Seatle mãi mãi xanh tươi
(Thân tặng gia đình Thu Sương)
Phần 1:
Cạnh nhà tôi là một công viên lớn, khung cảnh rất êm đềm. Có hồ bơi, có nhiều sân tennis, sân bóng chày, bóng rổ, có vài chiếc ghế đá đặt rải rác dưới những tàn cây râm mát. Tuy vậy, tôi thích nhất là những con đường mòn quanh co, chạy vòng theo cánh rừng nhỏ, qua cây cầu gổ bắt ngang con suối cạn, róc rách tiếng nước chảy đó là con đường dành riêng cho người đi bộ. Những ngày không có mưa, bất kể là thời tiết nóng như thiêu đốt hay lạnh tê người, sáng sáng, chiều chiều, trẻ già, trai gái trong khu này thường ra công viên, người lớn tuổi thì lửng thửng đi bộ, thanh niên thì chạy, trẻ em thì nô đùa ở những ghế xích đu, cầu tuột. Hai bên đường có đoạn rợp những dây Ivy lá xanh mướt bò tràn cả mặt đất làm tôi nhớ đến Thu Sương, Seatle và những ngày vui …
Để tránh cái nắng cả trăm độ ở cao nguyên Atlanta, mùa hè năm nay, tôi chọn thành phố Seatle, tiểu bang Washington cho những ngày nghĩ phép, cũng nhân dịp dự đám cưới của Cát Tiên, con gái Thu Sương. Mặc dù có sự thay đổi ở giờ cuối, vài người bạn của tôi không cùng đi được, anh Tín vì bận công việc làm ăn cũng ngần ngừ mãi rồi không đi. Không có ai đồng hành, tôi cũng không thay đổi ý định của mình. Chuyến bay dài năm giờ đồng hồ, từ thành phố Atlanta miền đông nam nước Mỹ, sang tận thành phố Seatle thuộc vùng tây bắc xa xôi, xa hơn quảng đường từ Sài Gòn đi Korea, tôi một mình trên máy bay, tuy cô đơn nhưng lòng đầy háo hức.
Seatle đón tôi với những cơn gió mát nhẹ nhàng, dễ chịu. Phi trường quốc tế nhưng không lớn, không tấp nập như phi trường Atlanta. Từ trong máy bay bước ra, chưa kịp lấy hành lý đã có phone của cô dâu tương lai:
- Cô ơi, cô đến chưa?
- Hello con, cô đến rồi, mới bước ra khỏi phi cơ đây nè.
- Cô ăn gì chưa?
- À, ăn sơ sơ trên máy bay rồi con.
- Con bận chút việc chắc con đón cô trể một tí, cô đói bụng hông?
Tôi … lịch sự:
- Không đói lắm.
Con bé thật tình:
- Không đói lắm hả, nếu cô chờ con lâu, cô kiếm gì ăn đở ở phi trường nha cô.
Tánh tôi vốn dễ dải, thoải mái và thông cảm cho cô dâu bận rộn nên OK liền:
- Con khỏi lo, đi xong công việc rồi đón cô, không sao, cô có thể ngồi đây đọc sách một chút cũng được.
Con bé càng … thiệt tình hơn:
- Dạ … chắc không có một chút đâu cô, hơi lâu à.
- Không sao, con yên tâm.
- Dạ, cám ơn cô đã thông cảm cho con, thiệt tình hôm nay có nhiều chuyện xảy ra quá, chút xíu con kể cô nghe. Xin lỗi cô phải chờ con nghe.
Giọng con bé rất thân mật qua điện thoại làm tôi vui vui:
- Cô biết hôm nay con bận, phải đưa đón nữa, không sao mà!
- Dạ.
- Bye nghe cô.
Lấy hành lý xong, tôi phone liền cho đại ca Tín, nhõng nhẽo vài câu:
- Anh ơi, em tới rồi, đói bụng quá!
- Hả, tới nơi rồi hả, có ai đến đón chưa?
- Dạ, đói bụng ghê, ngồi đây mà thèm cái bò bía anh cuốn ngày hôm qua, phải chi đem theo vài cái giờ này nhai đở đói.
- Em đi chơi, vui là no rồi mà, cần gì ăn uống.
Ui cha, câu nói nhẹ nhàng nhưng kèm theo cái lưỡi câu móc họng làm tôi nghẹn ngào:
- Thôi bye nghe anh, em đi kiếm gì ăn đã.
Vội vàng nuốt xong miếng chicken sandwiches nguội ngặm mua từ máy bán thực phẩm, tôi lững thững kéo vali lại gần một băng ghế dành cho khách chờ đợi. Mùi thuốc lá và khói thuốc mịt mù từ cô gái Mỹ trắng ở đầu dãy ghế làm tôi ho sặc sụa. Tôi di tản ra phía ngoài, đứng nhìn dòng người qua lại. Phi trường Seatle không thấy bóng dáng nhân viên an ninh đảo qua đảo lại nhiều như phi trường Atlanta, tôi thầm nghĩ có lẻ nơi đây an ninh tốt hơn hay sao. Khoảng gần 4 giờ chiều Cát Tiên gọi tôi:
- Cô ơi, con sắp đến rồi, con đi xe Honda màu trắng nghe cô.
