Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
                                     Tuổi thơ ngọt ngào (I)

     Ngày còn là con bé cắt tóc bum bê nhưng khoái cột hai sừng, những sợi tóc ngắn, mảnh mai được mẹ tôi cột làm hai bím (thường là xệ cánh vì tóc quá ngắn đó mà), tôi diện cái áo đầm trắng tinh, đôi giày có cổ cũng màu trắng. Tôi chỉ bé tí tẹo như cái kẹo thôi, nhưng khi nào cũng ra vẻ ta đây lắm. Hình như tôi hợm hỉnh ngay từ thuở mới lọt lòng. Mẹ tôi kể lại trong các con, tôi là đứa bất trị nhất trong ngày chào đời. Mẹ đau bụng hơn một ngày tôi mới chịu chui ra, mà nào có phải quý báu gì cho cam, khi tôi chui ra, ba tôi đã tất tả bỏ đi vì không thể kềm chế thất vọng. Thì là con vịt trời thứ năm rồi. Không thất vọng mới là lạ đó. Nhưng mặc dù bị chào đón lạnh nhạt vậy, tôi vẫn vui vẻ cất tiếng … kính chào cuộc đời bằng tiếng khóc oe oe mạnh mẽ lắm.

     Ngày đó mẹ sinh tôi ở nhà bảo sanh Bà Hạnh, đường Pastuer. Bà Hạnh khoái tôi lắm, bà xin tôi làm con nuôi nhưng ba mẹ tôi không chịu. Chà, tưởng tượng nếu như ba mẹ tôi ok, thì tôi đã làm con bà Hạnh, một bà đở đẻ độc thân, có cái nhà bảo sanh to đùng. Sau năm 75 thì bà sang Pháp, chắc chắn là tôi đã cùng đi với bà, và chắc chắn tôi sẽ không phải là tôi hôm nay. Có thể tôi bây giờ là một …nhà bác học (hì!), hay là một luật sư đại tài như mơ ước của tôi ngày còn đi học, hay biết đâu đã trở thành một gái (già) … đứng đường nơi xa xôi ấy?

     Ngày ấy, khi còn là con bé hỉ mủi chưa sạch, tôi khoái nhất là trò chơi gánh hàng rong đi bán. Nè, cái lon sửa bò đục hai lổ hai bên, xâu vào đó một sợi dây gai xù xì có màu vàng xám. Một cây tre dùng làm đòn gánh, hai đầu hai cái lon đung đưa.Tôi gánh nồi đậu hủ của mình, đi vòng quanh sân, miệng bắt chước mấy bà bán đậu thứ thiệt, rao inh ỏi:

     - Ai ăn đậu hủ … không?

     Mấy bà chị của tôi tham gia trò chơi khá hào hứng. Một bà sẽ gọi:

     - Đậu hủ. Bán cho chén đậu hủ đi bà ơi

     Tôi đon đả chạy tới, lôi ra mấy cái chén nhỏ xìu xiu trong túi áo, múc từ hai cái lon ra một chút nước (nước đường), một chút lá cắt nhỏ (đậu hủ). Mấy bà chị ăn (giả) xì xụp, rồi móc túi trả tiền. Tiền thường là mấy miếng giấy vụn, tôi tỉ mỉ cất trong túi áo, rồi đon đả gánh hàng đậu hủ lên vai. Địa bàn hoạt đông của tôi thời làm “bà bán đậu hủ” là cái sân rộng trước nhà. Nhà cao hơn sân, mỗi lần muốn vào nhà thì phải leo năm sáu bậc thang. Một hôm đang mãi mê rao hàng, tôi bước xuống bậc tam cấp hụt chân té một cái đụi. Cái răng siếc của tôi cắn một cái phụp vào môi dưới, máu chảy uớt áo. Mấy bà chị sảng kinh réo mẹ tôi ầm ỷ, còn tôi lúc ấy dĩ nhiên là khóc bù lu bù loa vì sợ. Nay kỷ niệm ấy vẫn còn mãi trong tôi mỗi khi vô tình đưa lưỡi liếm môi. Cái sẹo lồi ở môi dưới bên trái cứ cộm lên như nối nhớ không thể xoá nhoà.

     Thời gian này tôi cũng rất thích trò chơi thả thuyền khi trời mưa. Khi trời mưa lớn, sân nhà tôi như một dòng sông nhỏ trong cảm nhận trẻ thơ. Chị em tôi xếp những chiếc thuyền giấy làm bằng vở học trò, rồi thả chúng trôi lênh đênh trên dòng sông ấy. Đôi khi chiếc thuyền mang theo chiếc lá nhỏ tôi gởi gấm lòng mình. Lá trôi trên sông rồi sẽ theo thuyền ra biển lớn, biển lớn mênh mông biết lá sẽ trôi về đâu?

