Một
Chị tất tả dắt chiếc xe Sirius vào nhà vì tiếng gọi đã bắt đầu gấp gáp:
- Lan! Lan!
- Em đây
Dựng xe vội vàng, chị bước nhanh vào căn phòng hơi tối khép hờ cửa.
- Anh cần chi không anh?
Người đàn ông nằm trên giường, gương mặt hơi lệch, cái miệng trễ xuống, méo mó kéo theo gương mặt trở
nên dị dạng. Con mắt nhìn chị trừng trừng, khó chịu:
- Đi đâu mà kêu hoài không thấy.
Giọng nói ngọng nghịu không rõ tiếng của anh có lẽ chỉ một mình chị là hiểu được.
- Em đi chợ mua nải chuối tối nay cúng rằm. Lúc sáng em quên. Anh cần chi?
- Quên. Có chừng đó cũng quên. Nước.
Giọng nói hằn học không dấu diếm. Chị yên lặng đến bàn rót một ít nước vào ly, dùng chiếc muỗng nhỏ đưa
vào miệng anh từng ít một. Phản xạ nuốt của anh hết sức khó khăn nên cả người uống và người đút đều vất vả.
Chị vơ vội cái khăn mắc ở đầu giường kê phía dưới miệng anh để đón dòng nước tràn ra ngoài phần nhiều dù
chị đã hết sức chậm rãi, cẩn thận. Nhưng thật ra, khi đút cho anh ăn khó khăn hơn nhiều. Món ăn duy nhất của
anh mỗi ngày là cháo lỏng nghiền nát bằng máy xay sinh tố, trong đó chị đã mua xương heo, có khi là thịt bò,
thịt gà hầm kỹ lấy nước. Nấu thì công phu nhưng một nửa đã đổ ra ngoài trong bữa ăn. Lúc trước thì anh còn
có thể nhai dù đã nằm một chỗ. Nhưng càng ngày anh càng yếu, sức khoẻ xuống thì việc ăn uống càng khó
khăn hơn.
Thấy anh làm thinh nên chị rời khỏi phòng sau khi sửa lại chiếc mền đắp trên người anh cho ngay ngắn. Quay
trở ra phòng ngoài, nơi chị đang kinh doanh Game online. Trước đây cả anh lẫn chị đều không thiện cảm đối
với loại kinh doanh này. Hàng ngày nghe, thấy biết bao câu chuyện những đứa trẻ đang ngoan bỗng trở nên hư
hỏng vì mê chơi game online. Anh chị cũng có hai đứa con, một trai một gái, cũng cảm thấy sợ nếu không may
con mình rơi vào trong số những đứa trẻ ấy. Nhưng cách đây năm năm, từ ngày anh không thể đi lại vì di
chứng của một lần cao huyết áp, một mình chị phải bươn chải tìm miếng cơm nuôi cả nhà, buộc lòng chị phải
nhắm mắt đưa chân mở tiệm game online này.
Cuộc đời lắm khi nhiều ngang trái không ngờ. Có khi không muốn vẫn phải làm, người ta nói đó là nghiệp phải
trả. Chị bây giờ quá thấu hiểu những sự tình cờ éo le ấy, nên hình như, nước mắt chẳng thể gội rửa hết nỗi đau
khổ trong lòng, nên hình như cũng đã lâu rồi chị không thể khóc. Giọt nước mắt cứ chảy ngược vào lòng, càng
thêm đau đớn nhức nhối.
Năm chị mười ba tuổi thì anh mười tám. Anh chị gặp nhau trên vùng kinh tế mới Tây nguyên. Con bé mười ba
tuổi theo mẹ cùng năm anh em dắt díu nhau lên vùng đất hoang sơ ấy sau khi được tin cha bị mất trong trại cải
tạo. Vì bịnh, vì đói khát, và có lẽ nguyên nhân chính là nỗi buồn quá lớn cứ chất chứa mãi trong lòng không
nguôi đã khiến ông không còn nghị lực sống để vượt qua cơn bệnh phổi quái ác. Thật cay đắng khi ông là một
bác sĩ, đã mổ xẻ, chửa chạy cứu biết bao người, vậy mà khi ông bệnh thì đành ra đi vì không thuốc men, không
cả người thân chăm sóc. Cái chết của cha chị được báo tin mãi sáu tháng sau, khi mẹ và anh Hai vượt mấy
trăm cây số ra đến trại thăm nuôi ba. Một ngày phải đi bộ, băng đèo, vượt suối mới đến nơi, không gặp được
chồng mà chỉ nghe giọng lạnh lùng của người quản lý trại báo rằng ông đã chết vì sưng phổi, mẹ ngất xỉu trên
tay anh.
