Thả tâm hồn đi lang thang, tôi trở về những ngày xuân thời niên thiếu, bỗng dưng tôi nhớ đến không khí
Tết của lớp học mà không thể quên phong tục tặng thiệp chúc Tết, cái thời tôi còn đi học. Tôi nhớ gần Tết
là thế nào cô giáo, thầy giáo các lớp tiểu học cũng ra bài tập vẽ: Hãy vẽ tấm thiệp chúc Tết. Thuở đó thì ôi
thôi, tha hồ mà vẽ: nào là cành mai từ trên thả xuống, vài phong pháo Tết treo lủng lẳng hay cảnh Tết thôn
quê, có vài cô cậu bé áo dài khăn đóng ... Đến bậc trung học thì lũ học trò chúng tôi bắt chước người lớn
tặng nhau những cánh thiệp xuân trước khi được nghỉ Tết. Làm sao quên được những giờ nghỉ học, cả
nhóm kéo nhau lang thang các hiệu sách, các quày bán báo, bán thiệp xuân dọc các nẻo đường dưới phố.
Hình như tặng thiệp chúc Tết thời đó đã trở thành một tục lệ, hèn chi có một nhạc sĩ đã viết nên những
câu hát gợi lại cả một mùa xuân "... Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng, xuân đến rồi đây nào ai biết không?
Mang những hoài mong đi vào ngày tháng, bao nhiêu mơ ước đến khi mùa xuân sang. Tôi chúc gì đây vào
mùa xuân này? Khi nắng vàng lên nhuộm làn tóc ai, khi gió nhẹ lay hoa đào nồng thắm ... tay trong tay nhớ
lúc tâm tình lên ngôi ..."
Bên cạnh tục lệ tặng thiệp xuân là những buổi tiệc Tất niên lớp học. Lúc tiểu học thì tất cả là do cô giáo lo
từ A đến Z, các em học sinh chỉ biết đến chia nhau bánh mứt, hát hò rồi ra về. Nhưng lên trung học thì
học sinh trong lớp tự góp tiền lại, mua bánh mứt. Tiệc Tất niên trong lớp thường là nhằm giờ học của cô,
thầy giáo chủ nhiệm. Tất cả học sinh đều thích vì không phải học hành gì cả, hôm đó, Thầy cô giáo dù
khó tánh đến mấy cũng trở nên dễ thương, vui vẻ. Tôi còn nhớ cảm giác háo hức chờ đến ngày tất niên
của lớp thời đó. Đến hôm đó, bàn ghế được sắp xếp lại thành vòng bốn phía, ở giữa là sân khấu được làm
bằng mấy cái bàn học ghép lại. Hình như rất nhiều lần tôi và Ngọc Diệp được nhảy lên sân khấu đó hát
nhạc kích động: Hùng Cường - Mai Lệ Huyền ... Thời mười ba mười bốn tuổi thật không biết mắc cở là gì.
Mỗi dịp Tết hình như học sinh và thầy cô được nghỉ khoảng mười ngày, vậy mà thấy như lâu lắm. Năm
nào mấy ngày Tết có chút mưa xuân là buồn nẫu ruột. Đi chơi Tết cũng có luật lệ nữa, đối với người lớn
thì có câu: Mồng một thì ở nhà cha, mồng hai nhà vợ mồng ba nhà Thầy. Trẻ con chúng tôi thì thường
theo luật gia đình: Mồng một đi chùa, đi viếng mộ và theo ba má thăm bà con bên nội. Mồng hai thăm bà
con bên ngoại và bạn bè. Mồng ba Tết là hẹn nhau đến chúc Tết Thầy Cô... Suốt một khoảng đời thơ ấu
của tôi hình như năm nào cũng theo qui luật ấy, bất di bất dịch! Cứ mồng một Tết là lên chùa Tĩnh Hội
thắp nhang đầu năm, sau đó đón xe lam đi lên nghĩa trang Nam Ô, viếng mộ. Về ghé nhà chú tôi để thăm
bà nội, đi quanh cái xóm nhỏ Thuận Thành là có thể thăm hết bà con bên nội, ra sau phía gần biển thăm
ông bà ngoại và Dì Út. Qua mồng hai Tết, má tôi sẽ mướn chiếc xích lô chở hết mấy anh em đi lên thăm
Dì tôi ở gần chợ Nại Hiên, vòng qua chợ Mới thăm thêm vài người bà con ở đó. Đối với trẻ con, dĩ nhiên
đi thăm họ hàng không có gì hấp dẫn mà chính là được lì xì, có khi vì vắng nhà mà không được nhận lì xì
thì cũng ấm ức ghê lắm. Mồng ba Tết là ngày bạn bè hẹn nhau đi thăm Thầy Cô. Tôi nghĩ đây cũng là một
tục lệ hay, mang ý nghĩa tôn sư trọng đạo. Tiếc rằng ngày nay dường như đã mai một. Qua ngày mồng
bốn là má tôi cúng tiễn đưa ông bà, không khí Tết còn đọng lại lai rai với những trò chơi ngày Tết: Bầu,
cua, cá ... đánh bài và những xác pháo vương lại trước thềm nhà.
Kể từ sau năm 1975 thì tất cả những phong tục ngày Tết bỗng dưng tắt lịm, giới học sinh ngày Tết phải tập
trung tại trường ngày đầu năm để đi trồng cây, đi lao động ... Bạn bè không còn tặng nhau nhưng cánh
thiệp xuân, không tiệc tất niên, vì thuở đó cả nước đang "khắc phục khó khăn, hậu quả sau chiến tranh".
Tết đến, gia đình tôi không còn đưa nhau đến thăm họ hàng mà mọi cố gắng dành dụm của cả nhà chỉ để
đi thăm nuôi ông bố đang mòn mỏi chờ đợi nơi trại tù Tiên Lãnh. Cũng không viếng mộ vì các khu nghĩa
trang dần dần bị giải tỏa ... Những ngày xuân không có tiếng pháo mừng xuân, không áo mới, không bánh
chưng, không mứt Tết ... chỉ có cái loa phóng thanh suốt ngày hát ra rả "... Mùa xuân này về trên quê ta,
khắp đất trời, biển rộng bao la ..."
Thắm thoát bao mùa xuân như thế đã lặng lẽ qua đi, giờ đây Đà Nẵng quê tôi đã là một đô thị thay da đổi
thịt hoàn toàn, mệnh danh là thành phố có nhiều điểm du lịch nổi tiếng. Những mùa xuân khắc nghiệt xưa
cũ dường như đã phai nhòa trong lòng mọi người. Riêng tôi, đón mùa xuân tha phương, ngắm vài nụ hoa
vàng ngày Tết trong văn phòng làm việc mỗi ngày để nhớ những cành mai, những cái Tết trong kỷ niệm,
lòng tôi không khỏi ngậm ngùi ..." Hỏi xuân có gì vui, xuân làm dáng cho đời, đẹp lòng giây phút thôi!"
Nguyễn D Anh Trinh
02/2015