Ở cái tuổi gần 60, nếu các bạn có gia đình thì các con cũng đã trưởng thành. Đứa có
gia đình thì chúng ta có những đứa cháu xin xắn, đứa chưa có gia đình thì cũng chuẩn bị cưới
gã đến nơi. Là các bậc cha mẹ, chúng mình ai cũng muốn con cái thành gia thất, có cuộc sống
lứa đôi hạnh phúc.

Bạn bè lớp chúng tôi, 9/4 Hồng Đức, cuối năm các bạn cũng có nhiều niềm vui trong
chuyện trăm năm của các con như bạn Phạm Hoa, bạn Anh Trinh, bạn Lân, bạn Thanh Vân và
tôi chuẩn bị đón cô dâu. Mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng nói chung là chúng tôi, chuẩn bị
hay là đã có thêm một người con mà mình không bỏ công chăm sóc là điều rất sung sướng
phải không các bạn.

Gia đình tôi có bốn chị em gái, có 7 đứa cháu: 4 đứa con chị 2 tôi đều trưởng thành,
có nghề nghiệp ổn định, chị 3 không có con, tôi có 2 đứa con, em Út thì có 1 đứa con gái còn
rất nhỏ. Mẹ tôi ngày trước chỉ ao ước gã được con gái không cần nhiều lễ nghi, chỉ muốn có
một lần đưa dâu. Chị em tôi rất đào hoa, gã cưới đàng hoàng nhưng không ai có được đám
rước dâu.

Hồi đất nước mới thông nhất, Mẹ tôi đưa chị em tôi từ Đà Nẵng về quê hương ở tận
đồng bằng sông Cửu Long. Trong giai đoạn giao thời, nhà ai cũng nghèo, mọi thủ tục cuới
xin, ma chay, giỗ chạp đều đơn giản theo thời thế. Thuở ấy thư từ viết bằng tay, bỏ bưu điện,
nhưng đến nơi không có người phát cho nên có thể thư đến tay người nhận rất lâu. Chuyện
cưới hỏi của chị Hai tôi cũng vì thế mà khi đàng trai tới, xin cưới hỏi nhà gái chưa nhận được
thông tin qua thư từ. Chuyện như vậy và vì đường xá xa xôi, đi lại khó khăn nên gia đình anh
rễ tôi quyết định ở lại làm lễ cưới luôn.

Chuyện chị Ba tôi, sau khi đâu đại học Kiến Trúc, chị lại gặp thầy giáo dạy ở trường
quê miền Bắc, một phần cũng vì đường xa và theo tục lệ miền Bắc nên thời ấy cưới xin chỉ có
tuyên bố, trà nước bánh tại nơi làm việc đó là trường Đại học Kiến trúc.

Chuyện của tôi ư? Sau khi chuyện tình đổ vỡ, tôi gặp chồng cũ của tôi. Tuy cũng cùng
trong tỉnh Bến Tre nhưng gia đình người ấy quá nghèo nên đám cưới chỉ làm có một bên nhà
gái, cũng không rước dâu như má tôi ao ước.

Đến phần em gái Út của tôi: nó rất đào hoa nhưng duyên số muộn màng, mãi đến gần
50 tuổi nó mới cưới. Chồng nó cũng là người miền bắc, đã có một đời vợ nên đám cưới tổ chức
tại TP do chị em cùng làm vì khi ấy cha mẹ 2 bên đều quá già không thể phụ giúp gì.

Má tôi khi còn minh mẫn thường nói vui là “Tau có bốn đứa con gái mà không có
đứa nào gã được rước dâu để má đưa về nhà chồng một lần”. Bây giờ bà không còn minh mẫn
nữa hỏng biết bà còn ao ước đưa đâu, đưa mấy đứa cháu gái của bà về nhà chồng không nhỉ?

Sau khi đất nước hội nhập, kinh tế phát triển, mọi nghi thức cưới hỏi, tang chế, thôi
nôi, đầy tháng, mừng thọ bắt đầu đưa vào cuộc sống. Nói về đám cưới thì bắt đầu các nghi
thức “Chạm Ngõ, lễ ăn hỏi, lễ xin dâu .... Các gia đình có con gái muốn nở mặt nở mày do vậy
đòi hỏi đủ nghi thức. Con gái tôi gã trước, hoàn cảnh gia đình đàng trai cha mẹ đều mất sớm
nên mọi thủ tục cưới xin tôi đều giảm hết chỉ có tổ chức đãi tiệc và rước dâu, không có đám hỏi.
Kế đến là con trai chị Hai tôi cưới vợ, nhà gái ở tận Quảng Ngãi, gia đình chị tôi ở Bến Tre vì
vậy hai gia đình nhất quyết làm đơn giản, tổ chức một đám cưới tại TP nơi cô dâu chú rễ là
việc.

