Phần 2:
Ngày hôm sau, tôi và Sương cùng nhau trở về Seatle nghỉ ngơi một hôm tại nhà người cháu anh Việt. Đây là căn nhà khá rộng rãi, cô chủ nhà tên Thảo rất vui vẻ, dễ thương, dành sẵn phòng ngủ cho tôi và Sương. Nhà có cái ban công rộng và thoáng, rất tiện để chúng tôi bày hoa ra cắm, chuẩn bị cho lễ cưới ngày thứ bảy dự định tổ chức ngoài trời, theo phong tục Tây phương với rất đông bạn bè cô dâu và chú rể tham dự. Sáng sớm, tôi và Sương dậy đi bộ, hai đứa kể lể tâm sự về đời sống, cách nuôi dạy con. Đại ca Tín của tôi cứ sáng gọi, trưa gọi, tối gọi hỏi em ăn gì, đang ở đâu, làm gì … nhiều khi thả lựu đạn cay làm tôi chảy nước mắt. Tôi than phiền, Thu Sương nhỏ nhẹ:
- Thì, mi đi chơi, ảnh ở nhà, đâu có tưởng tượng ra bên này như thế nào, chỉ biết quanh đi quẩn lại hỏi rứa thôi, có chồng quan tâm từng ly từng tí, sướng rồi có chi mà than!
Hai đứa vừa đi bộ vừa ngắm tìm những loại hoa lá có thể cắt thêm để trang hoàng. Sương thích loại lá Ivy, vừa xanh bóng, vừa cứng, lại là dây bò trên mặt đất, rất dễ cắt từng chùm để trang hoàng. Hai đứa vừa lội bộ vừa tính toán. Khu này ít có dây Ivy, chỉ có mấy cây liễu, lá xanh rủ dài xuống, Sương xúi tôi bẻ trộm, hai đứa hì hục, đứa níu đứa bẻ, đem về đến nhà thì lại thấy lá liễu rủ màu xanh nhàn nhạt, yếu ớt không thích hợp nếu đem xen kẻ giữa những vòm lá màu xanh thẩm khác. Người chị gái của anh Việt là chị Cúc đưa ra ý kiến sẽ dùng tất cả những loại hoa còn thừa sau khi cắm bình, kết lại thành từng bó lớn để trang hoàng và làm đầy cái vòm cây, nơi cô dâu và chú rể sẽ đứng để làm lễ cưới. Thế là tôi và Sương phải lấy kéo đi cắt hết những đóa hoa trong vườn nhà người cháu Thu sương, đây là loài hoa có màu xanh nhạt, dịu dàng như màu cỏ non, mỗi đóa hoa khi nở rộ thì tròn và lớn bằng cái bát ăn cơm với cái tên rất kiếm hiệp là Hồng Tú Cầu, loại này khi bó thành từng bó rất dễ đắp đầy những khoảng trống trên vòm cây.
Người mẹ kế của chú rể trước kia là chủ một tiệm cắm hoa ở bên Đức, bà này sẽ đích thân làm những bó hoa tay cho cô dâu chính, hai dâu phụ và các chùm hoa gắn lên ngực áo của hai họ. Thu Sương là người đam mê nghệ thuật cắm hoa, Sương học rất nhanh và có nhiều sáng kiến hay. Chỉ có tôi là “lực bất tòng tâm” thích mà đành chịu, bởi đôi tay vụng về, lọ hoa nào được tôi cắm cũng đầy đủ màu sắc yêu cầu nhưng lại to bè bè, tròn quay y như vóc dáng của tôi vậy. Gần trưa thì tôi được biệt phái vào bếp để trổ tài nấu nướng. Với một hộp chả cá thác lác do Kim Liên ủng hộ, tôi sắm thêm một ít vật dụng từ Atlanta đem sang, thoáng một cái, nồi bún chả cá được hoàn thành thơm phức, có đầy đủ hương vị như ở quê nhà. Thực khách thưởng thức tấm tắc khen công trình từ tấm lòng của tôi. Đó là những tô bún chả cá thắm đượm tình thương, tình bạn rất ngọt ngào của chúng tôi đối đải với nhau nơi đất khách quê người.