Mẹ lúc ấy mới ba mươi tám tuổi, một nách sáu đứa con, không thể kiếm sống ở thành phố. Căn nhà đứng tên
ông thì đã bị chính quyền tịch thu, mấy mẹ con sống lây lắt ở nhà bà con. Ở nhờ đâu dễ dài lâu, dù vợ chồng
chú Tám tốt bụng, nhưng sinh hoạt chung đụng của mười ba con người trong ngôi nhà chưa tới một trăm mét
vuông quả là khó chịu. Mấy đứa con chú Tám không nói ra nhưng cũng chẳng thể vui lòng. Vậy là khi biết tin
chồng mất, địa phương thúc hối, mẹ quyết định bỏ thành phố lên non. Anh Hai lúc ấy mười tám tuổi, còn chị là
thứ ba chỉ mới mười ba.
Những ngày tháng bắt đầu cuộc sống mới nơi chốn hoang vu ấy bây giờ nhớ lại chị còn rùng mình kinh sợ.
Đến vùng đất mới, đất đai tuy màu mỡ nhưng là nơi rừng rú, khai hoang biết mấy vất vả. Sức người thay trâu
bò có khi mồ hôi chảy xuôi với nước mắt, nghẹn đắng lòng, vậy nhưng vẫn đói xót xa. Ban đầu còn gạo đem
theo từ dưới xuôi thì còn cơm ghẹ bo bo ăn qua bữa, sau rồi gạo và bo bo cũng hết, có khi ăn khoai sắn rừng
thay cơm, có khi cả nhà luộc nồi rau muống rừng đỡ dạ. Xót cả ruột nên đêm ấy không hẹn mà từ lớn đến bé
đều trăn trở không ngủ được. Thời gian sau có năm mất mùa, gạo hết, vậy là phải vào rừng đào củ chuối ăn
qua bữa. Có gia đình bác Tư một nhà bảy người hết ba người chết vì ngộ độc sắn rừng. Thật là kinh hãi cho
phận người thời ấy.
Nhưng nào phải chỉ người lớn là chịu nỗi cay cực, những đứa trẻ như chị, và các em ngày ấy cũng phải thiếu
thốn mọi bề. Làm trẻ con nhưng muốn cắp sách đến trường phải vượt hàng mấy cây số đường đất cứ tới mùa
mưa thì bùn lầy trơn trợt. Có khi chưa đến được trường đã phải quay về vì áo quần lấm lem bùn quá bẩn thỉu.
Mùa nắng thì đất đai nứt nẻ, bước chân con trẻ vô ý vấp té tét da chảy máu là chuyện thường ngày. Lớp học thì
tạm bợ, phên tre nứa tả tơi, mùa khô nắng nhảy múa trên sách vở, mùa mưa ngồi học né những giọt nước đều
đều nhỏ xuống, có khi né mãi, né mãi hết cả chỗ để ngồi. Đi học khổ là vậy, nhưng chị cũng ráng đi học. Mẹ
bảo, sợ nhất là giặc dốt, bà luôn khuyến khích con đi học, dù vì vậy mà bà vất vả hơn nhiều.
Vậy đó, trời sinh con người thật lạ, cứ tưởng sẽ không thể vượt qua, dù chỉ thêm một ngày, nhưng rồi ngày
tháng cứ trôi, và người ta vẫn sống. Nụ cười rồi cũng nở trên môi, dù đôi môi đã khô vì vất vả. Thương yêu rồi
cũng đến với đầy đủ hương vị ngọt ngào. Chị và các em sau những bở ngỡ, thiếu thốn ấy, đã hoà mình nhanh
chóng vào hoàn cảnh mới. Ngôi nhà ở tạm bợ, mưa xuống là nước chảy tong tong vào những xô, những thau
hứng khắp nơi trong nhà, rồi cũng trở thành thân thuộc. Mấy chị em dần dần thấy thích nơi hoang sơ này.
