Tuổi thơ đoạ đày


Ngày Điền chào đời, ba má bắt đầu cải nhau đêm ngày từ những nguyên nhân nhỏ nhặt nhất. Rồi khi Điền được tám tháng tuổi, người đàn ông hiền lành một ngày giận dữ nói lời chia tay với cô vợ đầu ấp tay gối, đem hai con về quê nội. Anh trai Điền năm ấy mới vừa lên bốn, như bao đứa trẻ quê ĐBSCL nghèo rớt mồng tơi khác, suốt ngày lang thang trên những cánh đồng khô cằn của xứ Cà Mau nắng gió, hay túm tụm trên ngọn đồi nơi bọn trẻ hay dẫn trâu tránh nắng ban trưa. Theo ba rời bỏ quê mẹ, Thiện chưa cảm nhận nỗi đau chia ly của người lớn. Má thản nhiên nhìn ba bồng Điền trên tay, Thiện líu quíu lúp xúp những bước chân nhỏ bé để theo kịp ba đang dồn nén sự tức tối vào những bước sải dài. Thỉnh thoảng em quay đầu nhìn lại. Căn nhà vách tôn, mái lá vẫn còn đó, nhưng má thì đã thôi đứng đầu ngõ nhìn theo ba cha con. Thằng bé bốn tuổi không tài nào hiểu, vì sao má ở lại, ba ra đi và mang theo hai anh em nó khi thằng em còn đang bú má. Khi ba má nó lớn tiếng với nhau, nó nghe má nói mà không hiểu gì:

- Đó, ông làm ngon thì đem cả hai đứa đi đi. Ông giỏi mà.

Ba nó trả lời, cũng lớn tiếng không kém:

- Đi thì đi chớ sợ chi. Bà cứ ngon ở lại, coi có thằng nào ưa nỗi bà không. Đồ thứ đàn bà đĩ thoả, khốn nạn.

Má nó gào thét chửi rủa, điên cuồng đạp đổ bất cứ thứ gì bà nhìn thấy. Ngày hai anh em về quê nội, nó mang theo gương mặt thản nhiên, lạnh lùng của má. Quê nội là xứ An Giang sông nước. Bà nội già rồi, đi đứng có phần khó khăn. Khi ba đem anh em nó về, bà la trời la đất:

- Con ơi là con. Mi ngu vừa vừa thôi để người khác ngu bớt với chớ. Để cho nó nuôi thằng nhỏ chớ mi đem về đây lấy đâu ra sữa cho nó bú. Hả trời?

- Tui cho nó uống sữa bò cũng được mà. Để con lại cho nó, nó đâu biết trời cao đất dày. Cho nó mất hết, mất hết.

Bà nội lắc đầu khi hiểu ra lý do thằng con quyết tâm dành nuôi con. Có người mẹ nào không đau lòng khi mất một lần hai đứa con mình rứt ruột đẻ ra. Người ta nói mà, hùm không nỡ ăn thịt con. Mẹ nào nỡ để con mình cù bơ cù bất khi mới tám tháng tuổi. Gì rồi nó cũng mò về đây vì nhớ con, khi đó con bà tha hồ nói hành nói tỏi, làm hung làm dữ, rồi thì chắc gương vỡ lại lành thôi mà. Chắc đó là mong muốn thầm kín của con trai bà. Nó không nói ra, nhưng bà hiểu nó như nó vẫn hay nhìn mình trong gương vậy. Nó là thằng con trai út của bà. Nó hiền lành nhưng hơi vụng về, khờ khạo. Khi nó mười tám tuổi, quê nhà đói khổ nên nó xin bà cho lên thành phố làm ăn. Nghe nói đâu trên đó có công ty chế biến thuỷ sản to lắm. Nó hy vọng xin được việc làm. Cực một chút cũng được, mà có cái ăn, còn hơn ở nơi đèo heo hút gió này, chỉ còn ông già bà lão. Con gái đi đâu hết trơn rồi, muốn kiếm một cô bồ bịch cho vui cũng không có. Chán hết chịu nỗi. Vậy là nó ra đi. Rồi không biết định mệnh xui khiến thế nào, nó trôi về tận Cà Mau. Rồi một ngày nó dẫn đứa con gái chắc cũng lớn cở bằng nó về, nói là vợ. Ui chà, con vợ ngó cũng được, cũng biết lấy lòng bà. Chỉ ngặt nỗi sao khi nhìn vào con mắt của nó, là bà thấy rờn rợn. Con mắt sao mà lanh như chớp, và nom tàn nhẫn sao đâu. Nhưng gạo đã thành cơm rồi, ý kiến ý cọt chi  nữa. Vợ chồng nó ở chơi với bà ít bữa, rồi dắt díu nhau trở lại Cà Mau.