Đến thằng con trai tôi cưới vợ, gia đình nhà gái ở thôn quê, muốn làm đám cưới cho
con gái đầy đủ nghi thức. Thương 2 đứa nhỏ, chúng yêu nhau hơn 7 năm, là thời gian mà cuộc
đời thằng con trai tôi gặp ít nhiều thăng trầm và hoạn nạn. Vì vậy tôi phải cố gắng lo chuyện
cưới xin của chúng tươm tất đầy đủ để nhà gái vui lòng. Tôi không thể xin miễn hoặc xin chế
đám hỏi được vì gia đình 2 bên cùng quê, chỉ cách nhau có 14 km.

Ôi không biết mấy chục năm rồi trong gia đình tôi mới có một cái đám hỏi, mọi thủ
tục của lễ ăn hỏi trong gia đình không ai biết. Nhiều đêm tôi mất ngủ, lo lắng không biết phải
bắt đầu từ đâu, làm cái gì trước, cái gì sau. Tôi là người mẹ đơn thân một mình lo cho con cái
vì vậy phải tự tìm hiểu, chuẩn bị mọi thứ, mua sắm, thuê xe, đi mời và mượn bà con đi đến họ
nhà gái ăn hỏi.

Mua sắm lễ vật, thằng con nhất định bảo Mẹ phải vào siêu thị mua để khỏi lầm hàng
hóa của Trung Quốc. Nhưng khi mướn mâm quả thì ra ngoài mướn do vậy mâm quả và lễ vật
không vừa vặn với nhau. Lễ vật đem đến nha gái có cái đựng bằng quả, có cái đựng bằng
mâm. Về phần heo quay, chú Út của nó cho heo nhưng bằng tiền mặt, mẹ con tôi rất mừng
nhưng lại lúng túng trong việc quay heo vì vậy nhờ họ nhà gái tìm mua quay giúp. Trời ơi khi
nhận con heo quay, quá “bự” bốn người khiên không nổi và nỗi lo về tài chánh nữa hi hiiii.

Trầu cau, bây giờ không còn ai ăn trầu nữa vì vậy việc mua bán trầu không phải đi
đâu cũng thấy. Kiếm chỗ mua trầu cau cũng là việc nan giải, phải chọn hai buồng cau sai trái,
hai cái móc buồng cau phải dài và cong lại với nhau. Bây giờ lại có thêm phần mỗi trái cau
đều dán chữ song hỉ. Cuối cùng dọ hỏi thăm những người buôn bán ngoài chợ tôi cũng đặt
được mâm trầu cau.

Trong chuyến xe chở qua họ nhà gái có những chuyện không suôn sẻ làm cho tôi lo
lắng vô cùng. Chuyện là như thế này: Chú Sáu cho quả bánh bò và bánh hỏi, vì đem đến trễ, xe
phải lăn bánh đúng giờ nên lên xe rồi mới mở bịch bánh bò ra sắp vào quả, vì xe tròng trành
nên một số bánh rơi xuống sàn xe. Hai thùng nước ngọt, suốt đoạn đường dài không sao cả
nhưng đến khi chuẩn bị khiên đến nhà gái (đoạn đường phải đi bộ) tự nhiên nó bung ra, lon
nước ngọt rơi khắp đường, nhưng cũng may không có lon nào chảy nước ra. Cặp rượu trắng
đem đến nhà gái để lên bàn thờ, đến trước cổng nhà gái bất ngờ rớt xuống đất một chai bể tan
nát.

Lâu lắm rồi gia đình mới có một cái đám hỏi vì vậy chị em tôi hiểu được phần khó
khắn mọi thứ nên cùng phụ giúp tôi trong việc tổ chức đám hỏi cho con trai tôi. Chị Ba lo phần
trang sức cô dâu, Chị Hai thêm hai mâm bánh. Bến nội nó cũng vậy, mặc dầu vợ chồng tôi đã
ly hôn nhưng các em chồng đều cùng tôi lo cho đám hỏi cháu được đầy đủ làm tôi thấy rất ấm
lòng.

Hôm nay đây mọi việc đã qua, có những chuyện không được trọn vẹn như ý muốn
nhưng phần thủ tục hỏi vợ cho con trai đã xong, lòng tôi cảm thấy nhẹ nhàng sung sướng, cám
ơn bà con nội ngoại hai bên, bạn bè giúp sức để buổi lễ được hòan tất. Hôm nay là mồng 10
tháng chạp, trong nhà, ngoài phố rục rịch chuẩn bị đón mùa xuân mới, dù chưa rước được
nàng dâu về nhưng lòng tôi rộn ràng vui như mùa xuân đến.
Vui như mùa xuân đến
Ông í bưng cái gì đi hỏi zợ cho thằng con trai mà khi thế quá, vui như mùa xuân đến.