Buổi sáng ngày hè khi người lớn phải vô rừng chặt cây phát rẩy, thì chị cùng với lũ trẻ trong xóm bày ra lắm trò
chơi đùa chạy nhảy. Trưa về đun củi nấu cơm. Dù cơm ít hơn khoai sắn, bo bo, nhưng chan một chút nước
mắm ớt tỏi thấy cũng ngon lành, mấy chị em lùa vài lùa là hết chén. May ra thì còn mấy con cá nhỏ xí xi kho mặn
ngày hôm qua còn lại. Cá mẹ kho mặn chát lưỡi, chỉ cần mum mum tí ti là đủ một và cơm, nên có khi, con cá
bằng ngón tay út vẫn còn hơn một nửa khi chén cơm đã hết. Nhưng mà không sao, miễn no bụng là được. Ăn
hết cơm trong nồi, chạy ra cái lu múc gáo nước uống cái ực. Vậy là xong bữa trưa, lại rủ nhau chơi ô làng, hay
năm mười, hay đi chợ về chợ... Chơi chán thì rủ nhau chạy vào rừng kiếm củi mang về.
Ở đó, ở nơi tưởng như tận cùng của rách nát ấy, chị gặp anh, lúc ấy là chàng thanh niên mười tám tuổi, bằng
tuổi anh Hai nên hay sang nhà chị chơi lúc đêm về. Sau khi làm xong thủ tục họp, kiểm điểm phê bình...lẫn
nhau, nhóm thanh niên hay tụ tập ở nhà chị đàn hát vui vẻ. Anh không đẹp trai lắm, nhưng có giọng hát khá hay,
lại biết đàn guitar. Anh hay ôm đàn…phành phạch và hát nghêu ngao. Hát nhạc trước 75 thì không dám, vì
ngày nào cũng có cán bộ đi vòng vòng trong xóm kiểm tra, nên chỉ sau một thời gian, nhiều bài nhạc đỏ các
anh chị đều thuộc lòng. Trong số các cô gái trong nhóm, có cô Thuý xinh xắn, hai má lúc nào cũng ửng đỏ. Chị
hay ngắm lén cô Thuý, ước chi má mình đỏ bằng nửa thôi cũng tuyệt diệu rồi. Cô ấy lại hát hay lắm nữa. Cứ
nghe giọng trong trẻo ngân vang tính tính tính tang tang tình con chim xanh xanh, hót trên cành chào mừng quê
em...anh đang đánh đàn cũng phải ngẩng lên nhìn cô Thuý say đắm. Chị lúc ấy chỉ mới mười ba tuổi, nhưng
cũng biết anh mê cô Thuý như điếu đổ rồi.
Mấy hôm sau anh qua nhà chị, chìa ra mấy cục kẹo cau, là loại kẹo Huế được ưa thích thời đó.
- Cho Lan đó.
Giọng Huế của anh hơi khó nghe, nhưng khi nghe quen rồi cũng ngồ ngộ. Ngạc nhiên nhưng chị cũng cầm.
Con nít mà, sao từ chối kẹo được.
- Ăn xong rồi Lan đi đưa dùm anh cái ni cho chị Thuý hí.
Anh lôi trong túi áo ra một tờ giấy vở học trò, xếp thành hình cái bánh ú. Con bé ranh mãnh là chị đoán ra lờ
mờ rồi nhưng cũng làm ra vẻ ngây thơ cụ, ngơ ngác hỏi:
- Giấy chi vậy anh?
- Thì em cứ đưa dùm anh, rồi chờ hỏi chị Thuý có trả lời chi không thì đem về dùm anh vợi. Anh cho kẹo ăn
nữa.
Chị đồng ý giúp anh. Nhưng cô Thuý là người đẹp, nên chi không dễ gật đầu yêu, dù ngó sơ thì cũng thấy chị
hay liếc nhìn anh nhất trong đám thanh niên. Khi chị hỏi có trả lời thơ không thì cô Thuý lắc đầu.
