Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chạy tránh trận lụt năm Thìn 1964, gia đình tôi dọn ra Đà Nẵng. Đó cũng là năm chúng tôi rời bỏ quê hương. Lúc đó tôi sáu tuổi chưa cảm nhận cuộc sống buồn vui, đau khổ hay sự vất vả của cha mẹ, chỉ biết vui chơi và nhất là được tham gia vào gia đình Phật tử làm con chim Oanh Vũ.
Lưu lạc qua nhiều nơi trọ, cuối cùng gia đình tôi trụ hẳn một khu xóm lao động nghèo, đông dân cư. Cái xóm nghèo nhưng rất vui vì có những đứa bạn cùng tuổi. Tôi lớn lên với những trò chơi trẻ thơ nhảy dây, ô làng, trốn tìm với con gái rồi cùng đám con trai thả diều, đá bóng, tiếp đạn giấy bắn nhau với xóm trên ... Cái tuổi thơ quá đẹp nhờ những khoảng đất trống bát ngát, bỏ hoang và những cái bàu nước thênh thang, hay vườn hoa của bà Năm Thìn rực rỡ mỗi độ Xuân về.
Năm 1970 tôi đậu vào trường Nữ Trung Học Đà Nẵng. Mừng lắm, tôi được người thân tặng vải và được người chị họ may chiếc áo dài trắng đầu tiên trong đời. Lúc đó được mặc áo dài sung sướng và hãnh diện vô cùng dù nó rất ngố. Tôi đi học xa hơn, có thêm bạn mới, biết đọc sách tuổi Hồng, biết làm thơ, biết mơ mộng.
Rồi đạn pháo mỗi đêm, rồi chiến tranh lan tràn, rồi những lo âu trên mắt ba mẹ khiến tôi cảm nhận sự mất còn của ngày mai. Gia đình tôi chỉ đủ sống với khoản lương không lớn của ba, nuôi mười miệng ăn. Mẹ tôi, người phụ nữ yếu đuối hay bịnh hoạn chỉ biết cơm nước cho chồng và đàn con.
Mọi việc kết thúc vào tháng 3 năm 1975. Tôi đang học lớp 10. Ngày đó ba tôi nằm mãi trong phòng, không ăn. Mẹ tôi đi ra đi vô thở dài, tôi thì vô tư chạy ra đường với mọi người trong xóm để nhặt bao gạo, lon sửa, những vật dụng do người ta mở kho quân vận ... Tại sao lúc đó tôi 17 tuổi vẫn ngây thơ thấy vui vì sự náo rộn của đường phố chứ chưa biết gì về chính trị về sự đổi thay của đất nước, để có sự đổi thay của chính cuộc đời mình? Ngày 29 tháng 3, chính cái ngày đó mà giờ đây tôi thường hỏi vui hay buồn?
Sau nhiều ngày nằm mãi trong nhà, ba tôi ra trình diện rồi đi cải tạo biền biệt không về, để lại vợ và 8 đứa con nhỏ với tài sản không đủ gia đình sống trong một tháng. Tôi là chị cả, lớn hơn tôi là anh Hai. Ba anh em lớn tôi đều nghỉ học, anh Hai đăng ký đi thanh niên xung phong làm đường, đủ ba bữa ăn cho bản thân anh. Tôi khăn gói về quê phá rẫy, ăn điểm để được phân đất làm ruộng. Đứa em kề tôi đi lao động đường sắt, khiêng đá cát khi nó mới 15 tuổi. Thằng em trai kế tiếp vừa đi học tối lại đi bán bánh mì. Cô tôi ở Quảng Ngãi thấy thương em nên đem một đứa em gái tôi về nuôi, lúc này em tôi tám tuổi. Cuộc sống gia đình tôi tan đàn xẻ lối từ đó, mỗi người mỗi nơi, ngôi nhà chỉ còn mình mẹ cùng bốn đứa nhỏ với bữa đói bữa no.
