TUỔI THƠ BƯƠN CHẢI
Bước vào năm học lớp bốn tôi thật sự giã từ "Tuổi thơ Vương giả" để bước vào cuộc sống của những lo toan, cơm, áo, gạo, tiền khi chỉ mới mười một mười hai tuổi.
Cả gia đình theo Ba tôi công tác đó đây, về Quảng Ngãi được vài tháng, Mẹ và chị Hai bắt đầu làm bánh ú cho tôi và anh Ba đi bán. Chỉ mười hai tuổi thôi, tôi đã chân thấp chân cao ra đời buôn bán. Sáng nào cũng vậy, cứ bốn giờ sáng Mẹ gọi tôi và anh Ba dậy. Mở mắt ra đã thấy Mẹ soạn sẵn cho hai anh em hai giỏ bánh ú đầy ắp, nóng hổi. Tôi không biết đi xe đạp nên chỉ xách một giỏ bánh nhỏ, đi quanh những xóm gần nhà để bán dạo. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ chưa lần nào tôi bán hết xách bánh mang đi trong suốt hai năm ở Quảng Ngãi, năm lớp bốn và lớp năm, cứ sợ đi học trễ giờ nên chưa bao giờ tôi gắng bán cho hết bánh cả. Không còn nhiều thì cũng còn một vài cái, vậy mà ông anh của tôi, không những lúc nào cũng bán hết sạch mà còn xách tiếp giỏ bánh của tôi đi bán cho hết rồi về mới đi học...
Nghề thứ hai bước vào đời tôi vào những ngày hè của năm học lớp bốn. Niên học vừa chấm dứt, trẻ con ai nấy sung sướng cho kỳ nghỉ hè. Riêng anh em chúng tôi thì ngày nào cũng như ngày nấy, chật vật từ sáng sớm. Bắt đầu một ngày từ 4 giờ sáng với món bánh ú bán dạo. Sau đó, anh em tôi lại chuẩn bị cho cuộc hành trình dài từ 10 giờ sáng đến tối mới về. Chúng tôi đi bán kem dạo. Hai anh em tôi đẩy chiếc xe với dòng chữ quảng cáo "Kem ly Nha Trang đặc biệt thơm ngon và tinh khiết". Hai anh em đi quanh thành phố Quảng Ngãi để bán từ 10 giờ sáng đến khi nào bán hết thì về. Tôi kính phục ông anh tôi sát đất luôn, bán bánh ú cũng giỏi mà bây giờ đến bán kem cũng thật là đại tài giỏi. Có lẽ nhìn hai anh em đẩy chiếc xe kem to đùng đi bán, bà con thấy chắc cũng thương tình nên anh em tôi buôn bán cũng có phần đắt đỏ. Thùng kem nếu bán nhanh thì mới có lời nhiều chứ bán ế ẩm thì huề vốn là may phước lắm rồi. Không biết anh Thái, ông xã của Lệ Thúy làm kem và bảo quản kem như thế nào chứ kem ở đây người ta làm sẵn cho mình một thùng kem ở giữa, chung quanh là nước đá trộn với muối sống và đậy thật kỹ để giữ đá cho lâu tan. Chúng tôi là người đi bán phải biết làm như thế nào để giữ kem luôn được cứng vì như thế khi múc ra ly mới lợi được. Nếu bán ế, kem còn mà đá chung quanh để giữ kem đã tan hết, chúng tôi phải xả nước trong thùng đá ra, bỏ tiền mua nước đá mới thay vào để bảo đảm kem trong thùnng không bị tan. Như thế là hết lời rồi. Tôi phục ông anh tôi sát đất với tài múc kem của anh. Người ta chỉ hướng dẫn sơ qua, anh làm theo được liền, tài thật. Tôi là con gái mà sao quá vụng về, tôi đã thực hành trong suốt cả một mùa hè mà vẫn chưa múc được. Ông anh trai chỉ hơn tôi có 2 tuổi thôi, tức là năm đó anh chừng mười bốn tuổi, vậy mà anh đã biết quán xuyến mọi thứ. Tôi nhớ một lần, khách đến mua kem, đúng ra tôi phải gọi anh tôi ra để bán nhưng nghĩ lâu nay mình tập múc kem cũng được rồi nên tôi tự múc bán. Anh về, tôi khoe liền:
- Em mới bán cho khách một ly đó.
