Atlanta, đã thành chuyện kể...


Mới đó mà câu chuyện hai ngày họp mặt NTH Hồng Đức Đà Nẵng toàn thế giới kỳ II,
được tổ chức tại Atlanta đã thành chuyện kể...

Chuyện kể rằng...

Thứ hai 27/8

Ngày đầu tuần, nắng đẹp chan hòa, có gió mát hiu hiu, tuy vậy, hai chị trưởng và phó
trong ban tổ chức xem dự báo thời tiết đã vô cùng âu lo khi biết hai ngày cuối tuần sẽ có mưa
gió sấm sét, ngay tại khu vực dự định tổ chức picnic. Chị trưởng tìm kiếm trên trang web của
công viên Stone Moutain một vài địa điểm an toàn hơn. Hai chị mua vội mấy ổ bánh mì, cầm
theo vài chai nước lạnh, lái xe lên Stone Moutain, cùng với ông xã và một chị khác trong ban tổ
chức. Cả bọn quyết định rất nhanh khi làm hợp đồng và trả chi phí cho một căn nhà lều hình
lục giác xinh xắn để quí vị về dự đại hội an tâm, không lo âu vì thời tiết trái mùa những ngày
đầu thu nơi thành phố núi rừng Atlanta tiểu bang Georgia.

Chị trưởng chụp vội vài tấm hình gởi cho phóng viên thường trực Hồng Đức là chị Kim
Chi, nhờ rao lên trang web trường, để "trấn an dư luận" đồng thời bàn tính về chuyện phải
mướn một ban nhạc cùng giàn âm thanh; vì chương trình guitar thùng hát cho nhau nghe
ngoài công viên công cọng thấy không hấp dẫn, khó tạo ra được sự lôi cuốn. Chuyện gì cũng
phải có ý kiến của cả nhóm, BTC ở Atlanta là vậy, thế nên chị vội vàng bấm điện thoại, gọi cho
chị trưởng ban văn nghệ, chị này hào hứng oke ngay. Đến phiên chị thủ quỹ. Câu hỏi đầu tiên
từ người cầm tiền:

- Tính chung, cả tiền mướn chỗ và ban nhạc là bao nhiêu?

Chị thủ quỹ la lên khi nghe câu trả lời của chị trưởng:

- Hả, làm cái chi mà mới chút xíu … bay mất cả ngàn bạc, tiền ở đâu?

Chị phó tỉnh bơ:

- Tiền trong nhà bank chớ ở đâu, kệ ... cùng lắm mỗi đứa bù một chút. Chết tiền chết
bạc mà đở lo. Vui là chính ...

- Mấy người kia thì sao?

- Ai cũng oke hết!

- Rứa thì ... chơi luôn, dân chơi không sợ ... mưa rơi!


Tiếng cười vang qua điện thoại.

Sáng ngày thứ ba 28/8

Bầu trời ảm đạm, mưa lất phất. Chị trưởng rầu rỉ, ra vô internet mấy lần. Dự báo thời tiết
vẫn là mưa gió bảo bùng. Chị lái xe đi mua vài thứ cần thiết, lòng đầy thấp thỏm. Vòng vòng
cả giờ đồng hồ, chị trở về nhà hai  tay không vì trong tâm trí chị ngổn ngang những âu lo. Biềt
rằng đã mướn chỗ tụ họp an toàn, nhưng mưa kiểu này thì buồn quá! Tiếng chị phó cười qua
điện thoại:

- Ê, may quá, mình mà không tính lanh lẹ ngày hôm qua là tiêu rồi, mưa thì mưa, cũng
đở lo hén!

Chị trưởng đang rầu, nghe chị phó lạc quan cũng cười theo:

- Phải rồi, mình đã tận lòng, hết sức. Gió mưa là chuyện của trời, chấp nhận thôi!

Chiều thứ ba, đám mây mù đã bớt nặng nề, lòng chị trưởng cũng nhẹ theo. Tối về nhà
xem email, chị thủ quỹ chuyển không biết bao nhiêu là âu lo của bạn bè, những câu hỏi cho
chuyến đi. Đại khái: cho biết thời tiết khí hậu ra sao để mang theo áo quần, đồ dùng cá nhân ...
Một bạn đã trả lời dùm với chút hoang mang: Bà con ơi, khí hậu Atlanta ngày đó kỳ cục lắm,
nóng và ẩm ướt ... Một bạn khác trả lời, dự báo là 60% trời sẽ mưa, khí hậu nóng. Chắc không
cần phải đem theo đồ lạnh, nhưng cứ đem thật nhiều quần áo; lở ướt thì mình có đồ để thay ...
Chị thủ quỹ chuyển mail cho chị trưởng, kèm theo một câu: Mi trả lời dùm đi, trời có mưa
không?

