Trong Héo Ngoài Tươi

                                                     Lan huệ sầu ai, lan huệ héo?
                                              Lan huệ sầu đời, trong héo ngoài tươi

       Nàng không sầu đời, nàng hơn năm mươi nhưng dáng dấp còn son trẻ lắm, nhất là khi nàng diện áo dài. Các bạn thường nói nàng làm tôn nét đẹp của chiếc áo dài Việt Nam. Nàng có cả mấy chục chiếc áo dài đủ màu, đủ các kiểu hoa, thêu, đính cườm …Trong những tấm ảnh nàng chụp, nụ cười hoàn hảo luôn nở trên môi. Khi nàng nói chuyện với bạn, nàng luôn làm cho các bạn cười thoải mái. Nàng có một công việc làm ổn định có thể gọi là căn bản so với những phụ nữ cùng lứa tuổi. Ai bảo nàng sầu đời? Vậy mà đàng sau những nụ cười tươi như hoa, đàng sau giọng nói vui vẻ kia là một trái tim chất chứa đầy phiền muộn với những giọt nước mắt không ngừng rơi.

       Nàng không có cái may mắn của một cô bé con được ôm ấp trong vòng tay âu yếm đầy đủ của ba mẹ, tuổi thơ của nàng gắn liền với người mẹ trẻ, một đời tận tuỵ vì các con nhỏ sau khi gạt nước mắt nhìn người đàn ông của mình ra đi theo tiếng gọi của người tình.

       Lớn lên trong khói lửa của chiến tranh, việc học hành của nàng cũng thay đổi luôn theo sự dời đổi nơi ăn chốn ở của mẹ. Nàng hoàn tất chương trình trung học trong hoàn cảnh của một đất nước có nền kinh tế chưa ổn định sau nhiều năm tháng chìm trong chinh chiến. Năm học mới, nàng rời quê nhà lên một thành phố lớn hơn để hoàn thành bậc Đại Học. Biết bao gian nan, thiếu thốn đến vơí cô sinh viên tỉnh lẻ, nàng cố gắng vượt qua dù lắm khi tưởng như muốn gục ngã. Ra trường, nàng nhận công tác ngay trên vùng đất quê hương mình, nơi có người mẹ già cô đơn đang sinh sống.

       Cuộc sống tương đối êm ả trôi qua tưởng như cuộc đời nàng cũng bình yên như thế. Một vài mối tình đi qua cuộc đời, cho đến khi dây tơ hồng buộc tên nàng lại với cuộc hôn nhân cũng êm đềm, không sóng gió. Thời bao cấp, mọi sinh hoạt đều phải thực hiện đúng theo chỉ tiêu, theo kế hoạch. Với dáng dấp vốn nhỏ con, khi nàng mang thai đứa con đầu lòng quả là một cực khổ khôn lường. Tuy vậy, nghĩ đến hạnh phúc sắp được làm mẹ khiến nàng quên bao vất vả. Thời ấy, cả nước đều khó khăn, nền thương nghiệp quốc doanh là nguyên nhân làm cho nền kinh tế trì trệ, cho dù có việc làm vẫn không đủ để gọi là ăn no mặc ấm. Con gái lớn chào đời trong thiếu thốn. Với chút kiến thức thời đi học, nàng cố gắng tìm hiểu trong các loại sách “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”. Nàng quyết định nuôi con bằng bầu sửa mẹ. Những thiếu thốn vật chất không làm nàng nao núng, bao nhiêu tình thương cho đứa con nhỏ khiến nàng quên đi tấm thân mình ngày càng ốm o, gầy mòn. Nàng say sưa ngắm nhìn đứa con lớn dần trong vòng tay mình với niềm hạnh phúc vô biên. Chăm chút con bằng sửa mẹ, nàng tin rằng sự quyến luyến trong tình mẫu tử sẽ thắm thiết hơn. Mười mấy tháng sau, đứa con kế tiếp hình thành trong bụng mẹ. Vợ chồng nàng phải tiết kiệm ghê lắm, may mắn thay, lần này con nhỏ chào đời là một cậu bé trai. Hai vợ chồng mỉm cười quên hết cả những khó khăn vật chất đang chờ đón, quên luôn những cắt giảm quyền lợi ở cơ quan vì không thực hiện tốt chủ trương kế hoạch gia đình. Dù sức khỏe sa sút nàng vẫn nuôi con bằng đôi dòng sửa của tấm thân vốn không được ăn uống bồi dưỡng đầy đủ sau hai lần vượt cạn.

