Biên Hoà giương cao một biểu ngữ. “Là dân Biên Hoà, là người Việt Nam, tôi xấu hổ thay cho những ai đã cướp vài lon bia ở đây (chỗ dựng biểu ngữ) trưa ngày 4/12”.
Tôi không có ý gợi buồn về một quá khứ mà ít nhiều các em đã trải qua. Nhưng việc nhắc lại một biến cố lịch sử cũng là bài học nên ghi nhận khi nhớ về quê hương, bằng hữu, chuyện mất còn trong cuộc sống, tồn tại đó, rồi bỗng tiêu tan đó…để những người chịu chung số phận, có lý do đặt ra một câu hỏi tại sao? Tại sao mà trở nên nông nổi như vậy!
Bây giờ thì có thể trở lại với câu chuyện tóc em bay… Vâng, tục ngữ có câu: “tai bay, vạ gió”. Đối với nhiều ông thầy đó là chuyện có thật. Cần ghi nhận là hai chữ tai hoạ và tai vạ có một nghiã giống nhau, ấy là chuyện không may xảy đến, làm một người phải chịu hậu quả (thường là oan) bất ngờ. Thì sợi tóc là chuyện nhỏ, ấy thế mà…gió đã làm sợi tóc bay qua, bay xa và hạ cánh trên cổ áo người khác.
Xuất phát từ lời của đứa con gái: “Mẹ ơi, mẹ có thấy gì không? Thấy cái gì? Trên vai áo của Ba có sợi tóc đen thật dài nè…”. Đã gọi là tai bay vạ gió thì đâu phải vai kề vai mới có chứng tích khó giải thích này?
Các em biết ngày xưa các thầy thường mặc áo chemise trắng, ủi thẳng từng đường cong từ cổ áo, nẹp ngực ra tới hai cánh tay với khuy nút khá tươm tất, rất ư là bảnh bao. Đừng nói các thầy làm dáng mà có tội. Khi vào một lớp nữ sinh, toàn một màu trắng khôi nguyên toát ra, không lẽ có một ông thầy bước vào lớp mà quần áo lôi thôi thì thật là vô duyên hết chỗ nói. Cho nên, chính các em là căn nguyên để các thầy phải chăm chút cách ăn mặc của chính mình. Hồng Đức một thời nổi tiếng có cái đẹp đoan trang chung cho cả trường là do các em. Và thời trang thường là do phái đẹp lựa chọn và tung ra trong bất cứ môi trường nào thích hợp. [Chuyện buồn vui kể ngày cuối năm].
Nghiêm Đức Thảo
Noel 2013