Hồi ức:

Vài Kỷ Niệm ở Trường Nữ Trung Học Hồng Đức, Đà Nẵng.

Vào tháng 9 năm 1974 tôi nhận được ba tin vui.
Một là được thăng trật lên GSTH Đệ Nhị Cấp Thượng Hạng, Hạng 4 với chỉ số lương 690 (bằng chỉ số lương của bác sĩ Y khoa).
Hai là được thuyên chuyển về trường Nữ Trung Học Hồng Đức, nơi ưa thích của các anh giáo ... độc thân. (Riêng tôi thì đã yên bề gia thất !)
Và ba là được Thầy Nguyễn Đăng Ngọc, Giám Đốc Học Vụ trường Đại Học Cộng Đồng Quảng Đà mới thành lập, mời về trường phụ trách lớp English
Reading.

Nơi văn phòng trường Hồng Đức có một cây đàn organ mới. Với cây đàn này, trong giờ ra chơi, tôi bạo gan đàn bài Thu Vàng của Cung Tiến đôi ba lần (vì là
bài ruột), được truyền ra loa phóng thanh bắc ở bên ngoài cho học sinh "thưởng thức"! Không biết có em học sinh nào còn nhớ bài này không, hay là các em
còn bận ăn qùa vặt ...

Đến gần Tết Nguyên Đán thì Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Khoa Diệu Liễu cho học sinh chuẩn bị Đêm Liên Hoan Văn Nghệ Học Sinh, tôi được giao nhiệm vụ làm
"speaker" giới thiệu các tiết mục ca, vũ, nhạc, kịch... của học sinh Hồng Đức. Vào thời điểm đó thì người ta gọi người giới thiệu chương trình là "speaker",
không ai gọi là MC như bây giờ ...
Vì lâu ngày, tôi chỉ còn nhớ được hai tiết mục trong đêm liên hoan văn nghệ mừng xuân Ất Mão. Thứ nhất là bài Tango Sơn Nữ Ca của Trần Hoàn do một nữ
sinh trình bày. Đây là một minh họa cho đức tính quân tử, cao thượng của người miền Nam: Họ vẫn hát những ca khúc của các tác giả còn đang ở miền Bắc
như Nguyễn Văn Tý, Trần Hoàn, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Lưu Hữu Phước...! Thứ nhì là vở bi kịch "Ngày Tàn của Vương Quốc Champa." Vở kịch này là điềm
gở, báo trước cho một cơn hồng thủy ở miền Nam.
Không hiểu ai đã làm thầy dùi cho ban văn nghệ học sinh Hồng Đức đi chọn một vở kịch mà thoạt nghe nhan đề đã thấy màu tang tóc thê lương "Ngày Tàn của
Vương Quốc Champa" ? Miền Nam thời đó thiếu gì những vở kịch có ý nghiã thâm thúy mà lại đi rước về trường môt "Ngày Tàn..." ? Những bạn nào là cựu
nữ sinh Hồng Đức hay là rể Hồng Đức có thấy ức không cơ chứ?
Thật là xui tận mạng vì chỉ hơn một tháng sau đêm liên hoan văn nghệ học sinh mừng xuân con mèo thì hàng ngàn hàng vạn đồng bào từ các tỉnh phía bắc chạy
loạn vào Đà Nẵng, càng ngày càng đông và càng hỗn loạn. Một số đông đồng bào trong đó có nhiều bà mẹ cùng những đàn con bé bỏng, giống như con gà
mẹ cưu mang đàn gà con đi kiếm ăn, phải tạm trú trong các lớp học của trường Hồng Đức ... tạo ra một thảm cảnh làm rơi nước mắt của bất cứ một người tử
tế nào ..

.. Từ trường Hồng Đức đang trong cảnh "tang gia bối rối", tôi chạy xe qua trường Đại học Cộng đồng Quảng Đà là nơi tôi đã tham gia phụ trách môn English
Reading thì thấy nơi này cũng đang lâm cảnh "gà mắc dây thung", không có tin vui gì giữa giờ tuyệt vọng. Nói cách khác, vào thời điểm đó thì tất cả thầy cô
cùng học sinh/sinh viên có thể so sánh với một đàn kiến bò loanh quanh lòng vòng trong một cái chảo đặt trên bếp lửa. TUY NHIÊN, cần phải khen ngợi và ca
tụng tinh thần tự nguyện phục vụ xã hội của số đông học sinh, sinh viên Đà Nẵng vào thời điểm dầu sôi lửa bỏng đó mà vẫn cố gắng góp phần đắc lực trong
việc cứu trợ đồng bào chạy loạn đang tạm trú trong nhiều ngôi trường ở Đà Nẵng và vùng phụ cận.
Một kỷ niệm đau lòng mà tôi ân hận suốt đời là trong một lần đi cùng với học sinh đến trao qùa cứu trợ đồng bào chạy loạn trong một lớp tại trường HĐ thì
bỗng nhiên có một bé trai vào khoảng 8 hay 9 tuổi gì đó ôm chầm lấy tôi rồi khóc nức nở, không chịu rời tay và khăng khăng đòi đi theo tôi. Mấy bác lớn tuổi ở
cùng phòng cho biết cha mẹ và hai anh, chị của bé này đã chết hết trên đường di tản từ một vùng quê tận ngoài tỉnh Thừa Thiên... Tôi bó tay thúc thủ trước số
phận nghiệt ngã của em bé này.
Mươi ngày sau khi sắp đến giờ đứt phim thì tôi chỉ còn có thể bắt chước một bậc tiền bối mà rằng:
Ngày mai "phim đứt", tớ đi ngay
Cúng giỗ từ đây nhớ lấy ngày! *

* TRẦN TẾ XƯƠNG:
"Mai mà tớ hỏng, tớ đi ngay.
"Giỗ tết từ đây nhớ lấy ngày (...)"