Về miền Tây
Ai ở xã Bình Phú, huyện Càn Long, tỉnh Trà Vinh cũng đều nghe nói đến một cái chợ nhỏ nằm ở xã Nhị Long, dân chúng thường gọi tên là chợ Già Đỏ. Hai ấp Phú Phong l và ll thuộc xã Càn Long liên ranh và cùng nằm về phía đông một con sông nhỏ có tên là sông Láng Thé. Hầu như nhân dân ba xã Bình Phú, Càn Long và Nhị Long đều đã có lần ghé chợ để mua bán một vài sản phẩm nông thôn thông thường, nhưng ít ai biết đích xác tại sao cái chợ đó lại mang tên Già Đỏ, nghe như một nhân vật hay một huyền thoại nào đó ở miền quêViệt Nam.
Hãy nghe chính người địa phương nói đến một vài địa danh, nghe thì như dzậy nhưng không phải dzậy. Người đó là Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên (có thời là phó Thủ Tướng thời đệ nhị Cọng Hoà Miền Nam Việt Nam).”Tuy trong đời của tôi phần lớn là sống ở ngoài tỉnh Trà Vinh(Sàigòn, Hà Nội, rồi Hoa Kỳ), nhưng tôi là một dân Trà Vinh chánh hiệu con nai. Trong giấy khai sanh của tôi làm thời Pháp thuộc nên viết bằng tiếng Pháp có ghi rõ: Lieu de naissance: Maternité de TraVinh (nơi sanh nhà Bảo sanh Trà Vinh). Bên nội của tôi ở Láng Thé (tức làng Nguyệt Lãng, về sau đổi tên là Bình Phú) cho nên tôi rất nhớ ruộng đất của gia đình tôi ở đồng Cây Cách phía tay trái trên đường lên cầu Mỹ Huê để vô An Trường,(có gia đình của Bác Bảy Nguyễn Viên Kiều) và tôi nhớ rất rõ nhà của gia đình tôi ở phía tay mặt trên đường đi Dừa Đỏ (có gia đình của dượng Chín Thầy Cai Trí. Bên ngoại của tôi ở Huyện Hội (có gia đình họ Lâm Quang: Lâm Quang Thời, Lâm Quang Vận, Ông Huyện Mẫn, Bà Chủ Tư) trên đường đi xuống Khánh Lộc (có gia đình Ông Bác vật* Nguyễn Khắc Sự, Ông Toà Nguyễn Khắc Vệ) để qua Ô Chác, cho nên tôi nhớ chợ Ất Ếch lắm ( *Hồi xưa trong Nam danh từ bác vật có nghĩa là Kỷ sư). (Đặc San Xuân Giáp Thân, 2004, Hương Vị Trà Vinh, số 4, Hội Ái Hữu Đồng Hươntg Trà Vinh California-Hoa Kỳ, tr 30).
Như vậy đã rõ, Dừa Đỏ là một địa danh nằm ở bờ tây sông Láng Thé, ngôi chợ mà dân chúng quen gọi là Già Đỏ là do sự phát âm từ Dừa Đỏ mà ra. Nói mãi thành quen và chẳng ai buồn đính chính lại cho đúng như trên bản đồ tỉnh Trà Vinh đã ghi rõ.
Lịch sử Nam Tiến của dân tộc Việt đã thật sự thành công khi vùng đất Đồng Nai - Gia Định đã được tiền nhân gia công củng cố bằng những đợt di dân từ vùng Ngũ Quảng (bao gồm dân chúng từ Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (tên cũ của Thừa Thiên), Quảng Nam, Quảng Ngãi vào Miền Nam trong thế kỷ XVll sau khi đã có những biến cố lịch sử quan trọng giữa hai dân tộc Chiêm Việt.