Quê tôi ở xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tôi về quê không biết đến một người bà con nào cả. Tôi xin ở nhờ mẹ của chú Hai Sy hàng xóm gia đình tôi. Bà thuờng dậy sớm, nấu cơm độn ăn với nắm cái, rồi bới một lon cơm xách ra rẫy, để lại một ít tối về ăn. Làm bạn với cái rìu, tay tôi ngày càng bọng nước, sưng to. Cuộc sống ban ngày ra rẫy, tối về sinh hoạt thanh niên, buồn nhiều hơn vui. Những buổi chiều nhớ nhà, nhớ không khí gia đình, tôi tủi thân khóc một mình, mong đến cuối tuần về thăm nhà được gặp người thân. Mỗi lần về nhà tôi lại mất đi một vài người bạn và xóm nhỏ thiếu đi một ngôi nhà. Bởi vì từng nhà một lần lượt bỏ đi về quê sinh sống, trong đó có gia đình của người bạn trai từng đêm đánh đàn bên cửa sổ bàn học tôi thuở ấy. Người bạn khác phái đầu đời đã làm cho tôi những bài thơ học trò và bản nhạc đầu tiên tặng tôi khi tôi đi cắt mái tóc dài. Một chút xao xuyến trong lòng khi đi qua con đường cũ thấy ngôi nhà đã mất và bạn đã ra đi.
Cũng như nhiều gia đìng cùng hoàn cảnh, gia đình tôi gạo không đủ nấu, mỗi chiều chủ nhật trở lại quê tôi không dám đi xe đò, đành đi chiếc xe đạp mini bánh nhỏ tí đạp một đoạn đường gần 40 cây số. Tôi buồn và khóc nhiều hơn khi nghĩ đến cuộc sống hiện tại. Với số điểm chấm công, đến bao giờ tôi mới có đất, rồi lấy gì làm nhà để cả gia đình về đây sống, ... rồi bao nhiêu dằn vặt trong tôi, đứa con gái tí tuổi đầu đã biết lo toan.
Một chiều thứ bảy tôi đạp xe về nhà. Buổi cơm chiều mẹ phân từng chén nhỏ, thật ra độn nhiều hơn cơm. Mẹ đưa mỗi đứa em một chén rồi nói với tôi trong nước mắt, "Nhà mình hết cái ăn rồi con ơi, mỗi ngày mẹ cho em con ăn một bữa thôi". Vậy đó, nhìn những ánh mắt ngây thơ, tôi và mẹ chỉ biết khóc.
Tôi bỏ quê từ hôm đó. Bước đầu tiên tôi đem cái radio đi bán. Tài sản ba yêu quí nhất. Ba ơi, con đành xin lỗi ba thôi. Có được số tiền ít oải tôi làm vốn đạp xe về quê, mua rau lang, khoai lang, đậu... ra thành phố bán. Mỗi ngày một chuyến xe đạp, tôi tự thồ, đi về 80 cây số, khi thì chợ Hương An, khi thì chợ Nam Phước. Những ký gạo, đậu hoặc rau cải, cái gì tôi thấy có lời tôi đều mua. Một ngày đạp xe vất vả, tôi thấy buổi sáng chợ trời trên đường tôi đi sớm, tôi liền nghĩ cách đổi nghề. Tôi đạp xe lùng vào các con hẻm, những ngôi nhà, hỏi mua những gì người ta muốn bán để sáng sớm 4 giờ trời còn tờ mờ tôi mang ra chợ trời ngồi bán. Nghề dạy nghề, từ từ tôi hiểu ngay tại đây người ta mua đi bán lại và tôi có lúc lời lúc lỗ.
Chợ trời chỉ đông buổi sáng, tôi đi tìm thêm kế sinh nhai buổi chiều. Tôi ra chợ và đi bán nước trà đá. Ấm nước chè xanh trên tay, bán cho người bán cá, người bán rau, những người đi chợ ... Gia đình tôi lúc này cũng thấy vui hơn khi mỗi tuần anh Hai và em gái tôi về thăm nhà. Lúc này tôi quyết định đi thăm ba, một chuyến đi lịch sử mà tôi mang theo suốt cuộc đời của tôi. Ba tôi học ở An Điềm, một núi rừng hiểm trở đất Quảng Nam. Hành trang ra đi của tôi là chiếc xe đạp mini bánh nhỏ, một cặp đường đen, một gói thuốc rê, một ít ruốc khô do mẹ làm. Sau một ngày đi lạc trên đường mòn HCM, đến Thạnh Mỹ tôi khóc vì sợ, vì bơ vơ giữa núi rừng trùng điệp. May thay có một xe bộ đội thương tình, đã đưa tôi xuống Hà Nha, họ gửi tôi vào nhà dân ngủ để sáng hôm sau chở tôi xuống núi tiếp. Buổi sáng các chú bộ đội đưa tôi xuống ngã ba rồi chỉ đường tôi lên An Điềm thăm ba. Hai cha con gặp nhau trong nước mắt, trong tiều tụy trong vật vả đời người.
