Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
                                                                          Tuổi thơ ngọt ngào (II)

     Giữa năm lớp hai thì gia đình tôi chuyển chỗ ở. Vì khó khăn kinh tế nên nhà tôi dọn vào ở trong một trại quân đội, còn căn nhà trong phố thì cho thuê. Không có nhà riêng nào dành cho gia đình binh sĩ, nên ba tôi và một người bạn là bác Thái nhất trí chia đôi một dãy nhà không biết truớc kia làm gì. Dãy nhà rộng mênh mông, hai gia đình ở hai đầu, còn lại ở giữa là một khoảng nhà trống dùng làm sân. Hai bà mẹ chia nhau cái bếp rộng hình như là bếp tập thể. Sạch sẽ, thoáng mát hơn nhà cũ nhiều. Gia đình bác Thái hơi đặc biệt, hai bác có bốn đứa con thì chỉ toàn là chim cu thôi. Trong lúc ấy nhà tôi đã có sáu con vịt trời, mẹ tôi thì mới sinh thêm quý tử thứ hai. Mọi việc nội trợ đều trông cậy ở chị Chanh giúp việc.
    
     Ngày đó chị em tôi thương chị Chanh, xem chị như chị cả trong nhà. Vì vậy mà khi có chú binh nhì tên là Nhật đang đóng quân ở đó theo tán tỉnh chị Chanh, cả bọn tôi chằm hăm chấm điểm, phê bình. Chị cả tôi lúc ấy đã học lớp đệ tam, lớn rồi nên biết chút chút về tình yêu. Chị và chị Chanh hay rủ rỉ bàn tán rồi cười rúc rích. Còn bọn nhóc như tôi thì chỉ chờ sau giờ cơm tối, khi chú Nhật xuất hiện trong bếp (tập thể) là bá tay chú để chờ chú nhấc bổng lên cao. Bọn tôi cưòi như nắc nẻ, thấy sướng gì đâu. Vậy là duyệt! Tôi mặc nhiên chấp nhận chú Nhật cũng là người nhà. Tôi sẵn sàng làm chim xanh chuyển thư tình chú gởi cho chị Chanh (ừ, mà ngày nào cũng gặp nhau thì thư từ làm chi hở trời? Có gì nói quách có phải đơn giản hơn không?). Hai người gặp nhau làm chuyện chi trong bếp thì tôi chẳng chú ý mảy may. Những lúc ấy mấy chị em tôi đang bận chơi banh tài xỉu với đám con bác Thái. Phe tôi toàn là vịt trời, còn phe kia chỉ rặt một thứ ... mặc quần xà lỏn. Tôi vẫn nhớ anh chàng con cả tên Thọ, có con mắt đen thui vì hàng lông nheo rậm rì, cùng tuổi với chị hai tôi. Anh chàng hiền lành nên hay nhường cho chị em tôi thắng, hoặc có thua thì cũng không đến nỗi cách biệt tỷ số làm nhụt chí nữ nhi.
    
     Trong ký ức thời thơ trẻ, tôi cũng nhớ những ngày ăn đồ hộp của PS Mỹ mệt nghỉ. Trẻ thơ thành phố không biết chiến tranh, không hiểu chính trị nên chị em tôi ở trong trại quân đội, tự nhiên thưởng thức những món ngon vật lạ được tiếp tế cho lính Mỹ. Thời ấy tôi chưa có khái niệm về khoảng cách nam nữ, nên rất vui khi được những chú lính to lớn bồng bế, không ngại ngần leo lên những chiếc xe quân đội chơi đùa với các chú và được các chú cho ăn xã láng những thứ mà bây giờ nghĩ lại còn thấy ... thèm. Chỉ tội cho chị cả tôi ngày ấy đã trở thành cô gái nhỏ nhắn xinh xắn, mỗi ngày mặc áo dài trắng tinh, đạp xe đi học. Đường đi, về phải qua tầm ngắm của các chú binh sĩ mắt xanh mũi lỏ. Dĩ nhiên là chị tôi rất sợ những khi qua đó, và tuyệt nhiên không giao thiệp với anh chàng nào, mặc dù có anh đã đem hẳn một thùng quả anh đào qua dụ khị. (hì, phải như bây giờ thì có lẽ đây là cơ hội rèn luyện ngoại ngữ đáng giá ngàn vàng rồi).

     Đột nhiên một ngày chị Chanh tuyên bố lấy chồng, mà tiếc thay chú rể lại không phải là chú Nhật. Buổi tối hôm ấy chị Chanh đem ra từ trong cái bao ni lông một đĩa trầu cau mời chú Nhật ăn trong sự ngỡ ngàng của cả đám. Chú Nhật vừa ăn vừa chảy nước mắt, không biết vì trầu cay hay vì buồn. Tôi đâm ra hơi ghét chị Chanh, vì đối với tôi, chú Nhật quá dể thương không còn chi để chê bai nữa cả. Sau này lớn lên tôi mới biết, tình yêu kỳ lạ vô cùng, không thể đem ra so sánh, dòm ngó hay phân lẽ thiệt hơn. Cứ yêu là yêu, mà không yêu thì có thuyết phục mỏi miệng cũng lắc. Vậy đó!