Ui chao, ông trời có chuyển mưa không thì ... chưa chắc bà trời đã biết. Tui làm sao trả
lời đây? Cách tốt nhất là... nên làm lơ.

Cũng ngày này, chị trưởng ban nhận được tin cô An Hà Châu, linh hồn của đại hội NTH
Hồng Đức không thể đến dự được, cô Liệu từ CA cũng quá ốm yếu nên đã từ chối cách đây
cả tháng. Với hai cô, đây là một nỗi buồn, một sự thiếu sót nhưng đối với tất cả cựu học sinh
và ban tổ chức thì lại là một sự hụt hẩng khó bù đắp. Chị trưởng gọi cô, buồn! Chị thủ quỹ gọi
cô, thất vọng! đến phiên chị Ngọc Hà gọi … thôi thì tuổi già sức yêú, biết trách ai đây. Thêm
vào đó, tin không vui, thầy Hoàng Ngân Hà đã mua vé máy bay, đã giao trách nhiệm người
đón thầy. Rốt cuộc, hung tin, “tang gia bối rối’ thầy phải hủy chuyến bay để bay sang Úc lo đại
tang cùng gia đình người chị ruột. Chuyến đi của thầy Hà bị hủy, kéo theo thầy cô Trần Đình
Thanh Lam không đi. Mọi sắp xếp đã được ban tổ chức chuẩn bị, nhưng … Đúng là “ mưu sự
tại trò, thành sự tại thầy cô”.

Vài ngày trước Đại hội, tinh thần của hai chị trưởng, phó và BTC ở Atlanta chao đảo.
Buồn ơi là buồn! Mọi người như cố nén, không dám gọi cho nhau than thở, tất cả đều chung
một tâm trạng …  nín thở để tiếp tục leo lên lưng cọp.


Thứ tư 29/8

Bắt đầu có những chuyến đi phi trường đón các chị trong BTC đại hội kỳ I, từ TX và CA
sang đây để giúp nhóm Atlanta mọi việc. Theo thực đơn đã được bàn trước, buổi trưa này,
anh Doanh chủ nhà sẽ thết đãi món cơm gà rất ư là bài bản. Ai ăn cũng phải ngợi khen. Đây là
món ruột của anh nên anh chăm chút từ cách luộc gà cho đến làm chén nước mắm, cắt cà
chua. Nói chung là rất hoàn hảo.

