Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
                                                       XIN GỌI NHAU LÀ...

Bạn có cảm giác như thế nào khi biết tin ngày mai sẽ gặp lại một người láng giềng cùng lứa tuổi ngày xưa mà sau biến cố năm 75, nghĩa là đã hơn ba mươi bảy năm trời bặt vô âm tín? Và đó lại không phải người đồng giới với mình mà đích thị là một đấng nam nhi chính hiệu. Qủa thật thâm tâm tôi cũng cảm thấy nao nao, đêm về trằn trọc có hơi khó ngủ một chút, một chút thôi vì nghĩ đi nghĩ lại thì...có gì đâu mà băn khoăn cơ chứ! Ờ, mà trong một chút trằn trọc đó, tui cứ lẩn thẩn hình dung lại gương mặt ngày xưa ấy và tưởng tượng...Không biết, ngày mai mình sẽ diện kiến một O55 như thế nào đây nhỉ? Chắc là một gã đàn ông đầu hoi hói có mái tóc muối nhiều hơn tiêu mang một cái bụng phề phệ mà ở lứa tuổi này đa phần là vậy. Hoặc có khi ''gã'' ấy vẫn còn phong độ như ngày nào, không bị dòng thời gian vô tình quái ác xoá nhoà đi vẻ điển trai của cái thời thanh niên phơi phới...Hì hì, ông xã nằm cạnh bên vẫn vô tình ngáy khò khò, để mặc tui một mình...phiêu lưu về dĩ vãng.

Ngày đó, chúng tôi cùng ngụ cư ở trong trại gia binh không quân của phi trường ĐN. Ba Bảo và ba tôi đều là lính. Nhà tôi ở số 7L, nhà Bảo số 11L, nghĩa là cách nhau chỉ có 4 căn khoảng chừng hơn ba chục mét chớ bao nhiêu. Nhà tôi mở quán, buổi sáng bán bún bò, đêm về bán cafe, nhà Bảo cũng vậy. Không biết hồi đó cùng buôn bán các mặt hàng giống nhau, phía người lớn có cạnh tranh dữ dội không - mà chắc là không đâu nhỉ? Còn riêng chúng tôi thì rất rất vô tư. Thân thì cũng không thân lắm, nhưng ở gần nhà lại cùng ở lứa tuổi học trò nên cũng dễ hoà đồng. Bảo học cùng anh trai tôi, trong mắt tôi Bảo lúc đó chỉ như người anh, một người bạn hàng xóm thật thà, hiền lành dễ mến. Bảo không cao lắm, kiểu người được gọi là tầm thước ấy mà, da hơi ngăm ngăm, đàn ông thì có đen một chút cũng không sao há! Bù lại Bảo có gương mặt chữ điền hiền hậu, đôi mắt biết nói và rất siêng cười. Cũng như mọi cô gái bước vào tuổi trăng tròn khác, tôi vẫn hình dung ra được ánh mắt thầm lặng ấy vẫn thường mơ màng dõi theo tôi phía sau chiếc xe đạp và tà áo dài trắng dịu dàng bay bay mỗi khi tôi đạp xe tới trường. Thật ra thì tôi cũng cảm thấy mên mến Bảo hơn vì đằng sau tên Bảo là cái họ giống như bà hiệu trưởng trường Nữ mà tôi đang học. Nghe đâu Bảo cũng có hơi hướng bà con gì đó với bà thì phải, cùng dòng họ Nguyễn Khoa mà lỵ...(Xin được tiết lộ thêm chính Bảo là nhân vật thật đã làm chim xanh, chim đỏ trong bài viết Kẻ vô tình của tôi đã post lên web chin4 mấy năm trước đây, vì vậy làm sao mà tôi không nhớ kỹ về Bảo nhiều đến vậy cho được, há!).
Chúng tôi cùng lớn lên, cùng đi học và chơi với nhau cho tới cái ngày xảy ra biến cố to tát ấy. Rồi mỗi người lưu lạc một phương trời, không ngờ hiện nay Bảo cũng đang sống cùng tỉnh thành với tôi chỉ cách nhau chưa đến 100 cây số. Ông anh tôi tình cờ tìm ra được Bảo và có dịp là Bảo tức tốc vượt đường xa, về thăm lại gia đình mẹ, các anh chị em tôi, thắp cho ba tôi nén hương khi biết ông đã từ giã cõi đời. Nhớ tới Bảo nghĩa là nhớ lại cả một thời học trò dễ thương hạnh phúc ngập tràn, một thời vàng son vô tư, một thế giới pha lẫn giữa trẻ con và tuổi mới lớn đầy mơ mộng. Nhớ đến nao người tà áo dài trắng trinh nguyên, nhớ những vòng xe đạp êm êm qua con đường đến trường dấu yêu quen thuộc, nhớ căn nhà nhỏ ở phi trường ĐN mà trong những giấc mơ tôi vẫn hiển hiện về. Tôi đi vào giấc ngủ trong ký ức êm đềm ngày xưa và Bảo...

