Vẫn như xưa
Trong ký ức của tôi, hình ảnh nó là con bé tóc dài, đôi khi thắt thành một bím nên khi thả ra, mái tóc có những cọng lăng quăn. Nó có dáng người thanh mảnh, giọng nói cao nhỏng nhẻo, đúng là một tiểu muội người Việt gốc Hoa, vì cái tên đọc lên nghe như tài tử Hong Kong, Phù Ái Tuyết. Ngày đi học, Tuyết hay khoe là có ông anh trai là Phù Chí Phát học bên ngôi trường hàng xóm.
Tuyết có nét đẹp đơn giản của một thiếu nữ miền bắc, hay cười, khi cười đuôi mắt dài ra. Ngày học chung lớp, từ những năm lớp sáu, Tuyết thường được xếp ngồi dãy giữa, không nhập bọn phá phách hay gây sóng gió nên ít bị thầy cô để ý. Do đó, sau khi tan hàng năm 1975, nước mất, nhà tan, trường xưa cũng mất tên. Chúng tôi cách biệt không giã từ, tưởng như sẽ chẳng bao giờ có cơ hội trùng phùng. Mỗi khi có dịp ôn lại kỷ niệm xưa, hoài niệm về bạn bè thời áo trắng, trong lòng tôi đôi khi bóng dáng Tuyết ẩn hiện nhẹ nhàng, dễ thương như nụ cười hay nở ra trên môi Tuyết ngày xưa ấy.
Thế rồi sau nhiều năm chao đảo, tôi rời quê nhà, lập nghiệp ở vùng đất mới xa quê hương tôi vạn dặm. Bề bộn với công ăn việc làm, bao hình ảnh bạn bè, những tháng năm chung trường chung lớp tưởng như đã vùi chôn dưới lớp bụi thời gian. Những năm gần đây, khi cái ăn cái mặc không còn là nỗi khắc khoải, lo toan hàng ngày thì nhu cầu tìm gặp bạn bè thời cắp sách trở nên đau đáu trong tâm hồn những người con xa quê. Một trong những dịp họp mặt với các anh chị em liên trường Quảng Đà tôi đã gặp anh Phù chí Phát là anh trai của Tuyết, tôi cố liên lạc qua email nhưng chẳng thấy con nhỏ trả lời, nghe đâu Tuyết đã lập gia đình và có hai đứa con, trai gái đầy đủ, làm ăn cũng khá, tôi đâm ra ngần ngại. Sau đó, mạng lưới thông tin phát triển rộng rãi với trang Facebook nối kết toàn cầu, tôi lang thang rong ruổi kiếm bạn bè, tôi nhận ra cái tên Phù Ái Tuyết không thể lẫn lộn với ai khác. Và qua những tấm hình, tôi dễ dàng nhận ra khuôn mặt và nụ cười của Tuyết. Tôi nhanh nhẹn gởi vài câu xã giao, vẫn không có hồi đáp. Tôi cảm thấy hơi buồn, tôi cố lục lọi trong ký ức để kiếm đôi kỷ niệm nhắc nhở làm đầu cho câu chuyện may ra con nhỏ lên tiếng, nhưng khổ thiệt! Tôi không biết bắt đầu bằng cách nào đây.
Thời gian dần trôi, tấm chân tình vì trường xưa lớp cũ của tôi được nhiều bạn chiếu cố. Tôi và các bạn cùng lớp, cùng trường nhờ mạng lưới thông tin nên gặp nhau đều đặn hơn qua các trang web trường, lớp … Một số bạn cũng thắc mắc sao không thấy Phù Ái Tuyết xuất hiện? Riêng tôi đã nhiều lần đến thăm thủ đô nước Mỹ nhưng không biết Tuyết ở đâu, ngoài cái tên tiểu bang Virginia!
Kỳ họp mặt NTH Hồng Đức toàn thế giới lần thứ hai ở Atlanta năm 2012 đã thành công ngoài mong đợi, mang lại niềm vui, nỗi xúc động cho tất cả thầy cô và cựu nữ sinh tham dự. Nhóm lớp tôi tập trung lại nhà tôi, không ai màng đến chuyện đi thăm viếng những danh lam thắng cảnh nơi này. Những người bạn cùng khóa từ các nơi gặp nhau, đùa giởn và chia xẻ tâm tư, đời sống gia đình hay nhắc nhở những vui buồn thời cắp sách. Kỷ niệm đã mang chúng tôi lại gần nhau hơn. Bên cạnh đó, dư âm ngày hội Hồng Đức làm ấm lòng những người con gái thuở xưa chung lớp chung trường. Dư âm đó cũng đem đến và khơi dậy trong lòng chúng tôi ngọn lửa, chúng tôi muốn cùng nhau thắp sáng ngọn nến đêm vinh danh thầy cô ngay tại thủ đô Washington. Đầu tháng tư, năm nay, nhóm chúng tôi, gồm các chị khóa đàn chị cùng trường, những người có tâm huyết với các cuộc họp mặt, rủ nhau khăn gói lên đường. Đêm trước ngày đi, tôi nhận được điện thoại của cô An Hà Châu, giọng cô véo von, lúc nào cũng khen các em giỏi quá. Thật ra, bên cạnh chúng tôi còn có sự hổ trợ của thầy Nguyễn đình Cam, hiện cư trú ở vùng DC, là người khuyến khích tinh thần chúng tôi qua những email, từ những ngày đầu tiên. Thầy đón tôi ở phi trường cùng với chị Thanh Trúc đến từ Canada, mái tóc thầy đã bạc nhiều nhưng dáng dấp còn rất nhanh nhẹn. Từ phi trường về nhà Thầy hỏi thăm về những người bạn đồng khóa với tôi. Dĩ nhiên là tôi than vản về Tuyết, nhỏ bạn mà tôi đã cố công liên lạc từ lâu nhưng thất bại. Thầy cho tôi hay, Tuyết làm ở một ngân hàng gần nhà thầy.
