Vu Lan Nhớ Mẹ














Tháng bảy âm lịch bắt đầu với cơn mưa nhỏ rơi nhẹ nhàng vào buổi sáng, những hạt mưa li ti không đủ làm vơi đi cái nóng ghê người của mùa hè miền trung, không đủ xóa tan bao bụi bặm trên cây cỏ. Còn nhớ AT bạn tôi thường bảo đó là mưa ngâu đấy Tía à! Mưa ngâu tháng bảy thường đến sau những mùa hè oi bức, đó là giọt nước mắt của những kẻ yêu nhau, theo truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ đã bị trời đày phải sống xa nhau. Mỗi năm chỉ gặp nhau một lần vào rằm tháng bảy nên nước mắt họ rơi xuống thành những hạt mưa tỉ tê, mưa lặng lẽ như nỗi nhớ thương từng lắng đọng trong long sau một năm dài xa cách. Tháng bảy âm lịch cũng ngào ngạt hương hoa của ngày rằm, tháng của mùa báo hiếu, cũng là tháng của các con nhớ về mẹ.

Trong mùa Vu Lan, con đến chùa và cảm nhận được niềm vui và nỗi buồn quyện lẫn vào nhau. Sắc hồng hạnh phúc cho những ai đang còn Mẹ bên cạnh đóa hoa trắng lạnh lùng như nổi bất hạnh của kẻ không còn Mẹ trên đời. Mẹ ơi, dường như có giọt lệ buồn đang âm thầm rơi xuống đóa hồng trên tay con bởi con biết mất Mẹ là mất tất cả. Mẹ là biểu hiện tình thương bao la, là hình ảnh thiêng liêng tồn tại mãi trong lòng con. Nguồn suối yêu thương đó giờ đã tắt lịm, mất mẹ là con mất tất cả bầu trời, mặt đất và vầng trăng huyền diệu. Lễ Vu Lan năm nào cũng vậy, con đến chùa, cài hoa đỏ cho nhiều người, trên ngực áo con đóa hoa trắng lẻ loi, con buồn lắm Mẹ ơi.

Mẹ ơi khi con trưởng thành và có một gia đình êm ấm thì mẹ đã không còn bên cạnh, những gì con đạt được hôm nay không có ánh mắt nụ cười của mẹ, đời con thật sự trống vắng lắm! Nay con đã làm một người mẹ, một người bà thì nỗi nhớ thương về mẹ vẫn không nguôi. Mùa báo hiếu đã về, người ta thì cài lên áo một bông hồng thắm tươi, con thì cài lên áo một đóa trắng. Buồn lắm mẹ ơi! Ở một nơi xa xôi nào đó, mẹ có nhìn về con gái mẹ đang nhớ thương mẹ hiền da diết…

Mẹ tôi buôn bán tảo tần
Hàng ngày đi chợ đỡ đần cho cha.

Đúng như lời những câu thơ đó các bạn ạ, với một đàn con mười đứa, mẹ phải tảo tần buôn bán để nuôi các con nhỏ dại chưa đứa nào trưởng thành.

Thời trước, ba tôi là một sĩ quan cảnh sát của chế độ cũ. Thuở đó người đàn bà chỉ biết sinh con thật nhiều để nhận lương chồng nuôi con, đi đâu người ta cũng hỏi “anh chị được mấy cháu?”… chứ không hỏi làm ăn giàu nghèo như bây giờ. Nhưng ba tôi tuổi trẻ tài cao, lại thêm sao đào hoa chiếu mạng, Ba đi làm mà lương không thấy mang về cho vợ nuôi con, có khi còn lấy thêm của vợ khiến gia đình tôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Gánh nặng đè lên đôi vai gầy của mẹ, người đàn bà đảm đang hiền hậu, dù cực khổ đến đâu thì mẹ vẫn nhẫn nhục chia thương chịu khó, làm lụng vất vả để có tiền nuôi con ăn học.