Bây giờ con bà trở lại, chỉ một mình với hai đứa con, một đứa trên tay và đứa kia lếch thếch theo sau. Bà nội nuôi hai đứa. Hằng ngày bà lo cho Thiện ăn cơm hai bữa, còn Điền thì được bà cho ăn cháo. Em nó chưa mọc cái răng nào, nhưng cũng đành nuốt chén cháo bà mớm. Cháo nấu với tôm ba nó đem về sau buổi làm thuê cho ai đó trong xóm. Còn Thiện thì chỉ được ăn độc một món nước mắm ớt tỏi. Tuổi thơ của nó trở nên buồn rầu với nỗi nhớ má da diết. Má đâu rồi, sao không về thăm nó, thăm em Điền. Thằng Điền không có má cho bú, càng ngày càng ốm tong teo. Và cứ chiều về là nó khóc thê thảm, bà nội dỗ mấy cũng không nín. Những lúc ấy, ba nó lại có dịp nhắc má, và chửi rủa không tiếc lời:

- Đồ con đàn bà khốn nạn, không biết thương con. Rồi tao coi mày ở một mình có sống nỗi không?

Ngày tháng dần trôi. Không như bà nội và ba nó nghĩ, má nó chẳng một lần về kiếm con. Thời gian đầu, nó còn trông ngóng, riết rồi thôi chẳng còn nhớ má ra sao. Chỉ có ba là cứ đau nỗi đau của kẻ thua cuộc. Ba đã thua một ván cờ cân não, mà hai đứa con là vũ khí của ba. Những khi ngồi một mình trước hiên nhà, với chai rượu đế trên tay, ba vừa uống rượu vừa chửi rủa người đàn bà phản bội. Và đêm về, nó nghe tiếng kẻo kẹt của cái giường tre ba ngủ hình như da diết và khao khát điều gì. Hai đứa lớn dần lên trong thiếu thốn, cả cơm áo lẫn tình mẹ. Thiện bây giờ đã lên mười ba, còn Điền là cậu bé chín tuổi. Cả hai đều không được đến trường, một chữ bẻ đôi cũng không biết. Hằng ngày hai anh em giúp bà trồng rau nuôi con heo nái. Và ra sông bắt cá cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Suốt ngày chạy men theo triền sông, hai anh em Thiện đen thui như củ súng. Thằng Điền càng lớn càng giống ba nó kỳ lạ. Đôi khi nhìn em, Thiện thấy như đó là ba trong hình hài một đứa trẻ con. Giống như khuôn đúc. Điền hiền lành và cũng hơi vụng về như cha. Nó làm bất cứ gì không hỏng thì cũng chẳng ra sao. Nhờ nó bưng dùm rổ cá, y như rằng giữa đường sẽ hụt tay rơi xuống đất. Sai nó quét cái sân thì rồi Thiện phải quét lại. Nó ăn cơm chưa khi nào lùa hết những hạt cơm trong chén, mặc dù bà nội luôn nhắc phải ăn hết cơm không mang tội, mai mốt chết đi sẽ là con vịt, con gà suốt ngày lượm hạt cơm thừa. Nhưng được cái Điền không bao giờ cải lại người lớn. Bà nội nói gì là nó dạ, ba sai gì là nó vui vẻ làm, thậm chí đối với Thiện nó cũng vâng lời không bao giờ giận dỗi, hỗn láo. Thương em thiệt là thương. Thiện coi ngó, săn sóc em cẩn thận như người chị gái chăm em. Tội nghiệp em, lớn lên không biết má là ai.

