Kỷ niệm xanh
Bài viết về những kỷ niệm thời học dưới mái trường Hồng Đức.
Năm tháng phôi phai, nên không tránh khỏi đôi điều thiếu sót, hoặc nhầm lẫn ngoài ý muốn. Mong các bạn mỉm cười, thông cảm cho và mời các bạn cùng tham gia viết về những kỷ niệm ngày xanh.
Tập I
Đó là những kỷ niệm thời còn ôm vở đến lớp ngày hai buổi. Trường học, thầy cô, bạn bè, chỉ bấy nhiêu thôi mà có không biết bao nhiêu là kỷ niệm. Kỷ niệm dù xa xưa hay mới mẻ, mỗi khi nhớ về cũng để lại trong tiềm thức chúng ta chút ưu tư, khi vui, khi buồn. Dẫu vui dẫu buồn thì cũng là những tháng ngày đã qua. Và dường như trong từng ngăn kéo buồn vui đó … mang những sắc màu khác nhau, ít ra là đối với riêng tôi.
Kỷ niệm xanh, khi nhớ đến là tâm hồn chúng ta nhẹ nhàng, lâng lâng, vui vui. Khác với kỷ niệm tím gói trọn những giọt nước mắt tan vở, khác với kỷ niệm hồng của khung trời yêu đương xưa cũ, khác với kỷ niệm vàng nhắc đến một thời hoàng kim, vang bóng nay không còn nữa.
Mười hai năm làm học trò đối với tôi quả là một quãng đời đáng ghi nhớ. Đó là quãng đời mang màu xanh dịu dàng như mây trời, hiền hòa như mặt biển những ngày êm đềm sóng lặn. Dòng ký ức đưa tôi trở về những tháng ngày xưa cũ nhưng dễ thương và mang một màu xanh huyền diệu đó …
Ngày tôi vào lớp sáu trường Nữ Trung Học Đà Nẵng, mười hai tuổi, ngơ ngơ ngác ngác. Trường mới, lớp học, phòng học mới, thầy cô mới, dĩ nhiên, bạn bè cũng mới nữa! Tôi nhớ cô Kỳ dạy Việt Văn năm lớp sáu, chân cô hình như hơi khập khiểng. Năm đó cô đã luống tuổi, người gầy gầy, tính cô hiền lành lắm và giảng bài rất hay. Tôi nhớ cô có kiểu dạy cũng lạ. Giờ Kim Văn và Cổ Văn có những bài học thuộc lòng thì cô bắt học sinh phải vẽ hình minh hoạ, như thế mới được điểm cao. Học bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ “Gặm một khối căm hờn trong củi sắt …” thì trang bên cạnh phải có vẽ hình ông cọp rằn ri bị nhốt trong chuồng sắt, phía sau có hình suối nước giả, hoa lá giả … Tôi nhớ có dạo học bài học thuộc lòng tả cảnh một buổi chiều quê, tôi quên mất đoạn đầu, chỉ nhớ hai câu cuối:
Có tiếng ai đầu xóm
Tí ơi, về ăn cơm!
Tôi đã vẽ vào trang vở hình một căn nhà tranh, có hai cây cau phía sau, có lu nước bên cạnh, có ánh trăng lấp ló sau đám mây, có hình người phụ nữ đứng trước hiên nhà, bên cạnh tôi viết câu: Tí ơi về ăn cơm … và có dấu mũi tên chỉ vào ngay cái miệng người phụ nữ. Cô Kỳ kêu tên tôi lên dò bài, nhìn bức tranh ngô nghê tôi đã vẽ, cô cho 17 điểm, cười và nói:
- Mai mốt lớn em đi làm họa sĩ vẽ truyện tranh được rồi.
Sau này tôi lên các lớp lớn hơn, được học Văn với nhiều thầy cô khác nhưng lòng tôi nhớ hoài cô Kỳ và những bài học thuộc lòng năm xưa. Hình như bài nào cũng có nội dung về công dân giáo dục và giọng văn thì thật trau chuốt, mượt mà, vừa dễ học vừa rất thu hút.
Năm lên lớp bảy thì đám học trò trong lớp cũng đã thân thiết nhau hơn, tôi luôn luôn ngồi bàn nhì, dãy bàn trong cùng, đối diện với bàn giáo sư. Nhóm chúng tôi là những đứa nhỏ con, ham chơi, nghịch ngợm nhất trong lớp. Vị trí chỗ ngồi này hình như giữ mãi cho đến ngày cả bọn giã từ thời trung học đệ nhất cấp để chia ban ngành, năm lên lớp mười. Đã mấy mươi năm trôi qua nhưng hình ảnh và dáng dấp của nhóm bạn thuở xưa vẫn còn đọng lại trong tâm tư tôi, với nhiều biệt hiệu, nhiều trò nghịch ngợm khó quên.
Tập II
Hai con nhỏ ngồi bàn đầu, trước mặt giáo sư cùng mang tên Vân và cùng họ Hà. Đó là Thanh Vân ốm yếu, nhỏ con nên được đặt cho biệt hiệu là Vân Ròm; còn Thu Vân với đôi kính cận nặng không bao giờ rời, Vân được bạn bè thân ái đặt cho mỹ danh Đít Chai, vì đôi kính của Thu Vân dày như cái đít chai. Kim Oanh ngồi bên cạnh Thu Vân, da trắng, tóc loe hoe vàng, đôi mắt màu hạt dẻ, nếu không có cái miệng móm thì chắc đã đạt chức hoa hậu rồi. Chúng tôi gọi nó là Oanh móm hoặc Bà La Sát vì tánh hay la hét, nói nhiều của nó. Kim Oanh cũng chính là người có sáng kiến đặt bí danh cho đám chúng tôi thuở ấy.
