VỌNG PHU (tiếp)
Những năm sau này lương hướng có phần dồi dào hơn một chút, chị đều đặn gởi tiền về cho anh với lời nhắn nhủ: ''bây giờ con cái tương đối khoẻ mạnh rồi, hay là anh chịu khó lấy tiền mở xưởng mộc đi, sau này em về mình có công ăn việc làm ổn định để nuôi con và làm nhà cửa''.
Nhưng anh đã không nghe lời chị ... Cách nhà anh chị không xa là thị trấn với những cửa hàng thu mua nông sản lớn trong vùng. Tình cờ qua bạn bè anh biết được một bà chủ đại lý thu mua rất nổi tiếng và uy tín đang huy động vốn với lãi suất cao ngất ngưỡng. Đó là một người đàn bà nhan sắc mặn mà, trạc tuổi vợ anh nhưng bản tính lẳng lơ đã ly dị chồng, vàng đeo đỏ tay. Qua lời nói ngon ngọt, những cử chỉ êm ái dịu dàng của người phụ nữ khôn ngoan, già dặn tình trường nhằm vào người đàn ông xa vợ thiếu thốn tình cảm như anh với đầy mê hoặc và hứa hẹn, anh bằng lòng góp vốn từ tiền vợ gởi về cho thị. Anh suy nghĩ đơn giản: ''thay vì mở xưởng mộc khổ cực mà thu nhập chẳng được bao nhiêu, thôi thì mình cho vay cứ tới tháng lấy lãi về ăn tiêu, chi phí trong gia đình là khoẻ nhất mà lại còn nguyên đồng vốn''.
Thời gian đầu bà chủ ấy trả tiền lãi sòng phẳng và hậu hỉ kèm theo những cái liếc mắt đưa tình say đắm khiến cho tâm hồn người đàn ông cô đơn cũng có lúc xuyến xao, chao đảo nhưng anh vẫn mạnh mẽ vượt qua, một lòng tâm niệm thủy chung với vợ. Anh nghĩ, mình chỉ quan hệ làm ăn vay mượn thôi mà ... Số tiền lãi cứ tăng dần theo từng tháng, cha con anh thoải mái chi tiêu. Anh mừng lắm, thế là tích cóp được bao nhiêu tiền của vợ anh đều tin tưởng đưa hết cho thị. Chị ở xa nên đâu biết gì, chỉ nghe anh trò chuyện qua điện thoại rất phấn khởi nên cũng ừ theo, chị đặt hết niềm tin vào anh, anh là người đàn ông chuẩn mực biết thương vợ thương con đâu có gì đáng chê trách, phàn nàn.
Cử tưởng xuôi chèo mát mái, mọi chuyện êm đẹp cho đến lúc chị về. Bỗng một ngày, cơn lốc vỡ nợ bao trùm khắp tỉnh thành, không loại trừ nơi thị trấn anh ở. Bà chủ đại lý thu mua mà anh tin tưởng cũng nằm trong danh sách đó, thị đã cao chạy xa bay để lại đằng sau những món nợ khổng lồ, trong đó có anh là khổ chủ. Anh lao đao như người mộng du, bỏ ăn bỏ uống không biết tính cách nào khi ngày vợ về nước đã gần kề ...
Chị về hẳn với niềm vui khấp khởi vì sắp được đoàn tụ với gia đình sau thời gian nhớ nhung xa vắng và số vốn kha khá tích luỹ được đã gởi về. Anh vẫn ra sân bay đón chị nhưng nhìn anh sao rầu rĩ và hốc hác đến tội nghiệp kìa. Chị càng thương anh hơn, có lẽ ở nhà anh vừa làm cha vừa làm mẹ thay chị vất vả vô cùng nên mới thế này. Về nhà chị cũng chưa đả động gì đến chuyện tiền nong, nghĩ chắc mẫm rằng nó đang nằm trong tài khoản của anh ở ngân hàng, anh cũng không biết phải mở lời với chị bằng cách nào. Qua mấy ngày nghỉ ngơi thoải mái, một buổi sáng chị bảo anh:
- Hôm nay mình đi phố ra ngân hàng kiểm tra tài khoản rồi tính toán chuyện làm nhà nghe anh!
Đứa con gái nghe vậy không kìm được nói to:
- Mất hết tiền rồi mẹ ơi, người ta lừa ba vay mượn giờ vỡ nợ họ bỏ trốn mất tiêu rồi ...
Chị bủn rủn tay chân tưởng mình nghe lầm. Không gian quay cuồng, đất như sụp dưới chân chị. Qua cơn chấn động, lấy lại bình tĩnh, chị bắt anh kể lại đầu đuôi câu chuyện và không chịu nỗi cơn sốc, chị gào thét, mắng nhiếc anh thậm tệ:
- Trời ơi là trời, ngó xuống mà coi nè! Công lao tôi mấy năm trời đoạ đày khổ cực làm tôi mọi cho người ta, vậy mà anh nở đưa cho ai để mất hết rồi. Anh nhìn nhà cửa xiêu vẹo cả kia kìa, lấy chi làm nhà, lấy chi nuôi con đây?
Anh chẳng nói chẳng rằng, không biện minh phân trần lấy một câu, lặng lẽ bước chân ra khỏi nhà. Từ đó trở đi, anh tìm mọi cách tránh mặt chị, anh sợ những câu chì chiết và những giọt nước mắt xót xa của vợ. Anh đem thân đi làm thuê cho các xưởng mộc, trở về nghề cũ của mình. Đến giờ cơm anh lang thang vào các quán xá dọc đường ăn qua loa cho xong bữa, tối thật tối mới về nhà ngả lưng nằm như quán trọ. Chị cũng não nề ngán ngẫm cho số phận, lại thêm nỗi ghen tuông, nghi vấn về chuyện tiền bạc đưa cho con mụ ấy nên mặc kệ luôn. Hàng xóm hai bên cứ mỗi lần gặp chị là hỏi thăm: "Ủa, sao chưa làm nhà cho rồi''. Chị trả lời qua quýt: "À, năm nay xấu lắm, tuổi tụi tôi chưa làm được". Chị âm thầm giấu kín nỗi đau không thố lộ cho ai hay biết, ôi thật là "khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt".