Tôi nhìn ra xe của Cát Tiên mau chóng, cô bé chạy xe chậm lại, ngừng hẳn khi thấy tôi vẩy vẩy. Hai cô cháu bưng khiêng hành lý cho vào xe, trên đường về Cát Tiên kể lể sơ sơ cho tôi nghe một vài trở ngại ở giờ chót khi cô bé liên lạc với chổ đặt hoa, để chuẫn bị trang hoàng cho lễ cưới tươi đẹp của mình. Vừa lái xe vừa kể chuyện, vậy mà cô bé cũng không quên giới thiệu một vài địa điểm nổi tiếng của thành phố Seatle.
- Đây nè cô, phía bên đó là hảng lắp ráp máy bay Boeing nổi tiếng đó cô, có nhiều cơ sở ở các tiểu bang khác nhưng nơi đây là chính nè cô.
Đi được một khoảng, kẹt xe, cô bé than thở:
- Cô thấy không, ngay ở downtown là kẹt xe khủng khiếp, dân ở đây thường dùng tàu điện, xe bus, đi bộ hoặc đạp xe đạp. Coi kìa, mấy vị đạp xe coi như chỗ không người, đi lan tràn, xe hơi phải tránh xe đạp đó cô.
Theo hướng tay cô bé chỉ, tôi nhận thấy bên cạnh đường lằn cho xe hơi chạy còn có một lằn nhỏ, chừng 1 mét, kẻ song song, có vẻ hình tượng chiếc xe đạp. À, đó là đường dành riêng cho người đi xe đạp. Tôi tò mò nhìn những cảnh “anh trong tay anh, chị trong tay chị” thản nhiên, hạnh phúc đi bên nhau la liệt trên phố, Cát Tiên cho tôi biết Washington đầy những người đồng tính (lesbian) vì tiểu bang đã thông qua đạo luật đó từ lâu. Hèn gì, trên đường phố nơi đây có nhiều cảnh hấp dẫn, lạ hơn nơi tôi sống. Tôi thích thú với những giải thích của cô bé và thầm nghĩ, đúng là đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Cát Tiên còn cho tôi biết:
- Cô chưa gặp được mẹ Sương hôm nay đâu. Tối nay cô ở lại nhà con, mai mình cùng đi Long View làm Lễ Cưới theo kiểu cổ truyền VN luôn nghe cô, vì từ đây xuống đó hơn 2 giờ lái xe đó cô.
Chiều hôm đó, hai tiểu thơ của Thu Sương là Cát Tiên, Cát Nhân và cô bé Misol, cháu gái của Sương đưa tôi đến một tiệm ăn Nhật rất gần nhà, vì khu chung cư của Tiên ngay trung tâm thành phố nên đi đâu cũng đi bộ là chắc ăn nhất. Gió chiều mát mẻ, đường phố hai bên đầy những loại hoa có cánh mỏng manh, nhiều màu sắc tươi thắm. Quán ăn nhỏ nhưng đông khách, trong khung cảnh ấm cúng, các cháu vừa gọi thức ăn cho tôi vừa giải thích rất ân cần. Chúng tôi cùng ăn tối trong không khí thân mật, trò chuyện vui vẻ, khoảng cách tuổi tác như không có cơ hội xen vào. Buổi chiều và bữa ăn tối đầu tiên nơi đây đã để lại trong lòng tôi nhiều cảm tình khó quên. Đêm hôm đó tôi đi ngủ sớm hơn mấy cô bé vì còn quen với giờ giấc bên hướng đông, mặt trời mọc sớm và lặn sớm hơn phía tây 3 giờ. Giấc ngủ không mộng mị, yên bình.
Chúng tôi thức dậy sớm, chuẩn bị lỉnh kỉnh các thứ cần thiết cho hôn lễ, Cát Tiên và Cát Nhân rất cẩn thận, mọi thứ đều ghi vào giấy, ai có công việc nấy, đâu vào đó. Mấy cô cháu phải ghé tiệm đón cô heo quay dùm cho họ nhà trai nữa. Ông chủ tiệm thấy hai cô nhỏ bước vào khiêng heo quay, hai đứa gầy nhom, ông đùa:
- Cả hai đứa chắc nặng không bằng con heo này! Tránh ra, chú bưng cho.
- Cám ơn chú.
- Ừ, hai đứa nhớ ăn heo quay nhiều một chút cho được mập mạp như nó nghe hông?
Hai cô bé le lưỡi cười.
