Women World Cup 2011

Không khí trong nhà tôi những ngày cuối tháng sáu năm này rộn ràng không kém gì tháng sáu năm ngoái. Ngày Lễ Cha đã qua, ba tôi ngoài những bận rộn cho vườn rau phía sau nhà ông còn có một niềm đam mê khác nữa, đó là theo dõi lịch thi đấu Túc Cầu Nữ Toàn thế giới, năm  2011 này tổ chức tại Đức.

Cũng như cuộc tranh tài bên nam, giải túc cầu nữ toàn thế giới được tổ chức bốn năm một lần, bắt đầu từ năm 1991 tại Trung Quốc. Đội banh đầu tiên đăng quang là đội Hoa Kỳ, sau khi đánh bại đội Na Uy với tỉ số 2-1. Cả hai bàn thắng ở trận chung kết đều do Michelle Aker, nữ cầu thủ Hoa Kỳ đạt danh hiệu “đôi giày vàng” đầu tiên trong lịch sử thi đấu giải Túc Cầu Nữ Toàn Thế Giới.

Kể từ đó đến nay lần lượt các đội banh nữ của Na Uy (1995), Hoa Kỳ (1991, 1999) và Đức (2003, 2007) đã thay phiên nhau giữ chiếc cúp vô địch Túc cầu thế giới.

Ba tôi là người đầu tiên trong nhà đã theo dõi tất cả các mùa giải  bắt đầu từ năm 1995. Ông say mê hào hứng và hết lòng ủng hộ đội banh Hoa Kỳ. Ông thuộc làu tên của các nữ ngôi sao sên sân cỏ. Cô Mia Ham có đường banh quá điêu luyện, chân sút tài tình, nay đã giải nghệ, để lại tiếng vang trong sự nghiệp thi đấu với 158 bàn thắng. Cô Wambach với cái đầu quá siêu, cô thủ môn da màu lanh lẹ góp phần lớn trong chiến thắng của đội nhà...Niềm đam mê của ba đã thuyết phục mấy đứa con. Sau đó cả nhà tôi đều theo dõi những trận đá banh với các cô cầu thủ xinh đẹp đến từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi cứ bàn tán xôn xao, không biết năm này đội nào sẽ là ứng cử viên hạng nặng. Tôi vào trang Thể Thao của các tờ báo ở Việt Nam online, tôi hoàn toàn thất vọng vì không tìm ra được một bài báo nào đề cập đến sự kiện này. Tôi thấy làm lạ vì Việt Nam hiện nay cũng có đội Túc cầu nữ thi đấu vòng vòng ở mấy nước Đông nam Á. Dù chưa có thành tích gì sáng ngời cho lắm nhưng cũng chứng tỏ là phái nữ Việt Nam cũng yêu đá banh, có sở trường về môn thể thao này, vậy mà những thông tin về giải Túc Cầu Nữ Toàn Thế Giới hình như vẫn chưa được phổ biến cho lắm. Hay là vì giải này cá độ không ăn khách nên mấy ông báo chí ít để ý, không cần mất thời gian "bình loạn" làm gì.

Nếu bạn là người yêu những trận thư hùng trên sân cỏ, xin hãy một lần đón xem các nữ cầu thủ trổ tài trên sân. Không hậm hực, không cau có, bất kể đó là cầu thủ da màu đến từ xứ sở Nigeria của châu Phi hay một cô Sweden mắt xanh, tóc bạch kim của vùng bắc Âu, tất cả đều thi đấu với một nét mặt rất vui tươi, một tác phong rất thể thao. Nữ trọng tài chạy tới chạy lui, khó có dịp đưa ra thẻ vàng thẻ đỏ. Nói như thế không phải là những trận đá banh nữ không kém phần hào hứng. Điều hấp dẫn người xem nhất đó là sự thi đấu rất nhiệt tình, dễ thương. Trận đấu giữa hai đội Hoa Kỳ và  Bắc Triều Tiên tuần vừa rồi là một bằng chứng. Mãi đến phút thứ 92 (2' phụ), chân sút đội Hoa Kỳ còn tấn tới đưa banh vào lưới đối phương, suýt làm nên một bàn thắng ở giây cuối cùng.
Tôi có dịp xem một buổi bình luận trên TV, anh chàng bình luận viên còn hết lời khen các nữ cầu thủ Pháp, cô nào cũng đẹp, cũng hấp dẫn. Vậy mà không hiểu sao giải túc cầu nữ đã trải qua 20 năm, với 5 lần tranh tài vẫn chưa trở thành môn giải trí đại chúng? Có lẽ vì các đại gia chỉ đầu tư cho giải túc cầu nam, với giải thưởng hàng triệu đô la nên thu hút nhiều tay cá độ, điều này gây áp lực không ít cho các cầu thủ, nếu không muốn nói là "cơm gạo". Trong khi đó các nữ cầu thủ ra sân chỉ với niềm đam mê, họ đối đãi nhau đúng nghĩa trong tinh thần thượng võ. Bạn sẽ thấy ở sân cỏ niềm say mê, nụ cười tươi có lẫn giọt mồ hôi. Hoàn toàn không có những pha chơi xấu hay giả vờ ăn vạ. Những nữ cầu thủ khỏe mạnh, nhanh nhẹn, vừa tranh tài vừa la hét chí chóe, sân cỏ rất vui.

Người ta thường quan niệm phụ nữ là phái yếu, nếu bạn có dịp xem những cuộc tranh tài về thể thao của nữ giới, nhất là các trận túc cầu giải quốc tế thì chắc bạn sẽ vô cùng kinh ngạc xen lẫn ngưỡng mộ khi chứng kiến sự nhanh nhẹn, sức khỏe dẻo dai qua những đường chuyền banh chính xác, lừa banh khéo léo và những cú "shoot" mạnh ghê hồn. Dĩ nhiên cũng không thiếu những cú đá phạt góc đẹp tuyệt, không thua gì David Beckham của Anh Quốc.

Tháng sáu đã qua, Women World Cup 2011 sẽ đóng lại với trận chung kết ngày 17 tháng 7. Hiện nay, đương kim vô địch 2 kỳ tiếp là đội chủ nhà Đức quốc cùng với các đội banh Hoa Kỳ, Brazil, Sweden, Japan ... đang ráo riết tranh tài. Trong đó, đội Đức với lợi thế thi đấu ở sân nhà, với danh thủ  Birgrit Prinz hai lần là cầu thủ xuất sắc, bên cạnh sự cổ vũ hết mình của nữ Thủ Tướng Angela Merkel, người phụ nữ đam mê môn túc cầu nhất thế giới, người đặt cuộc tranh tài đá banh ngang hàng với chuyện quốc gia đại sự. Hy vọng đội Đức có cơ hội tiếp tục bảo vệ chức vô địch lần thứ ba thì đúng là các người đẹp xứ Đức đã làm nên một kỳ tích.

Riêng trong gia đình tôi thì có được những giờ phút hưởng thụ vui vẻ, cha con cùng xem, cùng bàn tán. Nắng tháng sáu làm khô héo những luống rau ba tôi đang chăm bón nhưng Women World Cup mùa hè này lại mang đến những nụ cười tươi trên khuôn mặt ông lão tám mươi+. Cầu mong cho ba tôi mãi vui khỏe, minh mẫn để tôi còn được cùng ba ngắm những bóng hồng tung tăng trên sân cỏ mùa World Cup.
                                  
Anh Trinh 6/2011
Mùa World Cup