Anh là người tôi có nhiều thiện cảm trong những người đàn ông mà tôi quen biết, không những vì tánh
tình hiền lành dễ thương mà vì tôi có được ở anh niềm cảm thông hết sức gần gũi, như một người anh
trai.
Lần đầu gặp anh tôi đã hơi ngạc nhiên vì nét đàn ông cứng cỏi từ hàm râu, đôi lông mày rậm tương
phản với nụ cười rất hiền, vầng trán rộng, đôi mắt đen có thoáng chút tinh nghịch. Anh là chồng một
người bạn thân của tôi.
Số phận đã gắn bó cuộc đời hai người vào những ngày Đà Nẵng thật khó khăn, không ầm vang tiếng
bom rơi đạn nổ hay khói lửa chiến tranh nhưng lại là cái khó khăn bởi những thay đổi đột ngột của xã
hội, ảnh hưởng từ những đổi thay về chính trị mà gia đình cả hai đều bị thiệt thòi bởi đứng ở vị trí của
bên thua cuộc.
Bạn tôi rời ghế nhà trường ở cái tuổi mười sáu trăng tròn, ngơ ngác bước ra đời khi tâm hồn còn ươm
những ước mơ. Thật không may, đó là những mơ ước chưa thành hình đã vở tan. Anh lớn hơn chúng
tôi gần mười tuổi nên trông khá cứng cỏi, nghe nói trước kia anh là lính biển, xuất thân từ trường
Thiếu Sinh Quân, một nơi đào tạo những chàng trai có thể nối nghiệp cho hàng ngũ bậc chỉ huy quân
đội, tương lai sẽ là những sĩ quan văn võ song toàn trong thời chiến.
Thành phố Đà Nẵng sau ngày 29 tháng 3 năm 1975 không có chốn cho những gia đình như bạn và
tôi. Buộc phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình, mặc cảm khi thấy các bạn cùng lứa còn cơ hội ôm vở
đến trường, bạn tôi ghi danh đi công tác lao động ở miền quê Đại Lộc. Anh Giáo gặp bạn tôi nơi đây.
Đồng cảnh ngộ và hình như duyên trời đã sắp đặt. Anh Giáo trở thành người bạn đời của bạn tôi, thật
đơn giản mà bền bỉ.
Vì không có nhà ở cố định nên không có hộ khẩu, dời đổi chỗ tạm trú nhiều lần, cuối cùng bị buộc
phải rời thành phố. Đôi vợ chồng trẻ theo đoàn người đồng cảnh, dưới sự chỉ đạo của nhà cầm
quyền mới, lê thê lếch thếch đi lập nghiệp khi chưa hình dung được sẽ đến nơi nào trên dải đất hình
chữ S này, chỉ biết đó là vùng cao nguyên đất đỏ bụi mờ, vùng đất đai hoang sơ dưới cái tên gọi là:
kinh tế mới.
Tôi biết được chút sinh hoạt của vợ chồng bạn qua những lá thư bạn gởi về, trải dài theo năm tháng.
Đúng là "lửa thử vàng, gian nan thử sức". Hai người bạn của tôi đã bắt đầu cuộc sống chung bằng đôi
bàn tay trắng đúng nghĩa. Câu ca dao thường được đem ra tuyên truyền trong giai đoạn này mà ai
cũng thuộc: Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm ... dường như chưa hẳn
đúng. Khai khẩn đất hoang ở vùng đồi núi Tây nguyên giỏi lắm là biến sỏi đá thành khoai, thành sắn,
thành bắp, măng rừng ... không đơn giản là cơm như trong sách vở. Vậy mà đôi bạn cũng đắp đổi
qua ngày. Những đứa trẻ kết tinh bằng tình yêu lần lượt ra đời ... khá hơn một chút là lớn lên với
những vụ mùa cà phê, hạt tiêu. Trong khi tôi lây lất ở thành phố cũng chẳng khá hơn chút nào.