Con chim xanh đưa thư vài bận nữa thì cô Thuý bỗng dưng biến mất. Nghe đâu cô đã về xuôi, không kịp cả giả
từ anh. Tội nghiệp anh lắm, mãi một thời gian lâu mới quên lãng nỗi buồn thất tình.
Một hôm, mẹ kêu chị vào bếp, hỏi:
- Nếu hai anh con về xuôi, con có giúp mẹ việc đồng áng được không con?
Mẹ muốn đưa hai anh về Sài Gòn để hai anh tiếp tục đi học. Dù vào đại học thì không thể, nhưng hai anh có
thể học một nghề nào đó, sau này cuộc sống dài lâu bớt vất vả chăng, chứ cứ sống mãi ở đây, xem ra lam lũ
cả đời. Chị lúc ấy mười bốn tuổi, gật đầu đồng ý. Một ngày mưa tầm tả, mẹ dậy sớm, vét lu gạo đến hạt cuối
cùng, nấu một nồi cơm, sớt ra làm hai, một nửa để lại trong nồi, một nửa vắt thành nắm, gói trong lá chuối để
hai anh mang theo ăn dọc đường. Mẹ đội mưa đứng nhìn theo hai anh đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng mờ
dần trong mưa. Tưởng mẹ sẽ khóc, nhưng không, chị chỉ thấy gương mặt phẳng lặng của mẹ. Sau này lớn lên
chị mới biết, khi lo lắng quá người ta không có nước mắt để khóc đâu. Chọn ngày mưa nên hai anh ít bị chú ý,
về được đến Sài Gòn an toàn. Hai anh không ngại làm đủ thứ việc nặng nhọc để mưu sinh, nhưng tính ra vẫn
không đến nổi tăm tối như nơi ở cũ. Chỉ có mẹ ở lại chịu rất nhiều áp lực. Không buổi tối nào mà mẹ không bị
cán bộ hạch sách trước mọi người trong buổi họp:
- Bà cho hai thằng con của bà đi đâu? Vượt biên rồi phải không?
- Dạ đâu có. Hai đứa nó xin về quê thăm bà nội bị ốm, ít bữa lên đó cán bộ ơi.
Sau đó thì mẹ lại phải nói dối là mất liên lạc với hai anh rồi. Không biết cả hai đi đâu. Chị không ngờ con
người tưởng mềm yếu là mẹ té ra vô cùng kiên cường. Mẹ hầu như gánh vác công việc cho cả hai anh. Chị chỉ
giúp đỡ mẹ được phần nào thôi. Vậy mà chưa bao giờ chị nghe mẹ than vãn. Đôi môi của mẹ luôn mím chặt,
nhất là khi nghe những lời chì chiết của cán bộ. Mẹ lặng thinh không cải một lời, nhưng chị biết, mẹ chị rất
cương quyết trong việc không gọi hai anh trở lên. Sau đó khi có đổi mới, vào những năm 80, mọi việc trở nên
dễ dãi hơn. Mẹ con chị hết phải nghe câu - chồng bà có nợ máu với nhân dân - mỗi đêm họp tổ. Hai anh thỉnh
thoảng lên thăm nhà, mang tiền cho mẹ, mang áo quần, sách vở, miếng ăn ngon cho các em. Nhưng thật ra,
dạo ấy thì chẳng có mấy ai thực sự sung sướng, trên non hay dưới xuôi cũng đều cơ cực.
Chị lớn dần lên trong hoàn cảnh khốn cùng ấy, lúc ấy cũng không mấy buồn. Vì cùng với chị, nơi ấy có anh. Chị
lớn dần lên, làm chim xanh giúp anh tán tỉnh các cô trong xóm, dõi theo những chuyện tình không mấy bền lâu
của anh, và cứ hể mỗi lần anh chia tay người yêu, là chị lại nghe lòng mình vui vẻ hẳn. Chị thấy lạ vì cảm xúc ấy,
nhưng cũng chẳng buồn tìm hiểu lý do làm gì. Cứ ngày nào cũng được gặp anh, nghe anh nói cười là đủ. Cho
đến một ngày, con bé mười bảy tuổi đỏ lừ mặt khi bị anh đột nhiên cầm tay hỏi:
- Lan có thương anh không?