     Và em mơ với tâm hồn bé dại
     Con thuyền này trôi tận biển bao la
     Ngỡ giấy hoa không thấm nước nhạt nhoà
     Nên mơ ước để rồi tan mơ uớc
     Em đã khóc khi thuyền chìm trong nước
     Mẹ dỗ dành “làm chiếc khác nhé con?”
     Nhưng me ơi thuyền giấy đã dỗi hờn
     Không ra biển như lòng con mơ ước.
     ( Mùa mưa thơ ấu - Thu Nguyệt - web 9/4)
                
     Lớn lên một chút, tôi khoái theo chị tôi đến trường học mẫu giáo hơn. Đó là ba tôi cho chị kế tôi đi học chữ, nhưng tôi cứ tò tò đi theo, riết rồi ba tôi cũng phải nộp tiền cho tôi học đàng hoàng. Tôi nhớ trường đó có tên là Hồng Bàng. Lớp học chật hẹp do một thầy giáo già đứng lớp. Nói thiệt chớ không phải khoe, tuy chỉ học cho vui thôi nhưng tôi học đâu nhớ đó, vượt luôn bà chị tôi hồi nào không hay. Vậy là năm đó tôi sáu tuổi, nhưng ba tôi quyết định cho tôi vào học lớp năm, học cùng lớp với chị tôi cho có chị có em. Sau này ông vẫn thường nói với mẹ tôi là trong số năm con vịt trời ngày ấy, tôi là con vịt thông minh nhất. Thời ấy đi học trễ một vài năm là chuyện thường, nên bạn cùng lớp với tôi có bạn hơn tôi hai, ba tuổi. Năm học đầu tiên ở trường Nữ Tiều học để lại một kỷ niệm khó quên. Cô giáo dạy tôi năm đó là cô Điểm. Cô có dáng người khá cao, và tôi nhớ nhất là những nốt rổ trên mặt cô. Những nốt rổ làm cho gương mặt của cô hơi dữ tợn. Tháng đầu tiên , tôi được xếp thứ năm trong lớp. Top năm là được lãnh bảng danh dự rồi, oai quá còn chi. Tối đó tôi đem bảng danh dự và thông tín bạ về “trình” ba tôi. Vậy là được ba tôi thưởng năm đồng. Hồi đó ba tôi hay dụ khị chị em tôi học bằng phần thưỏng hiện kim như vậy. Dĩ nhiên là tôi quá khoái rồi. Năm đồng đó tôi không nhớ mình đã xài như thế nào, nhưng quả thật nó gây ấn tượng lớn với tôi. Nhưng nói cho ngay, may mắn vậy thôi chớ hồi đó tôi cũng chẳng giỏi giang gì, lại học vượt lớp. Qua tháng thứ hai tôi trụt cái vèo xưống thứ 22. Không nói ra thì ai cũng biết tôi thất vọng cở nào, tôi buồn thiu chia sẻ với chị Hai, lúc dó đang học lớp nhì:

     - Chết rồi chị ơi, tháng ni đứng hai hai lận. Sợ về ba la quá.

     Chị Hai nhìn tôi ra vẻ thông cảm. Ai mà không biết ba tôi nghiêm khắc có tiếng, nổi nóng lên ông thường không làm chủ mình.

     Cuối cùng tôi nhờ “sự trợ giúp” của chị Hai. Chị đem thông tín bạ của tôi vào phòng ngủ, lấy lưỡi lam cạo con số hai rồi viết lại một. Vậy là thành mười hai. Hết biết sự  gian trá mà ngây ngô ngày đó, tôi run run đưa bảng điểm để ba tôi kiểm tra. Mà kỳ làm sao, ba tôi chẳng nghi ngờ gì, chỉ cau mày nhắc nhở:

     - Học chi mà sút rứa hè? Phải ráng lên chớ.

     Rồi ký vô thông tín bạ cái rẹt. Tôi cúi đầu thở phào nhẹ nhỏm. Vậy là tai qua nạn khỏi rồi. Tôi ớn nhất là khi ba tôi nổi giận. Cả nhà nín khe, còn “phạm nhân” dĩ nhiên mặt cắt không còn giọt máu.

     Nhưng tôi làm sao có thể qua mặt cô giáo, sáng hôm sau khi trả bảng điểm lại cho cô, tôi được cô “mời” lên tra hỏi:

     - Ai sửa số hai thành số một đây?

     Vậy là tôi phải chịu hình phạt đứng góc lớp suốt buổi học hôm đó. Vừa lo lắng vừa xấu hổ kinh khủng. Không biết cảm xúc nào đã khiến tôi nhớ mãi kỷ niệm này. Bây giờ đôi khi đi chợ Hàn tôi vẫn gặp cô. Tôi chào cô mà không dấu nổi nụ cười khi nghĩ đến chuyện gian lận ngày ấy. Thiệt là khờ quá đi!

     Nhưng từ đó vì tự ái (?) mà tôi có cố gắng hơn, ý thức việc học không cần ai kèm cặp. Tôi học ngày càng tiến bộ. Ba tôi khoái lắm, vẫn hay nói tôi là niềm tự hào của ông.
Chin Bon
Chin Bon