Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Vị Giáo Sư Già
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, tôi thi đậu vào trường Ngân Hàng, một trường nằm giữa trung tâm thành phố Sài Gòn. Khoa tôi là khoa Kinh Tế Phát Triển, học sinh có đủ ba miền Nam, Trung, Bắc và tuổi tác cũng chênh lệch nhau nhiều. Có người mới vừa tốt nghiệp phổ thông nên còn trẻ, có người vừa mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự nên tuổi đời cũng hơi lớn, một số bạn đang công tác tại Ngân Hàng được cho đi học tiếp, số bạn này có người đã có gia đình, có con.
Vì tôi đã từng có thời gian ở Đà Nẵng nên lúc bấy giờ các bạn ở mọi miền của đất nước phát âm và nói nhiều giọng khác nhau tôi cũng hiểu và cũng nghe được. Các thầy cô toàn là người miền Bắc, duy chỉ có một ông giáo già người Quảng, nhưng tôi thì không phân biệt được Quảng Nam hay Quảng Ngãi. Thầy tên Thám, được chúng tôi đặt tên lại là Đề Thám.
Không khí những ngay đầu tiên bước chân vào giảng đường làm cho tôi vui thêm vì có nhiều bạn mới. Được hiểu thêm phong tục tập quán ở những nơi xa xôi mà mình chưa đặt chân tới. Chúng tôi biết thế nào là sinh hoạt tập thể, ở ký túc xá, được ăn những thức ăn của các miền mà bạn bè cùng chung tập thể nấu ...
Những tiết học mới bắt đầu, nào là Kinh tế Chính Trị, Lịch Sử Đảng, Xác Xuất Thống Kê, Tân Toán Học, Toán Kinh Tế, Lưu Thông Tiền Tệ ... Những môn nghe xa lạ mà cũng khó học nữa các bạn ạ.
Thường thì tôi luôn đi học đúng giờ, nhưng các bạn biết không, lúc nào tôi cũng được ngồi bàn nhất, vì các bạn đi trước luôn chọn ngồi những dãy bàn cuối giảng đường để trò chuyện, nghe nhạc, ăn vụng ...
Đa số các bạn đều nghĩ lên Đại Học rồi sẽ không bị truy bài, muốn đi học thì đi, muốn nghỉ thì nghỉ, muốn ăn mặc sao cũng được ... vì thế tôi cũng vậy, không màn đến chuyện học bài. Thế mà với môn Lưu Thông Tiền Tệ của thầy Thám, sau vài lần lên lớp giảng bài, thầy bắt đầu truy bài. Đầu tiên Thầy thông báo cho lớp biết, sẽ gọi một số em lên trả bài. Thầy không nhìn vào danh sách lớp mà liếc qua liếc lại, đưa cặp kính lão đảo quanh giảng đường, sau đó thầy tuyên bố, sẽ gọi mấy em hôm nay mặc áo màu xanh.
Trời đất ơi, bây giờ có cái kiểu truy bài kỳ quắt này. Hôm nay tôi lại mặt áo màu xanh, các bạn biết không, tôi muốn chui xuống gậm bàn mà trốn quá. Phía dưới hội trường nhao nhao lên của những người mặc áo màu xanh, “làm sao bây giờ?”, “có cách nào trốn được?”, “chui trốn dưới gậm bàn các bạn ơi”. Có mấy bạn tinh nghịch bảo, “cởi áo ra, cởi áo ra”, “mặc thêm áo vào” ...
Thầy chỉ tay về phía dưới bạn gái mặc áo màu xanh, gọi lên bục giảng để truy bài. Thầy đặt một câu hỏi, chờ đợi câu trả lời, nhưng không thấy bạn ấy trả lời được. Thế là bạn ấy không thuộc bài. Thầy hỏi tên gì và ghi vào sổ không biết con số mấy. Tôi bắt đầu lo sợ, nhưng cuối cùng cũng không thoát khỏi cặp kính lão của thầy.
Thầy chỉ tay về phía tôi, trời ơi tôi có thuộc bài đâu, lúng túng và suy nghĩ. Trước khi ra khỏi bàn, tôi xoay quyển vở ngược lại phòng thân. Vì bàn tôi ngồi gần chỗ bục thầy giảng bài, tôi kính cẩn hai tay vòng trước ngực, đầu cuối xuống, mắt nhìn xuống đất. Sau khi nghe thầy đặt câu hỏi, tôi liếc sơ vào quyển vở thấy giông giống cái câu thầy hỏi, nhìn vào vở tôi trả lời. Phía dưới lớp bắt đầu có nhiều tiếng cười rúc rích, hình như chúng nó phát hiện tôi nhìn vào vở trả lời mà thầy không biết. Thầy hỏi câu thứ hai, tôi không dám đưa tay lật sang trang vở tiếp nên câu này tôi bí. Chẳng biết thầy cho tôi bao nhiêu điểm nữa, nhưng vẫn tin rằng tôi không bị zero.