Bàn nhì, đầu bàn là Quang Ấn, có đôi mắt to, lông mi đen, chân mày rậm được gọi là Ấn Độ vì có nét hơi giống công chúa Chà Và. Ba nó làm ở bưu điện Đà Nẵng nên gia đình ở chung cư gần bưu điện, nơi có hàng dừa dọc con dốc đưa xuống bờ sông. Bên cạnh tôi là Quỳnh Liên, dáng đẹp, tánh tình rất lãng mạn, chỉ có tôi ngồi bên cạnh mới hiểu nổi những suy tư thầm kín của nó. Cạnh tường, trong góc là Phương, biệt hiệu Phương ruồi, không phải ghẻ ruồi mà là cái nốt ruồi duyên trang điểm trên đôi môi ưa ăn hàng của nó.
Thúy Liễu ngồi bàn sau, mái tóc dài tha thướt và đôi mắt đẹp ghê hồn, Thúy Liễu ít nói và rất hiền nhưng có lần tôi không nhớ rỏ Liễu bị tội gì mà thầy Dũ dạy anh văn kêu Thúy Liễu đứng lên hạch hỏi. Cô nàng đã cứng đầu cải lại mà nước mắt rưng rưng, khiến ông thầy trẻ nghẹn ngào … tha tội! Cùng bàn với Thúy Liễu là Trịnh Thục Trang, chỉ mới cái tên thôi là biết ngay cô nàng rất dịu dàng thục nữ. Nét chữ nết người, Thục Trang có hoa tay, viết chữ rất đẹp, con nhà bắc di cư nhưng Trang không nói giọng bắc. Mồ côi mẹ, Trang và các anh chị em sống với bố, có lẽ hoàn cảnh đơn côi như vậy nên nét mặt Thục Trang lúc nào cũng buồn buồn.
Bên cạnh Thục Trang, ngay sau lưng tôi là Trần thị Tịnh, hồi đó được gọi là Tịnh Mập mà sao nó chẳng buồn chẳng giận hờn. Con nhỏ vừa lùn, vừa ú, da dẻ thì xanh xao như bệnh hoạn nhưng tính rất hiền. Có tháng, tự nhiên con bé leo lên đứng nhất lớp, qua mặt cả Liên Hương, cô học trò học giỏi trứ danh mà phải bị sụt hạng vì hình như bị ăn con zero của ông thầy dạy võ Hoàng Bích Sơn. Cũng với lý do này mà cô Thu Nga đã đặt cho tổ một chúng tôi là Tổ Làng Nhàng.
Một cô nương liễu yếu đào tơ nhất đám là “bông sen vàng” Kim Liên, tức Liên ròm. Cô này điệu đàng nhất đám, tóc tai lúc nào cũng nơ bông kẹp cài, đủ màu đủ kiểu, thay đổi liên tù tì theo thời tiết. Con nhà quan, đi đâu cũng có xe đưa rước nhưng cô nàng cũng thừa can đảm cùng đám bạn … đi bất cứ nơi đâu. Nếu Kim Liên biệt danh là Liên ròm thì bên cạnh đó còn một em nữa, Phan Thị Huệ, không những ròm mà còn đẹt nữa, đã vậy còn chuyên môn mặc áo dài, trông Huệ không giống đóa hoa huệ mà giống y trái khổ qua đắng ngắt. Huệ cũng ở kiệt Hoàng Diệu gần nhà Tịnh, Trang.
Còn tôi, tên ba má đặt ra không trùng với em nào trong lớp, rất mỹ miều là Nguyễn Diệu Anh Trinh vậy mà … hỡi ôi, không biết có phải vì có bùa chú hay sao mà được mang biệt danh Yêu Tinh. Tôi đã từng leo lên chức tổ trưởng tổ 1, điều khiển cả đám yêu quái đó. Còn nhớ cuối năm lớp chín, lớp tôi làm được tập Đặc San Ngước Mắt, tôi có nặn óc làm nên một bài thơ thân tặng cho mười bạn trong tổ Làng Nhàng. Thật ra tổ tôi có mười một người nhưng thuở xưa đến nay chỉ thấy mười thương, mười yêu chứ không có thi sĩ nào tăng giá đến mười một nên tôi làm tặng cho mười bạn trong tổ, để kỷ niệm một thời sống chết có nhau.
Tập III
Bài thơ Mười Thương Đội Một đọng lại trong ký ức của tôi như sau:
Một thương cô bé Kim Oanh
Nói năng lách chách, lanh chanh, hay cười
Hai thương Quang Ấn vui tươi
Chuyên môn chọc phá nhiều người chán chê
Ba thương Vân ốm, ốm ghê
Con người be bé mà mê ăn hàng
Bốn thương Tịnh Mập làng nhàng
Bề cao thước mốt tánh nàng dễ thương
Năm thương người đẹp tên Phương
Đào hoa nhất xóm nên thường làm duyên
Sáu thương ấy Phạm Quỳnh Liên
Học hành chăm chỉ, gạo bài rất siêu
Bảy thương Thúy Liễu yêu kiều
Tóc dài tha thướt, lắm điều bướng ngang
Tám thương là Trịnh Thục Trang
Nổi danh khả ái, dịu dàng, hiền ngoan
Chín thương bé Huệ họ Phan
Nhỏ con nhất lớp, cô nàng hạt tiêu
Mười thương cô điệu nhất nhà
Cô ốm nhất lớp đó là Kim Liên
Một mai xa cách bạn hiền
Anh Trinh tổ trưởng nguyên là Yêu Tinh
Có bùa, có phép tàng hình
Hồ hồ … biến biến … chúng mình gặp nhau.
