Tấm ảnh tôi thời tóc chấm ngang vai do Photo Uyên đường Hùng Vương ĐN chụp, để làm thẻ học sinh vào dịp đầu niên khoá năm tôi học lớp 11 trường PTTH Phan Châu Trinh ĐN. Lúc đó tôi mười sáu tuổi, có đôi mắt nâu rất hiền, được nhỏ Ngọc Liên gọi là mắt nai ngơ ngác. Con nhỏ suốt ngày ca ngợi đôi mắt của tôi, chắc vì nó có đôi mắt cận thị quá nặng, lúc nào cũng đeo đôi kính dày cộm. Ngọc Liên sau này vượt biên, ở Úc.

Nhớ lại hồi chia ban, lớp 10 trường NTN Hồng Đức, tôi bị học ban A, do ba tôi chọn với hy vọng sau này tôi sẽ bước vào vào trường đai học Y khoa. Giấc mộng của ba má tôi chìm theo vận nước. Sau 1975 ba tôi lên núi công tác. Sở giáo dục cho học sinh ghi danh đi học lại, ban A lại là ban Văn Sử Địa, rất hợp với sở trường của tôi. Muốn học Lý hoá như xưa phải vào ban D. Tôi biết, nhưng làm bộ nhầm, ghi một chữ A vào hồ sơ. Thế là tôi như cá gặp nước, tha hồ mà vẩy vùng. Năm lớp 11 học về Truyện Kiều của văn hào Nguyễn Du, tôi có nhiều bài bình luận được điểm cao nhất lớp. Tôi không quên có lần đến nhà cô giáo dạy văn là cô Nguyễn thị Anh, người Huế, bạn thân của cô Ngọc Thanh. Cô đã nhìn tôi và nói: Những bài luận về thân phận Thuý Kiều em viết rất hay, ý tứ cô đọng, già dặn, cô mong sao sau này đời em sẽ không long đong.


Tuổi mười sáu, tôi không biết đó là một lời chúc, một câu than vản hay một lời dự đoán gì. Nói chung, tôi say mê với các nhân vật của Nguyễn Du, tôi yêu chàng lãng tử Từ Hải ..."dọc ngang nào biết trên đầu có ai?". Tôi rơi nước mắt với nổi sầu: "Vầng trăng ai xẻ làm đôi, nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường" ... Tuy rằng chương trình dạy v
ăn sau 1975 đã lái chuyện đời Thúy Kiều dính dáng tới "cách mạng" rồi ... nông dân lật đổ chế độ phong kiến ... Với tôi, những giờ văn ngồi nghe cô giảng Kiều thật tuyệt vời.

Mười sáu tuổi, tôi rất hiền, như tấm ảnh này. Đây là thời kỳ tôi chưa biết buồn, chưa nhận định được chính vì sự thay
đổi chế độ chính trị mà thay đổi cả cuộc đời mình. Trái lại, tôi vui lắm. Lý do đơn giản thôi, vì tuy hồi bé học tiểu học tôi là học sinh giỏi nhưng lúc trúng tuyển vào lớp 6 trường NTH Đà Nẵng, được xếp vào lớp 6/4 là lớp giỏi nhất khối Anh văn, tôi học không nổi. Mặc dù thi đ ệ thất tôi đậu hạng 27 trong số 800 học sinh được tuyển vậy mà vào lớp gạo cội này, tôi luôn xếp vị thứ từ 25 đến 35. Không thể nào ngoi lên được. Không biết có bạn nào chung hoàn cảnh với tôi không? Thế nên, sau 3/1975, các lớp học được xếp "liên cư liên địa" nghĩa là ở gần nhà nhau thì học chung lớp. Khỏe quá, thêm vào đó nhiều bạn của tôi sau cuộc binh biến tháng 3 năm 1975 đã rời Đà Nẵng bằng nhiều cách. Người giỏi đi hết, tôi trở lại là "Thằng chột làm vua trong xứ mù". Học giỏi nổi nhất nhì trong lớp 11A2 và 12A2 trường Phan Châu Trinh thời đó. Cuốn lưu bút năm lớp 12 tôi còn giữ đây, có biết bao đứa con trai trong lớp ... viết thư mà không dám gởi, "... đến giờ chơi, mang đến, lại mang về ..."

Tấm ảnh tóc chấm ngang vai này tôi rất thích vì trông thật ngây thơ, nét ngây thơ trong sáng của một cô bé chưa biết buồn. Những năm về sau tôi ra đời, lận đận bao nhiêu năm trong tình duyên, công danh sự nghiệp cũng rơi vào ngõ cụt. Nhớ lại lời cô giáo dạy văn thuở xưa, tôi muốn rơi nước mắt. Rồi ...đau khổ hơn cả cô Kiều, tôi một mình nuôi con, đôi khi nhớ về một thời dễ thương, tôi không hình dung được vì sao lúc đó bạn bè gọi mình là "Mắt nai"? Bao nhiêu tấm ảnh xưa thật sự đã thất lạc
đâu đó theo năm tháng.

Cuối cùng, tôi kiếm được hình ảnh của mình từ một tên bí thư của lớp. Thì ra khi tôi nộp tấm ảnh làm hồ sơ, thư ký lớp là một tên con trai nói là tấm ảnh bị mất, tôi phải nộp lại tấm khác. Thời đó, kiếm tiền để sang tấm ảnh cũng không phải đơn giản. Tuy nhiên, để làm giấy tờ đi học, tôi cũng phải gắng. Mãi đến năm 2002 tôi về Đà Nẵng mới nghe tiết lộ bí mật, thuở đó, thằng bí thư ngồi cạnh thằng thư ký, thấy tấm ảnh dễ thương quá nên lấy luôn. Sau đó mấy mươi năm nó còn giữ làm kỷ niệm, ngày tôi về
Đà Nẵng, nó hí hửng đem tấm ảnh trả lại khổ chủ. Tôi đã nhờ Kim Liên mang ra tiệm làm mới lại trong một chuyến đi Việt Nam.

Tôi yêu thời mười sáu tuổi, tóc chấm ngang vai, mắt nâu ngơ ngác. Tôi không ao ước được trở về thời thơ dại đó, vì đó là một ước mơ xa diệu vợi, như cô bé thuở nào mơ hái sao trên trời, như chàng trẻ tuổi ngày nào mơ nhặt được những cánh hoa biển lênh đênh trên đại dương mang về tặng người bạn thuở ấu thời. Những ước mơ không bao giờ đạt được nên muôn đời là mơ ước, nó sẽ khiến đời sống thi vị hơn, ngọt ngào hơn và mang lại cho chúng ta đôi giây phút thật êm đềm, thánh thiện. Tôi  thích ngắm lại mình thuở mắt biếc môi hồng qua tấm ảnh xưa để nhớ rằng dù sao ... tôi cũng có một thời dễ thương, hoa mộng.

Hình như có người đã làm thơ:

Cô học trò mắt nâu
Ngậm chùm hoa phượng đỏ
Hình như cô rưng sầu
Sắp bải trường rồi đó
Cô học trò áo trắng
Thở dài như khúc ngâm
Của một mùa đọng nắng
Ngở mưa dài trăm năm
Cô học trò mắt nâu...
Lưu bút còn dang dở
Nhặt chi xác ve sầu?
Phượng vẫn âm thầm nở...



 
Nguyễn Diệu Anh Trinh
16 tháng 3, 2014
Tuổi tóc chấm ngang vai
Cô học trò mắt nâu
Tuổi 16