Út Quý
Đó là tên đứa con trai út của tôi, Quốc Quý chào đời năm 1988 Mậu Thìn, trước Quý là cậu ấm Quốc Phú sinh năm Giáp Tý, năm vừa rồi đã lên chức bố với đứa con gái đầu lòng thật xinh. Hai vợ chồng tôi tuổi Thân sinh ra Quốc Phú tuổi Tý, hợp mạng hợp tuổi nên làm ăn phát đạt. Nghe lời những người lớn tuổi, chúng tôi mong mỏi có đứa con tuổi Thìn để có “tam hạp Thân Tý Thìn”. Quốc Quý chào đời năm Thìn làm trọn vẹn niềm mong ước của chúng tôi.
Có lẽ hạp tuổi hạp mạng nên út Quý được Hiệp yêu thương sâu sắc nhất. Anh gọi Quý là Rồng Vàng. Còn nhỏ nhưng Quý đã có ý thức sống tự lập, ít làm phiền đến ba mẹ, biết tự chăm sóc bản thân nhưng lại có một tật xấu là mỗi khi giận ai thì mặt đằng đằng sát khí, chân thì đi thình thịch muốn sập cả cầu thang. Điểm tốt là Quý rất sáng dạ và chăm học. Mỗi lần thấy Quý giận, ba Hiệp thường trêu:
- “Quý nhà ta coi vậy mà ghê lắm đó, ông bà xưa thường nói giận để trong dạ, ngoài cười, đền ơn trả oán bằng mười cái mưu”
Thế là cậu út lại cười xuề híp cả mắt. Mỗi lần thấy con trai cười tôi như thấy hình ảnh Hiệp trong đó, Quý rất giống ba, giống hoàn toàn về mọi mặt.
Thấm thoát con đã lớn, sắp bước vào ngưỡng cửa Đại học. Vì muốn con có tương lai tươi sáng bên cạnh những lời giải thích như năn nỉ của bé Hảo, vợ chồng tôi để cho Quý nối gót anh Hòa và chị Hảo đi du học ở Mỹ.
Năm 2006, Quý vừa tốt nghiệp trung học thì chúng tôi cũng hoàn tất xong hồ sơ du học cho Quý. Tôi đưa cậu con trai út vào Sài Gòn phỏng vấn. Nhớ lại một kỷ niệm nhỏ ngày đó mà tôi tức cười hoài. Quý được trang bị đầy đủ những kiến thức cũng như ngoại ngữ để trả lời những câu hỏi của phái đoàn. Trung tâm dịch vụ đã tư vấn cho Quý tỉ mỉ từ cách chào hỏi đến những câu trả lời sao cho khôn khéo để đạt kết quả. Quý vừa thông minh, vừa chăm chỉ nên cậu ta nhanh chóng thuộc nằm lòng. Thời khóa biểu cho biết Quý sẽ được tiếp kiến vào buổi sáng hôm đó. Tôi đưa con đến văn phòng đúng giờ, do một số người có phỏng vấn trước hơi dài dòng nên đến phiên Quý thì đã hơn 2 giờ chiều, tuy vậy cậu út cũng tươi tắn bước vào phòng với thái độ thật lạc quan. Thật buồn cười, khi Quý niềm nở chào nhân viên phỏng vấn:
- Good morning, how are you? (đúng ra thì phải nói: Good afternoon …)
Ông Mỹ to cao hơi ngớ người trong vài giấy rồi cười rất thân thiện và chào trả:
- Good afternoon, how are you?
Thì ra vì quá hồi hộp mà Quý đã chào hỏi đúng y như trong sách vở, quên mất theo lối tây phương, lời chào cũng phải theo thời gian. Tuy hơi “bể dĩa” chút xíu nhưng rốt cuộc Quý cũng may mắn được chấp thuận, cu cậu mừng rỡ bắt tay người nhân viên phỏng vấn, mừng đến nổi làm rớt hết cả tập hồ sơ xuống đất tung tóe. Đã vậy Quý còn làm bộ ỉu xìu khi ra ngoài gặp mặt mẹ:
- Con rớt rồi!