Ngoài mười tên trong tổ một tức tổ Làng Nhàng vừa được nêu tên trong bài Mười Thương, nhóm tôi còn kéo thêm một vài em “gần nhà, xa ngõ”, tuy không ngồi cạnh nhau trong lớp nhưng có thể ra về chung lối, hay có là những tư tưởng lớn gặp nhau nên tuy xa mà gần. Tổ Làng Nhàng như trải rộng môi trường hoạt động từ dãy trong ra tớì dãy giữa, dãy ngoài.
Trước hết là một nhân vật hay mơ màng, từ ánh mắt, điệu bộ cho đến lời nói đều thấm đượm chất lãng mạn, nên nàng Lân được đặt cho cái tên là Lân thi sĩ, dù thuở đó chúng tôi chẳng biết thơ thẩn là gì. Xa xa, tuốt dãy bên kia có Thu Nguyệt, trưởng ban báo chí của lớp suốt mấy năm liền, vì bự con hơn chúng tôi nên ngồi hơi xa. Nguyệt có biệt hiệu là Nguyệt Khểnh với cái răng cời khi cười rất có duyên. Năm lớp 9/4 Thu Nguyệt ngồi tuốt dãy ngoài, cùng xóm với Lệ Hồng, Phi Nga nhưng con nhỏ vẫn cặp kè đi chung với chúng tôi trong tất cả các trò nghịch ngợm. Còn cô nàng Mộng Linh nhà ở cuối đường Nguyễn Hoàng nối dài thì không biết có ưa ăn dừa không mà lại được Kim Oanh đặt cho biệt hiệu là Mộng Dừa. Ngoài ra còn có Quách thị Ngân, nghe đâu tên chính xác là Kim Ngân, nhưng khi làm giấy khai sinh ông già hộ tịch lẩm cẩm làm rớt mất chữ Kim, tên nó còn lại là Ngân. Kim Oanh nói, Ngân là tiền nên đặt cho Quách Ngân cái bí danh là Quét Tiền. Nàng này ngày xưa đi học gạo bài số một, ra đời không làm chủ ngân hàng mà lại làm bác sĩ. Còn cô nàng Ngô Hương, với bí danh là Bắp, con ông chủ tiệm xe đạp Tùng Chiêm, nhà ở Ngã Năm có nụ cười duyên dáng, nhỏ này thuở đó hay dẫn chúng tôi về nhà nó thăm căn phòng tiểu thơ của nó, căn phòng trong mơ của lứa tuổi thích ô mai, đứa nào cũng thấy mà thèm.
Nhóm nghịch ngợm sẽ vô cùng thiếu sót nếu không nhắc đến “Lá ngọc cành vàng”, là mỹ danh của Ngọc Dziệp. Những năm lớp sáu, lớp bảy thì Dziệp ngồi gần Ngô Chung Thủy, cùng dãy với chúng tôi, mấy năm tiếp, đám nhỏ con chúng tôi dời qua dãy trong cùng. Dziệp vẫn ngồi dãy ngoài nhưng vẫn có mặt trong hầu hết những cuộc vui của nhóm. Cô nàng này lanh lẹ, mồm miệng dẻo nhất đám. Những năm học lớp sáu, lớp bảy tôi với Ngoc Dziệp đã từng là đôi song ca nhạc twist y chang Hùng Cường - Mai Lệ Huyền. Nó chuyên làm đạo diễn cho tôi trong những màn ”… Khoác lên ngực áo anh một vòng hoa, cớ sao tự nhiên em lại thẹn thùng …” hoặc “Xa vắng vài năm nay trở về, thấy em mà anh bỗng … giật mình…”. Dziệp cao to hơn tôi nên luôn luôn đóng vai chàng lính đa tình, còn tôi là em gái hậu phương bé bỏng của nó. Hai đứa đã có thời làm mưa làm gió … dưới gầm sân khấu, những buổi liên hoan cuối năm.
Tập VI
Nhóm chúng tôi chuyên môn rủ nhau đi ăn hàng, lang thang đây đó, chọc phá nghịch ngợm. Buổi trưa đi học thì thế nào cũng ghé qua cổng phòng mạch bác sĩ Nam bên hông trường để dùng băng keo dán cái chuông trước cổng cho nó reng reng ... inh ỏi, mãi đến khi con chó nhà bác sĩ sủa gâu gâu, nghe rất dữ tợn thì cả đám mới bỏ chạy.
Có những buổi chiều nghĩ hai giờ sau là hấp dẫn nhất, cả bọn kéo nhau xuống bờ sông Hàn, đứng ở bậc tam cấp bưu điện Đà Nẵng nhìn sang bên kia sông, gió từ sông thổi lên mát rượi. Sau đó rủ nhau mua vé đò ngang sông Hàn. Cả đám lên phà đứng ngắm mây bay, gió thổi. Phà đi qua đi lại chúng tôi cũng không chịu lên bờ. Mãi đến chiều mới chịu rời phà lên bờ, gặp người soát vé còn xin giảm bớt tiền vé với lý do: Tụi con là học sinh, nhà tận bên tê sông, ngày mô cũng qua Đà Nẵng đi học … Chú thâu vé bị lừa dễ dàng, sau khi giảm tiền được rồi, cả bọn reo mừng inh ỏi.
