Vỡ mộng
Mèo ốm tiểu thơ vốn là một thiếu nữ ưa mộng mơ. Tuy nhiên mộng không là thực, cuộc đời không dành cho cô những ưu đãi thuở thanh xuân. Mãi đến thời 50+ cô mới nhận ra rằng đời sống ngắn ngủi vô cùng. Tiểu thơ biết rằng chẳng ai kéo lại được thời gian nên cô không thèm u sầu héo hắt, không than thân trách phận và cũng không xê dịch được hoàn cảnh nên tiểu thơ … tự thay đổi mình.
Bắt đầu là tư tưởng, những nhận định về cuộc đời, quan niệm sống, cách cư xử … tiểu thơ không còn là cô gái dựa dẩm vào gia đình như thời khuê các xưa kia. Cô biết học cách tự chăm sóc cho bản thân để có được sự tự tin về sức khỏe. Không còn đâu hình dáng liểu yếu đào tơ, qua cầu gió bay, ốm yếu bịnh hoạn nữa. Ngoài những viên thuốc bổ mà ai ai ở lứa 50 đều nên dùng mỗi ngày, cô còn chăm chỉ nghe lời khuyên của bác sĩ, siêng năng tập thể dục, những bữa ăn hàng ngày của cô cũng được chọn lựa theo tiêu chuẩn mẫu mực, không béo, không mặn, không ngọt mà… đấy đủ vitamin cần thiết cho cơ thể một O 50.
Tâm hồn thay đổi, nụ cười của tiểu thơ cũng tươi hơn, nét mặt rạng rỡ, da dẻ sáng ngời, dáng dấp trở nên gọn gàng, tuy chưa đủ tiêu chuẩn để dự thi hoa hậu nhưng cũng có thể nói rằng, đối với cô đó là một sự tiến bộ lớn lao. Tiểu thơ rất tự tin khi soi mình trước gương, có lẻ mình đã qua mặt con nhỏ đương kim hoa hâu Atlanta rồi.
Tâm hồn phơi phới, ánh mắt cũng rạng ngời, tiểu thơ hiểu rằng đời sống là một cõi vô thường, do vậy không nên quá âu lo, tuổi tác bề ngoài cũng chẳng ảnh hưởng gì đến kẻ đang hồi xuân phới phới như tiểu thơ. Một tâm hồn trẻ trung thì tre cũng thành măng và … không cưa sừng cũng sẽ tơ sẽ non như nghé.
Gần đây, qua trang web của lớp, cô được biết có nhiều bạn cùng lớp đang rần rật … xin về hưu. Nhất là từ khi tiểu thơ được tin một người bạn bị đột quỵ ở lứa tuổi 50, hoàn cảnh đơn chiếc nghèo khó. Nhìn cảnh này cô càng cảm thấy cuộc sống sao mong manh, ngắn ngủi quá chừng. Rồi không bao lâu sau một người bạn là bác sĩ, từng chăm sóc sức khỏe cho bao người cũng nằm nhà nghỉ việc hai tháng, không đi làm, không vui chơi được. Đúng là lực bất tòng tâm, bệnh hoạn sẽ bất ngờ thăm viếng từ kẻ nghèo cho đến người giàu không hò hẹn. Tiểu thơ bắt đầu thả hồn theo những mộng mơ, cô bắt đầu xây giấc mộng vàng. Tiểu thơ tự nhủ sẽ làm những gì mình ưa thích trước khi ông bà gọi phone đưa cô về trên đó, để sau này khỏi mang nỗi ân hận, tiếc nuối. Mà đời cô thì còn nhiều chuyện để làm lắm.
Trước hết là một chuyến du hành về cố hương để vui chới với mấy bạn già đã và sắp về hưu. Tiểu thơ nhớ thành phố Đà Nẵng với cây cầu bắc ngang sông Hàn thơ mộng, cô yêu biển nên sẽ dạo ra biển mỗi ngày. Tiểu thơ sẽ chọn một khách sạn lớn dưới phố để tiện đi lại. Kỳ này cô sẽ không dùng taxi như mọi lần, cũng không nhờ bạn bè hay cháu chắt chở, vừa tù túng vừa phải kè kè cái mũ bảo hộ. Sao mà nặng nề, mất cảm tình quá! Tiểu thơ sẽ mướn một chiếc xe đạp loại xịn, tà tà đạp, thong dong mà ngắm cảnh quê hương mỗi ngày. Thế là cô có thể tự đạp xe qua bãi biển sáng sáng, chiều chiều. Ôi, mới tưởng tượng thôi đã khoan khoái như sắp lên xứ thần tiên.