Cát Nhân làm tài xế cho đoạn đường dài này để chị Tiên được nghỉ ngơi. Trên xe, tôi kiếm mấy câu chuyện tiếu lâm, nhất là những câu chuyện ngớ ngẩn hồi tôi mới qua Mỹ kể cho mấy cô bé nghe để quên đoạn đường dài và đở buồn ngủ. Cả ba con bé cười ngắt ngư “Cô làm tụi con cười đau bụng quá!”.
Thu Sương chạy ra mở cửa đón chúng tôi, vẫn nụ cười tươi tắn:
- Vô đây, vô đây, anh Thùy ơi có bạn Sương từ Atlanta qua dự đám cưới Cát Tiên nè. Anh Thùy bạn thân của vợ chồng Sương đó. Đây là anh Việt, ông xã Sương đó Trinh. Ê, mi có nhớ đem trái khổ qua cho ta đó không?
- Có, đầy đủ.
Sương dắt tôi lên phòng trên, nơi chưng bày bàn thờ. Thu Sương đã cắt mấy ngọn thơm, dùng trái cây trang hoàng thành 2 con phượng và hoàng, cô nàng phượng có cái hoa ớt trên đầu rất duyên dáng.
- Mi coi nì, trái ổ qua ni to quá mà màu nhạt, nên làm cái đầu không đẹp, đưa đây ta đổi lại bằng loại ổ qua của mi đem qua, đó thấy chưa, ngó đẹp hỉ. Còn ngó nè, trái ớt đông lạnh nên cái mỏ con phượng cũng xìu xìu, chán chưa. Rồi, được rồi, có trái ớt tươi ni bỏ vô coi đẹp rồi nè.
Tôi lấy mấy trái ổ qua và bịch ớt đỏ tươi mang từ Atlanta qua đưa cho Sương. Hai đứa ngắm qua ngắm lại cái bàn thờ sau khi Sương dùng những món tôi đem qua để chưng bày, cả hai đều hài lòng. Cũng có lư hương, có hình ảnh ông bà bên nhà gái, phía bên trái là một số hình ảnh các ông bà Tây. Đó là hình của những vị quá cố bên gia đình chú rể. Sương rất đắc ý với lối chưng bày này. Đôi tân lang và tân giai nhân có thể bái lạy ông bà, tổ tiên của cả hai bên trước sự chứng kiến của hai họ trai gái. Anh Việt giải thích là anh muốn con gái vu qui với nghi lễ hôn nhân cổ truyền, dù sao đây cũng là cơ hội để người nước ngoài hiểu biết thêm chút ít về tập quán của người Việt chúng ta, cây có cội, nước có nguồn.
Chừng mười một giờ trưa thì họ đàng trai gồm ba mẹ, anh chị, bà nội của chú rể … tổng cọng mười mấy từ Đức và các tiểu bang khác sang. Với đầy đủ mâm quả, lễ vật, kèm theo chú heo quay vàng óng, bốc mùi thơm phức. Qua sự hướng dẫn giải thích đầy đủ mà không kém phần dí dỏm của anh Thùy, hai gia đình đã cùng chứng kiến và chấp nhận mối lương duyên của hai cháu. Nhân vật quan trọng này chính là bạn thân của vợ chồng Sương Việt mà cũng là ba nuôi của Cát Tiên từ khi cô bé một mình sang đây du học hơn mười năm về trước. Anh đã điều khiển buổi lễ trang trọng này rất chu đáo, không quá nặng nề khách sáo mà cũng không vấp váp trở ngại nào đáng tiếc xảy ra. Buổi lễ thành hôn của Cát Tiên và Lars kết thúc bằng bữa ăn trưa, có đấy đủ các món ăn Tây, Việt và cả món ăn chay do chị vợ người bắc đảm đang và khéo léo của anh Thụy một tay lo liệu, vì chú rể là người không biết ăn cá hay thịt từ bé. Tôi tham dự mà lòng ngưỡng mộ vô cùng cho tình bạn thâm niên của hai gia đình Sương Việt và anh chị Thùy, tôi nghĩ đó chính là nền tảng đưa đến sự thành công của hôn lễ hai cháu hôm nay, một cô dâu từ phương đông với một chú rể phương tây, lại có duyên gặp nhau trên đất Mỹ này.
Chiều hôm đó, chúng tôi dắt nhau ra tập dợt đi đứng cho buổi lễ ngoài trời tại một vườn hoa thật đẹp, thật thơ mộng với tên gọi Monte Village. Từng cặp, từng cặp theo sự sắp đặt sẽ cùng khoác tay đi từ trong nhà ra ngoài sân, dưới một vòm cây, giữa hai hàng ghế có những cánh hoa hồng thắm tươi rải dài theo lối đi. Khi tiếng nhạc vừa dứt là những bước chân cũng vừa ra đến trước sân, hai hàng ghế cho khách mời cũng sẽ được gắn hoa, những loại hoa có màu mà cô dâu ưa thích và đích thân chọn cho ngày thành hôn của mình.
Tiếp phần 2