Sau này cả bọn còn rủ nhau dạo phố, xuống chợ Hàn, dọc đường Trần Hưng Đạo, Đồng Khánh, vào các hàng tơ lụa Bombay của các chú Chà Và. Có đứa dại dột xếp vạt áo dài ở chỗ góc cho giống cái lỗ tai mà búng, búng. Đó là hình tượng búng lỗ tai heo hoặc bò, hai con vật linh thiêng mà những người theo Bà la Môn hay Hồi giáo thường thờ cúng. Làm vậy sẽ bị các chú Chà Và ví chạy, vậy mà sao cứ thích trêu ghẹo mới lạ chứ.
Tung hoành ngang dọc, nhóm chúng tôi thuở mười ba, mười bốn cũng lắm khi mộng mơ. Kiếm cớ đi qua Mỹ Khê nhặt vỏ sò cho bài Vạn Vật, cả bọn rủ nhau lang thang dọc theo bải biển. Có đứa nhặt được cái vỏ ốc to, cả đám áp tai vào và cùng gật gù: Nghe tiếng sóng rì rào trong lòng con ốc. Có khi xúm nhau tạt nước, nô đùa mải mê với sóng biển, khi mặt trời lặn mới kéo nhau ra về. Mợ Kim Liên bị đám thanh niên rượt chạy, vạt áo dài vướng vào thép gai rách te tua. Còn cả đám thì xanh mặt tái mày vì suýt trễ mất chuyến phà cuối trong ngày. Về đến trường, nhà xe vắng tanh, chỉ còn một chiếc xe đạp của Thu Nguyệt chơ vơ trong nhà xe, các phòng học đã lên đèn, lớp anh văn ban đêm của Hội Việt Mỹ đã vào lớp. Hình như lần đó, ba tôi đã lái chiếc xe Sprint chạy vòng vòng Đà Nẵng để kiếm tôi. Yêu Tinh bùa phép cở nào cũng không đủ làm ba nguôi cơn giận. Một trận đòn đổi lấy một buổi chiều rong chơi, đó là lẻ thường.
Riêng câu chuyện rủ nhau xuống Cổ Viện Chàm hái hoa sứ gắn lên tóc rồi chụp hình, rốt cuộc không có tấm hình nào vì máy không có phim … cũng là một kỷ niệm dễ thương khó quên. Nhóm tôi ham chơi hơn ham học, những đợt trường tổ chức cắm trại bên Bãi Bàng, Bãi Bụt tận bên Tiên Sa thì cả nhóm tham gia không thiếu em nào. Có khi còn tự tổ chức dắt nhau đi Non Nước nữa chứ, tôi nhớ đã tự sáng tác ra tờ đơn xin phép cha mẹ, đem về cho ba tôi ký vào là đồng ý cho con đi chơi, mọi chuyện xảy ra nhà trường sẽ chịu trách nhiệm. Ôi, nhớ lại cái lần duy nhất gạt được ba tôi hôm đó mà cảm giác hí hửng vẫn còn khiến tôi vui quá.
Nhóm chúng tôi ít mê coi xi nê như đám ăn chơi kiểu nhà giàu: Bích Hạnh, Xuân Mai, … nhưng nếu có dịp đi xi nê là thế nào cũng kiếm vài cái chewing gum để lên ghế cho bà con, anh chị nào hay vào đây tình tự dính chặt vào ghế, cho chừa lần sau hết đóng phim bậy bạ.
Tập V
Câu chuyện coi xi nê cũng có một kỷ niệm dính dáng đến người lớn. Năm đó, hình như là lớp mười, từ mái tóc dài quá eo tôi bắt chước cô bé trong bài thơ “Cô Bắc kỳ nho nhỏ” của Nguyễn Tất Nhiên, ra tiệm Lê Nẫm ở đường Hùng Vương cắt ngắn tận ót, kiểu demi-garcon, trông tôi ngổ ngáo như con trai. Không nhớ dạo đó rạp Kinh Đô chiếu phim tình cảm gì mà tôi và Kim Liên rủ nhau đi coi, vào rạp chen lấn tơi bời. Vì thời đó ai vào trước là có ưu tiên nên chúng tôi không có ghế ngồi. Hai đứa đứng dựa ở một góc, tôi tuy không cao to gì mấy nhưng so với Kim Liên thì tôi cũng có vẻ mạnh mẽ hơn. Để bảo vệ con bạn ốm yếu của mình, tôi quàng tay ôm eo nó. Hai đứa đứng nép vào nhau trông rất tình tứ (thời đó ở VN, bạn gái ôm nhau là chuyện thường). Ai dè, trong đám khán giả có người quen hay lính tráng gì của ba nó, người này về nhà méc lại, Kim Liên bị ba nó la cho một trận oan ức, nói gì ông cũng không tin. Sau cùng Kim Liên phải triệu tôi đến nhà nó, mặc y bộ đồ hôm đi coi xi nê, là cái quần jean may bằng loại jean có hột hột như cát và cái áo thun ngắn tay. Với tướng tá đẹp trai như tài tử xi nê đó, tôi đến trình diện vị thiếu tá tiểu đoàn trưởng để thanh minh thanh nga cho bạn mình mà hồi hộp, run run. Kim Liên hết bị la, còn tôi từ đó có thêm chút uy tín với thiếu tá mãi đến ngày nay. Nay tôi và Kim Liên tiểu thơ đã là những phụ nữ hơn năm mươi, vậy mà bất cứ khi nào tiểu thơ đi du lịch đâu xa, nếu ngài thiếu tá biết có tôi đi cùng là ngài yên tâm lắm lắm.