- Em múc được không?
- Dạ được, dễ mà !
Nhìn vào thùng kem, anh tôi phát hiện ngay chỗ tôi vừa múc để lại một chỗ trũng to lắm. Anh tôi bảo, chỗ trũng đó anh múc cũng phải được năm ly. Cha mẹ ơi, như vậy là tôi làm mất hết bốn ly kem rồi! Bây giờ nếu cho tôi thực hành cách múc kem ra ly, không biết tôi có múc được hay không. Bà con biết sao không, nói thì dễ, chứ không dễ đâu. Cái muỗng múc kem có hình tròn, người ta làm hai lớp để khi múc kem vào chỉ cần bóp cái cán, được người ta thiết kế giống như cái tông đơ cắt tóc, chỉ cần bóp cái cán muỗng lại là kem lọt ra ly tròn vo rất đẹp. Cái khó của múc kem là múc như thế nào để lớp kem mỏng, vừa đủ, ít tốn kem mà đừng quá mỏng, vì quá mỏng kem sẽ bị bể, còn dày quá, cục kem tròn vo, chắc nịch, như tôi đã từng múc. Khách hàng ăn không hết còn mình thì lổ vốn. Thêm nỗi khổ là bán kem dạo phải len lỏi vào những sòng chứa cờ bạc, leo rào vào bán mới mong hết kem trước khi bị tan thành nước. Leo vào leo ra tôi đều chậm chạp, có khi còn bị chó cắn nữa.
Mùa hè năm tôi lên lớp 5, gia đình tôi phải dọn về Đà Nẵng theo lệnh thuyên chuyển của Ba tôi. Thế là tôi đã giã từ thị xã Quảng Ngãi để trở về quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng. May mắn thay, tôi đã nhận được giấy báo trúng tuyển kỳ thi vào lớp sáu, với số điểm cũng khá cao nên tôi được xếp vào lớp Sáu 4, lớp có điểm thi cao nhất trong những lớp chọn Anh văn làm sinh ngữ 2. Về Đà Nẵng tôi không còn vất vả phải dậy sớm như ở Quảng Ngải nữa nhưng chỉ được một năm thôi. Năm tôi học lớp bảy, Mẹ tôi sinh em bé Út, sinh em bé được mấy tháng thì Mẹ tôi đau nặng, thế là những vất vả và khó khăn lại ập đến gia đình tôi. Khoảng giữa năm tôi học lớp bảy, Bưu điện ĐN đã xét hoàn cảnh của gia đình và cấp cho Ba tôi một căn hộ tại khu tập thể số 01 Thống Nhất (đường Lê Duẫn bây giờ). Thật ra, khu tập thể chỉ có ba gia đình. Nhà tôi ngoài cùng, ở giữa là nhà của chị Hồ thị Thuỳ Trâm, lúc đó là hoa khôi của trường Hồng Đức, và chỉ thêm một nhà trong cùng nữa là hết. Có lẽ do được ở gần bờ sông Hàn, khí hậu trong lành nên sức khoẻ Mẹ dần dần đã bình phục, và thế là tôi có cơ hội đến với nghề thứ ba.