Cũng nên nhắc lại, ban tổ chức ở Atlanta chỉ có 7 người. Bà chị đầu đàn ở quá xa, căn
nhà đẹp, nên thơ và rộng thênh thang của chị nằm lẻ loi vùng Kennesaw, rất xa phi trường.
Hôm trước chị HY đã gởi cho chị trưởng một danh sách đón bạn dài lê thê từ nhiều tiểu bang,
kèm theo vài chị từ nước Đức xa xôi vạn dặm hay từ Pháp bay về. Chị trưởng nhìn tờ giấy mà
đau lòng, không thể nào từ chối. Suốt trong vòng 2 năm chuẩn bị, khi nghe tin có ai đã mua
được vé máy bay sang dự đại hội thì BTC ở Atlanta lên tinh thần lắm lắm, tự hứa sẽ phục vụ
xứng đáng với tấm lòng của mọi người. Bởi vậy, tiếp đón với thái độ vui tươi khiến khách hài
lòng là một cách cảm tạ thật tế nhị. Nhưng, từ suy nghĩ đến hành động thực tế thì không phải
dễ dàng. Bảy vị trong ban tổ chức có ba nàng không lái xe đi xa được. Các phu quân người
thì cao tuổi, người thì không được khỏe, người thì mới sang định cư, chưa từng biết lái xe đi
phi trường ... ôi, nan giải. Đành phải nhờ cậy các thân hữu, ngắm nghía xem chàng nào mang
nợ với NTH thì rủ nhau năn nỉ, dỗ dành, hứa hẹn. Cũng may là mối tơ duyên của hai ngôi
trường vẫn còn dây dưa nên BTC đã có quới nhân giúp đỡ. Chị trưởng, chị phó đau đầu khi
phải phân chia lịch đón khách. Mỗi người đón một lần trong ngày, gồm vài chuyến bay gọp lại.
Chị in ra làm nhiều bản, đổi tới đổi lui. Những chuyến bay về khuya thì anh chị trưởng phải đảm
trách. Rốt cuộc, BTC chỉ có chị phó, chị thủ quỹ và chị trưởng cùng đấng phu quân của chị là
làm tài xế được, phải nài nỉ hai thân hữu PCT. Ngày nào ra phi trường cũng đụng độ vì các
chuyến bay cứ trể dài dài. Thời tiết miền đông không yên, TV báo bão thổi từ FL lên, Atlanta
sẽ bị ảnh hưởng không nhẹ. New Orlean rơi vào trung tâm bão. Một cựu Hồng Đức liên tục
gởi tin nhắn: KM vừa có thông báo chuyến bay dời từ thứ tư sang thứ năm, vui lòng đón dùm
nghe. Mấy giờ sau lại nhắn: Thành phố KM đang mất điện chắc chuyến bay sẽ dời nữa, tuy
nhiên sẽ cố gắng tham dự để gặp bạn bè. Rồi sau cùng: Tối thứ sáu KM mới đến được, có ai
đi đón dùm không, cho số phone để liên lạc ... Ôi, dù mệt mỏi nhưng chị trưởng vẫn còn cảm
xúc. Lòng chị thấy nao nao, thì ra mưa gió, bảo táp không làm người bạn KM nản lòng, thế thì
ban tổ chức tại Atlanta phải làm sao cho xứng đáng đây?

Ngày thứ năm  30/8

Đây là ngày cao điểm, với nhiều chuyến bay  cần phải đón nhất. Chị trưởng liên tục gọi
điện thoại nhắc nhở, hỏi han. Căn nhà của anh chị phó rộn ràng, mọi người đều được đón về
đây, ăn uống nghỉ ngơi rồi mới được đưa về theo từng nhóm, tập họp theo niên khóa như:
Nhóm Loan Anh, nhóm Thảo, nhóm Anh Trinh, nhóm Hồng Yến khóa một. Đặc biệt những chị
khóa hai, nhóm chị Hồng, chị Kim Lầu TX, là những chị có tinh thần tự túc cao độ đáng nêu
gương. Các chị tự mướn một căn nhà nhỏ, tự mướn xe đi từ phi trường ra, chở nhau tự kiếm
đường đi. Trong nhóm này có một chị được mời từ Việt Nam sang, là chị Bùi thị Hương.
Ngoài những nhóm khá náo nhiệt này còn có một nhóm TX khác, khóa IBM kèm với các chị
khóa của chị Hồng Nga, Thiên Trang và nhóm Thanh Trúc Canada … các chị ở tại Hotel. Khi
cần di chuyển, các chị gọi ơi gọi hởi ban tổ chức. Chiếc xe nhỏ xíu của chị trưởng chất cả 6
người, nín thở từ Hotel về nhà chị phó. Tuy vậy các chị rất dễ thương, chẳng phàn nàn bác tài
tiếng nào. Dù ở nhóm nào, khi về "đại bản doanh" đều được thưởng thức một bữa cơm tối với
thịt luộc mắm tôm, canh bí đao, cá chuồn chiên ớt nghệ kiểu Quảng Nam. Ai đã “ngán cơm”
thì được mời ăn “bún bò Bà Hải” hay Mì Quảng bà Chín Loan Anh. Mọi người ăn tối, đùa giởn,
khen ngợi Atlanta thật hiếu khách và chu đáo, khiến ai ai cũng cảm động. Anh chị phó là hai
người “chấp nhận thương đau” nhiều nhất, cả hai anh chị đều không có sức khỏe tốt, tuy nhiên
tấm lòng thì bao la. Có khi anh mệt quá vì tiếng ồn ào của trống đàn từ ban văn nghệ cọng với
những câu chuyện rôm rả bạn bè lâu ngày hội ngộ ... anh rút lui lên lầu. Tánh anh ít nói, cứ đi
tới đi lui, ai cần gì anh giúp với nụ cười hiền lành trên môi. Trong khi đó, ở phi trường, máy bay
chuyến trước trể, dồn cho chuyến sau. Chuyến máy bay tối thứ năm chị trưởng phải đưa
khách về tận nhà cho chị cả khóa 1, kèm theo mấy thùng trái cây tươi do chị HY nhờ mua dùm
để đãi bạn. Chị trưởng và ông xã được các chị mời tô bún bò Huế thơm lừng mùi sả ớt lúc 2
giờ sáng. Mới thứ năm thôi mà chị HY đã tắt tiếng ca, giọng chị khàn đục. Quả thật chị đã quá
vất vả với nhóm bạn 60. Gần ba mươi người dồn về nhà chị, chị còn lo chuyện tập văn nghệ
cho cả nhóm. Chị thật tháo vát, lo toan mọi bề xứng đáng là một người chị cả.
 