Người dì của chú rể quả là một phụ nữ điềm đạm, khéo léo và đầy kiên nhẫn, qua chuyến đi này tôi nhận ra tình cảm của người tây phương thật thoáng, họ không phân biệt mẹ ghẻ con chồng, vợ trước vợ sau. Khi gia đình có tiệc tùng, chuyện vui hay buồn thì hết thảy đều xúm xít lại để chia sẻ, không bắt bẻ, không nạnh hẹ hay dòm ngó nhau. Không biết đó là tập quán của người tây phương hay chỉ là nề nếp của gia đình người bạn sui gia của Thu Sương. Dù sao, tôi nghĩ đây cũng là một điều hay, một cách cư xử rất đẹp, vừa có tính cách lịch sự của người Châu Âu vừa làm cho thân tình trong gia đình thêm gắn bó, thật đáng học hỏi. Chú rể hôm nay cứ lẩn quẩn bên bà mẹ kế để làm "thông dịch viên" vì chúng tôi thì không hiểu tiếng Đức, còn bà thì chịu thua với tiếng Anh. Vậy rồi mấy chục lọ hoa, kèm với biết bao bó hoa đã được cắm rất chuyên nghiệp, khiến người ngắm phải ngẩn ngơ. Tôi nghĩ, không có món quà cưới nào sánh được với công trình của một người mẹ kế, đã cặm cụi cả ngày để hoàn tất, sửa soạn cho ngày vui của đứa con chồng, thật quá công phu và đầy tình cảm như thế. Bà Maria thật đáng cho chúng tôi ngưỡng mộ.
Mỗi buổi sáng tôi và Thu Sương cùng rủ nhau đi bộ sau đó cùng ngồi ăn sáng, uống tách cà phê nóng. Thu Sương là người bạn có tánh tình khá lạc quan, không cầu kỳ, ít nhăn nhó. Tôi nhớ Sương khiến tôi cảm động khi nói:
- Có mi qua đây với ta cũng vui. Tụi mình lớn tuổi rồi, con cái sắp có nơi có chốn, ngày vui của con mình có người bạn cùng chia sẻ, vui lắm! Không thôi, ta làm chi cũng một mình, chồng con đương nhiên có một khoảng riêng nhưng tình bạn cũng là một nhu cầu trong đời sống, mi hỉ?
Sáng thứ bảy chúng tôi lại mê mãi với những lọ hoa, dự báo thời tiết chiều nay sẽ mưa. Ánh mắt cô dâu có phần lo lắng, hai chị em Cát Tiên, Cát Nhân và chàng rể sửa soạn đi chụp hình ngoài trời sau khi giao việc cho mọi người. Tôi nhìn cảnh anh Việt cặm cụi ngồi chăm chút sửa soạn mấy chục cái đèn lồng mà cảm động. Món quà là đặc sản xứ Quảng mà anh mua từ Hội An mang qua đây để trang hoàng cho ngày vui của con gái. Tôi và Thu Sương có nhiệm vụ sẽ trang hoàng cho bánh cưới bằng hoa tươi. Trang hoàng các bàn tiệc theo sự sắp đặt cũa cô dâu có giấy tờ chỉ dẫn hẳn hoi. MiSol phụ trách chào đón khách và tặng hoa hồng cho các vị nữ lưu.
Ba giờ chiều, trời đổ mưa, cơn mưa như trút hết bao nhiêu lượng nước từ trên trời xuống, bầu trời mịt mờ. Bao nhiêu lẳng hoa, cụm hoa đã được chất lên xe để mang ra trang hoàng bây giờ không biết để làm gì. Lễ Thành Hôn sẽ được tổ chức trong nhà hàng, những dãy ghế cho khách mời cũng được dời vào trong nhà. Tôi và Thu Sương đến Monte Village thì họ nhà trai và anh Việt cùng một vài người bạn đang trang hoàng phía trong nhà. Cô dâu chú rể đang lăng xăng chụp hình. Căn nhà nhỏ rộn ràng, lao xao. Hoa khắp nơi, góc nhỏ nào cũng có một cụm hoa, những lọ hoa đẹp được chưng trên bàn ăn, chung quanh có rắc cánh hoa hồng trông rất sang, rất rực rở. Đèn lồng được treo trên trần nhà theo hàng lối, đèn lồng sắp dọc theo hàng hiên, treo ngoài ngõ, màu sắc hài hoà. Anh Thùy thật chu đáo với một tấm poster là hình đám cưới cổ truyền mới chụp hôm qua nay đã được anh chọn một số hình đẹp post lên, treo giữa nhà, khách khứa xúm lại xem và không ngớt lời trầm trồ. Tôi cùng Sương lo vội vàng ngắt những cánh hoa lan vủ nữ bé tí vàng óng, trang điểm thêm vài cành khô, vài nụ hoa tiểu hồng màu cam ... Hai đứa hí hửng chụp hình trước giờ dâu rể khai mạc.
Đúng sáu giờ chiều, bên ngoài vẫn mưa rơi, buổi lễ thành hôn của Cát Tiên và Lars được tiến hành trong khung cảnh ấm cúng, trước sự chứng kiến của hai dòng họ. Tập quán đông tây được kết hợp, cô dâu Cát Tiên hạnh phúc đi bên cạnh Ba Việt giữa hai hàng ghế, ánh mắt cô bé ngời ngời hạnh phúc bên cạnh những bước chân như reo vui đầy hảnh diện của người cha thân yêu. Người MC trong lễ cưới là một vị thầy của Cát Tiên, ông có lối điều khiển rất vui, được mọi người tán thưởng. Phần tiếng Việt thì không ai đảm nhiệm khác hơn là anh Thùy. Khi sáng Thu Sương nói với tôi:
- Mi coi, ai cũng nói Sương từ Việt Nam qua đây gả con lấy chồng, chuẩn bị nước mắt mà khóc. Thấy chưa Trinh, ta đâu có khóc, cười hoài, thấy chưa!