Mặc dù lúc đó còn nhỏ, thương mẹ vì thấy mẹ quá khổ cực mà không đủ cho đàn con có miếng cơm manh áo như người ta, chị Hai, chị đầu của tôi đành bỏ học để đi làm phụ giúp mẹ nuôi em. Thời đó đang chiến tranh, một bên là cách mạng, một bên là lính quốc gia, sáng nào chị cũng dậy thật sớm mua gạo và mắm muối lặn lội qua vùng cách mạng bán lấy lời. Mẹ thì ở nhà tráng bánh làm bánh đúc, đổ bánh bèo, việc gì có tiền mẹ đều làm được cả, nhưng lúc nào mẹ cũng nở nụ cười vui vẻ bằng lòng với hiện tại của mình. Tôi cũng muốn chung tay góp sức với mẹ nhưng tôi không muốn giã từ đời học sinh của mình như chị. Thế nên sau giờ học, tôi theo Ngoại xuống chợ, thấy các bạn cùng lứa như mình mang bao cát đi lượm những lá chè tươi mà người ta chở từ Phú Thương về để bán, Từ trần xe vất xuống những lá chè rụng rơi từ nó ra. Thế là tôi bắt chước các bạn đó, cứ mỗi chiều tan học về, tôi mang bao đi nhặt lá chè cùng các bạn, mang về cho Ngoại phơi khô, làm thành chè khô bán cho người ta nấu nước dùng. Ngoại cũng rất vất vả vì không có con trai, nên mẹ là chỗ dựa tinh thần lẫn vật chất của Ngoại. Ngoại cũng giúp mẹ bằng cách hàng ngày đi mua mít non về luộc làm bún mắm để bán lấy tiền nuôi cháu.

Thấy vợ con cực khổ, ba đã dời tâm chuyển ý, mang tiền về cho vợ con và sửa sang nhà cửa đàng hoàng, gia đình tôi được bước sang sung túc, ăn no mặc đẹp… Nhưng chỉ tám năm sau mẹ lại lâm bệnh, căn bệnh quái ác đã cướp đi của chúng tôi người mẹ thân yêu, làm Ngoại tôi phải chịu cảnh tre già khóc măng non. Đau khổ vì mất đứa con gái là chỗ dựa tinh thần duy nhất, Ngoại cũng đã ra đi theo mẹ vài năm sau đó…
Lúc mẹ lâm bệnh, hai vợ chồng tôi cũng vừa mới lập gia đình, còn nghèo khổ túng thiếu nên chẳng giúp được gì cho mẹ ngoài tình thương yêu của người con. Mẹ đã an nghỉ ngàn thu ở tuổi bốn mươi lăm, cái tuổi còn quá trẻ nên lúc nào nghĩ về mẹ lòng tôi cũng đau xót, bất an. Mẹ ơi, lúc con có cả một sự nghiệp, con ước ao mẹ còn sống để hàng ngày con được đền đáp công ơn sinh thành chín tháng cưu mang của mẹ. Mẹ ra đi không để lại gì cho con ngoài tấm ảnh, nhưng đó lại là món quà vô giá đối với con.

Chồng con đã trân trọng treo ở nơi cao nhất của phòng khách, ngày nào cũng vậy, cứ mỗi sáng thức dậy hoặc buổi chiều đóng cửa quán, về nhà con đều nhìn lên tấm ảnh mẹ, con cảm nhận mẹ luôn ở bên con rất gần…
Ngày Vu Lan con đến chùa dâng hương cúng Mẹ, con cài cành hoa đỏ lên ngực áo cho bao nhiêu người con hạnh phúc, rồi nhận lại cành hoa trắng trên áo mình, con tủi thân lắm. Dầu đã làm mẹ và làm bà nội bà ngoại rồi nhưng mỗi khi nhớ về Mẹ lòng con vẫn mong chờ một vòng tay ôm, một săn sóc rất nhỏ nhoi, đơn giản chỉ bởi vì muôn đời con vẫn là đứa con nhỏ trong lòng Mẹ.

Mẹ ơi! mùa Vu lan đang đến, lòng con bềnh bồng nhớ về mẹ…

Hoàng hôn phủ kín mờ
Chuông chùa nhẹ nhàng rơi
Tôi biết tôi mất Mẹ
Là mất cả bầu trời
(Thơ Thiền sư Nhất Hạnh)
Xin thắp nén hương thành kính dâng lên Mẹ trong mùa báo hiếu.
                                        
Phạm Thị Ba - Mùa Vu Lan 2011
Kính dâng Mẹ dấu yêu của con.