Những buổi học tiếp theo, thầy gọi những người tóc dài, rồi những người tóc ngắn, những người áo bông, áo sọc ... lên truy bài.
Có một lần thầy gọi một bạn tóc dài tên Thúy lên truy bài. Thầy bảo em hãy viết công thức Tiền và Hàng. Thúy cầm viên phấn lên bảng, đứng một hồi lâu không thấy bạn viết được công thức, không biết bạn có thuộc bài không nhưng tôi vẫn nhắc khẻ. Không thấy bạn viết mà viên phấn từ tay bạn rơi xuống và bạn khụy nhào tại lớp. Tất cả các bạn trong giảng đường chạy ùa lên, xúm nhau khiêng bạn đến phòng y tế. Thì ra bạn Thúy bị bệnh tim, từ đó về sau thầy không truy bài như thế nữa.
Nhưng bây giờ thầy dùng biện pháp khác để thay thế việc truy bài, kiểm tra 15 phút. Sau khi giảng bài xong thầy tuyên bố sẽ kiểm tra 15 phút.
Thầy bảo: Bây giờ các em làm bài kiểm tra, sau khi đọc đề xong, các em có 15 phút để làm bài, phải thể hiện tinh thần “quân sự hóa học đường”. Đến hết thời gian làm bài thầy sẽ thổi còi, các em bỏ viết xuống và đứng nghiêm chờ lớp trưởng đến thu bài. Thầy lấy trong túi áo ra chiếc còi đưa lên cho cả lớp thấy sau đó làm thực tập thử. Thầy thổi còi thực tập thử; tuýttt...tuýttt...tuýttt... “quân sự hoá học đường; tuýttt...Nghiêm...Nghiêm, bỏ bút xuống tất cả đứng tại chỗ Nghiêm...Nghiêm...”. Tất cả học sinh đều bỏ bút xuống và đứng nghiêm tại chỗ. Thực tập vài lần thấy được.
Thầy bảo: “Các em sắp xếp ngồi hưa bòn một bọn”.
Nghe thầy bảo các bạn trong lớp chọn cho mình một chỗ ngồi và cứ cách một bàn thì có một người ngồi, như vậy học sinh còn thừa ra quá nhiều.
Thầy quát lên “Đã bổ hưa bòn một bọn mà”
Học sinh: “Thì tụi em ngồi 2 bàn một người như thầy bảo mà?”
Thầy “xin lỗi hưa bọn một bòn”
Học sịnh bắt đầu ngồi lại một bàn hai người. Khi học sinh đã ngồi vào chỗ đầy đủ thầy bắt đầu đọc đề bài.
Sau khi đọc đề xong thầy bảo: “bây giờ các em có 15 phút để làm bài, sau khi hết 15 phút làm bài thì thầy sẽ thổi còi báo hiệu hết giờ, các em bỏ viết xuống đứng nghiêm tại chỗ để lớp trưởng đi đến từng bàn thu bài”.
Cả giảng trường im lặng làm bài, một lúc sau thì những tiếng sì sầm bàn tán bắt đầu râm rang.
Thầy đi đến chỗ có tiếng ồn, cầm tu huýt thổi tuýt “các em im lặng làm bài, không được bàn tán”. Rồi Thầy đi lên đi xuống giữa giảng đường, đến chỗ nào ồn ào quá Thầy lại cầm tu huýt thổi.
Thế là 15 phút làm bài trôi qua, giảng đường bỗng vang lên tiếng còi báo hiệu 15 phút làm bài đã hết. tuýttt...tuýttt..tuýttt... “quân sự hoá học đường; tuýttt...Nghiêm..Nghiêm, bỏ bút xuống tất cả các em đứng tại chỗ Nghiêm..Nghiêm...”. Tất cả học sinh đều bỏ bút xuống và đứng nghiêm tại chỗ. Tôi làm bài chưa xong nhưng cũng phải đứng lên còn tay phải thì vẫn cầm bút đứng nghiêm cố viết thêm ít dòng. Nhưng Thầy đã đến chỗ tôi đang đứng viết thổi còi tuýttt...Nghiêm...Nghiêm rồi đưa tay thu bài của tôi. Sau khi bi Thầy thu bài rồi, tâm trạng tôi miên mang lo âu về bài kiểm tra 15 phút làm chưa xong, nhưng văng vẳng bên tai tôi bạn nào đó hát.
“Mười lăm phút đồng hồ”
“Mình run quá các bạn ơi”
“Mình như con cá bơi ở trong hồ”
Cá bơi ở trong hồ có gì mà lo sợ phải không các bạn, thế là mọi lo nghĩ cũng tan biến theo bài hát nháy đó.
15/6/2009
Châu Mỹ Lợi