VỌNG PHU
Căn nhà nhỏ mái lợp tôn vách ván, cũ kỹ và ẩm thấp nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà - đa phần là của các vị cán bộ huyện - khang trang bề thế xung quanh. Phía trước nhà là con đường tỉnh lộ và một trạm xe buýt có tuyến đi về trung tâm thị trấn cách đó không xa. Những chuyến xe vội vã dừng và vội vã rời trạm, mang theo ánh mắt đau đáu đợi chờ của một người phụ nữ, người phụ nữ đầy muộn phiền và đau khổ trong căn nhà hiu quạnh đó.
Anh, người đàn ông của chị, bố của ba đứa con thơ dại, là người trụ cột gia đình hiền lành chân chất, không biết giờ này đang phiêu bạt phương nào. Nỗi buồn làm chị khô héo dần đi. Nước mắt có lẽ đã cạn khô, đã chảy thành sông trong những năm tha phương xứ người để đổi lấy những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi. Bây giờ nỗi đau chảy ngược vào lòng làm chị mỏi mòn, chị khóc không thành tiếng nữa với điều mất mát lớn lao mà lẽ ra không thể có này. Thật đắng cay ... Ông trời sao quá bất công với chị, chị có tội tình chi cơ chứ!
Hai đứa con trai còn nhỏ thỉnh thoảng lại níu áo mẹ gặng hỏi:
- Mẹ ơi! Sao ba đi lâu quá mà chưa về ...
Chị dỗ dành:
- Ừ, ba đi chữa bệnh, lành ba sẽ về con à ...
Đứa con gái lớn năm nay mười bảy tuổi thì đã hiểu hết mọi chuyện, hiểu lý do tại sao ba nó bỏ đi biền biệt nên đôi mắt cứ buồn rười rượi. Nó tâm sự nho nhỏ với mẹ:
- Mẹ biết không? Hôm bữa trước, khi còn mấy tháng nữa là mẹ về, ba lo lắm. Ba cứ thở ra thở vào không ăn không ngủ, gầy rộc hẳn đi. Tiền ba cho họ vay bị mất không lấy lại được nên ba chán nản lắm ...
- Con biết mà sao không báo cho mẹ.
- Thì ba dặn con đừng gọi điện cho mẹ biết sợ mẹ nghe rồi lo lắng mà sinh bệnh chớ được chi ...
Chị lại thở dài ôm con gái vào lòng. Ôi! Thương làm sao những đứa con bé bỏng. Sáu năm qua, các con vắng bàn tay chăm sóc của người mẹ, lúc chị ra đi thì thằng út mới vừa năm tuổi, lứa tuổi vào mẫu giáo mà lẽ ra ngày nào cũng phải được mẹ âu yếm dắt tay đến trường. Thế mà chị phải đành gạt lệ từ biệt chồng con, đi để kiếm tiền, thật nhiều tiền về may ra nâng được cái móng nhà nằm dưới sâu, thấp hơn mặt đường cả mấy mét. Kiếm tiền để xây lại căn nhà rộng rãi thoáng đãng và khang trang một chút cho có với người ta. Chị có nghề làm tóc còn anh là thợ mộc, sáng mài cưa, trưa mài đục, tối giục tiền. Cả hai vợ chồng làm cật lực nhưng chỉ đủ cho năm miệng ăn lấy gì dư dã để làm nhà. Thế là khi có chủ trương đưa phụ nữ đi XKLĐ của tỉnh, chị đánh liều ra đi với hy vọng giản đơn ấy.
Ôi, sáu năm trời đằng đẳng tha phương ... Lúc đầu chị chỉ định đi làm ba năm, có số vốn kha khá đủ để xây một ngôi nhà nhỏ thì sẽ về với gia đình. Vậy mà mới chân ướt chân ráo đến xứ người chưa được bao lâu chị hay tin thằng con thứ hai ở nhà bị phù thủng vì viêm cầu thận. Nghe tin như sét đánh ngang mày, bao đêm chị trằn trọc nghĩ suy, thương con đến thắt ruột thắt gan, cháy lòng cháy dạ. Nhưng bây giờ mà bỏ về thì trắng tay, tiền đâu trả nợ món vay nạp cho công ty môi giới lúc đầu, rồi về nhà thì tiền đâu chữa bệnh cho con? Vậy là gắng gượng bỏ thương nhớ, lo lắng cho đứa con bệnh hoạn qua một bên, chị nén lòng ở lại. Chị cẩn thận liên tục viết thư, gọi điện về dặn dò gởi gắm chồng và nội ngoại hai bên chăm sóc cho đứa nhỏ. Chị cắn răng chịu đựng, cả tinh thần lẫn thể xác.
Công việc của chị là chăm một bà già bị liệt nửa người, hằng ngày tắm rửa, nấu nướng cho bà ăn rồi bồng bế lên xe lăn đẩy bà đi khám bệnh, đi công viên ... kèm theo việc dọn dẹp nhà cửa rất bận rộn.