     Vào khoảng năm 67-68, khi những đợt pháo kích bắt đầu xuất hiện lẻ tẻ trong thành phố, ba tôi vì sợ trại quân đội không an toàn nên chuyển cả nhà trở lại trung tâm thành phố. Nhà cho thuê không dễ gì lấy lại nên gia đình tôi đành về tá túc trong vườn nhà cô tôi. Căn nhà tôi ở chỉ là tạm bợ nên không tiện nghi, nhưng bù lại tôi được cả một khu vườn mát mẻ có đủ thứ cây trái, để ăn, để leo, để mộng mơ, và để chị em tôi có thể tránh cái nóng gay gắt trong những tháng hè. Khu vườn nhà cô tôi bây giờ chia năm xẻ bảy cho nhiều chủ mới, ngày xưa có hai cây xoài có quả ngọt, mà cây lớn làm bóng mát cho căn nhà tôi ở. Ngày ấy cứ đến mùa nắng, khi những trái xoài trên cây bắt đầu chuyển sang màu vàng nhạt, có thể cảm nhận mùi trái chín thoang thoảng trong đêm, chị em tôi chuản bị mấy bao cát (là thứ người ta dùng để xúc cát bỏ vào đó, chất lên thành những căn hầm tránh pháo kích), hoặc chị hai, hoặc tôi sẽ leo lên mái tôn nhà tôi, với tay là hái được xoài. Xoài chất đống trong bao cát, trái ăn, trái cho, mấy cũng không thấy hết. Quá ngon lành nên mặc dù có người hù là cây xoài hay có ma, chị em tôi vẫn giả điếc không nghe. Cứ tà tà ăn xoài, mà cũng chả thấy con ma nào xuất hiện. Duy chỉ có cây me già phía trước chùa (của cô tôi xây dựng để tu tại gia) là tôi không dám leo, mặc dù nó cũng có khá nhiều trái. Những trái me ban đầu xanh lét, chua lè, rồi dần chuyển sang màu nâu sẩm, treo lủng lẳng gợi thèm trên cây. Rồi cuối cùng là rụng rơi theo từng cơn gió. Lúc đó chị em tôi có thể lượm những trái chín dốt, lấy tay bóp lớp vỏ ngoài nghe cái rụm, chưa bỏ vô miệng đã thấy chảy nước miếng rồi. Có lẽ vì cây quá cao, có lẽ vì tôi ít hảo chua, có lẽ vì cây me đã già, già thì hay có ma, nên tôi chưa hề leo lên cây me này. Bây giờ thì nó, (và cây xoài) đã bị người ta đốn đi để dành đất xây quán nhậu. Nhưng thật ra cây trứng cá mới là cây tôi thương nhất, vẫn hay nhớ về nó nhất. Ngày ấy tôi gọi nó là cây sơ ri.

    Cây sơ ri hình như được các chú chim trồng khi mang theo trái lúc bay vô tình ngang nhà tôi, cây tự nhiên xuất hiện trước nhà tôi, nó lớn nhanh như thổi, chỉ một năm sau là đã có những trái trứng cá đầu tiên đo đỏ trên cành. Theo thời gian, nó lớn dần và năm sau cho trái nhiều hơn năm trước. Tôi ngày ấy đã bắt đầu bước sang tuổi mười, mười hai, mỗi buổi chiều sau giờ học, khoái nhất là được leo lên ngồi vắt vẻo trên cành, chân đong đưa trong lúc mắt thanh sát ba bề bốn phía, trái sơ ri nào đỏ mộng tôi mới hái, bỏ vô miệng lủm liền. Trái sơ ri không làm no bụng, nhưng cái thú trèo cây ăn quả bây giờ tôi vẫn nhớ và thích. Bây giờ mỗi buổi sáng khi đi bộ thể dục, ngang qua ngã ba có cây sơ ri nhà ai, tôi không thể không ngước mắt nhìn lên tìm trái chín, và nếu có thì tôi không thể ngăn mình với tay hái và ...  bỏ vô miệng, mặc dù cũng biết nếu ai mà thấy chắc không thể nín cười. Ùi, một bà “U5” thích ăn trái sơ ri. Thiệt là ngộ!

