Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Vài suy nghĩ về ngày 20/11
Chín bốn & Bạn hữu
Chín bốn & Bạn hữu
Những ngày này bước ra đường là thấy không khí nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày 20/11, ngày tri ân Thầy cô giáo. Các em học sinh tập múa hát, các cửa hàng, chợ búa bán đầy hoa tươi và các gói quà xinh xinh, nho nhỏ. Tôn sư trọng đạo vốn là truyền thống của người Việt ta từ xưa đến nay nhưng với hiện tại bây giờ những hình thức hào nhoáng bề ngoài đó có nói lên được thực chất nghề giáo còn là nghề cao quý nữa không?

Nhớ ngày xưa, thế hệ chúng tôi trước 75...

Thời đó rõ ràng là không dành riêng ra một ngày để vinh danh các nhà giáo như bây giờ, nhưng đối với phụ huynh và học sinh, người thầy có quyền lực vô cùng.

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, một chữ là Thầy, nửa chữ cũng là Thầy.

Một tiếng nói của Thầy hay chỉ cái nhíu mày trừng mắt là học sinh răm rắp tuân theo. Thậm chí với cách nghĩ "thương cho roi cho vọt", để dạy bảo các học trò tiểu học lười biếng và hỗn láo. Thầy có quyền bắt xòe tay ra, dùng thước kẻ vụt đến tươm máu cho các em nhớ đời. Những chuyện nhéo tai, quỳ gối là bình thường nên phụ huynh và học sinh vẫn cứ kính trọng thầy, không hề chỉ trích hay phản kháng.

Thời đó, đồng lương có thể sống và lo cho gia đình thoải mái nên các giáo viên không phải bận tâm chuyện tiền bạc, chỉ hết lòng vì học sinh thân yêu mà giảng dạy đến nơi đến chốn. Cũng không có khái niệm về dạy và học thêm nhưng nền giáo dục cũ đã đào tạo ra biết bao nhân tài cho đất nước.

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, trong ký ức của chúng tôi những gương mặt Thầy cô vẫn chưa phai nhạt, tình cảm dành cho họ vẫn đong đầy mỗi khi nhắc tới. Một lớp người ưu tú, nhân văn đã hình thành nhờ công ơn của Thầy cô xưa không thể phủ nhận.

Chạnh lòng nghĩ đến hôm nay...
Nền giáo dục nước nhà có phải đã đến lúc suy thoái, tuột dốc không phanh cả về học vấn lẫn đạo đức.

Dĩ nhiên người chịu áp lực lớn nhất vẫn là các Thầy Cô.
Không nói chuyện về cách quản lý của nhà nước đầy rẫy tham nhũng, cửa quyền với các bộ ngành nói chung và bộ giáo dục nói riêng. Chỉ nói chuyện lương bổng của các thầy cô đã thấy không thoả đáng chút nào. Làm sao họ có thể toàn tâm toàn ý lo việc dạy dỗ các em học hành giỏi giang trong khi đồng lương chết đói, chuyện cơm áo gạo tiền đang đè nặng trên vai.
Các Thầy Cô chuyên về các môn tự nhiên như Toán lý hóa, Anh văn... thì còn có thể dạy thêm dù là dạy chui dạy lén, bù lại, hàng tháng cũng có thêm một khoản tiền nho nhỏ. Riêng các vị dạy bên khối xã hội như Sử địa, Thể dục, Đạo đức thì đành chịu chết.
Tôi đã từng chứng kiến mấy thầy dạy Thể dục phải làm thêm nghề phụ hồ đổ mồ hôi, dầm mưa dãi nắng lam lũ trên công trường những ngày thứ bảy, chủ nhật để kiếm thêm ít nhiều trang trải cuộc sống. Có những cô dạy Sử địa phải tranh thủ thức khuya dậy sớm bưng bê, làm thêm ở các nhà hàng cưới hỏi.

Tôi thầm nghĩ xót xa, không biết rồi khi học trò thấy thầy cô đang làm trái nghề như vậy, các em có thông cảm hay sẽ coi thường.

Chưa kể các cô giáo đa phần bán hàng online trên facebook thì quảng cáo suốt ngày đủ các mặt hàng, thượng vàng hạ cám kể ra không thiếu thứ gì. Thử hỏi thì giờ đâu mà soạn bài vở để dạy dỗ học sinh. Vẫn biết đó là những cách làm ăn chân chính nhưng liệu xã hội mình có đáng phải để tầng lớp giáo viên lăn lộn kiếm tiền bằng mọi giá vậy không?

Câu hỏi quá chua xót không thể trả lời...
Bây giờ mạng xã hội phổ biến, cách đối xử của Thầy với trò cũng phải dè chừng. Thầy không dám nặng lời hoặc mạnh tay với học trò, mặc kệ, vì biết đâu chỉ vì vài câu nói khó nghe hoặc hơi manh động một tí là có người quay clip tung lên mạng. Rồi bao chia sẻ, bình luận đầy ác ý nhào vô, biến câu chuyện thành vụ bạo lực học đường kinh khủng dẫu không đúng mười mươi sự thật.

Không kể là các em học sinh cấp hai, ba đôi lúc vì tức giận Thầy cô chuyện cho điểm kém hoặc la mắng mình trong giờ học, có thể tụ tập bạn bè chặn đường Thầy "hỏi tội". Thậm chí phụ huynh đôi khi còn bênh con vào tận lớp hành hung, mắng chửi Thầy cô. Loạn, loạn hết cả lên rồi...
Ôi càng nghĩ càng thấy bi quan...
Một quan chức nổi tiếng ở phương Tây đã từng nói : " đầu tư cho nền giáo dục là sự đầu tư không bao giờ lỗ", có lẽ chỉ đúng với các nước tiến bộ thôi. Còn ở VN, tính ra đầu tư cũng cả hàng ngàn tỷ cho giáo dục đó chớ nhưng rồi chảy vào túi các quan trên hoặc làm ăn, cải cách chẳng ra trò và "mèo vẫn hoàn mèo".

Chứng kiến cảnh các em học sinh vùng sâu, vùng xa thiếu ăn, thiếu mặc phải đu dây qua sông bán mạng cho Hà bá để tới trường mà xót xa khôn xiết.

Có thời thế nào mà trưởng phòng giáo dục bắt các cô giáo đi phục vụ, chuốc rượu cho khách VIP, rồi giảng viên gạ tình sinh viên nữ đổi điểm, vân vân và vân vân... Đúng thật suy đồi 😢😢😢

Khi nền giáo dục đi vào ngõ cụt thì tương lai đất nước sẽ về đâu?
Nhiều người nói vui, thôi từ nay cứ lo học tiếng Tàu cho giỏi , tương lai đất nước sẽ về đó chớ đâu!!!!!!!
Vài dòng tản mạn buồn cho ngày tri ân nhà giáo 😢😢😢

TN
18/11