Vốn là người tỉ mỉ, chuyện gì dự tính cũng được tiểu thơ sắp đặt, chuẩn bị hẳn hoi. Thay vì đi bộ dưỡng sinh mỗi ngày, cô chăm chỉ đi shopping. Đây là một cách luyện tập, cũng vừa thư giản. Gặp hôm hàng hạ giá tiểu thơ nhà ta mua sắm không biết bao nhiêu là quần áo. Cô chọn được thật nhiều quần lửng, giày săng đan thấp, nhẹ nhàng. Tiểu thơ tưởng tượng những buổi chiều đạp xe đạp dạo chơi quanh Đà Nẵng, chỉ cần mang theo một vài chai nước lọc trong túi là cô có thể tự chủ, tự tin, tha hồ mà la cà thỏa thích. Tiểu thơ vẽ ra một lộ trình trong tâm trí, từ hotel cô sẽ đạp xe qua nhà con nhỏ này, sau đó ghé qua nhà nhỏ bạn kia, tiện đường vào ăn sáng ở quán nọ … Ôi đời đẹp như những bài thơ thời cắp sách …
Giấc mơ được tiểu thơ tự xây, tự đắp sắp thành sự thật nay mai vì nó ở quá gần tầm tay cô, đâu có gì mơ hồ diệu vợi, đâu có gì phải lấp bể dời non. Tính cẩn thận thúc dục tiểu thơ phải hỏi thăm cặn kẻ về nơi chốn mướn xe, sẵn sàng cho chuyến công du của mình, sung sướng lâng lâng, tiểu thơ gọi con bạn:
- Ê, mi biết ở Đà Nẵng mình có dịch vụ cho mướn xe đạp không?
Con bạn cũng ở Mỹ như cô, hơi bất ngờ nên lúng túng:
- Mướn xe đạp hả, ta nghĩ…có chớ!
- Mà … ở đâu?
Đến lúc này con bạn đã hiểu ý nên trả lời:
- Năm trước ta về thì có thấy người ta cho mướn xe máy, ngay khách sạn cũng có nửa.
- Ta nói xe đạp kìa, ai mướn xe máy làm chi.
- Hả, xe đạp? À, chắc cũng có, vì Đà Nẵng có nhiều Tây ba lô, làm chi cũng có dịch vụ làm ăn đó!
- Chắc là có không mi?
- Ủa, mà mi mướn xe đạp làm chi? Ai đi, hay mi mướn để chụp hình?
Tiểu thơ hùng hồn:
- Ta đi chớ ai!
Con bạn thân giật mình:
- Mi đạp xe đi đâu?
Tiểu thơ hân hoan:
- Ta định chuyến này, nếu có đi Việt Nam thì khi về Đà Nẵng ta sẽ mướn xe đạp, đạp đi vòng vòng. Ta thích rứa!
Con bạn thân e dè:
- Mà … có chắc là mi còn đi xe đạp được chứ?
Tiểu thơ mạnh dạn:
- Được mà, thì cũng giống như mình đi tập thể dục vậy thôi.
- Lâu ni không đi, mi có chắc là đạp được, không bị ngã chứ?
Tiểu thơ hào hứng:
- Được mà, thì xe hơi còn lái được, xe đạp dể òm, có chi mô!
Con bạn nãy giờ nói chuyện lung tung, bây giờ mới vô vấn đề:
- Nè, mi nói thiệt hay giỡn rứa?
-Thiệt mà, ta dự tính hết rồi, sẽ tự ta đạp xe đi thăm bạn bè, đi biển, … đi rong chơi cuối trờì quên lãng … không thôi mai mốt mình già rồi, sức khỏe đâu còn mà đạp xe?
Con bạn kê cái tủ đứng liền:
- Bộ bây giờ chắc mi chưa già hả?
- Già … mà còn đi được.