    Kỷ niệm tuổi thơ vẫn sống động trong trí nhớ những buổi trưa hè cả nhà say ngủ, chỉ mình tôi mặc cái áo dài của mẹ, cái áo mặc vào khi đứng lên đi lui đi tới thì hai vạt áo lết phết dưới đất. Tôi đang làm cô giáo đó mà. Cô giáo giảng bài một mình, chuyện trò với học sinh cũng chỉ một mình. Vậy mà tôi say mê không hề chán. Không biết bao nhiêu mùa hè trôi qua nuôi dưỡng lòng ham thích làm cô giáo trong tôi, mà rồi tôi gắn bó mấy mươi năm với nghề này. Đôi khi thì tôi diễn  ... cải lương. Nhớ thôi mà thấy lòng tràn ngập niềm vui rồi. Ngày ấy tôi có thể một mình hát cải lương và nói tầm phào suốt buổi trưa, với bạn diễn là những con búp bê nhựa mẹ tôi mua cho, và khi lớn lên một chút, các bạn cùng học lớp tôi như Lê Thu, Thu Cúc, Diệu Thông hay Bạch Nhạn, Tuyết Nhung, đều có chung kỷ niệm làm nghệ sĩ cải lương ngày còn thơ ấu. Vui thật vui khi cả bọn chụm đầu bàn bạc rồi chia nhau đóng vai này vai kia, bắt chước người lớn trong TV có lẽ? Tôi nhớ hoài nhỏ Lê Thu còm nhom khoái ca câu “Vì lỡ sa cơ giữa chiến trường thọ tiển, nên Võ đông Sơn đành chia tay vĩnh biệt Bạch … Thu ... Hà”. Giọng xề đứt hơi của nó không ngăn nó say sưa tham gia thú vui này. Bây giờ không biết nó trôi giạt phương nao, có nhớ những lần mơ làm nghệ sĩ cải lương ngày ấy?

    Những năm cuối tiểu học, hai nhỏ bạn thân nhất của tôi là Thu Cúc và Bạch Nhạn. Cứ mỗi chiều, ba đứa tôi hay cùng nhau về học. Nhà tôi gần nhất trong ba đứa, nên trạm nghỉ chân được mặc nhiên công nhận là ... lề đường trước cửa nhà tôi. Ba đứa lê la ngồi không biết nói chuyện chi giờ không còn nhớ, nhưng hăng say quên cả giờ về. Chỉ khi trời tắt nắng, Cúc và Nhạn mới đứng dậy tiếp tục quãng đường còn lại. Đến giữa năm lớp bốn thì Thu Cúc bỏ cuộc chơi. Nó vĩnh viễn nằm lại sau một trận ốm. Tôi vẫn nhớ nhà nó ở trong chùa Cao Đài, gần nhà tôi nên tôi và nó qua lại với nhau nhiều nhất. Nhà nó mở một tiệm cơm gạo lức muối mè đặt tên là Trường Sinh. Tên quán là vậy vẫn không thể giữ lại cho tôi đứa bạn thân. Ngày nó ra đi, tôi theo cô giáo đến thắp hương cho nó mà nước mắt chảy hoài không dứt.Nhỏ bạn có gương mặt tròn trịa, hiền lành của tôi ơi, nếu bây giờ bạn vẫn còn, chắc hẳn mình sẽ tìm ra nhau cho dù đường đời có chia cách đôi nơi.

    Vậy là chỉ còn tôi và Nhạn lên lớp năm. Mất một đứa cho hai đứa còn lại thân nhau hơn, và vậy là có Tuyết Nhung thay thế Cúc. Nhỏ Nhung trắng trẻo, xinh xắn tiếp tục lê la cùng Nhạn và tôi mỗi buổi chiều, cùng đóng cải lương, cùng chơi ô làng, đánh tài xỉu, nói chung là đủ thứ điều thú vị. Cuối năm học đó tôi được cô giáo dẫn đi phố để tự chọn phần thưởng cuối năm. Ui chà, nghĩ lại còn thấy cảm giác sung sướng khi ôm trong tay con búp bê biết nhắm mắt mở mắt, và có thể mời bạn bè uống nước trong những chiếc tách plastic nhỏ xíu màu hồng. Nhỏ Nhạn mê tít hai thứ này, đã nhân danh tình bạn thân thiết yêu cầu tôi cho nhỏ mang chúng về nhà chơi ít bửa. Hì, mà tôi thì hơi ích kỷ một chút, nên chỉ cho nhỏ mượn bộ tách trà thôi, còn búp bê thì tôi “ xin lỗi”.

    Hôm nay nhớ miên mang những kỷ niệm ngày còn thơ. Tuổi thơ ngọt ngào quá trong ký ức mỗi người. Trong ấy chỉ có những kỷ niệm với gia đình, với bạn bè, thầy cô. Nỗi buồn đơn giản, thoáng qua, niềm vui hình như quá đong đầy trong trí nhớ. Tuyệt vời quá, thương quá tuổi thơ tôi ơi!
   
30/06/09

Chin Bon
Chin Bon