Mẹ và chị Hai làm bánh dừa, còn gọi là bánh su sê hay bánh phu thê. Chiều nào cũng vậy, ăn uống xong, tôi và đứa em gái kế, mỗi đứa bưng một rổ đi bán, hết lại về lấy thêm. Nhờ Trời Phật phù hộ, thời gian này Mẹ và chị Hai tôi rất vất vả vì bán rất đắt hàng. Bánh mẹ tôi làm vừa ngon lại vừa rẻ nên khách ăn xong còn dặn đặt thêm khi nhà có đám tiệc. Nhiều hôm chị Hai bận học không phụ được cho Mẹ, hai chị em tôi nhảy tưng lên vui mừng vì không phải đi bán. Số bánh mẹ làm ra chỉ đủ cho khách đặt hàng thôi. Nghề thứ ba này tôi thấy cũng thoải mái, lâu lâu cũng có lúc ế ẩm phải đến khuya mới về và như vậy đến khi học bài phải ngủ gà ngủ gật, hôm sau đến lớp học lại bị chiếu tướng. Tôi thì sao cũng được, chỉ thương chị Hai tôi, người ta càng đặt nhiều bánh su sê nhiều thì chị là người lo nhiều nhất. Lo sợ tháng đó không được lãnh bảng danh dự, vì chị tôi học rất chăm, tháng nào mà xuống đứng nhì thể nào cũng khóc mấy ngày. Chị học rất giỏi, từ lớp một đến lớp chín nhưng học tài thi phận. Bị rớt đệ thất, phải học trường Bồ Đề. Cuối cùng, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn và đông em nên chị phải nghỉ học trong khi dở dang lớp chín, để đi làm phụ giúp gia đình.
Sau tháng 3 năm 1975, lịch sử sang trang, gia đình tôi phải trả nhà lại cho nhà cầm quyền chế độ mới để dọn về phường Chính Gián. Ba mẹ tôi mua lại một miếng đất, là nền nhà của một gia đình đã dọn về quê. Gia đình tôi che tạm lại để ở. Lúc bấy giờ, học sinh phải đi học theo khu vực, tôi đươc chuyển vào học lớp 11C trường trung học Phan Châu Trinh. Nghề thứ tư lại đến với tôi. Sáng nào cũng vậy, tôi lại phải dậy thật sớm để rửa khoai bỏ vào nồi cho Mẹ nấu. Mẹ tôi giỏi thật, cái gì cũng biết làm mà làm xuất sắc nữa chứ. Nồi khoai nóng hổi sắp ra trông thật hấp dẫn, rổ khoai tôi vừa đặt xuống là tôi bán đắt như tôm tươi, nhờ tài chọn khoai và cách nấu khoai của Mẹ tôi. Nhìn rổ khoai là muốn ăn ngay, thế nhưng... ngày nào cũng như ngày nào, chỉ đắt đỏ khoảng chừng hơn hai phần rổ là bắt đầu ngồi... đuổi ruồi! Buồn ơi là chán, nhiều hôm cứ cố bán cho hết nên trể học. Rất nhiều lần tôi định nghỉ học nhưng lần nào Mẹ tôi cũng khuyên tôi cố gắng tiếp tục học. Thương Mẹ tôi lại cố gắng tiếp tục. Nhưng mọi kiên nhẫn của tôi cũng có giới hạn. Vừa phụ me bươn chải hàng ngày vừa đến trường trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ, tôi thật nản lòng. Tuổi mới lớn của tôi không đơm hoa nổi vì thiếu ăn thiếu mặc. Chỉ một bộ áo dài trắng đến trường mà hai chị em phải mặc chung. Lần đó đứa em gái mượn chiếc quần dài trắng để đi diễn văn nghệ. Không biết vì lý do gì mà làm rách một mảnh to, không thể nào vá được. Không nở trách đứa em gái cũng thiếu thốn như mình, không xoay xở gì được, bó tay vì không có đủ một bộ đồng phục đến trường, tôi quyết định nghỉ học. Quyết định này khiến Mẹ tôi rơi nước mắt. Tôi làm yên lòng mẹ bằng cách buôn bán ban ngày và tiếp tục theo nốt hai năm cuối bậc trung học ở lớp học ban đêm.
Tuổi học sinh đầy bươn chải của tôi chưa bao giờ có những tháng ngày mật ngọt. Khoảng trời bình yên êm ả nhất trong đời một người của tôi đã qua đi với biết bao gian nan mà mỗi khi nhớ về, tôi vẫn còn nghe lòng mình đau xót.
Lê thị Quang Ấn
Đà Nẵng tháng 3 năm 2012