Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Tôi không bao giờ quên được một ngày trong tháng ba, bốn mươi hai năm về trước. Buổi sáng hôm đó me tôi dẫn mấy chị em tôi xuống Vỹ Dạ để chào ông bà ngoại tôi trước khi rời Huế vào Saigon. Trời mây âm u nhưng không mưa, ông bà ngoại và me tôi ra ngồi ở hiên trước nhà, cũng như những buổi chiều thứ bảy mỗi tuần, trong mấy mươi năm qua.
Nhưng thay vì nói chuyện vui vẻ và cười dòn tan, lần này bà ngoại tôi ngồi im lặng, ông tôi đứng ngậm ống pipe nhìn ra đường, lắng nghe me tôi nói, giọng me thấp hẳn, như thầm thì.
Mỗi lần xuống thăm ngoại, chị em tôi hay theo ông tôi ra vườn. Ông hay cầm một cái kéo lớn để đi tỉa lá của những bụi hồng ở sân trước. Chúng tôi lẽo đẽo đi sau ông, nhìn ông làm việc. Ở bên hông nhà, ông tôi có xây một hồ sen nhỏ, vào mùa hè, sen nở hồng đầy hồ rất đẹp. Trong những cuốn phim cũ me tôi còn giữ được, ông tôi với ống pipe ở miệng, đi chầm chậm quanh hồ, ngắm nhìn tác phẩm của mình, và đàn cháu ngoại chạy lúc thúc bên ông như những con chó con ngộ nghĩnh.
Ngoài thú vui làm vườn, ông tôi thích vẽ tranh (sơn dầu) và sáng tác ca hò Huế (những điệu Nam-ai, Nam-bình, Tứ đại-cảnh...). Trong nhà đầy tranh của ông, hoa cỏ, cây trái ở vườn, chân dung của bà ngoại, các cậu, các dì, nhưng tôi thích nhất là chân dung tự họa của ông, đeo kính, ngồi đọc sách, dáng rất uyên thâm.
Bà ngoại tôi dạy ngoại ngữ ở Đồng Khánh, từng dịch chuyện Kiều ra tiếng Pháp, còn là một bà mẹ của mười mấy người con, me tôi là con gái lớn nhất. Tôi ham chơi, chỉ thích đọc sách, không để ý chuyện nấu ăn bếp núc; may vá, thêu thùa cũng tạm "đủ điểm", nhưng bà ngoại tôi lúc nào cũng "bênh vực" khuyết điểm của tôi. "Cháu tôi không muốn, chứ nếu muốn làm thì đâu có thua ai". Me tôi im lặng, chỉ lắc đầu khi nghe ngoại nói. Ngoại tôi là một "feminist" trước thời, nay tôi nhớ lại, không những thương mà quý phục bà vô cùng.
Vườn nhà ngoại đầy cả cây ăn trái, nhãn, ổi, khế, đào... đủ hết. Nhưng tôi chỉ thích nằm võng ở vườn để nghe ve sầu kêu râm ran; đi tìm vỏ ve trên những thân cây là thú vui của ngày hè lúc còn bé. Đằng sau nhà ngoại là một dãy tre xanh cao làm hàng rào giữa sân và sông, bên kia sông là cồn trồng bắp. Thế giới của tuổi thơ tôi vỏn vẹn như thế nhưng đáng yêu vô cùng.
Đứng ở hiên nhà với ông bà ngoại và me tôi buổi sáng tháng ba hôm đó, tôi có linh tính không hay. Lúc chào ra về, tôi oà lên khóc. Ông tôi ôm vai tôi, bà tôi vuốt má tôi rồi dỗ dành, "Không được khóc, không được khóc, thế nào bà cháu ta cũng gặp lại".
Còn ghi sâu trong tâm trí tôi là hình ảnh ông bà ngoại tôi đứng bên bồn cây trước nhà nhìn theo me tôi và mấy chị em tôi.
Gia đình tôi vào Saigon rồi rời VN một tháng sau đó. Chúng tôi không bao giờ gặp lại ông bà ngoại. Lúc tôi còn ở đại học, ông tôi mất. Bà tôi theo ông mấy năm sau đó. Tôi không trở lại căn nhà xưa, khu vườn xưa của ngoại cho đến năm 2007, ba mươi hai năm dài.
Gia đình tôi không đem theo được bức tranh vẽ nào của ông tôi. Me tôi chỉ có nhiều hình ảnh cùng những cuộn phim cũ của đại gia đình. Cách đây mấy năm, em gái tôi tìm được ở internet cuốn "Cố Đô Huế, (Ca và Hò)" của ông ngoại tôi viết cùng với hai người bạn, xuất bản năm 1970. Mười lăm bài viết theo điệu Cổ Bản, Hò, Nam-ai, Nam-bình, Tứ Đại Cảnh...của ông ngoại tôi, kỷ vật của ông để lại cho chúng tôi, con và cháu.
Dưới đây là một bài ông tôi viết theo điệu Hò, trích trong tập Cố Đô Huế.
"Miền Hương Ngự (Hò)
- Núi Ngự cứ đứng trơ trơ giữa cảnh sương mờ ráng lặng;
Những cây dương-liễu con rày đã trồng lắm chặng, lá đã bén đặng quanh đồi.
Trăng cũng chờ, gió cũng đợi anh ơi!
Đợi đến khi mô thông cao riu-rít em sẽ nhắc lại những khúc nhạc đời cho anh nghe!
-Sông Hương nỏ khác chi tấm can-trường lai-láng;
Khi thì mờ mịt trong màn sương buổi sáng,
Khi thì tỏ-rạng dưới áng mây chiều;
Khi thì lờ-đờ với vừng nguyệt trong veo...
Anh ơi! Đây bạc thếp, đó vàng gieo...
Khiến chi em nhớ tưởng đến những mái chèo năm xưa!"
Vu Hương (*)
(Kinh Thành-nội, 1957)
(*) Vu Hương là bút danh của ngoại
TRONG TRÍ NHỚ NHỎ NHOI - PHẦN 1
Bài này viết từ năm ngoái (2017), để nhớ ngày vĩnh viễn từ giã Huế, thành phố tuổi thơ tôi...
💔💔
Chín bốn & Bạn hữu
Chín bốn & Bạn hữu