Thật là như sét đánh ngang tai. Sét đánh trúng ngay trái tim nên nó đập thình thịch gần như muốn xé toang lồng
ngực. Chi hốt hoảng nhìn anh. Cứ muốn rút ngay tay lại, chạy vào nhà, nhưng ... thật lạ kỳ, đôi chân hình như
không còn là của chị, chúng cứ đứng yên, và chị để mặc anh kéo vào lòng. Nụ hôn phớt trên má lần đầu tiên ấy
khiến chị choáng váng, muốn ngất luôn cho rồi...
Sau này chị hỏi, vì sao lần ấy anh dám tấn công … ồn ào vậy, lỡ chị từ chối thì sao. Anh tự tin trả lời. Ui chà,
mê anh từ hồi ... mười ba tuổi, ai không biết. Chỉ là nhỏ quá nên anh ... tha.
Chị mười tám tuổi thì anh quyết định cưới chị, rồi chị theo anh về xuôi. Ba đứa em gái của chị cũng được hai
anh đem xuống Sài Gòn, nuôi cho ăn học. Chỉ còn mẹ ở lại với đất đai đã bắt đầu sinh lợi. Bà tiếc nên không
nỡ bỏ chúng. Biết bao công sức đã đổ ra ở đó. Mồ hôi, nước mắt, tất cả nhọc nhằn bà đã đều nếm trải, sao có
thể bỏ mà đi. Bà cho các con về xuôi, một mình ở lại. Cũng buồn, cũng ray rứt lắm. Nhưng thôi, dẫu sao bà
còn bà con chòm xóm chia sẻ cùng nhau từ những ngày đói khổ, coi nhau thân thiết như người một nhà. Ráng
ở đây kiếm chút tiền gởi về xuôi phụ với hai con trai nuôi em.
Quảng đời ấy mỗi khi nhớ lại chị đều không tránh khỏi tiếng thở dài. Ba chị dưới suối vàng có lẽ cũng tan nát
lòng nếu biết ở cõi trần vợ con mình cơ cực đến vậy. Đám cưới trên non chỉ mời bà con lối xóm đén chia vui,
ăn bánh kẹo rồi về. Không nhà hàng, xe rước dâu lộng lấy như đám cưới ngày nay. Sau đám cưới, anh chị
quyết định về xuôi, bắt đầu làm ăn bằng chút vốn liếng hai bên nội ngoại cho trong ngày cưới...
Hai
Tâm đến mang theo thiệp cưới con gái. Tâm là vợ bạn thân của anh. Hai gia đình vẫn giữ tình thân đã mấy
chục năm rồi. Khi Huệ, con gái đầu của anh chị lên hai thì Tâm chuẩn bị sinh con gái đầu lòng. Vậy đó mà bây
giờ bé Hiền đang chuẩn bị cưới. Tâm cầm tấm thiệp mời bước hẳn vào phòng anh.
- Chủ nhật tuần sau đám cưới bé Hiền, anh Vĩnh cho Lan đi dự với em cho vui nghe anh?
Anh quay chậm chạp gương mặt vào trong, không nói nửa lời. Vậy là Tâm biết, chị biết, chị sẽ không thể đến
dự đám cưới con gái bạn thân. Anh không đồng ý để chị đến bất cứ cuộc vui nào. Nghe thì không mấy ai tin,
nhưng từ ngày anh bị bịnh, phải nằm một chỗ, thì tất cả sinh hoạt vui vẻ bên ngoài ngôi nhà chị đều phải từ chối
hết. Ban đầu vì thương anh, chị cũng chẳng có lòng dạ nào để đi đến những nới người ta đang hạnh phúc ấy.