Thỉnh thoảng có dịp anh Giáo về thành phố, bạn gởi cho tôi nhúm đậu xanh từ rẩy của bạn, hay gói
măng khô do chính tay bạn tỉ mỉ hái từ rừng sâu mang về, chẻ nhỏ phơi khô. Khoảng thời gian này
tôi mới có dịp tiếp xúc với anh Giáo nhiều hơn, được biết vợ chồng anh đã có một mái nhà riêng, nhớ
sách bút nên thỉnh thoảng Nguyệt cũng góp đôi bài thơ cho phong trào bích báo của địa phương.
Còn anh cũng nhớ nghề cũ nên bày ra lớp dạy võ cho các cháu thanh thiếu niên. Lúc nói chuyện anh
hay cười, nụ cười khiến đôi mắt đen nheo nheo, những nếp nhăn trên vầng trán như hằn sâu hơn,
trông anh thật phong trần. Tôi nhớ hoài ánh mắt anh nhìn tôi đầy thương cảm khi biết tôi là người mẹ
đơn thân nuôi con, Anh an ủi tôi và dặn dò gắng lo cho con Bé ăn học. Một lần khác về Huế đi đám
giỗ, anh ghé Đà Nẵng, mượn đâu được chiếc xe đạp cũ mèm, anh tìm đến căn nhà trong tận con hẻm
ở ngã Ba Cai Lang để thăm tôi và chở đứa con gái nhỏ bé của tôi đi chơi một vòng, qua nhà những
người bạn của vợ mình. Kỷ niệm này con bé còn nhớ mãi vì thuở ấy con tôi rất thèm những săn sóc
từ một người mà bạn bè đều có nhưng bé thì thiếu thốn. Anh Giáo là người rất sâu sắc, điềm tĩnh, ăn
nói nhẹ nhàng và có chút hài hước. Những tháng ngày làm vợ anh, chắc mái ấm bạn tôi không thiếu
những tiếng cười giòn!
Vào khoảng thời gian xã hội Việt Nam có chút đổi mới, cởi mở hơn, tôi và bạn bè khuyên nên về
thành phố sống để con cái có cơ hội tiếp xúc với đời sống văn minh. Hai vợ chồng Anh cũng có ý
này, nhưng chắc lúc ấy tuổi đời không còn trẻ, tìm đâu bầu nhiệt huyết như xưa nên ngại bỏ mảnh đất
lần đầu lập nghiệp, không muốn xa cái chòi tranh nhỏ bé được xây nên bằng hai trái tim vàng. Về
thành phố lại phải cậy nhờ trong khi một nách mấy đứa con. Vì lòng tự trọng, bạn tôi bỏ cuộc! Ban
đầu tôi cũng hơi thất vọng vì nghĩ anh Giáo đã quá an phận, sau này tôi tin đây là một chọn lựa đúng
đắn.
Anh Giáo sau thời gian làm công nhân thì xin được chân làm bảo vệ cho nông trường Cafe Việt Đức.
Tôi nghe tin cũng mừng cho anh, đã lớn tuổi khỏi phải lao động nhọc nhằn. Trong tâm trí tôi lúc ấy
anh Giáo rất to con mạnh khỏe vì anh là con nhà võ mà! Năm tháng qua đi theo những vụ mùa. Các
con của anh và Nguyệt cũng được đến trường học chữ, học nghề. Tuy ra đời và lớn lên trong thiếu
thốn, các cháu cũng được ba mẹ chăm lo hết với khả năng có được. Rồi hai bạn tôi lên chức ông bà
sui, cưới vợ cho con trai, gả con gái về thành phố. Các cháu nội, cháu ngoại trai gái đầy đủ. Nói theo
quan niệm rất đơn giản về cuộc đời thì có thể nói đây là một hạnh phúc viên mãn.