Đối với hai anh em, những tháng ngày ở quê nội tuy cực khổ nhưng vui vẻ. Ngày bà nội nhắm mắt xuôi tay, ba cha con chới với như bị sét đánh giữa trời giông. Không bệnh hoạn gì, nhưng tối ấy đi ngủ rồi bà không bao giờ dậy nữa. Sáng ra Thiện dậy sớm không thấy bà lui cui trong bếp như mọi hôm, vào giường sờ tay bà thấy lạnh ngắt. Nó sảng kinh la lớn kêu ba, kêu em. Cả ba bàng hoàng biết bà đã chết trong đêm rồi. Thằng Điền khóc ngất ngây. Thiện dỗ hoài em không nín. Phải chăng nó đã linh cảm điều gì? Sau khi bà chết rồi, ba càng ngày càng nghiện rượu. Hể đi làm thì thôi, vè đến nhà là ba nồng nặc mùi ruợu. Những hôm không ai thuê, ba ở nhà thế nào cũng sai thằng Điền đi mua mấy xị. Rượu vào lời ra, ba khóc hu hu như đứa trẻ. Những lúc ấy, hai anh em dắt nhau ra sông, tha thẩn ngoài ấy cố bắt cho được cá, mà cũng để tránh không khí buồn thảm ở nhà. Một ngày, ba kêu hai đứa lại:

- Nè hai đứa. Tao quyết định rồi. Tao sẽ trả tụi bay về cho má tụi bây. Tại sao nó sung sướng mà tao thì khổ quá vậy nè. Bà chết rồi không ai chăm sóc tụi bây nữa. Về với má tụi bây nghe.

- Má con là ai hả ba, lâu rày hông nghe ai nói tới? Điền ngây thơ hỏi.


- Má là con mẹ đẻ ra mày chớ ai.

Thiện làm thinh, cố tưỏng tượng gương mặt má lâu ngày quá rồi không thể nhớ. Má bây giờ không biết ra sao?

Ba nói vậy mà làm thiệt. Mới sáng sớm, ba bảo hai anh em thu vén áo quần, tắm rửa sạch sẽ, rồi dắt cả hai ra bến xe. Hai anh em tuy bùi ngùi vì xa nơi chúng gắn bó bao năm trời. Nhưng thật ra nghe nói về với má thì cũng háo hức. Má là người sinh ra hai anh em mà. Có lẽ bây giờ má cũng đang thương nhớ con mình lắm. Nhất là Điền, ngày theo ba về quê nội, nó còn chưa biết bò. Nay trở lại, nó đã biết chạy theo ba và anh một cách vui vẻ. Về với má. Về với má. Âm thanh ấy nghe như tiếng reo!
Nhưng đón ba cha con là người đàn bà mặt mày cạu cọ, bụng vượt mặt và một đứa bé chừng hai tuổi đang bám đuôi.

- Sao, ông muốn chi? Để hai đứa lại đây hả? Ông nói giởn hay nói chơi vậy?
   
Rồi sau đó là một trận to tiếng kịch liệt. Ba quày quả bỏ đi, cả không nhắn nhủ hai anh em nó một lời. Má lồng lộn chửi bới. Nhưng cuối cùng cũng phải đành chỉ cho hai đứa một chỗ ngủ khi đêm về. Điền nằm trong căn nhà xa lạ, ôm chặt lấy anh mình, sợ hãi đến ớn lạnh. Má đó sao? Người đàn bà hung dữ ấy là má đó sao? Điền vô tình với tay đụng mặt anh, mới hay anh đang khóc thầm lặng lẽ. Những giọt nước mắt của đứa trẻ mười ba tuổi, sớm hiểu cuộc đời.

Sáng hôm sau hai đứa gặp người đàn ông mà má bắt gọi là ba. Vẽ lạnh lùng không tình cảm của ông ta khiến hai đứa lủi ngay xuóng bếp. Nghe má và ông ấy bàn với nhau:

- Bà liệu sao thì liệu. Hai miệng ăn không dễ đâu nghen.

- Để tui kiếm việc cho tụi nó làm. Tổ cha cái thằng, tức chịu không nỗi.

Thằng ở đây có lẽ là ba chúng.

Hôm sau, má đi chợ chở về hai mươi con gà nhỏ bằng nắm tay, và một con heo con cở năm ký.

- Nè, Thiện. Mày lo cho con heo này nghen. Nó mà chết thì mày cũng chết theo luôn nghen.

Bà quay qua Điền:

- Còn mày, đàn gà này mà mất một con là mày khỏi ăn một ngày đó nghen.

Đột nhiên, bà trừng trừng nhìn em:
- Ê, cái mặt mày sao giông y thằng khốn nạn vậy mày. Tới biểu coi.

