Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Về thăm trường cũ Vĩnh Anh
Chin Bon
Chin Bon
Sau năm 1975, tôi đã có đôi lần trở về thăm Huế; trong những lần trở về như thế, lòng tôi lại dâng trào những cảm xúc khó tả. Những hình ảnh và kỷ niệm dấu yêu của một thời ở Huế như đang nối tiếp nhau cuồn cuộn tìm về trong tâm trí tôi. Một trong những hình ảnh đầu tiên đã in sâu trong kí ức của tôi, đó chính là hình ảnh về ngôi trường cũ: trường tiểu học Lê Lợi, nơi đây đã gắn liền với tuổi ấu thơ của tôi trong suốt thời gian ở Huế (1964-1972).
Kể từ ngày tốt nghiệp tiểu học đến nay thấm thoát đã hơn 30 năm (1968-1998), tôi mới có dịp trở lại thăm trường. Đó là vào một buổi trưa trời nắng đẹp, tôi đã mang trong mình những cảm giác thật kỳ lạ: vừa hồi hộp, nôn nao, xen lẫn với nỗi xao xuyến như cậu học trò nhỏ ngày hai buổi cắp sách đến trường của thuở nào. Bước chân đến gần cánh cổng ở mặt trước của trường, tôi cảm nhận rõ ràng cái cảm giác thân quen khi nhìn thấy tấm biển: Trường Tiểu Học Lê Lợi.
Ngôi trường cũ của tôi giờ đã thay đổi khá nhiều: khang trang và mang dáng dấp hiện đại hơn, nhưng vẫn còn nhiều dấu ấn của đường nét kiến trúc cổ kiểu Pháp, nhất là những màu sắc cũ của trường vẫn không hề thay đổi, đó là màu vàng của tường, màu xanh lá cây của những chiếc cửa, cộng với màu đỏ thẫm của vòm tường. Chung quanh và ngay trên sân trường vẫn bao quanh bởi những hàng cây xanh biếc, đặc biệt là những hàng phượng vĩ ở phía trước và nằm ngay ở giữa sân trường, vẫn nở hoa đỏ rực như báo hiệu một mùa hè "lòng man mác buồn" của những phút giây bịn rịn và cùng với sự chia tay ở lứa tuổi học trò sắp sửa xảy ra.
Lòng tôi lại dấy lên những cảm xúc rạo rực khi rảo bước chầm chậm quanh lối hành lang của các dãy lớp. Có một điểm, tôi không thể nào quên được, đó là ở hai đầu của dãy hành lang của từng khối lớp là hai cánh cửa khép lại vào nhau. Sau đó, bước nhẹ lên tầng hai của dãy hành lang khu vực lớp nhất cũ, nhìn về cuối dãy ở phía tay trái, tôi chợt khẽ reo lên: Ồ, lớp học cũ của mình đây rồi! Đó là lớp Năm 3 cũ, có lẽ là một lớp học đã lưu lại trong ký ức của tôi thật .....thật nhiều kỷ niệm của tuổi học trò bé bỏng ngày xưa nhất. Bước đến bên cánh cửa sổ của lớp học cũ, lòng tôi cảm thấy bồi hồi xao xuyến.
Còn nhớ nơi đây của hơn 30 năm về trước, tôi ngồi học ở gần hàng sau cùng của dãy phía trong lớp. Ngồi cùng dãy bàn với tôi là 2 đứa bạn rất thân của tôi ngày ấy và cho đến tận bây giờ, đó là Lê Quang Thanh và Nguyễn Văn Tiến. Cũng giống như trường hợp của tôi, cha của Thanh nguyên là một trung tá, quận trưởng quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; cha tôi là một trung tá trưởng phòng 4 (phụ trách về tiếp vận và tiếp liệu) của Sư đoàn 1 Bộ binh thuộc Quân lực VNCH cũ; còn cha của Tiến cũng là một quân nhân đã hy sinh anh dũng ở chiến trường. Hồi đó, cả ba đứa tụi tôi đều chơi với nhau rất thân, cùng chia sẻ cho nhau những chiếc bánh kẹo, những ly nước hột é, những khúc bánh mì thịt của chiếc xe đẩy bán ở ngay sát bên ngoài cuối sân sau của trường. Chúng tôi vừa nhai bánh mì, vừa nói chuyện thật rôm rả trong những giờ ra chơi.