Trước mặt tôi là một người đàn ông trung niên khác xa với sự tưởng tượng của tôi. Không có đầu hói hay tóc muối tiêu, hì hì, kiểu này thì chắc là mái tóc đã được tân trang lại rồi đây. Vẫn đôi mắt biết nói ấy, vẫn nụ cười hiền hậu, nhất là cái bụng không phệ như tôi tưởng tượng. Nhưng thú thiệt là gặp Bảo giữa đường thì rõ ràng tôi đố có nhìn ra được Bảo. Và ngược lại, nếu gặp tôi bất thình lình chắc Bảo cũng coi như người xa lạ mà thôi. Các anh chị em tôi tập trung tại nhà mẹ tôi đón Bảo như một người thân lâu ngày gặp mặt. Hình như ánh mắt Bảo hơi chựng lại khi tới màn giới thiệu...tôi. Trong ánh mắt ấy tôi thấy như cả một trời kỷ niệm, những ngày thơ ấu thoáng hiện lên, một chút vui buồn, một chút tiếc nuối, phải không, hay chỉ là cảm nhận mơ hồ.

Cả nhà cùng Bảo quây quần bên mâm cơm. Những chuyện xưa được nhắc lại một cách trìu mến, đầy tiếc nuối và khi nào cũng bắt đầu bằng câu:

- Hồi ở phi trường...

Bảo cho biết hiện nay anh cũng đã lên chức ''ông'', hiện đang làm việc ở một cơ quan nhà nước nhưng đã mấy chục năm rồi vẫn chỉ ở cấp ''phó'' thôi vì có ba là ''ngụy''. Cũng phải thôi, cả nhà tôi an ủi, buồn mà chi...
Sau bữa cơm thân mật, ông xã tôi đem đến cây đàn ghi ta cho buổi họp mặt thêm phần lãng mạn, dĩ nhiên không thể thiếu vài ly bia, rượu để tăng hứng khởi chúc mừng ngày hội ngộ. Tôi nhớ ngày xưa Bảo cũng hay đàn hát nên mời Bảo hát trước một bài. Bảo ngại ngần:

- Lâu lắm không cầm đàn, chỉ biết nhìn lên màn hình karaoke thôi. Nhưng không sao, vui là chính, Bảo sẽ hát Ngày xưa hoàng thị.

Giọng Bảo khá cao:

Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ
Em tan trường về đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng cặp vở, tóc dài tà áo vờn bay...
Em tan trường về, anh theo Ngọ về...


Chúng tôi phụ hoạ theo, có lẽ ai cũng thích bài này, không gian như trầm lắng xuống khi bài hát vào đoạn kết:

Xưa theo Ngọ về, mái tóc Ngọ dài
Hôm nay đường này, cây cao hàng gầy
Đi quanh tìm hoài, ai mang bụi đỏ đi rồi...


Mọi người cùng vỗ tay tán thưởng Bảo nhiệt tình...
Ông xã tôi chắc có chút hơi men nên hỏi một câu (hơi vô duyên) và làm Bảo khó trả lời:

- Mình hỏi thiệt Bảo, vậy chớ ngày xưa đó Bảo có ''Em tan trường về, anh theo Nguyệt về...'' không rứa hè?

Cả nhà cười rộ lên làm Bảo hơi lúng túng và đỏ mặt. Tuy vậy, chắc cũng nhờ sự hổ trợ của hơi men nên Bảo ''thành thật'' trả lời:

- Nói thiệt là khi đó Bảo cũng rất có ấn tượng với Nguyệt, cô bé có chiếc răng khểnh và má lúm đồng tiền, sáng sáng đi học trong chiếc áo dài trắng thướt tha. Nhưng đó là về phần Bảo thôi còn chắc chi Nguyệt thèm để ý tới Bảo. Phải không?

Tôi chỉ biết ngồi nghe và cười, không ngờ mãi từ bấy đến nay mà Bảo vẫn giữ được hình ảnh nguyên vẹn thời học sinh dễ thương của tôi trong Bảo lâu đến thế, lòng bỗng rộn rã một niềm vui. (Ơn trời, ông xã tôi là người không biết ăn ớt hiểm như anh Tín của AT)

Sau bữa cơm Bảo ghé nhà mấy anh chị em tôi thăm chơi một lúc rồi xin phép ra về sớm vì trời đang âm u, báo hiệu một cơn mưa dữ dội. Cả nhà bịn rịn tiễn đưa, tôi xếp vài món quà cây nhà lá vườn hí húi bỏ lên xe cho Bảo. Lúc ngẩng đầu lên tôi bỗng cảm thấy bồi hồi vì bàn tay Bảo đang vuốt nhẹ mái tóc của mình. Tôi bối rối nhìn quanh, may quá, mọi người và cả ông xã tôi vô tình không để ý. Ôi, cái cử chỉ tha thiết làm sao, có phải đó là sự trìu mến của người anh đối với đứa em gái nhỏ, hay đằng sau nó là nỗi niềm thương nhớ của người đàn ông cho người phụ nữ yêu dấu ngày xưa đã xa khuất hẳn tầm tay với của mình. Thôi nhé Bảo, xin mượn tên của một bản nhạc man mác buồn và có hơi hơi ''sên sến'' rằng: ''Xin gọi nhau là cố nhân'' đi nhé!

TN
1/6/2012

Chin Bon
Chin Bon