Thứ sáu ngày 31/8

Từ sáng sớm anh chị trưởng đã lo đi mướn xe Van 15 chỗ để xử dụng trong việc đưa
đón khách, cùng lúc, có phone của chị thủ quỹ hỏi tới hỏi lui về các chuyến bay chị có trách
nhiệm trong ngày. Chị này là chuyên gia đi đón các vị đến từ phi trường nước ngoài. Xong
nhiệm vụ thì chị mới về lo việc nấu nướng cho nhóm bạn của mình. Trở lại căn nhà của chị
Cúc, phó ban. Với tài nấu nướng của các chị thuộc nhóm nhà bếp Atlanta, những món ăn
được chế biến từ nhà mang đến: Bánh cuốn chay, cánh gà chiên nước mắm ăn với xôi, ragu
gà ăn với bánh mì, mì xào … Thêm mấy khay xôi thập cẩm do tài chế biến của chị Hoa, một
giai nhân khóa chị Cúc đến từ Cali. Chị Hoa còn chu đáo mua thêm đặc sản Cali: Nem, chả.
Món gà dăm bông của chị Hà từ TX cũng được mang ra phục vụ. Chị KC đa tài lo múa kiếm
nên mấy ổ bánh mì nướng bôc mùi khét nghẹt. Ngoài ga ra, chàng rể Hồng Đức mãi lo mài
kiếm vì sợ mũi kiếm nhọn đâm vào các vũ công U 60. Một chị vội vàng lấy Iphone ra chớp vội
tấm ảnh với câu ghi chú:

Nợ dứt chưa xong, đầu đã nhuộm
"Ga ra" chăm chỉ rút gươm mài

Khi bước vào trao thanh kiếm cho HG thì bị gót giày của Bà Trưng Nhị này đạp một phát
vào chân đau điếng. Trưng Trắc KC lên tiếng: Rồi, diệt được một tên Hán gian! Chàng rể
Hồng Đức đành méo mặt, không nói nên lời, tuy bị đau nhưng anh cố cười. Đúng là mấy cô
Hồng Đức!

Thân hữu ở Atlanta nhiệt tình nhất là đôi bạn Hằng Lũy. Chị Minh Hằng ham vui, giao
công việc làm ăn cho đệ tử, cùng anh Lũy bôn ba những chuyến đi phi trường, lúc nào anh chị
cũng cười, có khi chị trưởng lợi dụng sự dễ dãi của anh để tăng cường thêm chuyến bay cần
phải đón, anh luôn luôn cười, khiến chị trưởng yên tâm. Mỗi nhóm đều có một tấm bản NTH
Hồng Đức để đi phi trường. Có chàng rể, khi đi đón cầm tấm bảng lộn ngược, hai chị Hồng
Đức nọ xuống máy bay, mệt đứ đừ, hoa mắt. Phi trường Atlanta thì nhộn nhịp và rộng thênh
thang. Từ máy bay bước ra, phải qua chặng tàu điện dài, lên hai cầu thang cuốn … rồi mới ra
chỗ lấy hành lý. Hai chị ngơ ngác dáo dát đi, chẳng cần nhìn ai. Anh chàng đi đón vội chạy
theo sau lưng: Hồng Đức phải không? Một chị quay lại; vì tấm bảng lộn ngược nên chị hoa mắt
tưởng chữ Iran, Irak … chị quay lưng đi luôn. Anh rể tiếp tục chạy theo, khi nhận ra nhau cả
bọn cười xòa.