Lớp chín bốn của chúng tôi thuở ấy nổi bật trong các lớp chín với nhiều học sinh xuất sắc. Bởi vậy, nhân ngày khánh thành Phòng Nữ Công Gia Chánh vào dịp Lễ Hai Bà Trưng năm 1974, lớp chúng tôi liều lỉnh ghi danh dự thi Nấu Ăn, quyết ăn thua đủ với các khóa đàn chị trong trường.
Cô nàng xung phong làm bếp chính là Hoàng Thị Nguyệt Thu. Trời ơi! trong lớp có nhiều đứa la làng: Nguyệt Thu là con gái cưng nhà giàu, có mấy ông anh học bên Kỹ Thuật Đà Nẵng. Thu học thì giỏi chứ làm gì biết nấu nướng mà dám cả gan! Coi chừng làm mất mặt cả lớp! Vậy đó, rồi ngày Lễ truyền thống của trường cũng tưng bừng đến, các lớp tham dự được cử đại diện đến bốc xăm, đề thi chung là: Hãy nấu một bữa ăn thanh đạm cho một gia đình có 4 người, bậc trung lưu, tiền chợ quy định là 500 đồng, hình như vậy. Dù léo nhéo phàn nàn, nhưng cái dễ thương của chín bốn là tinh thần đoàn kết.
Sau khi Nguyệt Thu nhận tiền chợ từ ban giám khảo, một bạn hăng hái lấy xe chở Nguyệt Thu đi chợ, cả đám lăng xăng giúp đỡ. Nguyệt Thu vào bếp vừa xem hướng dẫn trong một tờ tạp chí vừa xào xào, nấu nấu, không khí náo nhiệt vui ơi là vui. Có hai cái bếp cho một lớp nên cả nhóm xúm xa xúm xít lo các món ăn cho kịp giờ. Mãi mê vừa làm vừa giởn gần hết giờ mới khám phá ra là nồi cơm chưa nấu. Tôi nhớ nhỏ Ngọc Diệp rất lanh lẹ, giải quyết rất kịp thời:
- Ê, Yêu Tinh, ta với mi ra sân trường đốt lá bạc hà nấu cơm.
Tôi e dè:
- Mà … mi biết nấu cơm hông?
Diệp hùng hồn:
- Dễ ợt, nấu đại chớ chi mà lo.
Tôi và con nhỏ bèn ra ngoài, trước phòng học, nhen bếp trên ba cục gạch mới lượm ở đống đá sạn trong sân trường. Diệp hối tôi kiếm thêm giấy báo, giấy vở … cái gì đốt được là mang về. Hai đứa xum xoe thổi thổi, quạt quạt. Nồi cơm vừa cạn thì cũng sắp đến hết giờ. Diệp lanh lẹ bới một dỉa bưng vào cho Nguyệt Thu. Trong khi đó các thầy cô trong ban giám khảo đã đi vòng vòng ăn thử các món ăn của các lớp lớn. Thầy Tường dạy Toán và cô Thu Nga chủ nhiệm lớp tôi cũng là hai nhân vật trong ban giám khảo. Hên quá, có lẻ vì đi vòng vòng nếm món ăn của các lớp kia đã no hay sao mà đến khi chấm điểm các món của lớp tôi, quí vị thầy cô chỉ nếm thức ăn chứ không ghé mắt qua đĩa cơm do đó thầy cô đã không hề biết rằng đĩa cơm do tôi và mợ Diệp phụ trách chưa được chín, mới có tám rưỡi thôi.
Các món ăn của lớp tôi do Nguyệt Thu đạo diễn trình làng hôm đó, tôi nhớ có món cá thu chiên dằm nước mắm ớt tỏi, rau muống luộc lấy nước làm canh và món mực xào thơm cà và ít dưa leo. Các thầy cô khen món mực xào ngon và lạ miệng, có thầy cô còn đùa là Nguyệt Thu vốn rất giỏi toán nên biết tính toán, đi chợ có lợi cho cả nhà! Bình hoa được trang hoàng ở mâm ăn cũng là loài hoa cánh bướm, Nguyệt Thu giải thích: Gia đình trung lưu làm gì có đủ tiền đi mua hoa hồng sang trọng nên cắt hoa dại trong vườn vào để làm đẹp bữa ăn. Cách giải thích thông minh của Nguyệt Thu đã thuyết phục được các vị giám khảo. Từ hình thức đến nội dung mâm cơm của lớp tôi được chấm điểm cao nhất. Năm đó, ngoài các giải thưởng về văn nghệ, lớp chín bốn chúng tôi còn nhận giải nhất Gia Chánh toàn trường. Thật là một niềm hãnh diện. Nguyệt Thu sau này trở nên một doanh nhân thành đạt, là chủ một khách sạn cao cấp ở Đà Nẵng.