Tôi vỗ vai an ủi con và khuyến khích:
- Không sao, mới phỏng vấn lần đầu mà, mẹ nộp tiền cho con đi phỏng vấn lại.
Nhìn bộ dạng của tôi, cu cậu cười tít mắt vì đã gạt được mẹ. Thật lém lỉnh hết sức!
Thế là không lâu sau đó, Hòa lại về dắt Quý sang Mỹ để tiếp tục học. Có bé Hảo lo lắng chuẩn bị mọi thứ nên lần cậu út đi tôi cũng yên tâm. Niềm vui và nỗi buồn cứ xen lẩn trong tôi mỗi ngày. Cũng như những lần Hòa và bé Hảo đi, lần này tôi tưởng mình không gượng dậy nổi, buồn đến ngơ ngẩn mỗi khi nghĩ về con trai, nhưng làm sao đây? Muốn con có tương lai thì phải nuốt nước mắt vào trong, cố gắng làm việc để con có tiền ăn học. Vợ chồng không ai bảo ai cứ cắm cúi làm việc hết ngày này qua ngày khác như để quên đi thời gian … quên đi nỗi nhớ con …
Mới đây mà đã 5 năm rồi, cuối năm vừa qua, Hảo gọi về cho biết mấy chị em sẽ cùng về thăm ba mẹ. Tôi đếm từng ngày từng giờ để được gặp đứa con trai thân yêu sau 5 năm trời xa cách. Ngày con xuống sân bay tôi ngẩn người nhìn con, Quý ngày nào rời vòng tay ba mẹ còn nhỏ xíu, bây giờ về thăm ba mẹ lại dắt thêm một cô bạn gái nữa chứ! Nhìn con trắng trẻo đẹp trai ra dáng thanh niên, tôi mừng thầm trong bụng. Ông trời như vậy là cũng đã quá ưu ái và thương vợ chồng tôi rồi. Cái Tết năm nay với tôi thật sự có ý nghĩa và nhiều niềm vui. Hiệp cũng vậy, hầu như anh ít đi nhậu hơn, chiều nào cũng về sớm, vừa vào đến nhà là lên tiếng liền:
- “Quý của ba đâu hè?”
- “Con đây, con đây con biết ba vừa về là điểm danh liền nên chiều nào con cũng đợi ba về ăn cơm tối rồi con mới đi chơi với bạn bè”. Giọng Quý hớn hở.
Có những hôm bận tiếp khách, đã đến giờ ăn tối mà không thấy anh về là tôi gọi cho anh liền:
- “Anh ơi về ăn cơm với con, Quý chờ nè!”
- “Ừ anh về liền”.
Thế là có bận cở nào anh cũng vội vàng về nhà ăn cơm với gia đình rất vui vẻ. Anh hay xoa đầu Quý và nói:
- “Đuổi thằng ni đi cho rồi! Mẹ thấy ba thương Quý quá nên lúc nào cũng lấy con ra dọa ba để ba bỏ nhậu về với con”.
Nhìn cách cha con âu yếm nhau tôi thật ấm lòng và ngập tràn hành phúc.
Kết thúc ba tháng về thăm gia đình rồi, bây giờ Quý lại phải tạm biệt ba mẹ và anh em để lại sang Mỹ tiếp tục học. Trời! Thời gian sao nhanh quá! Tôi muốn thời gian chậm lại để tôi được yêu thương chăm sóc út trai của tôi thêm vài ngày nữa. Nhưng mà ngày nào cũng có hăm bốn giờ và mỗi giờ thì có sáu mươi phút thôi. Ngày đưa con ra sân bay Đà Nẵng để vào Sài Gòn, nhìn Hiệp quấn quýt bên thằng con mà tôi rưng rưng nước mắt. Anh lăng xăng cân hành lý, vuốt tóc con dặn dò đủ thứ, y như thằng con tôi lần đầu từ quê ra tỉnh hay sao đó. Anh lẩn quẩn đi theo bên Quý cho đến khi nhân viên sân bay cản lại anh mới lặng lẽ ra xe về nhà. Hai ba hôm không ăn gì, chỉ uống chai bia rồi đi ngủ. Trước đó, Hiệp đã bắt đàn con phải chụp hình chân dung từng đứa, anh phóng to ra và treo trên tường trong phòng ngủ. Đêm nào trước khi đi ngủ chúng tôi cũng nhìn thấy hình ảnh năm đứa con trong phòng mình.