Mấy mươi năm bên nhau, tuy không kiệu hoa rước nàng về dinh, không tiệc cưới linh đình, không
pháo hồng đón dâu, những tháng năm bên nhau thì khởi đầu trong túng thiếu, chật vật nhưng tình yêu
tràn đầy của đôi bạn đã làm nên một kết cục có hậu. Như lời một bài hát "Dù nghèo mà vui, hỏi ai
không hé môi cười?", có thể nói là một cuộc hôn nhân mà bao người mơ ước, trong đó có cả tôi.
Qua những dòng thư, những câu chuyện bằng điện thoại, tôi chưa bao giờ nghe bạn tôi có một lời,
một câu than phiền về người đàn ông của mình. Tôi mừng cho bạn đã không phải hát câu: Lấy chồng
sớm làm gì, để lời ru thêm buồn ...?
Ba mươi mấy năm không gặp nhau, từ những ngày hai đứa còn tung tăng áo trắng dưới mái trường
NTH Hồng Đức ĐN cho đến khi bạn tôi đã lên chức bà thì chúng tôi mới có cơ hội gặp nhau. Lặn lội
đường xa vạn dặm, vượt qua bao núi cao, đèo thẳm, rốt cuộc vợ chồng tôi cùng với cặp vợ chồng
hai bạn Phương và Thân đã đến Huyện Cư Kuin Đắc Lắc để thăm gia đình anh Giáo và Nguyệt. Vẫn
đôi mắt đen với ánh nhìn giểu cợt, vẫn giọng Huế có chút rề rà, vẫn nụ cười xếp ply nhưng dáng dấp
thì đã khác xưa hoàn toàn! trông anh Giáo thật ròm, nếu không muốn nói là cọm rọm. Nghe nói anh
uống thuốc tập võ bị nhầm; thứ thuốc xoa thì anh đem uống, còn thuốc uống thì đem xức ngoài da.
Sự nhầm lẩn này khiến cơ bắp của anh teo lại, không chết là may. Đêm hôm đó chúng tôi ăn tối
chung với cả đại gia đình bạn, hàng xóm ... thật vui và cảm động. Ba người đàn ông đã thức trắng
đêm để tâm sự. Anh Giáo luôn miệng ngợi ca tình cảm bạn bè của vợ mình khiến anh nể phục và
hãnh diện với mọi người, không những thế, anh bảo tình cảm này còn là tấm gương cho thế hệ con
cháu noi theo. Giữa một xã hội quá phù phiếm, phồn hoa giả tạo, bon chen đua đòi thì không khí bữa
ăn tối cùng với tình cảm đôn hậu, hiếu khách của mọi người nơi "phố núi cao" này thật đáng quí, đã
khiến chúng tôi rất ngạc nhiên, cảm động. Chia tay gia đình và làng xóm của bạn, tôi nhớ hoài hình
ảnh những cây tiêu quanh nhà, hàng chè tàu làm lối đi, tiếng xe máy cày và dỉ nhiên ... những đám bụi
đỏ mờ mờ che khuất bóng anh Giáo đứng vẫy tay tiễn biệt. Hẹn một ngày không xa sẽ gặp lại!
Vậy mà khi tôi viết những dòng này đây, anh Giáo đã vĩnh viễn ngừng thở, chia tay cuộc đời sau một
khoảng thời gian ngắn đớn đau vật vả vì căn bệnh ung thư gan đa ổ. Bạn tôi đã tận tâm tận sức đưa
anh đi nhiều nơi, nhiều bệnh viện nhưng bác sĩ cũng bó tay. Tuần trước, khi tôi gọi điện thoại hỏi
thăm, Nguyệt vừa khóc vừa kể, anh mới tỉnh dậy và hối vợ thay cho anh tấm áo đàng hoàng để chụp
bức ảnh chân dung để dành lo hậu sự. Nghĩa là ... tuy đớn đau vật vả nhưng anh cũng biết rằng mọi
sự đời Anh sắp kết thúc. Thương vợ, anh nắm tay dặn dò mọi thứ, bên tai anh tiếng kinh cầu an vẫn
vang lên đều đều, để giúp tinh thần anh được dịu bớt, quên đi cơn đau đang hành hạ thân xác.