Tập VI
Bên cạnh những hoạt động về học tập, gia chánh lớp chúng tôi thuở đó cũng tham gia vào sinh hoạt thể thao của nhà trường, tôi không nhớ năm lớp bảy hay lớp tám, đại diện cho toàn khối để tranh giải bóng bàn toàn thành phố là một cầu thủ bóng bàn của lớp tôi Chế Thu Hương. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh Chế Thu Hương mặc đầm trắng, mang giày bata trắng, đội mũ lưởi trai cũng màu trắng, con nhỏ cao ráo dáng dấp y chang là một thể tháo gia. Thu Hương cũng là học trò cưng của thầy Tường dạy toán và có chữ viết rất đẹp, ngay thẳng, cuốn lưu bút năm lớp chín tôi hiện còn giữ qua bao nhiêu năm vẫn còn nét chữ của Hương trong đó.
Những ngày cuối hè năm chia tay lớp chín, lớp chúng tôi có làm được một cuốn đặc san là cuốn Ngước Mắt, tôi nhớ hình bìa vẽ hình một cô gái mặc áo dài, có mang xiềng xích. Đó là tranh vẽ của hoạ sĩ kiêm võ sư Hạ Quốc Huy. Cuốn đặc san bằng giấy vàng quay ronéo tôi đã lạc mất sau nhiều lần dời chỗ ở.
Năm 1973 trường có nhận về một số giáo sư trẻ, mới ra trường, lớp chín bốn có thầy Thụy dạy Sử Địa, thầy Dũ dạy anh văn, thầy Thành dạy hóa học. Thầy Thành vào lớp tôi mở hàng với bài giảng chất khí: Clo. Giọng Huế của thầy khi phát âm chữ Clo nghe buồn cười lắm nên nhỏ Kim Oanh đặt cho thầy cái tên là Thành Cờ lo, có khi chúng tôi chỉ gọi tắt là Mr. Cờ Lo. Thầy Thụy được nhiều nữ sinh để ý với dáng dấp cao và gầy gầy, những ngày mới về trường có khi thầy mặc quần xanh sơ mi trắng đi dạy, trông thầy giống một sinh viên hơn là thầy giáo. Thầy Thụy kiến thức bao la, với lối giảng bài mới mẻ khiến chúng tôi yêu môn học lịch sử hơn. Nhớ hôm đầu tiên vào lớp, để tự giới thiệu mình, thầy lấy viên phấn viết tên thầy: Tống Văn Thụy, nét chữ thầy bay bướm, lần nào giảng xong một bài học thì cái bảng cũng đầy đặc những nét vẽ, chữ viết của thầy.
Năm sau lên lớp 10A2, thầy Thụy trở lại làm giáo sư chủ nhiệm của lớp chúng tôi, đa số là học sinh 9/4 lên. Một kỷ niệm khó quên là khi chúng tôi sửa soạn cho tờ bích báo dự thi Lễ Hội Truyền Thống Hai Bà Trưng, tháng 3 năm 1975. Bích báo Hướng Dương với sáng kiến là hình thức một đóa hướng dương lớn màu vàng tươi, nổi bật trên nền vải jean. Bài viết được nắn nót trang hoàng trên những cánh hoa. Chúng tôi rất lúng túng vì quỹ của lớp chi ra không đủ trang trải các chi phí. Thầy Thụy cư xử rất tế nhị, thông cảm. Thầy đã gọi Thu Nguyệt, trưởng ban báo chí đến và thầy ủng hộ chúng tôi số tiền khá lớn, hai ngàn năm trăm đồng, toàn là những tờ tiền lẻ, chắc là từ số lương thầy vừa nhận. Chúng tôi nhận bọc tiền đó mà rưng rưng cảm động. Bích báo Hướng Dương của lớp tôi đạt giải nhất năm đó, cũng là năm cuối cùng trong mấy năm ngắn ngủi tồn tại của ngôi trường mang hiệu của một vị anh quân Hồng Đức, Lê Thánh Tôn.
Hễ có ăn chơi là có lỗi lầm, có thưởng thì có phạt. Lớp tôi đã từng đạt nhiều danh hiệu thì cũng đứng đầu trong số lần bị phạt. Cô Kim Loan nhỏ con, nói giọng quận ba, cả gia đình cô, vợ chồng và thằng con ốm nheo ở trong một căn phòng nhỏ, gần cầu thang. Cô là sát thủ của đám học trò mới vào trường. Hở ra là cô phạt cấm túc, mang áo dài không có áo lót, cô bắt chép một trăm lần bản nội qui dài lê thê của trường. Có lần tôi bị phạt, tôi đã ăn gian bằng cách rút gọn bản nội qui, cô Loan tài tình cách nào cũng không thể biết được. Nếu cả lớp ồn ào phá phách cô phán cả lớp phải đem chổi hoặc giẻ lau đến trường lau chùi, dọn dẹp vào sáng chủ nhật. Đó là thời gian để chúng tôi nghịch ngợm, quậy phá chứ chưa chắc hình phạt cấm túc hay những lần la hét léo nhéo của cô đã có thể “cải tạo” được lũ học trò này. Thầy Cung Thế Mỹ mới là đáng sợ, thầy hay cầm cây roi đi lăm lăm, sẵn sàng xuất chiêu ngay khi gặp bất cứ nữ sinh nào giờ học mà đi lang thang nơi hành lang với áo dài không có bảng tên trường, hoặc có bảng tên mà không thêu tên, lớp. Những năm sau này, khi chúng tôi lên lớp tám lớp chín, bắt đầu biết e lệ thì trò phạt cấm túc quả là vũ khí lợi hại. Ngày chủ nhật lính tráng từ các doanh trại hay các tiền đồn về phép, đi nghênh ngang ngoài phố thật oai vệ, cơ hội để các nàng làm duyên với các anh. Vậy mà sượng sùng làm sao khi phải kè kè ôm cái chổi đi đi về về ngoài đường phố. Bích Hạnh là đứa sáng kiến lựa cái chổi nào cùn nhất nhà. Trước khi ra khỏi nhà thì lấy giấy báo quấn cái chổi kín mít, y chang cô dâu ôm bó hoa ngày cưới vậy, xong buổi phạt thì vất vào sọt rác luôn cho khỏe, sau đó tha hồ vi vu. Nhóm chúng tôi sau khi thi hành án phạt xong thì thường kéo nhau đi ăn hàng.