Sau chuyến đi này, trở về thành phố, tôi vẫn là con thoi ngày hai buổi chợ, cái miệng vẫn cười vui với khách hàng nhưng vẫn trốn chạy nếu gặp các bạn học cũ may mắn hơn vẫn còn cắp sách đến trường. Dạo đó buổi tối thuờng phải sinh hoạt thanh niên phường khối, hát hò, học tập chính trị, làm công tác lao động, kiểm điểm phê bình thành tích ... Đoạn đường đi của thanh niên lúc bấy giờ.
Ở chợ đổ nước chè, lần lần tôi quen với mấy bà tạp hoá. Thời đó mới tiếp quản Đà Nẵng, các chú bộ đội được về thăm nhà nên ai cũng muốn mang về một cái áo thun cao cổ làm quà. Chỉ cần tôi mang từ chợ Cồn đem đi bán các sạp dọc hai bên đường Hùng Vương, đến chợ Hàn là có lãi. Tôi cố dành ít tiền để cược cho các bà hàng sĩ để lấy đi bán lại. Rồi cứ thế thành lệ, tôi được lấy đi bán, được đem vốn về trả cho chủ. Nhờ thế, cuộc sống gia đình tôi khấm khá hơn nhiều.
Gần một năm cải tạo ba tôi trở về. Anh hai cũng bỏ công trường về đi xe thồ và tìm xin việc làm. Em gái tôi cũng bỏ đường sắt về đi làm mành trúc. Hoa, đứa em sống nhờ với bà cô trong Quảng Ngãi cũng được ba đem về ĐN đi học. Gia đình được đoàn tụ. Tôi vẫn là trụ cột với những bữa cơm lúc đầy lúc vơi. Ba tôi vào tổ hợp trồng rau muống, thỉnh thoảng đạp xe về quê để tìm hiểu thêm cách kiếm tiền phụ giúp cùng tôi.
Có lần trên con đường Hùng Vương, đang đi bán tôi thấy một chị bán hàng đang đọc sách, cũng vì ham mê đọc sách tôi lân la đến làm quen. Chị tên Phương Thảo bán quạt máy. Chị cho tôi buổi trưa ghé lại tiệm chị nghỉ cho đỡ nắng và đọc truyện. Quyển truyện "Mùa Đông cho em" làm hai chị em tôi ấm ức cũng là đề tài nói với nhau mãi. Rồi cũng tại cửa hàng chị Thảo, tôi quen với anh Tín, một kỷ sư điện, anh đi tàu viễn dương, người gốc Hải Phòng, anh là khách hàng thân quen của chị Thảo. Anh Tín người nhỏ nhắn, vui tính, là người có học, thông minh, nhưng thuộc gia đình tư sản nên không tiến thân được ở xã hội miền Bắc. Anh đến nhà tôi chơi, mấy đứa em tôi luôn quấy quít để nghe anh dạy hát. Anh bảo tôi cố gắng đi học tiếp để lấy bằng tốt nghiệp cấp 3 rồi anh sẽ nhờ bạn anh xin việc làm, chứ không lẽ làm cô bán hàng rong mãi trên đường.
Lúc này ở chợ tôi còn có quen với chị Tiên. Chị có được ít vốn, tôi thì lanh lẹ. Hai chị em quyết định đi buôn chung. Ngày ngày có chị có em bên nhau bao tâm sự buồn vui, bao nỗi niềm chúng tôi cùng xẻ chia. Tôi không có chị gái nên với chị Tiên tôi như đứa em được dạy bảo. Chị dạy tôi sửa đổi dáng đi, cái ăn, cái nói ... Những cái tánh đi vội vã, ăn nhanh, nói nhanh hay líu líu ... chị luôn khuyên dạy tôi. Nhưng rồi đâu vào đấy vì "non sơn dễ đổi, bản tính khó dời". Cuối cùng, đến ngày hôm nay chị vẫn gọi tôi là cô gái Sơn Ca, cô em gái quê mùa, giản dị và chân chất của chị.