Các thầy được mời đến tối thứ sáu, do đó ban văn nghệ của cả hai nhóm phải ra nhà
hàng để gặp ban nhạc tổng dợt văn nghệ, lại thêm một khoản chi ngoài dự định. Người thì
đông, xe cộ ra vào tấp nập. Chị Ngọc Hà phải cấp tốc chế biến món mì hoành thánh để bổ
sung mời thầy cô. Các chị thật tài giỏi, khi chị trưởng đón hai nhóm từ Cali về đến nơi, chừng
hơn 10 giờ đêm, mỗi người được thưởng thức một tô mì hoành thánh nóng hổi, bao nhiêu mệt
nhọc tiêu tan. Gởi một vài chị lại nhà chị phó, anh chị trưởng đưa nhóm bạn 9/4 về nhà để sẳn
sàng giúp Bà Ngoại trong việc hấp bánh ít, xếp bánh bèo, chuẩn bị cho ngày tiền đại hội.

Nhóm bên nhà Loan Anh thì được chủ nhà tiếp đãi rất ư là nồng hậu bởi Loan Anh xuất
thân là một bà chủ quán ăn. Mỗi ngày một món, nào là mì Quảng, bún bò, bún chả cá … bảo
đảm không thua bất cứ một hàng quán nào. Chuyện vui, có chàng rể Hồng Đức đến từ
Canada, khi thưởng thức điểm tâm món cháo đậu xanh, ăn với cá kho mặn đã rơm rớm nước
mắt. Anh ta nhớ mẹ! Rời quê hương đã quá lâu, đây là lần đầu tiên được ăn lại món ăn dân
giả này. Tô cháo buổi sáng đã khiến anh rơi lệ, hương vị quê hương đậm đà, gợi lại những kỷ
niệm thuở niên thiếu được chăm sóc bởi bàn tay mẹ hiền. Nhìn chàng rể Hồng Đức nước mắt
rơm rớm khi ăn tô cháo, khiến cho cả đám nhìn anh cũng rưng rưng theo.


TIỀN ĐẠI HỘI

Sáng thứ bảy, từ sớm, anh chị trưởng đã lo sắp đặt mọi thứ vào xe. Từ chùm đèn lồng
chính hiệu Hội An đến rổ rá nhờ Loan Anh mua từ Việt Nam, mấy cái áo bà ba cho mấy bà Ba,
bà Bốn … Rồi hai rổ bánh bèo, nhân ướt kiểu Quảng Nam, nhân khô kiểu Huế , mấy thúng
bánh ít lá gai. Đặc biệt có tăng cường rổ bánh bột lọc gói lá chuối, do Hương Bắp nhóm 9/4
CA mang đến. Mỳ Quảng tươi cọng vàng chính hiệu từ lò Mì Quảng Duy Xuyên đóng đô ngay
tại đất Atlanta. Chị trưởng còn bày vẻ hái vài trái mướp ngọt, dăm trái khổ qua, hai trái bí rợ …
sắp vào thúng để chưng bày cảnh chợ quê, thêm ba cây đuổi ruồi, trông rất “duyên dáng Việt
Nam”. Anh trưởng thì lo sắp xếp mấy tấm bảng hiệu, banner, chén, ly, muỗng, đĩa giấy, thùng
đựng nước đá … Cả bọn ra lên xe, hướng về hướng Stone Moutain lúc 12 giờ trưa.