Tập VII
Nói về ăn hàng thì thôi, không bao giờ tôi quên món chè bình dân của một bà già người bắc. Cái quán, thiệt ra chỉ là bốn cây tre với miếng nylon căng lên cho cả hai mùa mưa nắng, cái bàn bằng gỗ không biết từ đời nào kiếp nào mà gỗ mục, chân bàn xiu xiu, cái băng ghế cũng rục rả, mùa mưa nước thấm ướt mèm, khi ăn chè chúng tôi phải ngoắc vạt áo dài lên mà ngồi chồm hổm, vậy mà cảm thấy ngon vô cùng.
Quán chè đơn sơ nằm ngay góc đường Nguyễn Thị Giang và Nguyễn Hoàng, từ bệnh viện đa khoa đi về hướng trường Phan Chu Trinh nó nằm ngoài đường, bên góc phải, sau lưng có ngôi biệt thự sân rộng xây theo kiểu Pháp không biết của nhân vật tiếng tăm nào. Chúng tôi đặt tên cho quán là quán chè bà Bắc luôn, vì bà bán hàng người bắc di cư, hay quấn cái khăn đen quanh trên đầu. Bà cao ráo, răng nhuộm đen, bốn mùa chỉ mặc chiếc quần đen ống cao ống thấp và chiếc áo màu nâu có hai cái túi rất to. Bà bán chè rất vui vẻ, dễ thương, đôi khi bà còn cho chúng tôi thiếu nợ. Hàng chè của bà đơn giản lắm, chỉ có món chè đậu đỏ hoặc chè đậu xanh nước, nấu với rất nhiều lá dứa, không có nước cốt dừa như sau này. Lâu lâu dừa rẻ thì bà trang điểm thêm mấy cọng dừa bào thành sợi. Hạt đậu xanh đậu đỏ bà nấu kiểu gì mà mềm múp, thấm đường ngọt thanh. Mùa hè, hình như không ngày nào là chúng tôi không ghé vào quán bà một lần. Những ngày mưa, quán của bà mới thê thảm, mưa giăng giăng bốn bề, bà Bắc che bên này, đậy bên kia. Mùa đông bà không bán chè nước đá được thì thay đổi khẩu vị bằng chè khoai môn nấu với nếp, thêm chút gừng rất đậm đà duyên dáng, hay chè bột lọc bọc hột đậu phụng rang. Bà đặt nồi chè lên cái lò than nên khi nào chè cũng được nóng. Thuở đó mỗi khi ăn chè mà trời mưa gió, chúng tôi thường nhìn bà Bắc rất ái ngại, đứa nào cũng sợ trời mưa bà bán ế, tội nghiệp. Một hôm không biết bận chuyện gì mà bà Bắc nghĩ, không bán hàng, chúng tôi đi học qua lại cái quán ven đường. Mấy băng ghế cũ kỹ chất chồng lên nhau xiêu vẹo, cái thùng đựng nước đá bằng gỗ lót phao bên trong với hai quai hai bên được bà xích kỹ càng vào cái chân bàn cũng đã quá cũ. Không thấy bóng dáng bà dọn hàng, con đường Nguyễn thị Giang đoạn đó như vắng lạnh, đìu hiu. Cả tuần sau bà mới xuất hiện. Nước mắt giọt vắn giọt dài, vừa múc chè bà vừa kể lể, anh con trai duy nhất của bà đã tử trận, đã đền nợ nước, để lại cô vợ trẻ mới ngoài hai mươi và thằng con thơ. Chúng tôi nghe và chỉ biết buồn dùm cho bà bởi hồi đó tuần nào trong xóm cũng có một đôi lần “hòm gỗ cài hoa” được đưa về xóm, tiếng khóc thương, tiếng kinh cầu đưa linh não ruột văng vẳng. Thời chiến, ôi mạng sống con người quá là mong manh, tuổi chúng tôi thì chỉ biết vui chơi và nghịch ngợm. Mặc cho bên ngoài súng vẫn nổ, máu vẫn rơi, trong sân trường, tiếng cười đùa của chúng tôi vẫn líu lo không ngớt.