Lúc mới qua, vì bất đồng ngôn ngữ, chưa rành công việc lại nhớ nhà, nhớ quê hương, cha mẹ chồng con, chị khóc suốt, nhất là khi nghe tin con bệnh, đôi mắt lúc nào cũng rơm rớm đỏ hoe. Bà già khó tính hay kiếm chuyện chì chiết rầy la, mắng chửi chị thậm tệ, có lúc lại vu cho chị ăn trộm tiền rồi gọi môi giới đến khám xét. Ôi, bao nhiêu là khổ đau nhục nhã của kiếp làm thuê? Những bữa cơm lạnh lẽo và nhạt nhẽo chan bằng nước mắt xót xa nơi xứ người sao mà cay đắng tột cùng. Nhưng cũng chưa yên, chị còn bị lão em trai của bà già, tuy đã lớn tuổi mà chưa lập gia đình, thỉnh thoảng lại gạ gẫm:
- Tao biết mày cần tiền, nếu mày ''chịu'' tao thì tao sẽ cho nhiều thật nhiều gởi về cho con ...
Chị bực tức nạt thẳng vào mặt hắn:
- Tôi cần tiền nhưng tôi có chồng có con rồi, tôi chỉ làm việc đàng hoàng thôi ...
Hắn biết khó mua chuộc được chị nên lãng ra nhưng vẫn nhìn chị với cặp mắt thèm muốn làm chị cứ lạnh cả mình và hết sức cảnh giác để đối phó với hắn hàng ngày.
Vài ba tháng chị lại chắt chiu những đồng tiền thấm đầy mồ hôi và nước mắt ấy gởi về nuôi cả nhà và lo cho đứa con bệnh tật (anh đã nghỉ làm mộc hẳn để có thời gian chăm sóc con). Thế là gánh nặng gia đình trút hẳn lên đôi vai gầy yếu của chị nhưng nghe tình hình ốm đau của thằng bé dần dần được đẩy lùi, lòng chị thấy khuây khoả, thấy việc mình ở lại làm việc là đúng đắn và đỡ ân hận vì đã dứt áo ra đi ...
Thời gian cứ chậm chạp trôi qua, chị đếm từng ngày từng tháng ... Chiều chiều khi đẩy bà lão ra công viên hóng mát, đôi mắt chị hết nhìn lên trời rồi lại dõi về một hướng xa xăm, tự hỏi không biết quê nhà nằm ở phía nào đây? Gió ơi, mây ơi cứ bay đi bay đi về phía cố hương, cho ta gởi chút tình cho người thân thương bên đó ...
Rồi ngày hết hạn cũng gần kề mà số tiền kiếm được chẳng bao nhiêu vì thượng vàng hạ cám, trăm công nghìn việc ở quê nhà đều trông mong vào những đồng lương hàng tháng của chị. Gia đình chủ thấy chị hiền lành thật thà, hơn nữa đã quen công việc chăm sóc bà già nên có ý bảo chị sau khi về thăm nhà một tháng thì hãy quay lại tiếp tục làm thêm ba năm nữa. Chị đắn đo suy nghĩ thật nhiều, mơ ước xây dựng ngôi nhà vẫn chưa thực hiện được, thôi thì có lẽ: ''một liều ba bảy cũng liều'', chịu khó làm việc cho người ta thêm một thời gian nữa để có thêm tiền. Chị gọi điện thoại về hỏi ý kiến chồng con và người thân. Anh một hai giục chị:
- Về thôi em. Anh và các con không muốn xa em nữa đâu. Không có em anh chẳng biết tính toán làm ăn gì. Ở đây bao nhiêu người sống được thì mình sống được, còn nhà cửa thì từ từ, nhờ trời rồi đâu cũng vào đó thôi em à ...
Chị biết chồng vì thương mình cô đơn khổ cực nơi xứ người nên nói vậy thôi chớ lạ gì cuộc sống khó khăn ở quê nhà. Nhất là lũ con đang lớn dần, bao nhiêu nhu cầu ăn học của tụi nó lo còn không xuể nói chi đến chuyện làm nhà. Chị tự quyết, đồng ý với chủ và để lại một khoản tiền lớn làm thủ tục giấy tờ gia hạn thêm ba năm nữa ...
Chị về nhà được một tháng, căn nhà nhỏ rộn rã tiếng cười vui sum họp gia đình. Chưa kịp đủ thời gian để thăm viếng anh em bà con và nghỉ ngơi thoải mái cho bỏ những ngày vất vả ở xứ người thì đã đến lúc chị phải đi. Anh cứ than vắn thở dài lộ vẻ xót xa, chị giả bộ mạnh mẽ:
- Trời ơi, đàn ông chi mà uỷ mị quá! Ráng nghe anh, ba năm nữa em về có tiền mình và con cái sẽ được ở nhà to đẹp hơn. Buồn chi mà buồn ...
Nói là nói vậy thôi chớ càng gần đến ngày đi chị lại càng tê tái cả cõi lòng nhưng vẫn gắng gượng cười đùa cho anh và các con an tâm.
Vậy là đã đến ngày rời bỏ chồng con để tha phương kiếm tiền lần nữa.
Còn tiếp