Cụ thể là năm 1620, với ý định tìm đồng minh để chống lại sự bành trướng và xâm lấn của vương quốc Xiêm La (Thái Lan), vua Chey Chetta ll của Chân Lạp đã đích thân đến Thuận Hoá cầu hôn công chúa Ngọc Vạn con của Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên. Khi hai bên đã đồng ý, công chúa Ngọc Vạn chính thức trở thành hoàng hậu Ang Cuv cũng gọi là Sam Đát của vương quốc Chân Lạp. Đây là một thành công khác của chúa Nguyễn trong thời kỳ phân tranh với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài để có thêm tài nguyên về lãnh thổ và nhân lực như vua Trần Anh Tông thuận gả công chúa Huyền Trân cho quốc vương Chế Mân của Chiêm Thành để có thêm hai châu Ô, Lý (vùng đất từ Lao Bảo, Quảng Trị đến sông Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam ngày nay) thuộc về Đại Việt sau năm 1306.
Trở lại việc cầu hôn của quốc vương Chey Chetta ll năm 1620, phải mất 38 năm sau, 1658, chúa Nguyễn Phúc Nguyên mới vào đến đất Mỗi Xuy (Bà Rịa). Từ đó, vua Nặc Ông Chân mới đồng ý cho người Việt đến định cư, khẩn hoang lập ấp trên vùng đất bao la, trù phú từ Bình Tuy đến đồng bằng sông Đồng Nai - Gia Định ngày nay. Cũng phải kể đến công lao đoàn tùy tùng của công chúa Ngọc Vạn, sau khi bà trở thành hoàng hậu Sam Đát, bà đã xử sự khôn khéo để từng bước Nam Tiến, đem lại sư thịnh vượng cho Đại Việt cả trên hai mặt lãnh thổ và dân sinh ngày một thêm phong phú.
Một sự kiện khác không kém phần quan trọng đã xảy ra năm 1679 đó là cuộc bôn tập về Miền Nam Đại Việt khi hơn 50 chiến thuyèn của 3,000 quân binh Trung Hoa, gốc Quảng Đông, Phúc Kiến, trung thành với nhà Minh, chống nhà Mãn Thanh đến xin chúa Nguyễn Phúc Thuần tá túc, lập lại cơ nghiệp, đợi ngày phục Minh. Chúa Nguyễn Phúc Thuần chấp thuận. Nhóm di dân này chia thành hai. Một do tướng Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình hướng dẫn đã chọn vùng Đồng bằng Đồng Nai - Gia Định để định cư. Nhóm thứ hai do Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến đi xa hơn về miền Tây, chọn vùng Mỹ Tho, Cao Lãnh làm nơi dung thân.
Do có tầm nhìn xa, hiểu rộng, Trần Thượng Xuyên đã mau chóng biến một vùng đất có nhiều sông rạch thuận tiện về đường sông, đường bộ thành Sông Phố, rồi Cù Lao Phố hoặc Nông Nại - Đại Phố, là chỗ tập trung và phát triển mau chóng về thương mại, giao thông, trao đổi sản vật của nhiều quốc gia vùng Đông Nam Á và thế giới.
Ngoài biệt tài tổ chức khai phá vùng đất hoang vu thành một trung tâm thương mại, kinh tế phồn thịnh, Trần Thượng Xuyên còn là một dũng tướng đã giúp chúa Nguyễn trong nhiều trận đánh dẹp Cao Miên. Năm 1690 ông đã cùng với tướng Mai Vạn Long đánh bại giặc Miên, bắt được Nặc Ông Chân, chiếm thành Nam Vang, Gò Bích, Cầu Nam. Năm 1700, Trần Thượng Xuyên còn giúp tướng Nguyễn Hữu Cảnh tiến đánh Chân Lạp lần thứ hai. Biên cương Đàng Trong của chúa Nguyễn càng ngày càng được mở rộng thêm vùng Biên Trấn, Phiên Trấn tức vùng Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Định Tường, Long Hồ, Trà Vinh, An Giang, Long Xuyên, Châu Đốc … ngày nay.
Đang lan man nghĩ về Miền Tây, chợt nhớ đến hoàn cảnh đất nước sau năm 1975, ngoài công chúa Huyền Trân, Ngọc Vạn … không biết các công chúa của Hồng Đức từ Đà Nẵng ra đi, đã có ai qua Cổ Chiên, sông Hậu để đi lấy chồng ở Miền Tây?
Nghiêm Đức Thảo
(Nhớ sinh nhật chin4.com)