Tập VIII
Về sau này có một quán chè nấu theo kiểu miền Nam, có bột bán, có nước dừa, đó là quán chè Thạch Thảo nằm ở cuối cầu vồng. Chuyên trị chè chuối chưng bột bán nước dừa, chè bông cau và chè thưng. Những ai từng là học sinh ở Đà Nẵng vào đầu thập niên 70 thì chắc đều biết quán này, một thời vang bóng bên cạnh quán cà phê Miên Thảo, có mấy cô cashier là ba chị em cùng là nữ sinh Hồng Đức, một thời ngoảnh mặt dẫm lên bao trái tim của các chành trai si tình thời đó.
Thêm một món ăn hàng trứ danh thường được chúng tôi chiếu cố nữa, món ăn hàng khá nặng ký, bánh bèo trường Nam. Cái quán nằm phía sau trường Nam tiểu học, mỗi khi đám chúng tôi kéo vào ăn là như một trận giặc tràn qua xóm làng. Ngồi ăn, đùa giởn, khi tính tiền còn kiếm chuyện phá nhau:
- Chồng mi cao hơn chồng tau, tau ba chồng, mi bốn chồng …
Là vì khi ăn xong, những cái chén be bé được chồng thành từng chồng cao, mỗi chồng mười hoặc mười lăm chén để dễ đếm và gọn chỗ, thế là cơ hội để mấy mợ tưng bừng quậy phá. Mùa nắng thì quán tương đối có khách, đến mùa đông, bánh bèo nóng mới ra lò rất hấp dẫn nên quán càng tấp nập. Những chiếc áo dài trắng ướt mèm nước mưa, bên cạnh những bộ đồng phục quần xanh áo trắng của đám nam sinh Phan Châu Trinh, mùi nhân tôm nồng nàn, quyện với mùi hành phi, ớt xanh … kẻ vào người ra, gọi chủ quán tính tiền ơi ơí. Hình ảnh quán bánh bèo trường Nam còn quyện mãi trong tâm hồn tôi những dịp nhớ về một thời đã xa.
Tôi có mặt trong hầu hết những đợt văn nghệ của lớp nên cũng thường được ăn theo những đợt bồi dưỡng. Năm lớp bảy lớp tôi đạt giải nhất với hoạt cảnh Bầy Thỏ Dưới Trăng. Nội dung giáo dục, kể lại câu chuyện đàn thỏ khi còn mẹ thì không vâng lời, đánh nhau hoài đến khi mất mẹ mới thấy “kết đoàn là sức mạnh” nên 8 chú thỏ hối hận … Sang năm lớp tám Ban văn nghệ lớp tôi nổi danh toàn trường nhờ đạt giải nhất hoạt cảnh Bạch Tuyết và ba chú lùn. Ngoài phần thưởng của nhà trường chúng tôi còn được cô Xuân Hòe giáo sư hướng dẫn tặng cho một món tiền lớn, nghe đâu là để chụp hình làm kỷ niệm. Vậy mà sau vụ đó, trưởng ban văn nghệ lớp tôi cũng là công chúa Bạch Tuyết đã rủ cả bọn đi sang quán bánh bèo Trường Nam nhậu một bửa tưng bừng. Kỷ niệm nhớ đời này đã được cả ban văn nghệ ham ăn, ham chơi nuốt hết vào bao tử, cười hả hê một trận. Để mặc cho cô nàng trưởng ban ray rức ưu tư vì đã qua mặt cô giáo, xử lý số tiền theo lời kêu gọi của ruột non ruột già…hà…hà…
Nhắc đến văn nghệ thì tôi không bao giờ quên những buổi cùng cả nhóm tập dợt, có khi đến nhà Tuyết Hằng, căn nhà gần trường, mé bên đường Nguyễn thị Giang, có dây tigôn leo kín hai phía rào, trong sân nhà có cái chùa nhỏ cẩn những mảnh chén dĩa kiểu nhiều màu. Chị Tuyết Sương của Hằng là người dạy chúng tôi những màn diễn xuất và cũng chính là người đi theo trang điểm, sửa soạn cho chúng tôi trong tất cả những tiết mục văn nghệ. Chị Sương cũng là nữ sinh trường Hồng Đức, khác hẳn dáng dấp nhỏ thó gầy gò của Tuyết Hằng, chị cao lớn nhưng cân đối, khuôn mặt rất tây. Ngày ấy trong tâm trí tôi chị Tuyết Sương đẹp như nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng một siêu sao của ngành điện ảnh Việt Nam thời bấy giờ. Có khi chúng tôi tập ở nhà Lễ Trinh, lần nào tập đến đoạn hoàng tử hôn công chúa để công chúa mở mắt sống lại thì Bạch Huệ, vai Hoàng Tử cũng mắc cở không chịu diễn, chị Cẩm Lai và chị Loan của Lễ Trinh rầy hoài, Bạch Huệ cứ đỏ mặt, cười cười đưa cái răng khểnh thật dễ thương. Vậy mà khi dự thi trên sân khấu Bạch Huệ đã diễn rất xuất sắc, đúng điệu, màn kết thúc đã nhận được biết bao tràng vỗ tay khen ngợi. Tôi không biết đến bây giờ Hoàng Tử và Công chúa khi nhắc lại cảm giác hôn hít đó tụi nó có nhột không ta? Riêng ba đứa tôi: Thu Sương, Bạch Nhạn, Anh Trinh thật mắc cười với vai chú lùn, bộ râu dê và cái quần đùi xé te tua dưới lai, khi đi ra đường cứ bị đám Phan Châu Trinh trong xóm réo ơi ới quê thiệt là quê.
Tiếp theo
Nguyễn Diệu Anh Trinh
Tháng 9, 2010