Cuộc sống gia đình tôi lúc này tuy vẫn còn túng thiếu nhưng rất ấm áp. Người đàn ông rất quan trọng, có ba như có cả một bầu trời, trong cái nghèo người ta thấy được cái tình gia đình yêu thương, hạnh phúc hơn tất cả.
Mùa xuân năm ấy, cái Tết đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất. Kỷ niệm khó quên và hãnh diện nhất của tôi là đã đem niềm vui đến những đứa em gái. Lúc này gia đình tôi làm gì có tiền để mua áo mới cho con. Tôi xin mẹ mấy chiếc áo dài rồi tự tay cắt may, pha màu rồi thêu, tất cả làm bằng tay cho ba cô em gái mặc Tết. Chúng nó vui lắm, được mặc đồ đẹp khi khoe bạn, tôi thì vui vì đã làm cô thợ may bất đắt dĩ mang lại niềm vui cho các em.
Ngoài giờ đi buôn, tôi vẫn theo giúp ba tôi trồng rau muống với tổ hợp. Mỗi đợt thu hoạch phân chia, tôi gánh rau ra chợ Cồn bán. Đôi bờ vai cũng đã quen dần những đôi gánh từ ngày đó nên tôi thấy rất nhẹ nhàng và vui khi bán được tiền, để thêm thu nhập cho gia đình.
Tôi và chị Tiên ngày ngày hai buổi chợ. Tôi nghe lời anh Tín đi học bổ túc ban đêm. Lớp học rất vui với đủ thành phần già trẻ. Tôi ngồi bàn đầu cùng với Chi, Quỳnh Như vì ba đứa tôi trẻ nhất trong lớp. Chi làm kế toán công ty hải sản. Như có ba là sĩ quan cấp cao chế độ Cộng Hoà, nên không được đi học tiếp, đành vào bổ túc. Ba đứa tôi thân nhau từ đó.
Đầu năm 1978 như lời hứa, anh Tín nhờ bạn xin tôi đi làm. Với cái lý lịch ba cải tạo mà tôi vẫn được nhận vào xí nghiệp dệt Hoà Khánh cũng biết người giúp đỡ tôi chân tình thế nào. Anh Hiến, người đã trực tiếp chở tôi đi xin việc. Anh Viên, người chở tôi đi khám sức khỏe, ký lý lịch ... Tất cả những người bạn của anh Tín trên tàu viễn dương giúp đỡ tôi một cách chân tình. Những người miền Bắc thời bấy giờ sống rất tình người, đạo đức, thật thà.
Xí nghiệp cách xa thành phố trên 10km. Tôi phải ở lại trong khu tập thể, lúc này chưa có xe đưa đón. Nơi đây tôi gặp cặp song sinh Phương Phượng, bạn học trường Nữ với tôi. Lại có bạn mới, môi trường sống mới. Ba tôi cũng trở lại nghề thuốc Bắc do ông nội dạy từ nhỏ. Ba làm thuốc cũng có ít khách vì thời đó đâu có ai có tiền để uống thuốc? Bệnh nhân của ba hầu như người quen ở quê, trả tiền thuốc là gạo, là khoai, là đậu ... Nhờ vậy tôi mới yên tâm đi làm vì đồng lương công nhân lúc đó chỉ đủ mình tôi sống, có dư thì cũng vài ký lương thực trong tem phiếu.
Cuộc sống công nhân cũng có những vui buồn. Tuy ít tiền, nhưng cuộc sống ổn định, ra đường mát mặt hơn. Có những buổi vui chơi cùng bạn bè, có những nụ cười và cũng có chút hạnh phúc tuổi xuân con gái. Cuối năm đó (1978) nhà máy chạy nước rút cho hoàn thành kế hoạch, tôi và cô bạn tên Kim Anh được điều tạm một tháng xuống nấu ăn cho ca ba. Mấy trăm xuất ăn mà chỉ hai đứa tôi. Thấy hai đứa vất vả, nhiều thanh niên xuống phụ giúp, buồn cười nhất có anh trưởng phòng, bộ đội đảng viên mới về, đi tán gái đã bỏ chạy ngay khi biết tụi tôi đều có cha đi cải tạo.