Chị chăm sóc anh thật đàng hoàng, thật cẩn thận, hy vọng một ngày anh sẽ có thể vượt qua bệnh tật, có thể đi
đứng như ngày xưa. Nhưng rồi ngày lại ngày, dù thuốc men đầy đủ, dù chị không ngại khổ chăm chút cho anh,
thì anh vẫn nằm yên đó. Thân xác thì mỗi ngày mỗi héo hon, còn tâm tính thì càng gay gắt. Rồi thời gian trôi qua
lâu quá, dần rồi thì chị cảm thấy mệt mỏi, thấy ngột ngạt khi phải quẩn quanh bên anh, trong khi ngoài kia,
bước qua ngưỡng cửa, là cuộc sống thay đổi từng giây, từng phút.
Như hôm nay, rất muốn đi dự dám cưới ấy, rất muốn được ra ngoài cho đầu óc nhẹ nhỏm một chút, rất muốn
nói với anh rằng anh không nên đối xử với chị như vậy. Đó là tội ác, thật sự là tội ác cho dù anh vô tình, cho dù
bây giờ đầu óc anh không còn tỉnh táo để biết phải trái, anh chỉ suy nghĩ theo cảm tính và cái tôi của mình thôi.
Nhưng chị không thể nói nên lời. Từ một thiếu phụ ưa nhìn, tính tình nhã nhặn, chị đã trở thành người đàn bà
luộm thuộm, mập tròn quay. Chỉ sau năm năm anh nằm một chỗ, thì chị cũng cam tâm sống một cuộc đời
không lạc thú. Chính anh là người kéo chị xuống cùng anh, nơi tối tăm của cuộc sống này.
Nhưng chị đành phải im lặng cùng Tâm bước ra nhà ngoài, tiễn Tâm về cùng lời xin lỗi, dù chị biết, bạn rất
hiểu và thông cảm. Người ta nói, vợ chồng khi hết tình thì còn có nghĩa, huống chi chị vẫn thương anh, vẫn buồn
nỗi buồn của anh. Chỉ là nỗi đau của anh chị không thể chia sẻ, dù rất muốn. Và sức chịu đựng của con người
có giới hạn. Những lúc muốn nhảy chồm lên vì giận, chị lại mở tủ lạnh, lôi mấy cây kẹo chocolates lúc nào cũng
có, ăn ngấu nghiến có khi hết cả hộp chỉ trong một ngày. Riết rồi chị nghiện ăn chocolates, ngày nào không ăn
là thèm thuồng có khi không làm được việc gì ra hồn nữa cả.
Bạn bè có người thương chị, xúi chị nên ích kỷ một chút. Hãy cứ ra ngoài, hãy cứ đi chơi, dù anh không muốn.
Mặc kệ cơn giận của anh, một vài lần rồi cũng sẽ quen. Dẫu sao thì chị còn cuộc đời của riêng chị, không thể
cứ mãi hy sinh, chỉ để anh hài lòng. Lần ấy, trong lòng cũng có chút quyết tâm, sau khi cho anh ăn uống, dặn dò
con gái đủ thứ, chị làm thinh rời nhà đến quán cafe, nơi các bạn thời cấp hai tụ tập. Nhưng đến ngồi chưa nóng
chỗ, chưa hết nỗi xao xuyến khi gặp lại những đứa bạn thời thơ ấu, thì tiếng con gái sợ hãi trong điện thoại:
- Mẹ ơi, về ngay, coi ba sao rồi nè.
Khi chị dắt xe vào đến cửa, đã nghe tiếng la hét của anh trong phòng. Tiếng la ú ớ nhưng dữ dội. Thì ra chị đi
chưa lâu thì anh đã cất tiếng gọi chị. Khi chỉ thấy con gái đi vào, nói với anh chị vừa mới ra ngoài có chút việc,
vậy là anh bắt đầu la hét, gương mặt bừng đỏ, miệng anh càng méo xệch hơn. Cơn cuồng loạn ấy chỉ dứt hẳn
khi chị về, vội vã ngồi xuống bên anh. Huyết áp lúc ấy của anh đã tăng vọt 200/100.