Anh Giáo trút hơi thở ngắn cuối cùng sau một cơn hôn mê sâu bên cạnh vợ và đàn con cháu, hưởng
thọ 64 tuổi. Vậy là anh đã ra đi, đã qua đủ chặng đường: sanh, lão, bịnh, tử của đời người. Nửa khuya
tôi nhận được tin buồn, lòng nghẹn ngào không cách gì ngũ được. Đã sanh ra kiếp con người, từ cát
bụi rồi cũng phải trở về cát bụi. Tội nghiệp cho bạn tôi, đến tuổi hoàng hôn của cuộc đời lại phải làm
con sáo lẻ đôi. Thương bạn, nước mắt tôi ứa ra.
Từ nay, mỗi dịp Tết đến bạn tôi không còn duyên dáng tựa bên cụm mai trước sân nhà cùng anh
Giáo chụp ảnh. Từ nay, mỗi độ xuân về vò rượu nếp không có anh Giáo chăm chút chắc không còn
nồng nàn hương men. Từ nay mỗi khi tôi gọi điện thoại thăm bạn không còn nghe giọng anh Giáo rề
rà xen vào mấy câu đùa vui. Từ nay bạn tôi vào ra một mình không ai thủ thỉ. Từ nay bạn tôi làm
người ở lại ...
"Làm người ở lại, bao giờ cũng buồn. Như nụ quỳnh hương chẳng còn ngát hương"
Tôi nghĩ, sáu mươi bốn năm cuộc đời với Anh đã đầy đủ ý nghĩa, tôi ngưỡng mộ anh. Từ một thanh
niên lớn lên trong thời chiến, thất cơ lở vận, anh dong ruổi trên đoạn đường đời thật thong dong.
Cùng với người vợ trẻ hay nói đúng hơn là một cô bé ăn chưa no, lo chưa tới, chưa hoàn tất cấp 3
trung học. Vậy mà vơi vai trò một người chủ gia đình Anh đã là một người thành công. Anh cùng vợ
đã tận sức chăm lo cho đàn con 4 đứa, tuy không là ông này bà nọ nhưng con cái anh cũng học hành
đàng hoàng, có việc làm ổn định. Không chen chân về thành phố được thì cũng yên bề gia thất, tạo
nên những mái gia đình ấm êm đầy ắp niềm vui, tiếng cười. Con anh trai gái đều biết nghe lời, không
làm khổ cha mẹ như những cậu Ấm cô Chiêu, hay đứa trẻ được cưng chìu nơi phồn hoa đô hội. Làm
bậc cha mẹ, có mong muốn nào hơn? Tôi chắc rằng nếu Anh Giáo có một mái gia đình như thế ở
ngay tại thành phố thì chưa chắc gia đình Anh được như hôm nay. Không biết tôi có quá chủ quan
hay đó là cách suy nghĩ để an ủi, trong cái rủi có cái may!
Hôm nghe anh bịnh, tôi nghĩ sẽ viết đôi dòng về Anh để Nguyệt đọc cho Anh nghe, bây giờ thì
không còn kịp nữa rồi, Anh đã nhắm mắt xuôi tay ra đi mãi mãi, để lại nhiều tiếc thương cho vợ con
bạn bè, những người quen biết anh, trong đó có cả tôi, một người bạn thân của vợ anh. Không phải
cầu mong mà tôi chắc chắn một người có đời sống như Anh Giáo sẽ ra đi thanh thản, đến một nơi an
lành, nụ cười không tắt trên môi.
Anh ra đi, giã từ cõi tạm một cách nhẹ nhàng như Anh đã đến với cuộc đời này.
Tạm biệt Anh và hẹn gặp lại!
Tháng 6, 2015
Anh Trinh Nguyễn