- Thế AT có muốn gặp Tuyết không?
- Dạ thôi, thầy …
- Tại sao vậy?
- Dạ … nếu đúng là Tuyết chung lớp với em ngày xưa thì nó đã trả lời mail cho em rồi.
- Biết đâu, người ta bận.
Chị Thanh Trúc cũng bàn:
- Có thể vì bận rộn mà bạn em không trả lời đó thôi.
Tự nhiên tôi bỗng chua chát:
- Dạ thôi, chắc nó làm ăn khá giả quá, tình cảm bạn bè không quan trọng nên mới làm lơ.
Thầy la:
- Nói vậy là không đúng rồi, mình chưa gặp mặt người ta, đừng phán đoán vậy… Tôi chở AT đến chỗ cô Tuyết làm nghe.
- Thôi Thầy ơi, biết nó có muốn gặp bạn cũ không đây …
- Sao lại không, mà có phải bạn học chung lớp với AT không?
- Dạ, chung lớp từ lớp 6 đến lớp 10, thầy!
- Rứa thì cứ tới đại đi, xem sao!
Nói dứt câu, thầy đánh tay lái cho xe vào một ngân hàng ngay bên phải, tôi và chị Trúc đều hết sức ngạc nhiên. Thầy bước xuống xe, mở cửa cho hai cô học trò, vừa cùng đi vào thầy vừa nói:
- Chút nữa AT gặp Tuyết nói là, nghe mi bận rộn quá hông có thời gian trả lời mail của bạn, bây giờ tau tới đây rồi mi có muốn nói chuyện với tau không? Nếu cổ nói không thì tôi đành … xin lỗi rồi chở AT về.
Thiệt là xui xẻo, nhằm giờ trưa, đồng nghiệp của Tuyết trả lời rằng nó đã ra ngoài ăn trưa. Chị Trúc nhanh nhẹn xin mảnh giấy viết tên tôi xuống để lại. Chúng tôi quay ra xe thì vừa thấy Tuyết bước vào. Thầy Cam reo lên trước tiên:
- A, cô Tuyết đây nè!
Tôi nhìn ra cửa:
- Biết ai đây không mợ?
Hắn nhìn tôi, tròn mắt, miệng cười:
- Biết chớ, Anh Trinh … thấy trên Facebook … nhưng không biết có phải bạn không … nên không trả lời.
Hai đứa ôm nhau thắm thiết, thầy Cam lớn giọng:
- Cô AT này nói là Tuyết lo làm giàu nên không muốn liên lạc với bạn, tôi phải chở đi gặp mặt xem thử có đúng không đây.
Ái Tuyết cười rất hiền:
- Dạ, đâu có thầy
Tuyết cũng giới thiệu nhóm chúng tôi với những người Mỹ đồng nghiệp, ai nấy tròn mắt ngạc nhiên khi biết chúng tôi là bạn chung lớp thời trung học, tính ra đã hơn 37 năm không gặp. Chúng tôi lăng xăng chụp hình ngay tại nơi làm việc của Tuyết. Thầy Cam trông rất vui. Khi tôi hỏi Tuyết còn nhớ tên bạn nào chung lớp không, Tuyết kể ra khá nhiều: Phạm thị Ba, Lệ Hồng, Phương Phượng, Kim Oanh, Thục Trang, Trần Kim Liên … Và hầu như những bạn ở hướng chợ Mới Tuyết còn nhớ rất rõ. Về thầy cô, người đầu tiên Tuyết nhắc đến, không ai khác hơn là … Thầy Thụy! cao thiệt cao, tóc dài rất nghệ sĩ … tiếp đến là thầy Cung thế Mỹ, đầu tóc chải ngược, láng mướt …
Theo lời kể của Tuyết, tôi được biết Tuyết đi vượt biển, cập vào Phi luật Tân, sau đó được anh Phát bảo trợ sang tiểu bang Virginia từ đó đến nay. Tuyết học ra trường, đi làm, rồi lập gia đình với một chàng trai người Cần Thơ, tình duyên êm đềm, không sóng gió. Nay đã có một con gái lớn sắp tốt nghiệp đại học tháng 5 này và con trai út 16 tuổi.