Bà mẹ già ở xa cám cảnh cho con gái, thỉnh thoảng về thăm khuyên giải chị hết lời:
- Thôi con, còn người còn của, cứ cho là đại hạn, tụi bây chịu khó làm lành với nhau mà xây dựng lại, dù sao con cái cũng lớn rồi, để tụi nó buồn, tội lắm.
Chị gắt mẹ:
- Cơ mà con không tin là anh cho vay đơn thuần đâu. Mẹ thấy bà ấy như thế nào chưa, nghe nói đẹp mà không có chồng, chắc là hai người có gì với nhau nên con mới mất hết tiền ...
Tự ái đùng đùng, chị nhất quyết chờ anh xuống nước trước, anh là người sai mà, chị có lỗi gì đâu?
Bi kịch gia đình kéo dài cả mấy tháng trời. Rồi một buổi tối anh không về nhà, điện thoại chị có mẩu nhắn tin: "Tôi là người vô dụng, xin lỗi em và các con, tôi sẽ đi thật xa và làm bất cứ việc gì thật nhiều tiền để trả lại cho em. Đừng mất công tìm kiếm tôi''.
Mới đầu chị tưởng anh doạ suông thôi, nên khẽ nhếch môi cười. Lạ chi tính anh, anh là người nhút nhát làm gì có gan để bỏ đi, mà đi đâu mới được chứ?
Một rồi hai ngày sau cũng không thấy anh về, chị chờ đến mười ngày, nửa tháng thì hốt hoảng thật sự. Anh ta đi luôn rồi sao? Chị bảo con gái nhắn tin hỏi ba đang ở đâu nhưng không được, chắc là điện thoại ba nó đã thay sim mới. Chị vội vàng gọi điện về quê mẹ anh ở Sông Bé hỏi thăm, anh không về đó. Chị dò tìm khắp bè bạn của anh mà cũng chẳng thấy đâu.
Chiếc dây căng quá đã đứt mất rồi. Hai đứa con nhỏ khóc lóc vì không thấy ba, chị phải dỗ dành:
- Ba về nội chữa bệnh rồi, ít bữa sẽ lên mua quà cho các con, đừng buồn.
Người chung quanh thấy anh vắng nhà lâu, thỉnh thoảng cũng hỏi han. Chị đành nói dối:
- À, ba tụi nhỏ bị bệnh trĩ phải về quê nội ở dưới Sông Bé để chữa, có ông thầy hay lắm.
Anh đi được hai tháng là đến ngày giỗ ông nội sắp nhỏ ở dưới quê. Chị không báo trước, lặng lẽ về quê anh lo đám giỗ, chắc như đinh đóng cột rằng thế nào cũng gặp anh ở đó. Chị suy nghĩ trong đầu sẽ nói gì, nói gì với anh cho bỏ tức đây? Nhưng thất vọng làm sao, bà con anh em về đông đủ cả chỉ vắng mặt anh, hỏi thăm ai cũng không biết anh ở nơi nào. Chị trở về nhà trong tâm trạng rối bời. Anh à, hãy về đi, em và các con mong anh lắm, em sẵn sàng bỏ qua tất cả để làm lại từ đầu, chúng ta sẽ cùng chung tay vun đắp hạnh phúc gia đình và lo cho các con nghe anh!
Nhưng đã muộn rồi, anh như chim trời cá nước, biết đâu mà tìm ...
Đã hơn năm tháng trôi qua, anh vẫn bặt tin, còn chị vẫn kiên trì nhờ bạn bè hỏi dò nơi anh ở. Nghe có tin đồn người ta đang tuyển thợ mộc đi Lào làm nhiều lắm, chị càng lo. Chị nói với con gái:
- Con à, mẹ sợ ba quẩn trí hoặc nghe lời ai dụ dỗ qua Lào làm chui vì ba không về nhà sao làm được giấy tờ, rồi lỡ đau ốm bệnh hoạn mà chết bên đó thì biết đường nào để đem xác về hở con, thiệt khổ ghê!
Hai mẹ con lại ôm nhau khóc giữa ánh mắt ngơ ngác của hai thằng con nhỏ ...
May là chị còn giữ được mấy tháng lương cuối chưa kịp gởi về nên bước đầu có một ít tiền sắm lại đồ nghề và mở quán làm tóc đắp đổi qua ngày.
Ôi, dã tràng xe cát biển đông ... Khi ra đi với mơ ước kiếm tiền chị có một gia đình hạnh phúc dẫu đang nghèo khó. Ngày về của chị, thật oái ăm, chị mất tất cả, tiền cũng không mà tình cũng trắng tay. Một lần nữa chị muốn gào lên: "Sao ông trời lại bất công với tôi đến vậy?''.
Những chuyến xe buýt vẫn vô tình và vội vã đến rồi đi ... Mong làm sao sẽ có ngày người đàn ông thân thương của chị bước xuống xe tiến về phía căn nhà nhỏ bé đó dang rộng vòng tay ôm lấy vợ và các con thơ. Mong sao chị sẽ không thành hòn vọng phu hoá đá héo hon phiền muộn trong nỗi đợi chờ ...
San Tuyết
07/2010