Tôi còn nhớ, có hai cô bạn gái thuộc vào loại xinh đẹp và học giỏi của lớp tôi ngày ấy, đó là Nguyễn Đăng Ngọc Anh và Nguyễn Thị Diệu Liễu; cả hai cô bạn gái của thời tiểu học đó, đều in đậm dấu ấn trong kí ức cũ của tôi. Nếu trí nhớ của tôi không nhầm lẫn, cả hai đều để tóc ngắn: Diệu Liễu thì tóc hơi xoăn lại ở phần đuôi còn Ngọc Anh thì cắt tóc kiểu "demi garcon" như bài hát "Cô bắc kỳ nho nhỏ" của Phạm Duy ngày đó: “Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ, này cô em tóc demi garcon, đạp xe vô lối chợ anh ngó,...". Nhớ những lúc thầy Toàn, giáo viên chủ nhiệm của lớp tôi khi ấy cho làm "toán chạy" (chỉ lấy 3 học sinh có đáp số đúng và nhanh nhất lớp); sau khi thầy vừa viết đề trên bảng xong, vừa làm vừa liếc lên chỗ ngồi của 2 cô này xem họ đã làm xong chưa, rồi ngay sau đó, "ba chân bốn cẳng", tôi và Thanh phóng như bay để kịp nộp bài trên bục giảng của thầy. Tụi tôi lo sợ rằng DL và NA sẽ nộp bài trước tụi tôi, bởi vì 2 cô ấy đều ngồi ở dãy bàn đầu của phía bên ngoài nằm gần ngay cạnh bục giảng của thầy Toàn.
Tất cả dường như đang phảng phất nguyên vẹn ở đâu đây trong ký ức của tôi, thế rồi một cơn gió nhẹ thổi ngang qua xào xạt, đã kéo tôi quay trở lại với hiện thực. Một hiện thực rất rõ nét, đó là chúng tôi- những học sinh của trường Tiểu học Lê Lợi ngày nào, giờ đang bước đi trên con đường sự nghiệp thênh thang hay gồ ghề của mình: người thì làm bác sĩ, kỹ sư, nhà báo, giám đốc, hay là nhân viên ở các hãng, xưởng ở trong và ngoài nước. Những lo âu của cuộc sống đã làm cho chúng ta lãng quên đi nhiều thứ, nhưng tôi vẫn luôn tin tưởng rằng, khi gặp nhau ai nấy đều vui mừng như trẻ ra cả vài chục tuổi, cùng nắm tay nhau tìm về với những tháng năm của cô, cậu học sinh ngây thơ, hồn nhiên, và nhí nhảnh của ngày nào.
Đứng từ trên ban công của lớp nhìn xuống dưới sân trường, khung cảnh nhộn nhịp, vui đùa, rồi đứng tụm năm tụm bảy ở dưới hàng cây phượng vĩ để trò chuyện, đã làm cho tim tôi cảm thấy bồi hồi và chan chứa những kỷ niệm. Bất chợt, tôi muốn mình quay trở lại để được làm một học sinh dưới mái trường thân yêu này, được sống lại những tháng ngày hồn nhiên bé bỏng của ngày xưa, và được sự thương yêu dạy dỗ của các thầy cô giáo.
Tôi tạm biệt mái trường với tất cả nỗi niềm luyến tiếc. Trường cũ vẫn còn đây, nhưng những bạn bè xưa đâu còn nữa. Và giờ đây cảm giác "nhớ bạn" như đang cháy bỏng một cách mãnh liệt hơn bao giờ hết trong trái tim tôi. Dầu các bạn có ở bất kỳ nơi đâu trên dải đất thân yêu hình chữ S này, hay ở tận những xứ xở xa xôi của Tổ quốc, tôi mong mỏi rằng bạn cũng như tôi hãy lưu lại trong ký ức của mình những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ dưới ngôi trường mang tên vị anh hùng dân tộc Lê Lợi này.
Vĩnh Anh (Tháng 7, 1998)
Diệu Liễu