Con đường với hai hàng thông cao vút bên đường, ngoằn nghèo lên dốc rồi xuống dốc
… chiếc xe Van chất đầy đồ đạt đưa cả bọn lên đến khu vực picnic khoảng 1 giờ trưa. Thân
hữu PCT là anh Đặng Lũy đã có mặt, anh chịu trách nhiệm treo mấy tấm bảng hiệu, tạo góc
đường Lê Lợi - Thống Nhất. Rồi hàng quán được bày ra: Quán Mì Quảng Bà Chín với đầy đủ
rau sống, đậu phộng, nước nhân mì gà có kèm rổ chanh ớt, thật hấp dẫn. Quán bánh bèo
trường Nam xinh xắn, những rổ bánh được sắp thật khéo bên cạnh hai rổ bánh ít lá gai và
thúng bánh bột lọc gói lá chuối. Hai gian hàng này được trang điểm với những cô bán hàng
mặc áo bà ba, miệng cười duyên dáng. Bên cạnh là đường Phan Đình Phùng với quán café
Tuổi Ngọc, chị Minh Hằng và hai trợ lý loay hoay cắm điện pha chế, mùi cà phê bốc lên thơm
lừng; tiếng nhạc xập xình những bản nhạc thuở thập niên 70 từ máy cát sét mượn của chị Yến
khiến cho góc phố này thêm phần sinh động, đáng yêu. Và đây, quán kem Diệp Hải Dung với
dòng chữ “Xin lỗi, cúp điện, không có kem” khiến ai cũng bật cười. Hàng me xoài cốc ổi ở bên
cạnh hàng quà vặt, đường Phan châu Trinh. Đây là gian hàng ủng hộ của các chị khóa một do
chị HồngYến chỉ huy với những món ăn vặt rất Quảng Nam: Đậu phộng nấu, khoai lang, sắn
hấp dừa, bắp luộc … thêm khay xôi cúc…  trông rất hấp dẫn. Gánh bánh ú và bánh tráng đập
dập chấm mắm nêm của Phương Thảo lôi cuốn nhiều người chụp ảnh nhất. Một hồi sau thì
các phu quân của cựu nữ sinh cũng lần lượt kéo đến. Kẻ giúp treo đèn lồng, người cột dây,
quang cảnh như một ngày hội lớn. Điện thoại của chị trưởng í ới reo vang, có rất nhiều người
hỏi đường đến khu vực picnic vì công viên Stone Moutain quá bao la. Rốt cuộc, chị trưởng
phải đội nón ra đứng ngoài góc đường, với tà áo bà ba màu xanh truyền thống, mọi người dễ
dàng nhận ra chị trưởng ban, mặt mày khờ câm, mồ hôi nhễ nhại nhưng môi luôn nở nụ cười.

Khi One Man Band lắp hệ thống âm thanh vào thì hai chị MC của tiền đại hội rực rỡ trong
áo bà ba màu đỏ, màu cam bắt đầu làm việc. Sân khấu văn nghệ tuy đơn sơ nhưng thật dể
thương. Từ những dảy ghế của khách ngồi nhìn lên, trên cao là hàng đèn lồng lớn nhỏ đủ
màu. Phông màn là khoảng rừng cây xanh lá, rải rác có đôi chiếc lá vàng lơ lửng làm tăng nét
tự nhiên của núi rừng. Quan khách vừa thưởng thức những món ngon quê nhà do ban tổ chức
Atlanta khoản đãi, vừa được xem chương trình văn nghệ, những tiếng hát một thời Hồng Đức
là Linh Cơ, Bích Hy, Thanh Nga, Võ Thêm, Diệu Hiền, Bích Liên … và trưởng ban văn nghệ
Loan Anh khuấy động chương trình bằng những bài hát điệu chachacha sôi nổi. Ngoài ra còn
có đầy đủ các màn hợp ca khóa một, tốp ca khóa hai, vũ … có cả màn song ca nhạc kích
động do chính chị trưởng ban kết hợp với một người bạn cùng lớp, từ Việt Nam sang biểu
diễn. Mọi người dường như được mời gọi trở về cố hương, thành phố Đà Nẵng với bao kỷ
niệm thân thương thời thơ dại. Đặc biệt, thế hệ tiếp nối, con gái chị Hồng Yến trong tà áo bà
ba màu xanh ngọc duyên dáng đã khiến mọi người khâm phục qua nhạc phẩm thời chinh
chiến “Trăng tàn trên hè phố”. Giọng ca của Nguyên Thơ rất điêu luyện, mùi mẫn. Đó đây,
những vị khách lứa tuổi sáu mươi nhìn nhau, có lẻ tâm tình của bài hát khiến các anh cảm thấy
nao nao. Đà Nẵng của những năm đầu thập niên 70 như được thu nhỏ trong khuôn viên ngày
tiền đại hội. Đó chính là mục đích của Ban tổ chức ngày hội Hồng Đức tại Atlanta.