       Ngôi nhà nhỏ của đôi vợ chồng là mái nhà tranh, vách đất nhưng rộn rã tiếng cười trẻ thơ. Bằng lòng với những gì mình chọn lựa, nàng vừa chăm con vừa là nguồn kinh tế chính của gia đình. Hai con của nàng quả là niềm hãnh diện vô biên. Nàng cũng như bao người mẹ khác, vui với nụ cười của con và buồn lo theo con từng cái nhăn mặt, từng dòng nước mắt trẻ thơ. Càng cực khổ lo cho con, nàng càng thấm hiểu bài học về lòng mẹ có câu “ Con ho, ngực mẹ tan tành. Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi”. Từ những ngày con chập chững bước đi những bước chân đầu đời, líu lo phát ra những tiếng nói ngây thơ cho đến ngày con trở thành một học sinh giỏi của ngôi trường nổi tiếng. Nàng theo dõi từng bước chân các con từ nhà đến trường, theo con từ lớp học đến nơi vui chơi, giải trí. Nhưng…

       Đời sống quả là một biến động không ngừng và hạnh phúc vốn chợt đến chợt đi có ai ngờ. Nghĩa vợ chồng từ những ngày khó nhọc nàng đã từng nâng niu, gìn giữ vậy mà khi cái ăn cái mặc không còn là nỗi lo âu nữa thì hạnh phúc một sớm một chiều đã chắp cánh bay xa. Biết làm sao nói cho hết nỗi đớn đau, chua xót khi hoàn cảnh gia đình lâm vào bế tắc. Ngậm đắng nuốt cay khi “thia lia đã quên chậu“ nàng dồn tình thương vào hai đứa con, niềm hãnh diện của đời nàng. Lo cho con ăn học, sắm sửa mọi thứ để hai con không thua sút bạn bè, hướng dẫn góp ý với con về mọi mặt để bước đường con đi, nơi con đến sẽ là một vùng đầy hoa thơm cỏ lạ, chốn con về mãi là vòng tay người mẹ bình yên.

       Con trai đi học xa nhà, ánh mắt nàng vẫn đăm đắm hằng đêm. Mưa xứ người có làm con cảm lạnh, nắng phương xa có khiến cho tình cảm con trai ngày một khô khan. Từ dòng sữa mẹ ngày con chào đời nay con đã lớn khôn, vóc dáng đã là một thanh niên chững chạc, điều gì làm con đổi thay tâm tính. Cậu con trai từ bé đã được nàng nâng niu như ngọc, gần gũi với nàng như hơi thở trong lồng ngực giờ sao lặng lẽ một cách khó hiểu. Đứa con gái nay đã là một thiếu nữ mỹ miều nhưng sao tâm hồn chưa lớn khôn như nàng mong ước. Dòng sữa từ chính tấm thân người mẹ truyền vào cho hai đứa con sao không đủ bổ dưỡng, không đủ ngọt ngào để các con nàng làm nàng cứ ngày ngày khiến nàng phiền muộn? Nàng tự hỏi và cứ tự trả lời hằng đêm, không người chia sẻ.

       Khi tiền bạc đi vào bằng cửa chính thì hạnh phúc lặng lẽ ra đi bằng cửa sau. Đối với một người phụ nữ gia đình, chồng con là trên hết. Mối lương duyên không bền bỉ đã để lại trong lòng nàng một vết thương cứ âm ỉ xót xa. Nhưng đau lòng hơn cả là giờ đây hai đứa con, hai vóc dáng được nàng chăm bón bằng thương yêu, hai niềm tự hào của nàng cũng hình như từ từ rời xa. Nàng học cách tìm quên bằng những phương pháp tự chăm sóc cho bản thân mình. Nhân cách sống lạc quan để yêu đời được nàng thực hiện rất chăm chỉ. Nàng tập thể dục, chuyện trò vui cười với bạn bè, tham dự những cuộc thi đấu thể thao, viết blog để giải tỏa căng thẳng…nhưng phương pháp nào cũng không chữa trị được những muộn phiền tận đáy tim, thăm thẳm trong tâm trí. Có những bữa nàng không nuốt trôi miếng cơm, có những đêm nàng không chợp mắt, nàng mong một tin nhắn từ con trai, một tiếng mở cửa báo cho nàng biết con gái đã về nhà trong vòng tay nàng. Ôi đêm sao dài và quạnh quẽ, nhớ mong con, nước mắt nàng từng giọt rơi rơi.

       Nàng không phải là đoá lan sầu đời, mỗi khi đi ra ngoài, nàng vẫn là một phụ nữ O 50 tươi tắn trong chiếc nón màu đỏ, vóc dáng mảnh mai như còn son trẻ, nụ cười luôn nở trên môi. Có ai biết “Cười là tiếng khóc khô, không lệ!”

Tặng người bạn trong héo ngoài tươi của tôi như một lời chia sẻ muộn màng.

Nguyễn Diệu Anh Trinh
Atlanta 9/2009