Vậy mà ngay lúc đó, ngay giờ phút đứa con gái cùng người bạn đời trao nhau chiếc nhẩn cưới, nói những lời yêu thương đời đời kiếp kiếp trước hai họ và bạn bè, nước mắt Thu Sương ràn rụa, chảy dài trên khuôn mặt. Sương đưa tay ngoắc ngoắc tôi ra hiệu. Tôi chạy đi lấy cho cô bạn tờ giấy mềm để lau nước mắt. Tôi vừa chặm nước mắt cho Sương vừa trêu ghẹo:
- Mới nói khi sáng nghe, chắc là vì ông trời đổ mưa, chớ Sương đâu có khóc. Trời ơi mưa làm macara chảy lem hết nè!
Tuy vậy, tôi biết đó là những giọt nước mắt hạnh phúc của một người mẹ trong ngày con gái cưng vừa thành đạt trong xả hội vừa có được môt mái ấm trao thân. Tận thâm tâm, tôi cũng rất mừng và cầu nguyện cho đôi vợ chồng trẻ được hạnh phúc bền lâu. Một tiệc rượu thân mật với vài món khai vị được nhà hàng phục vụ trong quầy bar có đầy đủ các thức uống được tiếp đãi rất chu đáo. Khách mời, họ hàng, bạn bè đi đi lại lại xôn xao chào hỏi rất nhộn nhịp, từ phòng nọ sang phòng kia. Tiếp theo đó là bữa ăn tối sang trọng được phục vụ trong không khí ấm áp, thân tình; có món thịt bò fillet mignon đặc sắc, món cá trắng, một vài món ăn chay, rau quả và mì ống xào bơ. Phần văn nghệ dạ vũ mở màn với đôi uyên ương trong điệu slow trử tình. Một tiết mục gây nhiều bất ngờ và cảm động là màn song ca của anh Việt và Thu Sương. Trong không khí rất yên lặng, mọi người đều chăm chú lắng nghe. Anh Việt trình bày sơ nội dung bài hát bằng English, khi câu cuối cùng vừa chấm dứt "… Don’t forget, we are your homeland. Con đừng quên con nhé, ba mẹ là quê hương!", tôi thấy Cát Tiên nép người vào người chồng mới cưới, đôi mắt rưng rưng. Chắc chắn đây là phút giây hạnh phúc khó quên nhất trong cuộc đời cô bé.
Mặc dù tiệc cưới không thể tổ chức ngoài vườn để được trang hoàng như dự tính từ trước nhưng cuối cùng cũng được hoàn tất mỹ mãn. Tôi và Thu Sương cứ đứng ngắm khu vườn nhỏ, cỏ cây được cắt xén hoàn hảo, những khóm hoa đủ màu ở các góc sân, dọc theo viền cỏ … hai đứa tiếc rẻ cho biết bao nhiêu lẳng hoa, cụm hoa, cụm lá đã chuẩn bị để trang hoàng. Mưa vẫn rơi rả rich, có đôi khi vừa ngớt hạt là hai đứa rủ nhau chạy ra sân chụp hình. Dưới màn mưa, chúng tôi cũng có được những tấm hình kỷ niệm khá đẹp. Khoảng mười một giờ cuộc vui mới tàn, bà con hai họ lại lục đục thu dọn, cùng giúp chú rể và cô dâu đến phút cuối cùng. Thức ăn được nhà hàng gói ghém lại món nào ra món đó trong các hộp carton. Đêm hôm đó, đôi vợ chồng mới cưới và họ nhà trai, từ Đức sang, ở lại một khách sạn sang trọng. Lại một bất ngờ thú vị trong đêm tân hôn, những cánh hoa hồng được xếp thành hình trái tim và trải dọc lối đi từ cửa vào phòng ngủ của đôi uyên ương. Khi mở cửa phòng bước vào, cả cô dâu và chú rể đều ngạc nhiên trong cảm động. Thì ra đó là màn trình diễn của người mẹ kế, bà Maria với sáng kiến thật ngọt ngào, dễ thương.
Chúng tôi về đến nhà lúc nửa khuya, tôi giúp mấy cô bé sắp xếp lại tủ lạnh chứa thức ăn, lúc này tôi mới nhận thấy sự chịu khó, tánh tự lập, biết toan tính, tiết kiệm của mấy cô bé con gái Thu Sương, điều này rất hiếm thấy ở các “cô ấm cậu chiêu” là sinh viên du học, chứng tỏ sự giáo dục, đầu tư cho các con từ bé của đôi bạn Sương Việt thật chu đáo, kỹ càng. Thu Sương và anh Việt thật đáng tự hào về các con của mình.
Tiếp phần 3