Con bạn yên lặng, tiểu thơ tiếp:
- Ta tính chuyến ni về đi chơi kiểu đó, ta sắm sẳn một số quần lửng, đủ màu, áo nào quần đó. Đạp xe đạp thì cần gọn gàng, bày vẻ chi cho mệt.
- À … mi nói thiệt hả? Tau hỏi nghe, bộ mi không sợ đường xá, xe cộ, mi dám đạp xe ở ngoài đường. Trời ơi, năm xưa ta về đi xe Cup mà mò mò … không dám qua ngã tư, thấy xe họ chạy cứ tưởng ai cũng sắp đâm vào mình nên … đứng im. Mi liệu đi có được không?
Tiểu thơ lặng im, mấy câu con bạn nói làm tiểu thơ chột dạ, con bạn thừa thế tấn công:
- Nè, ta nhắc cho mà nhớ, cách đây hơn 35 năm, chính mi đang còn tuổi thanh niên mà đã không điều khiển được chiếc xe mini Nhật nhỏ xíu, đạp chút xíu con đường trong hẻm mà run run, thấy phát ớn, bây chừ đòi đạp xe đi ngờ ngờ ngoài đường, có phải là mi hay Tào tháo nói đây?
Con bạn nói một hơi làm tiểu thơ xây xẩm mặt mày y như người bị sụt huyết áp. Tiểu thơ thẩn thờ:
- Ời … hỉ!
- Ta nói rứa có đúng không, phố phường Đà Nẵng dạo ni mà mợ đòi đạp xe đi từ bên ni qua bên tê tắm biển. Ra đường thấy xe cộ lên xuống búa xua, ta chắc mi quăng xe đạp bỏ của chạy lấy người chớ ở đó mà thong dong nhàn hạ ngắm cảnh. Thăm bạn bè hay bạn bè phải xúm lại thăm mợ đây?
Con bạn càng nói tiểu thơ nghe càng có lý, cô nàng từ từ thú tội:
- Ừ hỉ, lần mô về Việt Nam, ở Sài Gòn hay Đà Nẵng chi mà khi đi ra đường ta cũng sợ, băng qua đường một mình còn sợ, run cầm cập, đi không được nữa mà!
- Thấy chưa, rứa mà mi đòi đạp xe đạp. Phải biết mình là ai chớ bạn!
Tiểu thơ buồn rười rượi, lặng im một hồi cô nàng mới thủ thỉ nghe thiệt thảm, y như người xưng tội:
- Rứa mà ta nghĩ dạo này sức khỏe mình cũng Ok, muốn vể thăm bạn bè, tự mình đạp xe đi loanh quanh như dạo còn học sinh vô tư. Tuổi học trò của tụi mình chấm dứt đột ngột quá, những chuyện ngày xưa mình không có cơ hội làm thì bây giờ mình làm, ta đâu có mơ ước chi cao sang đâu. Những lời mi nói làm ta như từ cung trăng rớt xuống …
- Mà mi nghĩ ta nói có phải không?
- Ừ thì ta lở leo lên tận mây xanh rồi, mi phải kéo ta xuống chớ!
Hai đứa bạn già cùng cười vang, đâu rồi mèo ốm tiểu thơ của ngày xưa. Giấc mơ nhỏ nhoi tưởng như trong tầm tay, giấc mơ mà cô xây đắp, vẻ vời cả tháng trời, chuẩn bị đâu ra đó, tốn biết bao công sức bao nhiệt huyết, bây giờ đã bị lời khuyên thực tế của nhỏ bạn như những nhát dao, chém ngọt xớt, chặt đứt dòng tư tưởng lãng mạn của tiểu thơ, bẻ gãy tan tành cành cây ươm đầy mơ ước.
Nhưng mà con nhỏ bạn nói đúng, chỉ có mèo ốm tiểu thơ là chới với như mới bị té từ chính toà lâu đài mình đã tự xây trên cát. Tan tành!
Ôi, cuộc đời, như một giấc mơ không bao giờ có thực.
Cho dù giấc mơ không có thật, giấc mơ đã tan vỡ thì mèo ốm tiểu thơ vẫn cứ tiếp tục mơ … để thấy đời đẹp như bài thơ.
Nguyễn Diệu Anh Trinh 8/2010
Thân tặng Mèo Ốm Tiểu Thơ