Hàng quán bán đắt chưa từng thấy, nhất là hàng mì Quảng, phải tăng cường thêm các
cô bán hàng. Kẻ chan nước nhưng, người bỏ rau sống, them chút đậu phộng rang, hành ngò
… Bên cạnh quán mì Quảng là hàng cà phê ủng hộ, do cựu Hồng Đức Phạm Thị Hương từ
Cali mang đến. Theo đoàn xe của nhóm FL, vượt chặng đường hơn bảy giờ lái xe để đến
Atlanta ủng hộ. Hơn hai trăm ly cà phê đá thật đặt biệt, pha sẵn trong ly nhựa, có nắp đậy,
được mang ra mời tất cả những người tham dự đại hội. Ban tổ chức vô cùng cảm tạ tấm lòng
vàng của chị Hương hôm đó. Lang thang ở góc phố nhỏ người ta cũng nhìn thấy hai bạn Thu
Hương và Ngọc Nga bưng những thùng nhỏ đi vòng vòng, tuỳ lòng hảo tâm cô bác ủng hộ
cho ban nấu nướng, còn có phó nhòm áo bà ba Thu Vân đi thu lại những hình ảnh đẹp qua
ống kính.

Thầy Cam cùng vài người bạn Quảng Nam cư ngụ tại Atlanta chuyện trò rất tương đắc.
Thầy Hiếu được người cháu đưa đến buổi picnic, thầy tỏ ra xúc động trước chân tình của học
trò. Thầy cũng có lời ngợi khen những nữ sinh chân yếu tay mềm đã đứng ra cáng đáng công
việc chung của trường. Thầy Quang cùng cô đến hơi trể, quán Mì Quảng đã vơi, thôi đành mời
thầy cô dùng tạm bánh ú, bánh đập dập và vài cây nem nướng, do chủ quán Loan Anh chiêu
đải. Thầy cô cười hiền lành, học trò lớp lớn, lớp nhỏ vây quanh để chụp hình lưu niệm.

Thời tiết bên ngoài chừng 90 độ, không khí ẩm ướt vì ảnh hưởng cơn bảo ở hướng nam.
Rất may là trời không đổ mưa nên mọi người sinh hoạt rất vui vẻ. Tiếng còi xe cứu thương
“wáo…..wáo…” một phu quân của chị LMM đã xỉu vì quá vui. Không biết có phải vì anh này đã
diện kiến được người xưa hay sao mà trái tim xúc động mãnh liệt đến độ ngất xỉu. Sau vài
phút hô hấp nhân tạo với sự giúp đỡ của toán cấp cứu công viên Stone Mountain, rất may anh
đã hồi phục trong tiếng thở phào của bà xã và chị trưởng ban tổ chức. Chương trình văn nghệ
cũng tạm lắng đọng, mọi người rủ nhau chụp hình kỷ niệm theo niên khóa lớp. Anh xã của chị
trưởng ban văn nghệ kiếm chị trưởng nhắc nhở:

- Tối nay có ai đi đón dùm ĐT chưa?

- Hả?

- Cô này chỉ nghỉ được một ngày, chủ nhật dự lễ xong thứ hai bay về lại liền. Tội nghiệp,
ráng đón dùm nghe, mười giờ tối nay máy bay xuống.

Chị trưởng vội vàng bấm điện thoại nhờ đứa con gái nhỏ đi đón ĐT. Thêm phần nhắc
nhở, nhớ đi sớm sớm, phòng hờ cuối tuần kẹt xe.

Nắng chiều đã tắt, khí trời vẫn chưa dịu mát, từng toán người rủ nhau đi thăm viếng khu
vực núi đá, leo lên đỉnh Stone Mountain bằng Sky lift để ngắm Atlanta về chiều hay mua vé đi
chuyến tàu lửa cổ điển vòng quanh núi … xình …xịch …xình …xịch! Vài nhóm khác rủ nhau
tản bộ ở bờ hồ để hưởng những cơn gió mát nhè nhẹ từ mặt hồ thổi lên.

Tám giờ rưởi, chương trình laser show và pháo bông bắt đầu. Các nhóm rủ nhau ngồi
cạnh nhau trên bãi cỏ trước ngọn núi đá khổng lồ để xem show, chị Phương Thảo bây giờ mới
sực nhớ ra món xirô đá để quên trong thùng đá, thế là một số đá màu, món ăn hàng tuổi thơ
được chuyền tay cho các bạn. Ai lanh tay thì có, chậm tay thì … buồn! Trong không khí oi bức
và ẩm ướt, sau một buổi chiều mệt nhoài, ngậm cục xirô đá nghe mát cả lòng, những kỷ niệm
thời thơ ấu chợt thoáng hiện ra rồi tan biến. Ôi, ngày vui, sao chóng tàn?
 

Mời bạn đọc tiếp