Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Xin Một Phép Mầu . . .                         

Ấn và Nhạn goi điện cho tôi báo tin lớp Chín 4 ngày xưa của mình mở được trang web do Ngọc Anh thiết kế và thúc dục tôi viết bài. Biết viết gì đây? Lâu lắm rồi tôi không cầm bút - cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tâm hồn cứ cằn cỗi chai lì như đất đai sa mạc. Thôi trước mắt thì cứ thử ra quán Net xem các bạn viết lách như thế nào cái đã … Lần đầu tiên tôi lớ ngớ chẳng biết gì, phải nhờ chủ quán truy cập giúp bày vẽ từng bước một. Dần quen tôi đã biết cách mở từng phần và đọc một mách gần hai tiếng đồng hồ.

Đầu tiên là thư ngỏ của Anh Trinh thật chân thành gần gũi. Giọng văn của Trinh cứ từ từ chậm rãi và chân thật với mọi chuyện vui buồn, mọi biến cố đã xảy ra trong cuộc sống. Ôi người bạn "Bá Nha Tử Kỳ" của tôi. Những bài thơ học trò tôi sáng tác và chép tặng Trinh thời ấy sao đến tận bây giờ mà nó vẫn còn thuộc. Lại còn thay tôi gửi đăng lên tập san "Thoáng Hương Xưa" của nữ sinh Hồng Đức cũ bài "Mùa Mưa Thơ Ấu" làm tôi cảm động quá chừng. Còn Tuyết Hằng "nhập đề trực khởi", tự giới thiệu về mình và viết truyện rất hài hước dí dỏm. Tôi vẫn rất ấn tượng với bút danh "Tuyết Vĩnh Cửu" của Hằng khi viết bài cho báo "Ngước Mắt" của lớp chín bốn ngày xưa. Chim trắng Bạch Nhạn thì quá ư tình cảm. Hôm gọi điện lên nói chuyện tôi đã cảm nhận được sự chân thành của bạn. Lân thi sĩ thì khỏi nói, vô tư hết biết. Còn cô bé Ngọc Anh không ngờ lại có tâm hồn và nhiệt tình đến thế. Lúc đi học tôi ít tiếp xúc nên bây giờ thấy hơi bất ngờ. Thu Sương viết "Cạo Quế" rất cảm động đã nói lên cả một thời đắng cay khổ cực ngày nào.

Phải rồi! Cái gì rồi cũng qua, cái gì rồi cũng mất, chỉ có kỷ niệm là tồn tại. Ôi kỷ niệm! Ôi cái thời học sinh chỉ có năm, sáu năm ngắn ngủi mà đã để lại biết bao ký ức, biết bao buồn vui cho mỗi con người. Vô tư, thoải mái ngụp lặn trong biển tình thầy cô, bè bạn. Quả là một thuở “mây còn xanh, nắng còn hồng và tháng ngày còn thần thánh hoá“.

Các bạn chín 4 ơi!

Chúng mình học với nhau suốt từ lớp sáu đến lớp chín nên có rất nhiều kỷ niệm. Trên tay tôi đang là những thành tích biểu từ lớp sáu 4 đến lớp lớp chín 4, trong đó đủ tên tuổi các thầy cô đã dạy qua các năm.

Năm lớp chín, cô Thu Nga dạy môn Việt Văn làm chủ nhiệm. Cô là người Bắc, đẹp kiêu kỳ sang trọng. Thế mà lúc tôi ngồi dưới lớp học nhìn lên bàn Cô, thấy Cô vừa ngồi vừa rung đùi trông rất tức cười. Năm ấy, tôi được bầu làm "Trưởng ban báo chí" của lớp (oai chưa?) và cùng các bạn làm báo "Ngước Mắt" cũng hoành tráng ra phết ấy chứ!

Thầy Lê Xuân Hạt dạy Công dân giáo dục rất vui tính, chúng tôi gọi là thầy Hột. Thầy Phan cảnh Dũ người Huế dạy Anh Văn. Rõ khổ, giờ Cổ văn mỗi lần học câu “Dũ học, dũ ngu“ (càng học càng ngu để nói lên sự khiêm tốn) là bọn tôi không khỏi nín cười. Sau giải phóng nghe nói thầy tự tử. Thật xót xa! Thầy Tường dạy Toán cứ ca tụng cái tên Bích Hạnh là "viên ngọc không tì vết" và nói tên thầy, Viết Tường là viết tường tận, rõ ràng. Thầy Hoàng Trọng Hiếu dạy Sử Địa khuôn mặt vui vẻ và hay kể chuyện cho chúng tôi nghe. Cô Đoàn Minh Phương dạy Vạn Vật giảng bài thao thao bất tuyệt. Sau này cứ mỗi lần nấu chè đậu xanh là tôi lại nhớ lời cô: ăn đậu xanh mà đãi vỏ là ngu vì mất hết vitamin. Bây giờ ở quê, ở tỉnh, nhà ai cũng dùng đậu xanh đãi vỏ sẵn như vậy cho mau, ngu thì đành chịu các bạn nhỉ? Anh em thầy Hân, cô Hoè dạy Anh văn năm lớp tám rất yểu điệu thục nữ, cứ bị học sinh trêu chọc hoài. Ghét nhất là cô Loan (giám thị). Giọng cứ lanh lảnh, vang vang lệnh phạt cấm túc lớp này, lớp khác; bọn tôi rủa thầm: đúng là "cô Loan, độc phượng"