Vẫn giọng nói líu ríu, nụ cười vô tư và luôn quấn quýt bên tôi, rất dễ thương. Chúng tôi chia tay nhau để Tuyết trở vào làm việc. Tôi không quên mời Tuyết tối mai đến nhà thầy Cam thưởng thức món Mỳ Quảng Atlanta. Thầy Cam ra đến ngoài xe là đóng vai chánh án liền:
- Thấy chưa AT, không được kết án vội khi chưa có bằng chứng. Tui thấy Ái Tuyết có vẻ rất mừng khi gặp lại AT đó chớ, mừng thật sự đó nghe!
Chị Trúc góp vào:
- May mà có Thầy nhiệt tình AT mới gặp lại cô bạn này chớ không là trách nhầm bạn rồi!
Tôi thầm cám ơn Thầy và nhận ra cá tính chân chất của người dân xứ Quảng tiềm ẩn trong thầy. Nói là làm, năng nổ, với cách xử sự không kém phần tình cảm sâu sắc. Một lần nữa, bài học công dân về cách đánh giá một người đã được thầy truyền đạt cho tôi thật thấm thía.
Hôm sau, Ái Tuyết và anh Phát đến nhà thầy Cam, mang theo vô số quà bánh, chúng tôi đã có một buổi gặp mặt thân mật, vui vẻ. Món mì Quảng và bánh ú từ Atlanta được chiếu cố tận tình. Hôm sau Tuyết cùng chúng tôi đi xem hoa anh đào nở dọc theo bờ sông Potomac, chụp ảnh kỷ niệm. Đi đâu Tuyết cũng dành ngồi bên cạnh tôi để nói chuyện. Thỉnh thoảng, có điện thoại của anh xã gọi, Tuyết kể lể đi chơi với bạn thời trung học. Anh Đại, chồng Tuyết tỏ ra rất ngạc nhiên, vì kể từ ngày cưới Tuyết, anh chưa bao giờ nghe cô nàng nhắc đến bạn bè. Con nhỏ cười với tôi: Lâu quá mới gặp bạn bè, vui, không muốn về luôn … Nhìn Tuyết mệt mỏi vì phải theo đám chúng tôi đi xe điện ngầm, lội bộ … thấy thiệt tội cho tiểu muội! Sau khi cùng nhau đi tìm địa điểm cho ngày picnic tiền đại hội và khách sạn dự kiến để đón khách, về đến nhà thầy Cam, Tuyết lăn đùng ra ngủ để lấy lại sức sau một ngày bôn ba. Tối đến, cả nhóm được chị Mến, khóa I mời đến nhà chị thưởng thức món bún bò “Mụ Mến” thật tuyệt vời. Ban tổ chức hội ngộ NTH Hồng Đức được ra mắt ngay tại nhà chị Mến, có Ái Tuyết phụ trách ban tiếp tân. Con nhỏ vui vẻ nhận lời vì nghe đâu anh xã Tuyết cũng rất có uy tín trong giới làm ăn thuộc cộng đồng người Việt ở đây.
Chia tay Tuyết trước sân nhà chị Mến, những làn gió lạnh đầu tháng tư khiến chúng tôi co ro nhưng lòng chúng tôi hân hoan ấm áp. Hẹn gặp nhau vào dịp tới, Tuyết lưu luyến trao đổi email và số phone với chúng tôi, các chị đều khen Ái Tuyết dễ thương, nhanh nhẹn. Tôi sẵn dịp này quảng cáo: Hồi đó, lớp tụi em là top trong cả khối lớp mà chị, học cũng giỏi mà phá cũng siêu! Tôi không quên giới thiệu với Tuyết trang web của lớp. Vào đó sẽ gặp đầy đủ các bạn ngày xưa. Tôi cũng ước mong nhóm bạn chin bốn ngày xưa sẽ dành thời gian để có buổi họp mặt vào ngày hội ngộ NTH toàn thế giới kỳ III vào tháng 9 năm 2014 ở Washington DC này. Các bạn sẽ gặp lại con nhỏ tóc dài ngày xưa, nay đã là một bà mẹ trẻ hai con, tóc đã ngắn, vẫn dáng dấp vẫn thanh mảnh, phong cách đơn giản. Vẫn là cô gái phố cổ, Phù Ái Tuyết, môi luôn nở nụ cười hiền với giọng nói Hội An, nay đã nhập gia tùy tục, ảnh hưởng chất giọng Cần Thơ, quê chồng nhưng vẫn còn nhỏng nhẻo lắm.
Riêng tôi, sau lần hội ngộ hơi bất ngờ và qua hai ngày đi chơi chung, điều khiến tôi ngạc nhiên là Tuyết rất chịu khó và chìu ý bạn bè, tấm chân tình đó đã khiến tôi cảm động. Xin cám ơn Thầy Cam, chị Trúc và Ái Tuyết, lần gặp gở này đã để lại trong lòng tôi nhiều kỷ niệm. Tình bạn qua bao nhiêu tháng năm, vẫn dễ thương như xưa, không hề phai nhạt. Tôi cảm thấy mình may mắn và giàu có biết bao!
Atlanta tháng 4 năm 2013
Nguyễn Diệu Anh Trinh