Có đôi khi tôi không ngủ được, nằm nhớ con, bên cạnh Hiệp cũng thao thao thức thức, tôi biết anh rất qúy đàn con, luôn luôn muốn bảo bọc chúng trong vòng tay vững chãi của mình. Do vậy anh hay nhắc đi nhắc lại, anh sẽ không cho đứa nào đi học xa nữa, dù rau mắm cực khổ thì cha con, vợ chồng ở cận kề bên nhau anh mới vui. Suốt cuộc đời Hiệp lúc nào anh cũng muốn chắt chiu dành dụm cho con ăn học không thua người ta. Nhưng hoàn cảnh và thời thế luôn đổi thay như dòng nước chảy. Khi gặp thác ghềnh thì người ta phải uyển chuyển, nương theo để vượt qua bao trở ngại. Bên cạnh đó là số phận của mỗi người nữa, làm mẹ cha có ai muốn lìa xa con cái đâu.
Cậu út Quý của chúng tôi tuy sinh nhằm cung Mậu, Mậu Thìn thường được gọi đùa là Mậu xìn, tức là không có tiền nhưng từ bé đến nay kể ra cũng đã gặp nhiều may mắn. Đi đâu cũng có quý nhân giúp đỡ, nay du học phương xa cũng có chị gái và anh trai dìu dắt, không phải lạc lỏng bơ vơ như hai đứa con lớn của chúng tôi.
Ngày tiễn út Quý sang Mỹ để trở lại trường cho kịp mùa học tới, lòng tôi tuy buồn nhưng quả thật là các con của tôi “ăn cơm thiên hạ” nên mau khôn ngoan hơn là nấp vào bóng mát của cha mẹ. Thật may là các con tôi không bị vật chất và những phương tiện văn minh nơi xứ người cuốn hút. Cả ba đứa con tôi đều đã nên người, tuy ra đời rất sớm nhưng đều biết tự chăm lo cho bản thân, không ỷ lại hay dựa dẫm vào cha mẹ, Út Quý vốn được cưng chiều tử thuở bé nhưng chỉ sau năm năm không gặp, ngày xuất hiện con đã là một thanh niên lịch sự, tư cách của Quý khiến vợ chồng tôi hài lòng vô cùng. Tôi thầm nghĩ đó cũng là một trong những món quà, báu vật mà ơn trên đã ban tặng cho vợ chồng tôi.
Út Quý là con trai út, còn quá trẻ người non dạ, đường đời của con còn dài. Làm thanh niên mà chưa gặp gian nan, chưa gặp nhiều thử thách. Bước chân của con dường như từ bé đến lớn đi cùng với sự bảo bọc yêu thương của gia đình, ba mẹ, anh chị. Đời con đã gặp quá nhiều ưu đãi, may mắn. Tôi nguyện cầu cho cậu trai út của vợ chồng tôi, Út Quý sẽ sống một cuộc sống xứng đáng với những ưu đãi của cuộc đời, xứng đáng với niềm yêu thương và lo lắng của ba mẹ, anh chị em mà trước hết là phải xứng đáng làm Con Rồng Vàng trong lòng Ba Hiệp, làm ông anh gương mẫu của cô em gái duy nhất, Bé Út Hương.
Viết cho út trai của mẹ
Phạm thị Ba