Hồi ấy tổ làng nhàng chúng tôi ngồi ở dãy cuối cùng, còn có biệt danh là "Xóm Nhà Lá". Tổ gồm nhiều biệt hiệu rất kêu, có tôi là Nguyệt cời, Phương ruồi, Yêu Tinh họp thành bô ba Tướng Sĩ Tượng. Ngọc Diệp thì bị réo là Lá ngọc cành vàng . . . giả, Kim Oanh "bà la sát", Quách thị Ngân hiệu là Quét Tiền. Rồi nào Kim Anh, Kim Liên, Quang Ấn, Lân (chuyển từ Ban Mê Thuột về), Thuý Liểu, Khánh Hoa, Phan thị Huệ, Nguyễn Thu Dung (ở với ông nội chớ không còn ba mẹ), Thu Ngọc … Tổ này là chúa hay đi dạo cảnh lang thang. Mỗi lần được nghỉ một hoặc hai tiết là cả bọn lại kéo nhau ra bờ sông Bạch Đằng hóng gió, luôn tiện cho tôi đến bưu điện gởi vài bài thơ mới sáng tác về cho báo Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc … xong lại đi dạo chợ Hàn mua ít “đồ phụ tùng” cho tuổi con gái mới lớn. Có lúc quy mô tổ chức hơn, chuẩn bị cả máy ảnh vào Cổ viện Chàm chụp hình kỷ niệm. Cả bọn tha hồ làm duyên làm dáng, ngồi bên nhau trên ghế đá hoặc tinh nghịch trèo lên các cành cây sứ ngồi vắt vẻo. Nhiều bạn vẫn còn giữ được một vài tấm ảnh quý giá đó, tôi rất tiếc đã không còn tấm nào ... Dãy giữa là “xóm quý tộc“ đa số nói tiếng Huế đặc (cho đến tận bây giờ). Liên Hương thì khỏi nói, giỏi toàn diện nhất là Anh Văn. Mới vào năm lớp sáu mà giờ cô Lê Công Hồng Châu dạy Anh Văn kêu lên, bạn cầm sách English For Today, Book 1 đọc lưu loát trơn tru từ trên xuống dưới làm cả lớp cứ ngẩn tò te ra như vịt nghe sấm. Ngọc Anh ở Huế chuyển về ngồi cạnh Liên Hương cũng thuộc dạng "siêu học". Bạch Huệ thì cứ quần “soóc“ mặc đi học cho đến năm lớp tám lớp chín kệ cho cô giám thị la lên la xuống. Cặp đôi Trần Nguyễn Trinh Sương không rời nhau lúc nào. Xuống dưới có Nguyễn thị Nguyệt con nhà cách mạng nòi. Lúc viết bài cho báo "Ngước Mắt" chẳng viết về tuổi học trò lại viết "Uất nghẹn" chất chứa toàn tư tưởng bất mãn. Nghĩ lại thấy tức cười . . . Ngồi mấy hàng ghế cuối là "xóm người lớn" toàn mâý bạn đi học mặc áo dài từ lớp sáu trong khi bọn tôi cứ vô tư mặc áo đầm trắng đến năm lớp tám lớp chín mới thôi. Tôi nhớ có Võ thị Nghi, Ba, Kim Loan, Tuyết, Nam, Liêm . . . Dãy ngoài cùng có Ngô Thu Hương nhà ở Ngã Năm, Kim Đính (sau này nghe đi tu) rồi Hoàng Thu Thuỷ … À! Còn bạn Phi Nga . . . Năm lớp chín có ba làm việc gì đó đã giúp chúng tôi quay “roneo” làm báo “Ngước Mắt” được hơn bảy mươi quyển. Phi Nga da ngăm ngăm, tóc dài loăn xoăn, mũi cao, mắt to mi cong đẹp như người Ấn Độ. Lớp còn có hai nàng Nguyệt Nga A, Nguyệt Nga B đều dễ thương và đẹp gái. Ồ, sao tôi nhớ lớp chín 4 ngày xưa toàn người đẹp, mỹ nhân không hà! Các bạn thử tưởng tượng lại đi, chẳng có ai đẹp dưới trung bình cả phải không?

Ôi chao là kỷ niệm? Sao nó cứ lan man ẩn hiện hoài không dứt trong trí nhớ của tôi. Nhạc hàng xóm nhà ai đang cất lên tha thiết như nói hộ cỏi lòng tôi: “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này . . . Hãy nhớ ước muốn cho thời gian . . . trở lại” .

Vâng! Thời gian ơi, hãy làm một phép mầu cho lớp chín 4 ngày nào. Hãy cho sáu mươi bảy gương mặt thơ ngây trong sáng, ăm ắp ước mơ, đong đầy tình cảm bạn bè được một lần đoàn tụ, hội ngộ đầy đủ dưới tàn lá bạc hà xanh biếc của Nữ Hồng Đức yêu kiều vang bóng một thời xưa  . . .

Trương T. Thu Nguyệt 
Dak Lak 12/1/09
Chin Bon
Chin Bon