Một buổi chiều Noel tôi muốn nghĩ làm về sớm, nên đi chợ về giao hết cho Kim Anh. Thật là một buổi chiều định mệnh, tôi thong thả bước trên con đường về nhà, gặp cậu Phước vừa bà con cũng là bạn trong xóm, đi bộ đội hơn năm nay. Sau phút vui mừng cậu hẹn sẽ đến nhà thăm tôi, thế là buổi tối đó cậu đến cùng người bạn học. Tôi đón khách tự nhiên, với chiếc áo rách trên vai, tiếp hai người bạn vui vẻ. Hiền, tên người bạn của cậu Phước, cứ nhìn tôi cười nói, để rồi sau này mang hình ảnh tôi suốt cuộc đời chỉ vì anh ấy nói thấy cuộc sống vất vả, mà nụ cười tôi rất tươi phản lại đôi mắt buồn xa xăm. Cái hình ảnh tương phản giữa mắt và nụ cười đã đem đến cho chúng tôi một câu chuyện tình yêu đẹp.
Chuyện tình chúng tôi vào mùa Noel 1978. Nghèo mà dễ thương có thể là do sự hiểu nhau, gia cảnh như nhau. Anh đẹp trai, học giỏi, chơi đàn guitar hay. Vì kinh tế gia đình không cho học tiếp, đành ra đi làm công nhân đường dây điện. Cuộc sống nay đây mai đó, đủ nuôi miệng, bản thân tương lai mù mịt. Ngày xưa thư từ khó khăn, cả tháng chưa nhận được thư, chúng tôi cùng nhau viết chung nhật ký. Cứ hai tuần hay một tháng gặp nhau quyển nhật ký sẽ trao nhau. Có lúc tôi làm thơ, anh phổ nhạc. Dù ngày đó thơ tôi vụng về. Người núi rừng, kẻ thành phố, tình yêu tuổi mới lớn đẹp như trăng rằm và cũng thật lãng mạng. Cứ mỗi mùa trăng, dù anh ở đâu chúng tôi cũng tìm đủ cách gặp nhau. Anh về, gặp nhau để cùng ra biển ngắm trăng, mang theo cây đàn anh hát, tôi nghe. Anh hát hay nhưng buồn quá, anh thích nhạc đạo ca của Phạm Duy thơ Phạm Thiên Thư. Ngày đó bọn tôi nghèo lắm, áo quần mặc chung với anh em, cả tháng không dám ăn uống cũng không đủ tiền xe về thăm nhau. Thế rồi tôi rủ anh đi buôn để có tiền làm lộ phí cho tình yêu. Tôi cùng anh đạp xe lên Phú Thượng mua trà, chè về bán cho những cơ quan tôi biết và bán ngoài chợ. Thế là chúng tôi có đủ kinh phí đi lại đong đầy nỗi nhớ.
Hai năm sau tôi lên xe hoa. Trong buổi lễ đón dâu ở nhà gái, người đại diện thay ba tôi nói lời dặn dò con gái. Tôi nhớ khi kể về tôi, tất cả những người có mặt hôm đó đều khóc. Nhà trai, nhà gái nước mắt nhìn nhau trong sự thương yêu đầm ấm. Và cũng không ai nghĩ rằng người đầu bếp nấu tiệc cưới ngày đó cũng chính là cô dâu. Với hành trang về nhà chồng vỏn vẹn vài bộ đồ.
Một thời đã qua, dấu ấn thuở hàn vi. Nhờ cái thuở đó tôi mới hiểu được giá trị của cuộc sống của tình người.
Nhóm bạn con gái cùng thời tôi, giờ đây gặp nhau thường nói với nhau rằng: Chúng mình không có tuổi xuân, tuổi đẹp nhất một đời người.
Giờ đây mỗi thành phố tôi đi qua, mỗi đất nước tôi đến, tôi vẫn cảm ơn ngày tôi vào đời.
Ôi thời thanh xuân đong đầy nước mắt đã dìu tôi từng bước đi ....
Cali Tháng 6, 2015
Ngọc Nga
Chin Bon
Chin Bon
Tuổi Xuân Của Tôi