Sau lần đó chị chẳng bao giờ còn dám nghĩ đến chuyện ra ngoài cho khuây khoả nữa. Nếu chẳng may lần đó
anh không gượng được, có phải chị sẽ ân hận cả đời không? Còn anh, sau lần đó là cứ mười lăm phút, anh
lại gọi chị một lần. Chỉ duy nhất buổi sáng anh dành cho chị một giờ để đi chợ. Có lẽ, người ngoài không thể
hình dung được cuộc sống của chị là như vậy. Sức chịu đựng của chị mỗi ngày qua mỗi dày dạn, bây giờ thì
ngay đến chị cũng vô cảm với cuộc sống dật dờ của mình.
Anh trước đây không phải là người tệ, dù anh sống đơn giản, ít suy nghĩ. Anh không bận tâm đến tương lai,
chẳng lo nghĩ đến điều chưa xảy đến. Nên dù là bạn của anh Hai, nhưng anh không khắc khoải nghĩ đến những
thua thiệt của đời mình, cố gắng tìm cách thoát ra như anh của chị. Anh sống vui vẻ trên vùng núi cao, trải qua
các mối tình, rồi để ý và yêu chị. Một năm thực sự yêu nhau trước khi cưới, chị say đắm cùng anh những lần rủ
nhau vào rừng tránh xa ánh mắt tò mò của mọi người. Nói thật, con bé mười bảy tuổi là chị sao có thể cưỡng
lại những thể hiện yêu đương nồng nàn của chàng thanh niên hơn mình năm tuổi. Chị đón nhận tất cả, từ những
nụ hôn ban đầu nhẹ nhàng, dè dặt của anh, rồi dần dần là cảm xúc mãnh liệt khi anh ôm siết chị trong vòng tay
mạnh mẽ. Gương mặt đẹp trai của anh lúc ấy, bàn tay không ngừng vuốt ve của anh lúc ấy, nói thật lòng là
cuốn hút chị đến tận cùng của sự đắm say. Con bé mười bảy tuổi chưa từng biết yêu là chị không thể cưỡng
lại được cảm giác bùng nổ nỗi khát khao tự nhiên của tạo hoá cũng là điều hiểu được, thông cảm được. Còn
anh, dĩ nhiên một ngày anh không thể dừng lại, nên hôm ấy, sau khi quay về nhà sau cuộc hẹn, chị cảm thấy tái
tê và sợ hãi vô cùng. Ui chao ơi, chị không dám nhìn thẳng mẹ mình, cả không dám cười nói rộn ràng như
trước đó mấy tiếng đồng hồ. Và thật tệ, khi nhìn thấy đốm máu đỏ tươi trong quần lót, chị sợ hãi đến độ
choáng váng. Vậy là hư hỏng quá rồi. Mẹ mà biết, các em mà biết thì chỉ còn một cách duy nhất là …biến khỏi
cuộc đời này thôi.
Chị ủ ê mấy ngày, tránh gặp anh mấy ngày, rồi thì buông xuôi tất cả. Mới nói, tình yêu, sex, có lẽ là hai thứ
người ta khó mà cưỡng lại được, khó mà bình thản khi chúng đã đến trong lòng mình, trong cảm xúc một lần
đã trải qua. Nó như ma tuý, còn cám dỗ hơn cả ma tuý. Nhưng suy cho cùng, đó thứ ma tuý mang lại hạnh
phúc cho con người. Chị cảm thấy tình yêu mình dành cho anh trở nên mãnh liệt kinh khủng. Xa nhau một ngày
là thấy nhớ, giận nhau một ngày là thấy ngày dài lê thê. Chị yêu đời và anh cũng vậy. Cả hai xoắn xuýt lấy nhau
chẳng rời. Tình cảm ngọt ngào ấy lấn áp tất cả. Tháng ngày cứ trôi đi, cùng niềm hạnh phúc trong lòng chị, cứ
trào dâng, trào dâng như chẳng có điểm dừng. Chị chưa một lần thắc mắc không biết anh thuộc loại người
nào, có hợp với chị không. Lúc ấy cuộc sống đơn giản quá, chỉ có đắm đuối, chỉ có khát khao, ngoài ra tất cả
đều mờ ảo, như sương sa.
Nên sau một năm yêu nhau, khi biết chị có thai hai tháng thì anh cưới chị. Cho dù vì đám cưới ấy, khi ba mẹ
anh được xuất ngoại theo diện HO, mang theo năm người con thì anh đành ở lại.