Điền đang đứng sau lưng anh, rụt rè bước tới. Bốp! Má đưa tay tát một cái như trời giáng vào mặt Điền.

- Tổ cha cái thằng khốn nạn.

Thiện sảng kinh kéo em về phía sau mình. Nhưng má nó giống như bị ma nhập, nhào tới, lôi Điền ra và vả tới tấp vào mặt em. Con thú điên trong bà lồng lộn vừa đánh vừa chửi. Điền khóc không ra tiếng, em co rúm người lại cố tránh những cái tát tai. Có lẽ trong cái đầu non nớt không được học hành ấy, em không thể lý giải bất cứ lý do nào cho hành động của người mà em gọi là má.

Rồi từ đó, cuộc sống địa ngục bắt đầu. Thiện và Điền không bao giờ được ngồi không trong ngôi nhà của má. Sáng tinh mơ hai đứa đã phải thức dậy rồi. Thiện lo ra vườn hái rau đem về cho heo ăn, rồi tưới cây, rồi nấu cám, rồi quét nhà, nấu cơm, rồi cho heo ăn, nấu cơm, rửa chén. Còn Điền, suốt ngày theo đàn gà con. Gà đi đâu người phải dõi theo đó, vì lỡ hôm nào một con đi hoang về muộn là y như rằng nó bị đánh đập tàn nhẫn. Anh trai thương em mà đâu dám cải lời má. Đành nhìn em khóc, xót cả ruột gan nhưng đâu biết giúp em bằng cách nào. Ngoài đám gà con phải chăm, Điền phải xách nước dùng cho cả nhà mỗi ngày. Thân thể còm nhom của đứa trẻ chín tuổi đói ăn có lúc như muốn gãy đôi bên thùng nước nặng. Rồi còn phải lo chạy kiếm củi chụm cho hai bửa cơm nữa. Vậy mà đâu có được yên thân. Má đi đâu về là réo:

- Thằng Điền đâu rồi. Biểu coi.

Không kịp dạ liền ngay tiếng gọi đầu tiên là y như rằng một trận đòn nên thân giáng xuống thằng bé. Thường là gương mặt của nó bị đòn hiẻm nhất. Má thẳng tay đấm, tát. Riết rồi Thiện và em nó hiểu ra rằng những lúc ra tay với Điền, có nghĩa là má nó đang dồn vào đó sự tức giận ba nó. Có khi má dùng gậy, có khi dùng roi, và có khi bà chẳng ngại ngần dùng đôi đũa đang ăn thọt vào tai, vào miệng Điền dến nỗi máu chảy lênh láng. Trời ơi! Chịu hết nỗi tiếng la của em, Thiện nhảy vào can ngăn. Vậy là hôm ấy hai anh em ôm nhau nằm ngủ đói, với thân thể nhừ đau vì đòn roi.

Khi tổ chức vì trẻ em biết và đến can thiệp, Điền được đưa đi bệnh viện điều trị sức khoẻ. Ba được mời lên. Ông phát biểu:

- Bả hành hạ thằng nhỏ là muốn tui đón hai đứa về cho bả rảnh nợ đó mà...

Người ta thắc mắc, con cái cực khổ vậy sao ông không mang tụi nó về nuôi, thì ông nhăn mặt trả lời:

- Mắc chi đem về, cho bả sướng hả? Để bả nuôi tụi nó cho đáng kiếp. Tui cực lâu nay rồi.

Còn má khi bị công an hỏi vì sao đánh đập con tàn nhẫn, thản nhiên trả lời:

- Ai biểu nó giống thằng cha nó làm chi...

Thằng bé mười ba tuổi khóc thầm, thương em và thương cả cho thân mình.
Má ơi, sao có thể là như vậy. Má là má của hai con mà. Má mang nặng chín tháng mười ngày, đẻ anh em con ra, sao nở cư xử tệ bạc với hai con đến vậy. Người ta chẳng ai chọn được cửa ra cho cuộc đời mình, em Điền nào đâu có tội tình chi khi giống ba như đúc, để phải chịu đắng cay tủi nhục. Má đối xử với em như vậy, thì Điền sẽ sống cuộc đời nó ra sao? Tin được ai? Thương được ai, và hận thù ai trên cõi đời này????

ĐN, tháng năm 2010
Phỏng theo chuyện kể có thật trên báoTuổi Trẻ ngày 05/05/2010.